CHƯƠNG MỘT (phần 2)

 

       Hiện tôi đang đi về Pháp. Miền Nam Việt Nam chánh thức thì không có cấm tôi, nhưng tốt hơn là tự tôi phải làm cho người ta quên tôi đi. Đã hai lần tôi đã sống ở Hà Nội , buông mình theo thú vui của duy vật biện chứng và của tự phê bình. Tôi hoàn toàn không có chích ngừa chống thuyết mác xít hẹp hòi đó và những thói quen bảo trợ của họ. Nhưng nó rất là hữu hiệu trên bình diện quân sự .

       Vào năm 1960, tôi nộp đơn xin chiếu khán vào Miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ chế độ của ông Diệm rất là vững vàng. Đó là chế độ của một gia đình và của những người ủng hộ ông ta. Còn về lý thuyết của đảng Cần Lao (đảng duy nhất), nó chỉ là một sự pha trộn hổn hợp đủ mọi ý kiến mâu thuẩn nhau, nhưng dường như khá thích hợp với các bộ óc Việt Nam nào thích mọi hình thức hồ lốn.

      Phe nầy, ngoài Giám mục Ngô đình Thục, còn có ông Ngô đình Cẩn mà người ta gọi là người điên đẩm máu ở Hué, và một người  nữa khá đẹp, bà Nhu, vợ của ông Ngô đình Nhu, người thảo chương trình và là người trí thức trong gia đình . Bà Nhu đã nhanh chóng nổi tiếng bằng những sự phóng đãng ái tình, bằng những lời nói đanh đá của bà, bằng sắc đẹp và sự cứng rắn của bà..

       Người ta cho tôi một giấy chiếu khán về Miền Nam Việt Nam đồng thời cho tôi hiểu rõ là tôi chỉ là người được "dung thứ" thôi.

      Tôi thật tình đã có thành tích không tốt. Tôi hình như đã là bạn của các giáo phái. Tôi chỉ là người bị quyến rũ  trên khía cạnh thơ mộng của họ mà thôi. Trên bình diện quốc gia , các giáo phái nầy chỉ là một thứ dị giáo và phải được kiểm soát nếu không muốn nói là phải bị dẹp đi, và không có quyền có Quân đội riêng .(2)

      Người ta cho phép tôi đi du lịch có hướng dẫn, nghĩa là phải cùng đi với phái đoàn báo chí của thế giới thứ ba vốn chưa bao giờ đặt chân lên đất nước Việt Nam . Trung Quốc thường dùng phương thức nầy. Với tôi thì những anh Ấn Độ, Phi Luật Tân, và Phi Châu do người ta cho đi dạo chơi không mất tiền thì họ rất là vui vẻ, sẵn sàng đớp hết mọi thứ ruồi , cả tin tất cả những gì mà người ta kể cho họ nghe.

      Trong những người hướng dẫn viên, những "nhân viên tuyên truyền và quảng cáo" tôi tìm thấy một vài người quen cũ.. Trong số đó, một người ranh mãnh tánh vui vẽ vốn đã cùng tôi trước kia có đến một vài nơi không được sạch sẽ , nhưng bây giờ thì anh ta đã có vẻ là người có đức hạnh rồi. . Đó là cái mốt của Sài Gòn lúc bấy giờ.. Người ta đã là người có đạo đức, người ta truyền bá lời tán tụng đạo đức cho người Mỹ những điển hình về đạo hạnh và vô tư . Tất cả đều do lỗi của người Pháp hết vì họ đã sống không được tốt. Vì tôi là người Pháp độc nhất trong đoàn, người ta xin tôi diễn thử trò ngây thơ. Tôi buồn quá. Đôi khi tôi dằn tánh nóng không được , nhất là khi một cô gái Cần Lao mà tôi đã biết quá rõ lại dở trò đạo đức trách móc tôi đã quá mềm yếu trước những cô gái Việt Nam.

       Hai lần học tập ở Hà Nội chung với bọn người cách mạng đã giúp tôi làm quen với tánh xấu của mình. Miền Nam bây giờ đã giống Miền Bắc . Sự tuyên truyền đã chú ý đến sự lấy lòng hơn  và đã bớt năng động.

        Tôi lang thang với đoàn du lịch của tôi, rất là ngoan ngoãn, nghe những lời tán tụng khen ông Diệm, lúc đi thăm viếng một vài công trình của chế độ. Tôi tự nhủ thầm: "Làm sao mình bỏ đi được khỏi bọn nầy khi mà họ cứ gật đầu mãi như cái máy để luôn luôn tỏ ý tán thưởng" Cuối cùng cơ hội mong muốn đã đến với tôi. tại sân bay Đà Nẵng , tôi gập lại người quen cũ : Tôn thất Đính. Tôi biết ông hồi ông còn là đại úy Dù, la cà với máy móc hoàn toàn kiểu như người Pháp, can đảm nhưng hơi gàn. Bây giờ ông là tướng. Ông nhào ngay lại tôi khi thấy tôi đứng riêng một mình và la lên :

- "Mầy làm gì ở đây ?"mầy không hay biết gì sao ?"

- Biết chuyện gì ?

- - Trời ơi,  Bọn Bắc Việt vừa mới tấn công  ở phía Bắc đây."

- Thật vậy sao ?

- Đúng vậy

- Làm sao mình đi đến đó xem.

- Tao đưa mầy đi "

     Không ai biết và cũng không ai thấy, tôi đi ngay khỏi các hướng dẫn viên và leo lên máy bay của Tôn thất Đính.Tôi đến ngay trận địa. Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai đã vừa bắt đầu. Ở phía Quảng Trị. gần biên giới. Người Mỹ đang khởi công làm một con đường chiến lược dọc theo vĩ tuyến 17, để đánh dấu biên giới. Bộ đội chánh quy Bắc Việt đã tấn công công trường và bãi để dụng cụ. Không phải du kích mà là quân chánh quy thuộc sư đoàn 308 hay là sư đoàn 315 gì đó.

