• Hình bìa
  • Lời giới thiệu của nhà xuất bản
  • Chương 1: 25 tháng Tư - 1975
  • Chương 2: 26 tháng Tư - 1975
  • Chương 3: 27 tháng Tư - 1975
  • Chương 4: 28 tháng Tư - 1975
  • Chương 5: 29 tháng Tư - 1975
  • Chương 6: 30 tháng Tư - 1975
  • Chương 7: 01 tháng Năm - 1975
  • Chương 8: 29 tháng Năm - 1975

CHƯƠNG MỘT

 

25 THÁNG TƯ 1975

 

Tỷ giá của đồng bạc Việt Nam: 3500 đồng ăn 1 mỹ kim

 

      Cuối cùng rồi tôi cũng đến được Sài Gòn . Không có dễ gì đến được Sài Gòn và đến phút cuối cùng tôi vẫn tưởng rầng tôi sẽ bị duổi ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất .

      Vài ngày trước đó, tôi đã xin một chiếu khán ở tòa Lãnh sự của Miền Nam Việt Nam . Tôi và anh Raoul Coutard (1) phải thực hiện một cuốn phim về sự thất thủ của Sài Gòn . Tôi có một bức thơ giới thiệu rất tốt của đài truyền hình Pháp và tôi đến trình diện ở tòa Lãnh Sự với cái tên thật của tôi, chớ không phải dưới cái tên L'Artéguy, một cái tên giả mà tôi đã tự đặt ra để xuất bản một vài bài báo mà không phải bị bắt buộc phải xin một "giấy phép"  với cấp trên của tôi. Lúc bấy giờ tôi còn là một sĩ quan trong Quân đội .

       Anh Coutard thì được giấy chiếu khán, còn tôi thì bị từ chối.

Đúng là tôi bị đập một lần nữa. Cả hai tên của tôi đều nằm trong sổ bìa đen ! Một hồ sơ thật đầy đủ làm tên tôi nổi bật lên. tôi bị cấm thời ông Diệm cũng như thời ông Khánh, và thời ông Thiệu lúc đầu. Nhưng, lợi dụng sự cạnh tranh của những người nầy và người khác, và những sự thay đổi chánh quyền , tôi thường len lỏi được dưới mọi thời...

       Nhưng lần nầy thì vô phương. ông Thiệu có một đội ngũ cảnh sát khá giỏi và không tha thứ tôi đã viết về chế độ của ông ta , về cá nhân ông ta với một vài sự thật không mấy vui .

Tôi xin kể :

" Ông Thiệu là một giáo dân, người tế nhị và hay suy nghĩ, lại có tánh quá đa nghi đến độ mà ông không tin một ai hết, theo lời người ta kể lại, kể cả hình bóng của ông khi ông thấy nó trong gương. Nếu cứ tiếp tục như thế mãi ắt có ngày ông kêu người ta bắt giữ chính cái hình bóng của ông !..."

" Nước Việt Nam cứ mỗi ngày mỗi giống nước Tàu thời Quốc Dân Đảng trước thời Mao trạch Đông. Sài Gòn là Thượng Hải nhưng thành công hơn... Cảnh sát trưởng Gia Định đã mua cái ghế đó với giá mười triệu đồng, quận trưởng Tân Bình với giá hai chục triệu đồng. Còn quận 5 ở Chợ Lớn thì chỗ đó lúc nào cũng đấu giá. Khi tôi rời khỏi Việt Nam thì là hai mươi lăm triệu."

     Tùy viên báo chí của tòa đại sứ không chịu tiếp tôi, ông nầy tên là Nghĩa, có họ hàng với một ông cũng tên Nghĩa nào đó , là một người có quyền thế lớn trong chính phủ của ông Thiệu

     Ông dùng điện thoại trong tòa lãnh sự để nhắc tôi :

- "Tôi rất tiếc, nhưng ông có tên trong sổ bìa đen. Tôi phải gởi một điện tín về Sài Gòn để xin chỉ thị của Chánh Phủ ."

Tôi cự anh ta:

- "Chánh Phủ nào ? Ông Thiệu đã xuống rồi và ông tướng Minh sẽ thay thế ông Thiệu, Và chắc ông biết ông Dương văn Minh quá nhiều chớ  ? ông ta là một trong những người bạn của tôi đó. Vậy ai sẽ trả lời điện tín của anh ? Không có còn Chánh Phủ nào đâu, Sài Gòn sẽ mất trong vài ngày nữa thôi, tôi phải có mặt ở đó để chứng kiến xem cái gì sẽ xảy ra, bên cạnh của anh Coutard.

Tôi thương đất nước nầy và thành phố Sài Gòn , và tôi hằng ước mong Miền Nam Việt Nam phải chiến thắng, do đó không có gì ngăn cản tôi nhìn thấy được vì chế độ đã bị ung thối nên mới dẫn đến sự mất nước . "

      Ông tùy viên Nghĩa hơi bối rối, và xin lỗi tôi là đã không giúp gì hơn được cho tôi. Tôi phải chờ phép của một Chánh Phủ đã không còn trên thực tế, và của một ông Tổng trưởng đã chuồn đi rồi.

     Ông Thiệu thì đang sửa soạn hành lý, đóng thùng của cải ... còn ông già Hương dũng cảm người thay thế ông Thiệu thì lại điếc.. Người ta thấy ông trả lời điện thoại một cách khó khăn. Và ông lại quá cận thị nữa, người ta thấy ông đọc một công điện cũng khó khăn nữa. Tôi nhớ lại ông Hương như là một người dũng cảm nhưng hoàn toàn không có hữu hiệu. Đúng là một chiếc độc bình..