    Tôi chứng kiến được khi chiến trận chấm dứt. Quân tấn công đã gây nhiều thiệt hại nhưng cũng bị đẩy lui. Có hằng trăm tử thương còn nằm ngay trên trận địa.

     Trong lúc đó người ta tìm tôi khắp nơi . Cuối cùng em ông Diệm là ông Nhu, người đặc trách về tuyên truyền, về cảnh sát và nhiều chuyện khác nữa, đã tìm thấy tôi xen vào một lần nữa, vào những chuyện không liên quan gì đến cá nhân mình. Nói cách khác, đang làm công việc của báo chí chớ không phải của một người khách du lịch.. Người ta nhốt tôi vào một cái chòi lá với hai người lính gác ngay trước cửa và tôi bị nằm mọt xác trong hai ngày tại đó cho đến lúc họ chuyển tôi về Sài Gòn .

      Tôi thấy mình đang ở cái thế giới thiên đường của ông Nhu. Văn phòng của ông là một loại phòng thu thanh có ống nói và máy thu âm được dấu kỹ. Ông ta chưa hút thuốc phiện nhưng rồi cũng sẽ hút thôi. Ông ta bắt đầu cự nự tôi, nói rằng tôi đã phản bội một lần nữa với sự tin cậy của dân chúng Việt Nam , và tôi đáng bị phạt nặng về sự trốn đi của tôi.. Người ta luôn luôn có chìu hướng đối xử với những nhà báo như một đứa trẻ mà người ta bắt gặp đang trộm kẹo mứt trong tủ. Nhưng hình phạt đôi khi cũng có thể là cái chết, giống như trường hợp anh Paul Léandri của AFP hồi tháng 3 năm 1975 trong các địa điểm cảnh sát của ông Thiệu.

     Cũng may thay cho tôi., Ngô đình Nhu không phải là một người ngu như đại tá Phan Kim người đã giãi quyết anh Léandri. Ông ta để cho tôi trình bày lý lẽ của tôi. Tôi giải thích với ông ta rằng :

- " đây là lần đầu tiên, Miền Nam Việt Nam có quyền làm như thế. Bọn Hà Nội đã tấn công bằng các đơn vị ở cấp sư đoàn, vi phạm công khai Hiệp Định Genève. Thật là một điều quá bất ngờ , ngẫu nhiên mà một nhà báo Tây Phương, một người không thuận lợi cho chế độ lắm lại chứng kiến được chiến trận và thấy được xác chết của bộ đội Bắc Việt trong quân phục chánh quy. Và thay vì khen ông ta và giúp anh

ta có đủ sự dễ dãi để anh ta viết bài thì lại bỏ tù anh ta "

     Ông Nhu, thay vì trục xuất tôi, lại dẫn thẳng tôi đến một buổi tiếp tân ở Dinh Độc Lập, ở đó tôi gặp tất cả gia đình họ Ngô và cả triều thần của gia đình nầy : Bà Nhu đã cười với tôi giống như là nhăn mặt với tôi vậy, Tổng Thống Ngô đình Diệm thì nghe tôi nói , mắt nhắm mắt mở hay là làm bộ như thế không biết. Người ta cho tôi một ly nước cam, người ta ca ngợi tôi với lòng khoan dung của Tổng Thống đối với những chuyện kỳ lạ kiểu của tôi. Sau đó ông Nhu đưa tôi đi viết bài cho báo của tôi. Bài báo được phát hành bên Pháp với tựa đề : "chiến tranh thứ hai ở Đông Dương đã bắt đầu". Đó là ngày 18 tháng 10 năm 1960.

     Triều đình nhà Ngô đã ở vào một thời kỳ khác rồi, một sự sao chép quá dở của triều đình Hué. Ở đó người ta dịu dàng trong đạo đức giả, nhưng cũng khá trung thực. Như thế đã là khá hơn những gì xảy ra sau đó. Những người họ Ngô có đủ thứ tật xấu, Bà Nhu thì đã không chịu nổi rồi, nhưng không ai có thể nghi ngờ về tinh thần quốc gia và lòng can đảm của họ. Ông Diệm là một người tò mò, với bộ mặt bất động và bình tĩnh như một bà sơ. Đã nhiều lần ông đã thử sống như một tu sĩ ,nhưng không bao giờ thử sống với đàn bà. Một vị Tổng Thống còn trinh! Ông mê say cầu nguyện, bấp cải và những giấc nghỉ trưa dài. Đối với ông người ta có những biểu hiện kính trọng như đối với một quân vương. Không thể tự bầu mình lên như một vị hoàng đế được , ông đã tuyên bố thành lập Cộng Hòa Việt Nam, và đưa ông Bảo Đại ra khỏi nước , người mà ông đã từng rất sát cánh chặt chẽ. Không như bà Nhu, ông thuộc một đại gia đình quan lại ở Miền Trung, ông rất liêm khiết và thiển cận. Ông tin tưởng vào đức hạnh truyền thống: công việc, gia đình , kính trọng ông bà, và kỷ luật . Ông sống trong quá khứ trong khi Hồ chí Minh ít nhất cũng biết chế ra một loại nước chấm mới cho chim ăn, bằng cách pha trộn vào thành phần cũ kỹ Khổng Mạnh, loại bột ngọt của Mác xít thuộc Tây Phương .          

       Bây giờ người Pháp chúng tôi không được nhìn với con mắt thiện cảm. Tướng Lansdale, người đã đưa ông Diệm lên yên ngựa, vừa cho xuất bản một bản tường trình trong đó ông ước tính rằng người Pháp đã mất hết thế chánh trị ở đây chỉ vì cái nhãn hiệu thực dân mà họ đã từng mang, và cả thế quân sự nữa chỉ vì họ đã không biết thích ứng với một loại chiến tranh lật đổ mà công tác tuyên truyền được trộn lẫn với những trận đột kích của đặc công. Do đó ông trách người Pháp những gì mà người Mỹ sẽ thi hành sau đó, nhưng còn tệ hơn nữa.. Cũng đừng nên quên rằng Ngũ Giác Đài đã đánh giá Hiệp Định Genève là một thảm họa có thể đưa tới sự thất bại của cả vùng Đông Nam Á luôn..

       Thế mà chúng tôi đã để lại trên trận địa từ 1945 đến 1954: 91.000 người chết, trong đó phải kể là 75.000 con dân chính cống của nước Pháp và ít nhất 5 khóa của trường Võ Bị Saint Cyr. Cũng đã nhờ họ mới có được Miền Nam Việt Nam và Sài Gòn mới có được những cô gái chơi trò đạo đức.... Chuyện đó cũng không tốt lắm cho thủ đô Sài Gòn đâu.

       Đường sá có sạch sẽ thật đấy, các bãi cỏ được cắt kỹ lưỡng, nhà cửa được sơn phết lại với màu trắng hay màu be, vấn đề lưu thông được đưa vào nề nếp và các cảnh sát rất chững chạc trong đồng phục trắng của họ.

       Các hộp đêm được đóng cửa, các quán rượu quá ồn ào và những xe ba gác cũng bị cấm. Không cho các sòng bạc hoạt động. Tôi không nói tới thuốc phiện.Người ta đã thiêu hủy hằng ngàn ống tẩu. Và các sĩ quan như đại tá Trần văn Đôn, người sanh đẻ ở Bordeaux (Pháp) đã đứng ra đốt hết lon Pháp của mình. Người ta đã thăng cấp tướng cho ông vì chuyện đốt lon nầy. Khiêu vũ bị cấm, và trong tất cả các khách sạn rất khó mà mang lên phòng mình một cô gái Việt Nam . Còn làm tình với "đôi mắt xếch" trở thành một tội lỗi và một sự lăng nhục giống nòi. Tất cả giống như ở Hà Nội .

      Nhà hát Tây được biến thành Quốc Hội , ở đó tay chân của nhà Ngô trịnh trọng ngồi họp.

Nhưng ở thôn quê thì tình hình xuống cấp nhanh chóng. Vấn đề thành lập các ấp chiến lược để gom dân về ở, đến lúc xử dụng mới được biết đó là một thảm họa vì do những công chức ngạo mạn hoặc các quân nhân hung tợn quản trị.

      Tôi gởi bài của tôi đi và sau đó tôi được dẫn trở về biên giới.

Bây giờ thì tôi đang ở Cam Bốt. Hoàng thân bạn của tôi, ông Norodom Sihanouk đã quyết định là không phỏng vấn bất cứ một nhà báo nào khác, nên tổ chức cho tôi một "buổi họp báo". Được  hai tên bộ hạ Mayer và Barret ngồi kèm hai bên, một tên gầy một tên mập, một tên "đỏ" một tên "trắng", ông ta biến tôi thành một người quá kỳ lạ trong vòng gần hai tiếng đồng hồ.

      Sau khi từ thành phố Grasse trở về đây, ông đã có gầy đi trong  bệnh viện của Bác sĩ  Pathé, ông có vẻ đứng ngồi không yên.

      Duyệt qua tất cả những người thân cận của mình, ông trách con trai ông là không thể gần đứa con gái nào mà không cho nó có chửa, trách mẹ cậu ta, bà hoàng hậu, là đã mua bán dược phẩm, và trách ông đại sứ của chúng tôi là đã dính vào đủ trò ô nhục với những "gái trẻ, thật trẻ, người Cam bốt."..

      Tôi đánh giá cao sự yên tĩnh, sự thanh bình ở Cam Bốt. Nếu người ta nói ông Sihanouk điên thì ít nhất ông cũng đã giữ đất nước ông đứng được ngoài vòng của chiến tranh.

      Tôi biết là ở Sài Gòn đang sắp xảy ra một điều gì đó, tôi biết người ta đang chuẩn bị một cuộc đảo chánh và tôi chờ.

      Ngày 11 tháng 11 năm 1960, từ sáng sớm tôi đã lên đến phi trường Pochentong , lúc đó còn dưới quyền quản trị của người Pháp.

      Một trong những người Pháp ở đó đã nói với tôi :

- "Sài Gòn đã gởi cho chúng tôi bằng máy điện báo :RKO kỹ thuật, nó có nghĩa là không một phi cơ

nào được đáp xuống phi trường Tân sơn Nhứt vì thời tiết xấu. Nhưng  anh hãy nhìn bầu trời xem, Hoàn toàn quang đãng !."

     Tôi , thì tôi đã hiểu. Nếu phi trường bị đóng cửa, thì tức là đã có xảy ra chuyện gì đó. Đó là chuyện mà tôi đang chờ đợi !

     Tôi lái xe vượt qua biên giới vốn không còn có ai canh gác. Ở Sài Gòn , quân NHãy Dù đang tấn công vào dinh Tổng Thống . Tôi chứng kiến với họ sự kết thúc của cuộc đảo chánh, một cuộc kết thúc quá bẽ bàng, thảm não !