       Ngày mai là ngày có chuyến bay, mà có thể đây là chuyến bay cuối cùng đáp xuống được phi trường Tân Sơn Nhất Do vậy tôi phải liều.Tôi lấy vé đi Hong Kong, vì biết rằng chuyến bay của hãng Air France không đi xa hơn Sài Gòn , ở đó phi cơ sẽ rước đầy ấp các người tỵ nạn Pháp, Việt và Mỹ. Tôi sẽ xin một chiếu khán quá cảnh tại chỗ, và trong cảnh hỗn loạn có anh cảnh sát nào lanh mắt nhìn ra được tôi? Tất cả những người Pháp đều có quyền có một chiếu khán quá cảnh 7 ngày, trừ phi người đó có tên trong sổ bìa đen.

      Ngày 24 tháng 4, chuyến bay của chúng tôi, chiếc phản lực Jumbo gần như trống.. Trong số hành khách ít ỏi nầy, có ông Paul d'Ornano, một người dân Corse, thượng nghị sĩ của cộng đồng người Pháp ở Viễn Đông, ông ta mang theo cho các cử tri của ông một công điện của Tổng Thống Pháp để yêu cầu họ hãy ở lại tại chỗ và đồng thời cũng đem theo 4 người nữ y tá của hãng Hàng Không Air France đang trong thời kỳ nghỉ phép, để họ đến săn sóc giùm những người tỵ nạn. Những người nữ tốt bụng. Có một không khí "đời tàn" trong chiếc phi cơ rộng lớn nầy. Chúng tôi chỉ  là một nhóm nhỏ , những người không biết nhau nhưng chúng tôi cảm thấy thật gần  nhau . Chúng tôi muốn ôm nhau từng người một. Riêng tôi, lúc nào cũng thấy lo ngại, tự nhủ thầm : Liệu tôi có thể qua được hay lại bị đuổi đi như một người không lương thiện? Nếu họ giữ tôi lại phi trường, thì tôi sẽ cố tìm cách để chuồn đi... chỉ cần bỏ ra một số mỹ kim thôi.

      Đến Sài Gòn rồi. Tim tôi càng đập mạnh. Cũng thật may mắn, khi tôi bước xuống khỏi phi cơ, tôi gập ngay ông Lãnh sự Pháp, ông M.de Beauvais, một người mà tôi đã quen ở Lào. Ông ta đến đón ông Thượng Nghị Sĩ Paul d'Ormano và ông Morgan một anh Pháp lai rất tế nhị, quen thuộc với tất cả các đường dây và với tất cả các mưu mô thủ đoạn. Morgan lấy tờ thông hành của tôi và lo mọi thủ tục cho tôi. Tôi thấy ông ta nói chuyện với anh cảnh sát, dĩ nhiên là không biết nói chuyện gì , trong khi anh cảnh sát đóng mộc vào tờ thông hành của tôi như một cái máy . Thế là tôi đã có một chiếu khán quá cảnh. Anh ta không nhìn tý nào vào giấy tờ của anh ta. Cái anh chàng Morgan nầy phải là một người chơi xì phé có hạng lắm, hay là một nhà ảo thuật cừ khôi. đang chơi trò ảo thuật..

 

     Bây giờ là tôi đang ở Sài Gòn . Một cảm giác tuyệt vời. Thành phố mà tôi gặp lại không có một chút gì thay đổi, từ lúc tôi còn ở đây lần cuối cùng vào năm 1971. Cũng một dòng vô trật tự của xe gắn máy và của xe 4 ngựa cũ kỹ như những cái xoong còn chạy bằng dầu, cũng những mùi xăng và mùi hôi thúi như thuở nào. Những chiếc xe Jeep và những quân xa chở nhiều dân tỵ nạn hơn là binh sĩ và những vật dụng hỗn tạp không một chút liên quan nào đến cuộc chiến. Cảnh sát thì dửng dưng đối với sự lưu thông hỗn loạn nầy, vốn là hình ảnh của đất nước nầy. Mỗi người cứ làm theo ý của mình.

       Theo báo chí của Pháp và của Hoa Kỳ thì tình hình bi thảm lắm. Người ta bíết là Bắc Việt chỉ còn cách Sài Gòn có 25 cây số mà thôi. Ở Xuân Lộc đang có một cuộc chiến rất là gay go , người ta phải xử dụng đến loại bom hút dưỡng khí CBU gây tử thương hằng ngàn người mà không sao cản nổi sức tiến của quân cộng sản .Tất cả đều nát hết. Các thành phố ở về phía Bắc đã mất rồi :Đà Nẵng thì bị thất thủ sau Huế, còn các tỉnh miền Duyên Hải về  phía Bắc của Nam Việt thì bị thất thủ tỉnh nầy đến tỉnh khác, như sung rụng vậy. Tôi đến một thành phố yên tĩnh vốn đang tiếp tục chăm lo việc buôn bán như thường lệ, một thành phố có vẻ thật sự bất cần, dửng dưng trước mọi sự..... Cả một sự ngơ ngác ! Các anh cảnh sát hình như chỉ dễ dãi hơn với các anh tài xế tắc xi và không  thấy họ lấy thuế giữa phi trường và thành phố nữa để có thêm tý tiền vào lương của họ.