     Cuộc đào chánh nầy đã thất bại bởi vì binh sĩ Dù đã được xác nhận là có tính khờ khạo không chữa được và  hai anh em của ông Diệm đã chứng tỏ là có can đảm và dám quyết định.. Hiện giờ tôi đang ở Miền Nam Việt Nam mà không có chiếu khán, bị trục xuất, rồi lại lén lút trở về để chứng kiến một cuộc đảo chánh. Thật là rất khó cho tôi để giải thích rằng tôi không hề biết chuyện nầy. Vậy là tôi phải lo trở lại Cam Bốt như lúc tôi đã qua đây. Trong trường hợp đó, tôi chỉ có một phương cách: mấy ông chủ đồn điền cao su và mấy ông linh mục. Đi tìm họ là tôi thấy mình đã trở lại các đồn điền lớn ở dọc theo biên giới. Chỉ cần đi bộ vài giờ xuyên rừng là tôi đã về đến đất Cam Bốt rồi. Thật là tôi quá nông nỗi....

     Khác hẳn với một nhân viên mật vụ, một nhà báo tường thuật sự phiêu lưu mạo hiểm của mình. Bài tường thuật về những sự phiêu lưu của tôi đăng trên báo Paris - Presse không đáng để bị Việt Nam  kết tội và ghi tên tôi vào sổ bìa đen.

     Tôi phải chờ đến năm 1963 và cuộc đảo chánh ông Diệm lần nầy đã thành công, mới  có thể trở lại Sài Gòn . Tôi quen biết hết các tác giả của cuộc đảo chánh nầy (kể cà đại tá CIA, ông Conin, người đã có thể là chỉ huy vụ nầy) : tướng Trần văn Đôn, người Bordeaux; tướng Lê văn Kim đã từng là phụ tá của tướng Pagbol; Mai hữu Xuân, cựu chỉ huy trưởng cảnh sát và sau cùng là tướng Minh Dương (được gọi là Minh "lớn") là người chỉ huy trong vụ nầy.. Các cơ quan tình báo và mật vụ của Hoa Kỳ đã thỏa thuận với đại sứ Mỹ là ông Cabot Lodge đề có quyết định phải loại trừ ông Diệm . Hoa Kỳ ước tính rằng chế độ ông Diệm không cho người Mỹ thực hiện những gì họ muốn làm, và vì sự vụng về của mình nên ông Diệm  không được lòng dân. Hoa Thạnh Đốn tưởng rằng ván cờ đã được thỏa thuận nên họ đã quyết định cho đổ bộ ồ ạt binh sĩ Mỹ vào Miền Nam , nhưng chánh quyền ông Diệm đã không muốn một con số quá lớn quân nhân Mỹ đến đây, họ sẽ làm hư hỏng đất nước nầy đi vì sự tiêu xài mỹ kim của họ. . Và về điều nầy thì chính phủ của ông Diệm có lý.

      Chánh Phủ ông Diệm đã có yêu cầu là mỗi binh sĩ Mỹ chỉ được tiêu ở đây 50 mỹ kim mỗi tháng mà thôi.. Trước hết ông Diệm và những người của ông là những người quốc gia cố chấp. Họ từ chối không cho các nhân viên Hoa Kỳ trực tiếp kiểm soát đất nước . Muốn loại trừ anh em nhà Ngô, người Mỹ cần có một lý do. Họ tung tin ra là chế độ muốn thương lượng với Miền Bắc qua trung gian của Đại Sứ Pháp và đồng nghiệp của ông ở Hà Nội.. Điều nầy sai.

       Họ dùng những người Phật Tử  để chống ông Diệm.  Thình lình người ta thấy xuất hiện những ông tăng của phái Tiểu Thừa mặc y vàng như bên Cam Bốt và Lào, trong lúc ở Việt Nam thì tăng ni mặc y nâu vì thuộc phái Đại Thừa vì ảnh hưởng của người Tàu  và họ ít sống theo lối cộng đồng . Những  vị tăng mới xuất hiện nầy nói là để chống lại sự biệt đãi của chính phủ đối với người công giáo, nên họ bắt đầu tự thiêu ở những nơi công cộng và chợ búa, điều mà bà Nhu sau nầy còn mỉa mại gọi đó là  món "thịt nướng" (nguyên tác : "barbecues", tiếng Mỹ) . Bà quá vụng về. !

      Bằng mọi cách, các cơ quan Hoa Kỳ muốn bôi đen chế độ, lần lượt cáo buộc là độc tài công giáo, (trong lúc ở Hoa Kỳ vừa mới bầu vị Tổng Thống đầu tiên người công giáo , ông Kennedy), là trung lập, cả đến là thân Pháp nữa, một điều thật là quá quắc ! Khi người ta muốn giết con chó của mình thì người ta nói là nó có ghẻ !

       Hai ông Diệm, Nhu bị tấn công ở Dinh Gia Long đã trốn được và đi đến Chợ Lớn nhờ sự giúp đỡ của một trong những sĩ quan khởi nghĩa, đại tá Nguyễn văn Thiệu. (3) Họ trốn trong một nhà thờ ở Chợ Lớn và họ bị giết chết trong một xe thiết vận xa trên đường đưa họ về Bộ Tổng Tham Mưu

       Tôi đến Sài Gòn ngày hôm sau. Tôi đã tìm được mả của hai anh em họ. Họ đã được an táng ở phía sau Bộ Tổng Tham Mưu, về sau người ta cho cải táng ở đất thánh, trong nghĩa trang của người Pháp, nằm về phía sau hầm mộ của gia đình Prouvost, giữa hai ngôi mộ của ông Aufroy Ernest, dược sĩ, chết năm 1876, và thiếu úy Thủy quân lục chiến, Trousselier.         

        Họ đã gặp lại những người Pháp mà họ đã từng quá ghét, quá thương và gặp lại nền văn hóa đã từng được  khắc sâu vào họ.