      Tôi thấy khách sạn Continental không có gì thay đổi, và ông Lợi, ông già giám đốc,  vẫn tươi cười và vẫn mập như ông Phật Di Lặc. Ông siết mạnh tay tôi thật nồng ấm.

     Các tiệm buôn cũng như các quán nhậu có gái ở đường Tự Do vẫn mở cửa. Cuộc sống vẫn tiếp tục. Các anh bồi phòng thì cười ngất khi thấy mặt tôi. Tôi không biết tại sao, tôi thường tạo niềm vui cho các anh bồi phòng của khách sạn Continental nầy, bởi vì thường thì tình trạng của tôi rất là bất bình thường, người ta hay tìm tôi để trục xuất tôi, và sau đó lại dẫn tôi trở lại hay là người ta quên tôi luôn không chừng. Tôi là một trong những trò vui của khách sạn.Các anh bồi phòng nầy được coi như một nguồn tin tức. Ngồi xổm ở cuối hành lang, theo dõi được tất cả, họ rất là lanh lợi và giúp đỡ mọi người . Coi như họ là thành viên của gia đình tôi ở Sài Gòn vậy.   

     Tôi chiếm một phòng rộng lớn mà tôi đã từng ở lúc trước, có quạt máy ở trên trần, có vòi nước gương sen trong phòng tắm, nhưng cũng co một vài con gián.. Ngày thứ hai thì tôi lo hợp pháp hóa tình trạng của tôi và lo đổi chiếu khán quá cảnh của tôi thành chiếu khán cư trú. Tôi không nhờ tòa đại sứ hay tòa lãnh sự Pháp, mà tôi trả tiền cho anh gát cổng để anh đi phân phối vài ngàn đồng cho những tay cảnh sát. Tất cả mọi người đều có phần của mình.

     Ở Việt Nam, người ta phải biết là nên tránh giao dịch với những công chức quan trọng mà phải giao cho những người nho nhỏ ở bên cạnh họ vì những người nầy biết cách dàn xếp mọi việc mà không một chút ồn ào.

    Tình hình các biến cố quá dồn dập đến độ tôi không còn kịp xin chiếu khán nữa.

    Tôi đi một vòng lần đầu tiên ra thành phố. Coi như tôi đi đổi gió. Tôi bắt đầu hỏi về tỷ giá của đồng bạc, một hàn thử biểu không sai lầm được ở Sài Gòn nầy.. Tỷ giá nầy chẳng những được lối chơi ngông của giới nhà báo chúng tôi ấn định bằng cách loan tin tức thật hay giả, mà thường thì do người Tàu và người Mã lai, vốn đứng đắn biết cách đánh giá đúng tình hình.  Tỷ giá bây giờ là 3.500 đồng ăn một mỹ kim, nhưng phải lên đến 4000 đồng cho giấy 100 mỹ kim, trong lúc giá chánh thức chỉ có 755 đồng cho một mỹ kim. Tôi kết luận ngay là có nhiều người theo sát thời cuộc đã quá lo ngại về tình hình nên đã sửa soạn cuốn gói.

    Tôi thử điện thoại đến một số bạn bè, một số nhân vật trong hai chính phủ cũ và mới, nghị sĩ hay tướng lãnh, chủ báo hay  một vài nhà báo thường. Tôi chỉ nghe được lời của người giúp việc: " ông đi khỏi rồi" hoặc "ông, .. bà... không có ở nhà", hoặc "có thể ông tôi sẽ về lại ngày mai". Đôi khi tôi còn nghe tiếng cười hô hố trong điện thoại "Ông... đã đi lâu rồi, đi nghỉ hè ..Hi Hi.."

      Tôi lần theo dấu của vài người bạn người Trung Hoa. Cũng y như vậy thôi. Không có người nào ở đầu dây. Một số người Việt Nam và Trung Hoa đã chạy đi rồi, trong số những người có chút địa vị quan trọng hay giàu có . Chỉ còn lại những con cá nhỏ hay là những kẻ vô tư lự - những người lê dương không biết sợ là gì - hay những người chưa tìm được dường dây có thể đưa họ rời khỏi thành phố vốn không biết thất thủ lúc nào... Tôi trở về phòng và các kỷ niệm cũ tuần tự ùn ùn kéo đến với tôi...

                                                               

*

*        *

                                                         

     Cách đây 25 năm, tôi đi dạo trên đường Tự Do. Người ta ngồi uống rượu cỏ nhác-sô đa hay Pernod trên sân thượng, lúc bấy giờ chưa có huýt ky. Sài Gòn không có vẻ gì là một thủ đô cả, nó là một loại thành phố pha trộn giữa một thành phố của Miền Nam và một thành phố thuộc địa với những mái hiên lớn, với những cửa sổ mở rộng và các anh bồi bàn mặc toàn trắng. Có một không khí vừa hấp dẫn vừa khó chịu đối với những người mới tới đây. Trong lúc các binh sĩ đang chết ở ngoài Miền Bắc thì người dân ở đây lo làm tiền, và nhóm dân Corse thì lo buôn bán ngoại tệ, lo mở sòng bạc và nhà thổ, đi lễ nhà thờ, làm việc từ thiện và đôi khi mướn bọn giết người để thanh toán nhau... Tôi được mời lên chơi ở một đồn điền cao su ở Lộc Ninh, thuộc nhóm công ty Đất Đỏ. Đời sống của các chủ  đồn điền cao su ở đây thật như "ông hoàng", người Anh đã nói như vậy.