        Với  "Ủy Ban Quân nhân Cách mạng" của tướng Minh Dương và với nhóm tướng lãnh trẻ hầu hềt đều xuất thân từ trường võ bị Coetquidan hay những quân trường  khác của Pháp , không khí  Sài Gòn  đổi khác ngay.

        Hồi thời ông Diệm, như tôi đã trình bày ở trên, thành phố Sài Gòn có vẻ mặt như một cô gái có tư cách, đạo đức giả , che dấu hết những gì không thể cho thấy từ thân thể mình.. Với các tướng lãnh, người ta lại bắt đầu khiêu vũ, các quán rượu có gái bắt đầu mở cửa lại. Thành phố Sài Gòn vén cửa lên và để lộ các bắp đùi ra... Cả nước tưởng chừng như đã sắp có hòa bình rồi.

       Sự thật trái hẳn lại. Chiến cuộc tăng cường độ lên gấp hai lần, nếu không muốn nói là đã leo thang với sự tham chiến của người Mỹ.

       Người ta lại loại tướng Minh Dương , và nhóm các tướng lãnh thân Pháp coi như đã làm xong công tác,, bằng cách cáo buộc họ "có ghẻ", tức là trung lập. Chuyện đó chưa xảy ra lúc đó đối với  tướng

Minh, nếu tôi tin vào những lời ông ta nói với tôi lúc bấy giờ.

       Một anh hề, mập lùn, con người hay gieo rắc sự khiếp sợ, đã thay thế họ: đó là tướng Khánh., với những trò giả dối của ông ta,  đôi khi quá xoàng và thô bạo, cuối cùng ông ta phải rời khỏi Việt Nam và trở thành chủ một quán ăn  ở Ba Lê.

      "Bị đập" thời ông Diệm, tôi lại bị tiếp với ông Khánh, ông nầy đã nghe biết được về những chuyện của tôi nên đã thề sẽ lột da tôi nếu tôi bước chân đến Sài Gòn .

      Đảo chánh đã xảy ra liên miên như thác đổ. Tất cả những ông thủ lỉnh nhỏ được người Mỹ vận dụng, đã bắt dầu lên chiếm sân khấu chánh trị . Những cuộc đảo chánh đó làm cho Quân đội bị chia rẽ. Ngày 12 tháng  8 năm 1965 phi công Cao Kỳ lên nắm chánh quyền và người ta chấp thuận cấp cho tôi một chiếu khán vào Miền Nam Việt Nam . Đã là kẻ thù của tướng Khánh, tôi trở thành bạn của tướng Kỳ mà tôi không biết.

       Bây giờ là tôi trở lại Sài Gòn .Tình hình đã quá thảm hại. Nếu người Mỹ không can thiệp ồ ạt, theo tôi thì Miền Nam đã thua rồi. Các tướng lãnh đã có những tranh chấp nội bộ đến độ gần như không còn  một Quân đội nữa. mà chỉ là những nhóm phục vụ hết người nầy đến người khác. Có môt số phần tử thuộc các giáo phái bị ông Diệm dẹp tan, nay họ nhập vào hàng ngũ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam  nhất là nhóm Bình Xuyên, những kẻ cướp trên sông khi xưa.

        Sài Gòn đã không còn là một thành phố sạch nữa, không còn thơm tho như trước nữa và người ta cứ để như thế muốn ra sao thì ra.Người ta không còn tôn trọng đèn đỏ nữa. Mặc các anh cảnh sát  cứ  làm hiệu , mặc không ai muốn tuân hành. Cảnh sát đã mất uy tín bởi vì họ đã nặng tay đối vói các sư sãi và sinh viên. Ở Sài Gòn lúc bấy giờ đã có sáu ngàn "hộp thơ" Việt Cộng.Chỗ nào cũng có mở quán rượu  cho lính Mỹ cũng như tôi đã từng thấy ở Nhật và ở Phi luật Tân: một cái quầy dài với một cô gái trước mỗi khách hàng.Cô gái phải bắt người đối diện uống, đồng thời phải làm cho anh ta hy vọng rằng cô nàng sẽ theo mình sau giờ đóng cửa, uống cho tới khi nào anh ta say hoàn toàn ngã lăn ra, hoặc không còn khả năng đòi hỏi gì nữa cả. Thân hình gầy gò của cô gái, cô chỉ nghiêm túc bán cho một anh "bạn" nào đó đang lo bảo quản cho mình, và thỉnh thoảng cô ta cho một anh cảnh sát mượn, không mất tiền, để anh  nầy  để yên cho cô hoạt động: mãi dâm, chợ đen hàng ăn cắp từ chợ Mỹ (nguyên tác tiếng Anh :PX)

        Sau đó là tới ma túy. Ở đâu cũng có các phòng đấm bóp như ở Thái Lan.  Người Mỹ rất sợ các bệnh hoa liễu, nên thay vì làm tình lại thích những xoa bóp bằng tay của các cô chuyên nghề "xoa bóp"..

Không còn ai muốn đánh giặc nữa, cả sinh viên , các anh cu li, cho đến những anh Tàu ở Chợ Lớn đều muốn được tuyển vào phục vụ trong các căn cứ Mỹ. Tinh thần công dân đã chết rồi, các tướng lãnh trẻ của Miền Nam đã mất hết tinh thần đó rồi.  Có nhiều cô gái  công tác cho Việt Cộng , các cô khác thì đóng tiền cho họ, có những cô khác thì mơ ước kết hôn với một lính Mỹ và trốn đi. Sự ung thối đã bắt đầu và ngày càng tăng theo nhịp độ đổ bộ của Quân đội Mỹ.