     Người ta bắt đầu cạo mủ cao su từ sáng sớm tinh sương. 11 giờ trưa thì hồ bơi được dành cho phu nhân của các phụ tá và giám đốc đồn điền. Rồi thì nghỉ trưa. Chiều thì vào câu lạc bộ, mặc toàn trắng và áo dài."Muốn tới đâu thì tới" ! Với sự nguy hiểm đang rình rập. Thật là rất hấp dẫn, khiêu vũ bừa bãi. Nhưng bừa bãi ở đây đôi khi cũng là cái chết. Vùng nầy coi như đã thối từ lâu rồi và có những toán Việt Minh từ năm 1950 đã bắt đầu kiểm soát vùng đồn điền cao su mà ở đây chuyện cũng dễ dàng quá vì đại đa số nhân công và nhân viên đều từ Miền Bắc tới.

     Câu lạc bộ vườn cao su Lộc Ninh đã bị tấn công sau khi tôi rời khỏi nơi đó và cuộc chơi đã chấm dứt bằng một cuộc tàn sát. Máu me be bét đầy cả các áo vét trắng và các áo dài dạ hội. Tôi đã bị các kiều dân Pháp nầy quyến rũ, họ rất can đảm, không  lo nghĩ gì hết, và quá đua đòi làm sang khi sống chung với người dân Việt Nam ở đây, mà họ không muốn biết là ai hết. Người dân ở Miền Nam rất tế nhị và rất hoạt bát, họ có thể lấy cắp của bạn một cách rất là vui vẻ, vừa rất trung thành vừa vẫn không trung thành , tận tình với bạn mà vẫn giữ tính độc lập của họ, ngạo nghễ và hơi kỳ lạ. Cái đẹp bí ẩn của thành phố Sài Gòn nằm ở chỗ có sự pha trộn của người dân da trắng hạng sang ở các dường phố đầy bóng mát chung quanh nhà thờ lớn, của người dân da trắng bình dân hơn ở vùng Dakao những người sẵn sàng tham gia mọi biến cố dù là biến cố nguy hiểm nhứt, của những người lai có chân cả mọi phía, những người đang nắm giữ lực lượng cảnh sát công an, của các công chức người Việt Nam ôm cứng các công thức hành chánh lúc nào cũng viết chữ thật đẹp như các thầy dòng ở các trường đạo. Chung quanh họ là dân chúng lúc nào cũng lăng xăng , đông đảo, hiếu kỳ và vui tính. Còn phải kể thêm những người Tàu tinh tế mà bụng lúc nào cũng no tròn cũng như tài sản và sự nghiệp của họ.. Lại có tiếng cắt cụp của những xe mỳ bán dạo,  và các hộp đêm có tên là Xóm nhà lá..... Đồng bạc trị giá chánh thức là 17 quan Pháp. Ở Câu lạc bộ thể thao, các cô gái nằm hứng nắng trên bờ hồ tắm . Có những sĩ quan trẻ đến tán tỉnh họ, các sĩ quan nầy về nghỉ phép ngắn hạn ở đây trước khi trở về chiến đấu ở đồng bằng Bắc Việt hay trong rừng núi miền Thượng Du . Họ nói cho các cô nàng nghe về những người thuộc dân tộc thiểu số mà họ chiêu mộ vào thân binh như những người Nùng, người Thổ, người Mường hay người Thái trắng...

       Vẫn có một vài bà hoàng ở Sài Gòn . Họ đã về già như tôi rồi, nhưng họ vẫn còn giữ một vài nét vinh quang, dù giờ đây họ đã nghèo..Và tôi chắc chắn rằng họ đã khóc nhiều khi họ biết rằng thành phố Sài Gòn của họ sắp chết..

        Ngày xưa Sài Gòn là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Chánh thức thì Hoàng đế Bảo Đại trị vì ở đây, nhưng chỉ là một hư cấu mà mọi người đều vui vẻ hòa thuận với nhau thôi. Ông ở trên Dà Lạt, thường đi săn cọp, uống rượu và đi tán gái. Còn người Pháp thì mới thật sự là những người cai trị Đông Dương nầy và các binh sĩ thuộc đạo quân viễn chinh Pháp thì lo đánh giặc, nhất là ở Bắc Việt . Về sau, tôi đi ra Hà Nội để biết thành phố nầy và bởi vì tôi lúc đó còn trẻ và cũng còn thích nghe tiếng súng, nên tôi có ý thích Hà Nội hơn là Sài Gòn . Giữa Hà Nội và Sài Gòn lúc nào cũng có một sự cạnh tranh. Hà Nội duyên dáng hơn và ít quyến rũ hơn Sài Gòn . Đây mới thật sự là một thành phố có lịch sử, có nhiều công trình cổ xưa hơn hai thế kỷ trong lúc Sài Gòn thì không có gì cả.

       Hà Nội có những ngôi đền cổ như chùa Quạ, được xây cất cách xa bờ biển, bên cạnh hai cái hồ nơi được phản chiếu những cái miếu. Thành phố Hà Nội có vẻ khắc khổ, ở đây có mùa đông lạnh lẽo. Các cửa sổ đều có kính, và có khi người ta còn phải đốt lửa trong các lò sưởi...

       Người dân Miền Bắc phải chiến đấu cả với thời tiết, khí hậu, sự nghèo đói (đồng bằng Bắc Việt là một nơi có dân số đông đúc nhất thế giới), và cả với nạn lũ lụt của sông Hồng, nên họ rất cứng rắn và ít cười đùa. Người của họ thấp bé và có gương mặt trẹt. Họ rất dễ bị cuồng tín, quyết tâm đấu tranh đến kỳ cùng, nên họ không có được lối sống quá đáng và cá nhân chủ nghĩa không chữa được của người dân Miền Nam ..    

      Họ được sanh ra cho những cuộc phiêu lưu lớn, tập thể, để xâm chiếm, cho chiến tranh. Họ thích những chế độ ở đó người ta cùng đi đều bước, trong khi ở Sài Gòn thì như gái điếm của Á Châu. Người ta khiêu vũ với bất cứ loại nhạc nào. Người ta có thể ví họ như những nhà tiên tri của thành phố Jérusalem, một thành phố mở rộng tay cho tất cả những ai qua đường.. Một cô gái nhưng trong tinh thần hoàn toàn tự do của những người bán thân, mà không theo ai bao giờ.    

       Sài Gòn quyến rũ tôi mà cũng đôi khi làm tôi bực tức. Hà Nội là thủ đô của chiến tranh mà Sài Gòn hình như không cần lo nghĩ tới.. Người ta lo làm tiền bằng mọi cách, người ta đi ra ngoài chơi, khiêu vũ, tán gái.. người ta dám thua cả một nắm giấy bạc trong các sòng bài ở Đại Thế giới , nơi mà luôn có sự gian lận, để rồi sau đó vào tiệm hút bàn luận về cuộc đời, sống và chết....đôi khi bàn luận về Chúa trong khi uống trà hay hút một điếu thuốc phiện để tỏ ra mình sành đời.

        Sài Gòn tự đứng ngoài chiến tranh . Người ta có thể nói Hà Nội là thủ đô của chiến tranh còn Sài Gòn là thủ đô của đồng bạc.  (Cái không khí đó tôi vẫn còn thấy vào tháng 4 / 75, trong lúc chiến tranh đã đến gần vùng ngoại ô của thành phố rồi, nhưng Sài Gòn vẫn tiếp tục sống vô tư lự. )

       Tôi trở lại Việt Nam vào năm 1952, lần nầy thì tôi ở lại hơi lâu. Tôi đã phải theo dõi cuộc chiến ở Đông Dương cho tờ Paris-Press. Tôi ở lại Sài Gòn vài tuần lễ và ở đó tôi đã lấy lại được các thói quen của tôi. Trái với người ta đã tưởng, các nhà báo thường hay quanh quẩn ở nhà.

       Chúng tôi gập nhau tất cả cùng ở một nơi và vào những giờ nhất định. Chúng tôi ở khách sạn Continental là trung tâm điểm báo chí của Sài Gòn . Người vừa mới tới thì đến đó để bắt mạch Đông Dương , dù anh từ Ba Lê,  Nhiêu Do, hay từ Luân Đôn, La Mã hay Bonn . Ngoài Continental ra cũng có một vài quán rượu ở đó người ta cho chúng tôi thiếu chịu. Cũng như tiệm Amiral của ông Paul Boyer, người biệt kích đã cùng tôi chiến đấu ở Viễn Đông . Và còn một vài nơi nữa nhỏ hơn nhưng có quá nhiều ruồi. Rồi người ta đến lượm lặt vài giòng tin tức ở tòa soạn báo Đông Dương - Đông Nam Á Châu, một tờ báo được Chánh Phủ trợ cấp- hoặc ở đài phát thanh. Quân đội thì chuyên chở chúng tôi không mất tiền, còn câu lạc bộ của các đơn vị thì luôn luôn mở rộng cửa đón chúng tôi . Người ta kiểm duyệt các điện tín của chúng tôi . Nhưng sau những cuộc mặc cả lăng nhăng với những người kiểm duyệt, cuối cùng rồi thì chúng tôi cũng gởi đi được gần như những gì đã xảy ra. Nhưng tôi còn muốn biết thêm Hà Nội nữa.

     Khi tôi vừa đến thủ đô Miền Bắc tôi bị quyến rũ ngay. Buổi sáng sớm nầy ở bên bờ hồ nhỏ với ngôi chùa nhỏ ở giữa hồ và chiếc cầu vòng cung dường như làm bằng sơn mài đỏ... Người ta ngửi thấy mùi chiến tranh ở đây. Người ta nhảy vào thảm kịch. Hai dân tộc, hai nền văn minh, hai hệ thống chánh trị đụng độ với nhau, và nếu chúng tôi có binh sĩ thiện chiến thì ngọn gió của lịch sử than ôi đâu có thổi về hướng mình.

      Trái lại ở Sài Gòn dường như người ta không biết sự đối đầu nầy. Đó là một sự pha trộn hổn hợp giữa dân lai và người Việt Nam thân Pháp, những chánh trị gia , mặc dầu bị bịt mắt, vẫn là những người Pháp xã hội cấp tiến. Hà Nội thì không . Các vị trí chiến đấu rất là chắc chắn được đào kỹ.