        Tôi đã viết trong quyễn "một triệu mỹ kim, người Việt" :

"Ngày 1 tháng 3 năm 1967, đối với cuộc chiến tranh nầy, Miền Nam Việt Nam và những cố vấn Mỹ

 của họ đã bại trận rồi. Đã không có một trận đánh nào, chỉ có hằng trăm xã , hằng trăm ấp chiến lược

bị mất. Thường thì họ đầu hàng, hay khá hơn nữa họ giữ nguyên trạng và bí mật ngã theo Việt Cộng

Có nhiều nơi bị "giải phóng " cả vùng..Có nhiều vùng người ta xài tiền Hồ chí Minh, trong một số vùng khác thì  có những cột mốc dài theo lộ để chỉ dẫn cho người ta cách vào vùng giải phóng . Có nhiều  điểm thu thuế cầu đường được đặt ngay bên cạnh đồn bót. Thuốc lá bị đánh thuế.. .Hai chánh quyền !..."

     Tôi đã lái chiếc xe Citroen 2 ngựa, đi lang thang trong vùng do Việt Cộng kiểm soát mà không có chút e ngại nào. "Vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn Chợ Lớn bị một thứ vòng đại đỏ bao vây hết bên ngoài, từ phía Nam  khoảng 15 cây số của thành phố Bến Lức,  7 cây số về phía Bắc của thị trấn Thủ Đức, 8 cây số về phía Tậy của Cát Lái. Tại Sài Gòn, có tin các sĩ quan , bộ đội, và cả ủy viên chánh trị Việt Cộng lẻn được về thăm gia đình của họ, hoặc để chữa trị.

"Người Mỹ đã thấy được là tình hình đã ung thối đến mức nào rồi.

" Ở Sài Gòn có một không khí rất lạ lùng. Tất cả đều gian lận, tất cả đều sai hết. Cộng sản họ đã tin chắc là họ đã thắng trận rồi. Các cuộc xung đột và những giải pháp của nó đã qua khỏi giai đoạn của  Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vì tổ chức nầy đã  biến thành CPLTCHMN . Nó đã nằm trong phạm vi quyền lực của Ủy Ban Trung Ương đảng từ Hà Nội .

      Cũng giống như người Pháp, người Mỹ vốn đã biết sẽ thua ở Đông Dương nên đã chuẩn bị sẵn sàng ra đi, nếu cộng sản khéo léo trong thương lượng.. Nhưng Hồ chí Minh, Giáp và Phạm văn Đồng bị Liên Xô và Trung Cộng thúc đẩy nên muốn có một chiến thắng quân sự . Họ nói với nhau :

- " Hãy cho người Mỹ chờ đợi cho đến khi nào họ mất hết thể diện, cho tới khi nào những sự bảo đảm

mà họ đòi hỏi thật sự không còn giá trị gì nữa. "

Chính vào lúc đó, tháng 3 năm 1965, họ phạm vào một lỗi lầm rất nặng. Đột nhiên Hoa Kỳ can thiệp ồ ạt.

Ngày 1 tháng 3 năm 1965, Việt Cộng coi như đã thắng  trận giặc nầy rồi,.

Ngày 1 tháng 10  năm 1965, Việt Cộng coi như đã thua trên bình diện quân sự .

"Chiến trận  gây nhiều chết chóc nhất đã xảy ra ở Chu Lai, ở đó có sự tham chiến của Thủy Quân Lục Chiến  Hoa Kỳ. Trong vòng 6 tháng , từ tháng 3 đến tháng 9 / 1965 , Việt Cộng đã thình lình cho rút hết toàn bộ binh lính ra khỏi các vùng mà họ đã chiếm được và quay trở về những nơi ẩn náu cũ. 

Thành phố Sài Gòn trở thành như một địa ngục. Không tài nào thong thả đi dạo được và sự lưu thông đã  đến một cường độ dữ dội. Hàng ngàn xe vận tải to lớn chạy như điên trên đường phố, với còi hụ inh ỏi. Hàng trăm hằng ngàn binh sĩ Mỹ đi tìm gái và rượu. và sẳn sàng trả cho họ bất cứ giá nào. Sài Gòn bị tràn ngập chăng ? Không Sài Gòn sẽ nuốt chững con quái vật nầy.. Và người dân Sài Gòn sẽ biết cách lợi dụng, từ anh phu xích lô đến anh nhà buôn giàu có. Sài Gòn  sẽ trở thành một nhà thổ khổng lồ ! Nhìn bề ngoài, tất cả cấu trúc gia đình , luân lý, tôn giáo và cả chánh trị đều như sụp đổ...

  " Người Mỹ ước tính là họ đối diện với khoảng 165.000 Việt Cộng chánh quy hay du kích địa phương, và cán bộ từ Miền Bắc lên đến 10.000 người . Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì có 10 sư đoàn với  khoảng 250.000 binh sĩ chánh quy, 250.000 địa phương quân và dân vệ, 70.000 cảnh sát. Lực lượng Mỹ lên tới con số 150.000 vào ngày 12 tháng 10."

       Lúc đầu thì người Mỹ lấy làm khích lệ với những mục đích tốt. Cũng trong ý định đó mà tướng Westmoreland đã cho công bố chín điều "giới luật" cho các binh sĩ Mỹ ở Việt Nam .Họ được khuyến cáo là lúc nào họ cũng phải có những điều luật nầy trong người , một tấm giấy cứng nhỏ, khổ 9 trên  6 phân có in  những điều giới cấm đó. :

" 1.- Hãy nhớ là ở đây các anh là khách, đừng đòi hỏi gì hết, đừng tìm những đối xử riêng lẻ.

2.- Hãy hòa mình với dân chúng, Hãy hiểu đời sống của họ, Hãy biết ngôn ngữ của họ và tôn trọng luật pháp và phong tục tập quán của họ.

3.- Hãy tỏ ra có lễ độ và kính trọng trong sự giao tiếp với phụ nữ.