      Tôi đã ở Hà Nội vài tuần. Tôi đã theo dõi một số cuộc hành quân, như trận Na San, gần giống như trận Điện biên Phủ, nhưng thành công. Tôi đã chứng kiến một sự tan rã của người Pháp trong xứ Thái và đã sống ở Lai Châu, trên đèo Claceau vào những giờ sau cùng trong vùng nầy, một trong những vùng mà tôi cho là đẹp nhất trên thế giới. Tướng Salan đã thay cho tướng De Lattre vừa mới qua đời. Người ta gọi ông tướng nầy là "quan liêu", khác hẳn với người mà ông vừa thay thế. Không như những người tiền nhiệm của mình, ông đã tránh không làm những điều quá vinh quang mà dại dột, là không làm gì hết.

      Khi tôi không đi theo một đơn vị nào đó trong cuộc hành quân thì tôi sống trong trại báo chí. Rất là ít tốn kém, số tiền mà tờ Paris-Press trả cho tôi chỉ giúp tôi vừa đủ sống. Trong khi ngoài mặt trận thì lương thực tác chiến không phải tốn xu nào. Còn ở Sài Gòn thì là tôi nghỉ ngơi., thư giản... Khác hẳn với một số lớn bạn đồng nghiệp của tôi, tôi không về Sài Gòn thường. Lúc nầy tôi rất là nguyên tắc trên phương diện tôn giáo. Tôi vừa trút bỏ bộ quân phục, và Sài Gòn dưới con mắt của tôi là một thành phố của tội lỗi và của đời sống dễ dãi. Tôi trách nhất thủ đô Miền Nam vì ở đây không ai quan tâm đến chiến cuộc cũng như sự thắng thua lúc đó. Mối tình của tôi được đặt ở Hà Nội nhưng điều nầy không cấm cản tôi thỉnh thoảng phải về Sài Gòn với người bạn gái lai đẹp đẽ của tôi.

     Tôi ở Đông Dương cho đến năm 1954, vào cái năm thất trận Điện biên Phủ, thỉnh thoảng cũng có đi qua Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Hong Kong, hay Nhật Bổn và cũng có về lại Pháp một vài chuyến. Tôi nghe được tin thất trận của chúng tôi ở Việt Trì, nơi mà các tiểu đoàn của Võ nguyên Giáp đã đe dọa từ lâu. Sự thất trận nầy đã là một hồi chuông báo tử cho Hà Nội . Tôi vẫn nhớ rõ là ở Sài Gòn không khí lúc bấy giờ rất đỗi lạ lùng, cũng giống như vào những ngày cuối tháng 4 năm 75 vậy. Người ta tổ chức những buổi lễ cầu nguyện ở nhà thờ, người ta phải làm như vậy vì có những trận có đến mấy ngàn người hy sinh. Nhưng rồi người ta cũng không tin. Tất cả họ cho là là bề ngoài, không đúng sự thật. Chúng tôi phải thú thật rằng ở Sài Gòn thì người ta bất cần biết gì hết trong lúc ở Hà Nội thì là một thảm kịch. Hà Nội thì tang tóc còn Sài Gòn thì vừa ngoe nguẩy sau  đám táng vừa lẩm bẩm : "Chuyện xảy ra ở ngoài kia, giữa người Miền Bắc và người Pháp. Với chúng ta , cũng dễ giàn xếp thôi . "

     Chuyện đã dễ giàn xếp thực vì Hiệp Định Genève dự trù sẽ tách rời Miền Bắc và Miền Nam , một sự ly dị giữa Hà Nội và Sài Gòn . Hiệp Định cũng dự trù phải có tổng tuyển cử, một chuyện không bao giờ xảy ra bởi vì không ai muốn hết. Đối với người Việt Nam , cũng như đối với người Á Đông, thế giới của hình thức, của bề ngoài hoàn toàn khác hẳn với thế giới hiện thực. Vấn đề tổng tuyển cử "dân chủ" thuộc về thế giới của bề ngoài, là trò giả hiệu. Người ta chỉ thi hành một bên nầy cũng như phía bên kia mà thôi. Cho nên tổng tuyển cử chỉ là một hình thức mà thôi không hơn không kém.

      Trong thời gian chiến trận Điện biên Phủ , vào một lúc nào đó, tình hình quân sự (không phải chánh trị) có thể bị đảo ngược nếu người Mỹ chấp nhận can thiệp vào với lực lượng không quân của họ. Và như thế thì họ sẽ không bị thảm bại hai chục năm sau, và người ta có thể thương lượng với những điều kiện khá vẻ vang hơn. Chính từ Điện biên Phủ nầy mà người Mỹ đã bắt đầu chuốc lấy sự bại trận trong cuộc chiến tranh nầy, vì họ không hiểu được rằng sự thất trận của nước Pháp chính là sự thất trận của Tây Phương.. Chúng tôi đã mất mặt một lần rồi khi chúng tôi đã phải nghiêng mình trước những đòi hỏi của người Nhật. Chúng ta , những người mũi lõ (mũi cao) - ở Á Châu, người ta thường gọi tất cả những người da trắng như vậy - chúng ta phải giữ sự đoàn kết chặt chẽ với nhau. Người Mỹ trái lại, họ tưởng rằng với Điện biên Phủ, họ đã chiến thắng được những người thực dân Pháp.   

      Chúng tôi không phải ở trong thời kỳ đó nữa. Chúng tôi tìm kiếm một cách vô vọng một chiến thắng tưởng tượng để được thương lượng trong những điều kiện vẻ vang.

      Các tướng De Lattre, Salan và Navarre đã có nhận được lệnh là thương lượng, một khi tình hình quân sự đã được phục hồi. Chúng tôi  đánh nhau trong những năm dài ở Đông Dương để vãn hồi hòa bình và đưa chúng tôi ra khỏi hoàn cảnh khó xử nấy.