4.- Hãy làm bạn với những binh sĩ và dân chúng Miền Nam Việt Nam

5.-  Hãy để cho người Việt Nam được ưu tiên

6.- Hãy ở trong thế thủ và sẵn sàng hành động như một người lính.

7.- Đừng làm cho người ta  chú ý bằng hành động ồn ào, thô bạo và khác hẳn với hành động của những người khác.

8.- Tránh đừng xa rời dân chúng bằng cách khoe mình giàu sang và có quyền được ưu đãi.

9.- Trước hết , các anh là người của quân lực Hoa Kỳ , đến đây với một nhiệm vụ khó khăn. Các anh phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình, trong mọi việc làm, công cũng như tư, giữ danh dự cho chính mình và cho Hoa Kỳ  ."

          Cả 9 điểm của tướng Westmoreland đã được thi hành, nhưng ngược lại. Người Mỹ không coi mình như người khách mà coi mình như người chủ. Họ không bao giờ hòa mình với dân chúng :Họ sống riêng trong căn cứ có máy điều hòa không khí của họ, và  ăn đồ hộp lạt lẽo vô vị trong khi họ có thể tự đãi mình bằng một bát phở hay hủ tiếu có bán khắp nơi, ở mọi nẻo đường. Cũng có đôi lúc họ liều đi ăn ở nhà hàng, nhưng của Pháp, chớ không bao giờ đến tiệm ăn Việt Nam . Người Mỹ cho người ta cái cảm tưởng là họ sống trong một hòn đảo mà họ mang theo với họ.

Còn về chuyện " tỏ ra có lễ độ và kính trọng trong sự giao tiếp với phụ nữ" thì đối với họ, tất cả người phụ nữ Việt Nam đều là gái điếm hết ! Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ vậy. Binh sĩ Mỹ cưới người Việt Nam phần đông là gái không đứng đắn, chỉ với những người mà họ đã có biết qua.

"Hãy làm bạn với binh sĩ và dân chúng " : Đối với lính Mỹ,  người quân nhân Việt Nam là nhát, không có khả năng chiến đấu, luôn sẵn sàng để phản bội.

"Hãy ở thế thủ và sẵn sàng hành động như một người lính" : Những anh lính lớn con người Mỹ thường không được như vậy, vì điều nầy mà họ đã trả một cái giá quá đắt .

"Đừng làm cho người ta chú ý bằng một hành động ồn ào, thô bạo và..... tránh xa rời dân chúng bằng cách khoe mình giàu sang và có quyền được ưu đải ":  Tất cả những nắm mỹ kim  họ ném lên bàn ! Người dân Miền Nam Việt Nam vốn khôn lanh như khỉ, nên tự nhủ:"Chúng ta không thể nào làm khác hơn là yểm trợ họ, và như vậy là ta phải thừa cơ hội chớ " Họ cứ thế họ gậm nhắm Quân đội Hoa Kỳ . Đến chỗ họ biển thủ hay dánh cắp tới 30 % tất cả những gì Hoa Kỳ đã mang sang .

      Có vài lần người ta xử bắn một kẻ có tội "quấy phá an ninh" hay một anh Tàu nào đó về tội buôn lậu. Từ trên xuống dưới trong  hệ thống chánh trị và quân sự chỗ nào cũng có chợ đen. Khi ông rời khỏi nước Việt Nam , tướng Khánh mang theo một va ly đầy giấy 100 mỹ kim.

     Một chỗ nương náu: sân thượng của khách sạn Continental, ở đó tôi gặp lại vài người Pháp già nhớ nhà. Đây la một nơi cần được giữ chỗ trước . Người ta gặp ở đây vài anh nhà báo Mỹ. Thường thì người Mỹ không thích khách sạn Continental vì ở đây không có máy lạnh. Họ thích các trung tâm hay căn cứ của họ hơn, được tổ chức vừa ý họ hơn và luôn luôn có máy điều hòa không khí.

     Nhưng với một nhà báo, làm việc với người Mỹ một khi được tín nhiệm rồi thì là tuyệt vời . Thật là rất có hiệu quả: Quân đội Hoa Kỳ là một bộ máy to lớn, chạy rất là tốt.... và bài được đánh đi ngay bên cạnh đó.

   

      Tôi đã rời khòi Sài Gòn những tưởng rằng trên bình diện quân sự người Mỹ đã lật ngược được tình hình, nhưng họ đã thua về mặt chánh trị . Vì họ không lựa được người xứng đáng để điều khiển đất nước , và không có được một ý thức hệ có giá trị khả dĩ có thể chống lại với người cộng sản. Thuyết Dân chủ không phải được tạo ra cho người Đông Nam Á Châu.

     Tôi không có ở Sài Gòn trong trận tổng công kích Tết Mậu Thạn mà mãi về sau tôi mới đến đó được . Bọn Việt Cộng đã phân tích sai tình hình. Họ không bao giờ hiểu gì hết về Sài Gòn . Họ đã lập luận rằng : thành phố nầy đã chán ngấy về sự ung thối về người Mỹ, đã chín mùi rồi cho một cuộc tổng nổi dậy. Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc tổng tông kích.  Họ đã giốc hết toàn bộ lực lượng  của họ vào trận đánh chiếm Sài Gòn , cả chủ lực và thành phần bí mật nằm vùng. Nhưng Sài Gòn không có tổng nổi dậy, và dân chúng Sài Gòn không có theo cộng sản . Bọn Việt Cộng bị lạc đường trong thành phố . Điều nầy dẫn đến một sự tàn sát sau nhiều trận đẫm máu, vì Việt Cộng đánh quá  hăng. Họ đã gần  chiếm được tòa đại sứ Hoa Kỳ. Nhưng họ quá đơn độc.