      Nhưng bọn Việt Minh không cho chúng tôi thi hành điều nầy một cách dễ dàng. Họ nhất quyết phải đạt cho bằng được một chiến thắng quân sự , bởi vì người da trắng phải mất mặt hẳn  mới được . Họ chết bao nhiêu cũng không cần. Người cộng sản Việt Nam thích chiến tranh hơn là hòa bình. Họ không có khả năng chờ đợi một năm, hai năm để trở thành người chủ của đất nước  nầy mà không có bắn được một tiếng súng. Họ đã võ trang cho cả nước để nung nấu hoàn toàn chiến tranh mà không cần biết gì đến quốc gia dân tộc. Kể cả lẩn tránh một số bài toán mà nền hòa bình đã đặt ra, những bài toán không giải quyết được như sinh kế của cả Miền Bắc Việt Nam.  

     Chúng tôi bị thua ở Điện biên Phủ trong những điều kiện thật là khó khăn, mặc dù có lương tri. Chúng tôi đã tạo ra một căn cứ ngay trong miền núi, xa hẳn các căn cứ khác và các phi trường của mình. Vả lại chúng tôi thiếu phi cơ. Chúng tôi tập trung quá nhiều lỗi lầm chiến lược cũng như chiến thuật. Nhưng chúng tôi vẫn giữ được , thường nhờ người Miền Nam Việt Nam đã không bỏ chúng tôi . Đây chỉ là một cuộc thất trận chớ không phải một thảm họa. Bọn Việt Minh cũng hiểu như vậy bởi vì chúng chấp nhận thương lượng với chúng tôi ở Genève. (lúc bấy giờ người ta gọi cộng sản Miền Bắc là Việt Minh ) Sự ra đi của người Pháp khỏi Miền Bắc được tiến hành trong danh dự. Nhưng rồi sau đó chúng tôi đã lại phải rút đi ra khỏi Miền Nam vì người Mỹ đã muốn thay chân chúng tôi một cách quá gấp.

      Tôi đã mất Hà Nội , nhưng tôi vẫn còn Sài Gòn .

       Và không khí ở Sài Gòn  thật là lạ lùng. Một triệu người di cư người công giáo đã đến từ Miền Bắc đã định cư ngay cửa ngỏ của thủ đô của Miền Nam Việt Nam .Một người công giáo nhiệt tâm, có cả tinh thần quan lại lẫn thầy tu xuất, ông Ngô dình Diệm , được người Pháp chúng tôi đưa lên nắm chánh quyền dưới áp lực "thân tình" của Hoa Kỳ và của Giám Mục Spellmann.

      Cao Ủy Pháp lúc bấy giờ là tướng Ely. Một cái đầu thông minh như người Hy Lạp, một tín đồ ngoan đạo Tin Lành thuộc dòng quý tộc, trong túi đầy ấp những nguyên tắc, mê say luật lệ và công lý.. nhưng không biết tý gì về đất nước nầy, một đất nước mà công lý bị lẫn lộn với quyền lực, và luật lệ bị lẫn lộn với sự tế nhị.

      Ông thú thật trong Hồi Ký của ông về sự thiếu khả năng của ông. Ông yểm trợ hết mình lá bài Ngô đình Diệm, trong khi các vị khách lớn tuổi của Đông Dương, tất cả những người Pháp đã biến thành dân Á Châu, những người đã từng quỳ gối trước các giáo phái và các cơ quan mật vụ, đều đặt hết tín nhiệm vào ông Bảo Đại và vài vị tướng lãnh trẻ đang ủng hộ chúng ta . Vì họ biết rõ rằng ông Diệm là người của Hoa Kỳ , ông ta sẽ đuổi hết người Pháp đi và mạnh miệng tuyên bố là ông ta không chấp nhận Hiệp Định Genève. Do đó ông ta chỉ cần không thi hành Hiệp Định đó, là sẽ cung cấp cho quân thù một cái cớ rất có giá trị trên bình diện chánh trị quốc tế, để gây lại chiến tranh .

      Một số người Pháp thì ủng hộ các giáo phái, số khác thì ủng hộ ông Diệm.     

     Ở đây tôi không đi sâu vào chi tiết về cuộc chiến nầy vì ở đó cái ý nghĩa cao đẹp của nó dôi khi lẫn lộn với một cái gì bẩn thỉu. Ở đây đã có 3 giáo phái, hai thuộc về tôn giáo. Đó là giáo phái Cao Đài thuộc Tòa Thánh Tây Ninh, và giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Châu đốc. Còn phái thứ ba là Bình Xuyên, một tổ chức hổn tạp gồm bọn bất lương, bọn cướp bóc đường sông và biến thành những kẻ tống tiến. Trưởng phái nầy là Bảy Viễn, người làm tất cả mọi việc cho Bảo Đại, vì ông nầy cho phép y mở các sòng bạc ở Chợ Lớn, cũng như các tiệm hút thuốc phiện và cả các ổ điếm. Bảy Viễn cũng còn cho mở một nhà thổ khổng lồ gọi là Bình Khang, chứa gần ba ngàn gái điếm ngay gần một công viên. Thật là kinh khủng. Sự hủ hóa nầy đã lên đến tuyệt đỉnh, đi tới chổ quá loạn. Sự đồi bại nầy ở tầm tay của mọi người với bất cứ giá nào. Tất cả đều được thực hiện với sự tăng cường tối đa bằng đèn nê-ông trong sự căm ghét của người Việt Nam . Mỗi cô hay mỗi nhóm đều có phòng riêng với phòng ngủ và phòng khách sang trọng. Người ta có thể chọn lựa từ cô gái Cam Bốt 12 tuổi đến cô gái Tàu lớn hơn và đẹp của Hải Nàm, dĩ nhiên cũng còn có các cô gái Thái và Việt Nam ẻo lả nữa.. Đồng thời Bảo Đại cũng giao cho Bình Xuyên ngành cảnh sát , công an (vì ông ta cần có tiền). Tướng cướp giờ là chỉ huy trưởng cảnh sát ! !

      Dựa vào Quân đội quốc gia , và ngân khoản dồi dào do Mỹ cung cấp,  xử dụng vừa tiền vừa súng liên thanh , ông Diệm thanh toán cả 3 giáo phái nói trên. Trước hết là Bình Xuyên. Phải trục xuất hết bọn công an đang nằm ngay đầu đường Catinat (sau đổi thành đường Tự Do) và cả trong Chợ Lớn mà họ đang giữ chặt. Tôi còn nhớ rõ các trận đánh trên đường phố, tiếng súng ở khắp nơi cũng như các đám cháy ở một vài khu vực dân cư trong thành phố..Tôi nghe tiếng súng bắn, tiếng đạn reo ở trên sân thượng của khách sạn Continental, ở chợ Bến Thành, và sau đó tôi thấy tôi đang nằm trong một cái rãnh bên lề đường, nằm giữa hai lằng đạn của hai bên... nhưng rồi thì các trận đánh được gom về một chỗ : người ta đánh nhau trong một khu vực có nhà cửa và xa xa một đỗi, có người đang ngồi bình thản bên  ly rượu  huýt-ky hay cỏ nhác sô đa trên sân thượng của nhà hàng Brodard  hay Pagoda...

      Riêng những anh lính chửa lửa thì khỏi nói. Không thấy một anh nào có mặt, ngay như đang có đám cháy trong một khu nào đó ở Sài Gòn , vì rất là nguy hiểm, dại gì ! Chiến cuộc và thanh bình lẫn lộn nhau trong một vũ điệu hết sức phi lý, giữa cáí sống và cái chết, giữa nụ cười và nước mắt.... Một nhà báo già, bà Anne de Buchepot của Orléans người ốm yếu da đen , một giống ngựa đua gầy xấu, cỡi xe đạp đi giữa chiến trận, yên lặng và thản nhiên với nguy hiểm vai đeo máy hình lủng lẳng phất qua phất lại bên trái bên phải. Bà ta bị trúng một phát ngay giữa trán và té xuống chết ngay một cách êm thắm. Bà nằm chết giữa đường, không một ai ngó ngàng tới suốt cả buổi chiều ở đó... Chúng tôi phải đậu tiền lại để chôn cất Bà...

      Các cuộc đánh nhau trên đường phố chấm dứt sau khi bọn công an của Bảy Viễn đầu hàng và sau khi tổng hành dinh của Bảy Viễn bên kia cầu chử Y bị các binh sĩ Dù của Đổ cao Trí chiếm giữ. Có vài ngàn người chết. Bảo Đại bị hạ bệ và khi tôi đi qua tòa Đô sảnh, đầu tôi bị trúng một tấm ảnh của ông ta do ai đó liệng xuống từ cửa sổ.  Qua việc triệt tiêu các giáo phái, ông Diệm đã thắng ông Bảo Đại, và ông sẽ dựng lên ở Miền Nam Việt Nam một chế độ kiểu hơi độc đáo, một đảng duy nhất, đảng Cần Lao, pha trộn giữa cá nhân chủ nghĩa, thiên chúa giáo với quan lại và quốc gia chủ nghĩa cố chấp. Trên thực tế, một giáo phái khác đang nắm chánh quyền, giáo phái của người Thiên Chúa Giáo Miền Bắc mà chỉ huy và cán bộ là các quan lại của Miền Trung

       Tôi đã theo dõi rất sát những giai đoạn khác nhau của cuộc chiến nầy. Tôi đã có đi tuần tiễu với Bình Xuyên, với Phật Giáo Hòa Hảo  và với bạn tôi là đại tá Le Roy, chỉ huy lực lượng công giáo ở Bến Tre, người đứng về phía các giáo phái nầy. Đã đến lúc tôi phải cuốn gói để về Pháp. Tôi đã có viết một quyển tiểu thuyết với tựa đề là "Các linh hồn phiêu lãng" mà sau nầy cộng với chuyện mất Hà Nội sẽ trở thành quyển "Họa Da Vàng"

 

*****************

( Xin xem tiếp Phần 2)

 

Chú thích:

(1) Raoul Coutard, 30 năm ở Đông Dương , Tình nguyện vào Quân đội năm 1945, sau đó là nhiếp ảnh viên của S.C.A. Trở thành chuyên viên điện ảnh, đã chế ra kiểu hình Godard khi anh là Giám đốc phim ảnh. Đã cùng anh Schoendorffer thực hiện cuốn phim " Trung đội 317" ở Hòa Bình, Việt Nam mà anh hằng yêu mến, phim được giải ở Hội Điện Ảnh Cannes.


Trở về trang Mục lục         Chương 1 - phần 2