       Họ đã treo được cờ CPLTCHMN trên thành nội Huế, nhưng họ đã phạm vào những tội không thể tha thứ được, còn tệ hơn tội sát nhân nữa. Họ đã tàn sát thẳng tay tất cả những ai chống lại họ. Ở Sài Gòn thì phần đông là cảnh sát . Ở Huế , thì tất cả giai cấp tư sản và thượng lưu trí thức đã từng theo họ. Và không ít các công chức.

       Ở Hué cũng như ở Sài Gòn , trong ngày Tết 68 nầy, cộng sản đã thất bại về chánh trị . Không bao giờ sẽ có cuộc nổi dậy nào có lợi cho họ nữa . Tệ hại hơn nữa, CPLTCHMN trong dạng quân sự, vì bị quá nhiều thiệt hại nên đã gần như không còn nữa và đã hoàn toàn rơi vào tay của cộng sản Bắc Việt. Tức là bọn Việt Cộng và CPLTCHMN đều thua trận nầy.

       Chúng ta đang ở vào ngày 24 tháng 4 năm 1975, và không có chỗ nào, dù là Miền Nam đang trong  tình trạng sắp tan rã, dân chúng cũng không hề nổi dậy. Không có một đơn vị nào mang cả vũ khí và quân trang sang hàng ngũ cộng sản .

 

      Tôi trở lại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1971, để hưởng cái Tết.

Vào lúc 12 giờ trưa hay 6 giờ chiều, con đường Pasteur bị tắm trong một màu xanh quá khó chịu của dầu benzin cháy không hết. Các loại chim đều bay đi hết. Nước sơn trên tường bị bong ra, thành phố đã trở thành ghê tởm.Có nhiều toán trẻ lang thang đi ăn cắp vặt, nhiều người  tàn tật đi ăn xin .... Có khoảng 200.000 trẻ lang thang trên đường phố Sài Gòn  và 200.000 người ăn xin,(4) vô gia cư và phạm đủ thứ tội. Dân số đã trên 4 triệu, trong khi thành phố chỉ dự trù cho 500.000 dân... Sài Gòn đã biết được trước nhất một thời kỳ đặc biêt sảng khoái lúc binh sĩ Hoa Kỳ ồ ạt đổ bộ, 540.000, chưa kể quân số của hạm đội 7, các toán tuần tiễu duyên hải, các nhà thầu và nhóm dân sự vụ, cộng cả thảy khoảng 600.000 người . Các binh sĩ đổ bộ lên đợt đầu tiên được đón tiếp trên bãi biển với các tràng hoa tươi. Bây giờ thì hết rồi  Với bất cứ một căn phòng nào, lớn nhỏ không cần , người ta đã có ngay một quán rượu. Tìm thêm vài cô gái đưa vào đó , thế là xong....

      Vào tháng giêng năm 1971, quân số Hoa Kỳ đã xuống dần, đến con số 350.000. Vào tháng 5, thì chỉ còn có 284.000. Đồng bạc Việt Nam lại xuống giá. 1 mỹ kim chỉ đổi được có 400 đồng (giá chánh thức là 200). Ngày 29 tăng lên 600 đồng.

        Trên phương diện quân sự, phần thắng lợi coi như nghiêng về phía Miền Nam Việt Nam . Tôi đã tham dự cuộc hành quân Lam Sơn. Người Mỹ đã có ý muốn chứng minh trước khi họ rút đi, rằng Quân đội Miền Nam Việt Nam có khả năng chiến đấu một mình được rồi.. Từ Khe Sanh, Quân  lực Việt Nam Cộng Hòa phải tiến vào lãnh thổ Lào để cắt ngang đường mòn Hồ chí Minh .

           Chuyện "Việt Nam Hóa chiến tranh"  đã cho thấy đó chỉ là một đòn bịp để cho chúng ta hiểu được sự bại trận vào năm 1975.. Thí dụ như  Hoa Kỳ đã giúp huấn luyện một số phi công lái trực thăng. Nhưng các phi công trẻ nầy không biết xử dụng dụng cụ bay, chỉ nhắm hướng bay bằng thị giác mà thôi. Một chiếc trực thăng chở một số nhà báo, bị rơi vào sương mù bị lạc qua vùng cộng sản và bị bắn hạ. Tôi thoát được là nhờ đi được trên một chiếc trực thăng khác, cũng bị lạc nhưng may mắn hơn họ đáp được xuống đất nhà.

        Người ta đã đào tạo và huấn luyện ở Hoa Kỳ những sĩ quan Việt Nam  chuyên trách sau nầy về liên lạc địa-không  Họ có khả năng điều khiển từ dưới đất hỏa lực không  trợ . Họ đã tập sự, lập đi lập lại nằm lòng những gì người ta đã dạy. Trên trận địa, họ cho thấy là họ không có đủ khả năng để điều khiển hỏa lực không trợ của các phi cơ Mỹ. Chỉ vì họ quá kém về Anh văn.

- " Quân đội Miền Nam Việt Nam không thiếu một món gì hết, cho tới một chiếc bù lon cũng không thiếu"

Đó là những gì hầu hết các tướng lãnh Hoa Kỳ đã nói  Nói vậy chớ trừ một vài đơn vị thiện chiến còn thì

tất cả đều như cái bị rách. Người Mỳ đề cao giá trị của QLVNCH để họ có thể rút đi càng sớm càng tốt.

       Tôi đã khám phá ra cái thành phố Sài Gòn của những người lính Mỹ đào ngũ, một thành phố ghê tởm vừa tự bán mình vừa giữ nhân phẩm của mình. Nếu chúng ta suy nghĩ thật kỹ thì Sài Gòn lần lượt đã từ chối người Pháp, chế độ của ông Diệm, người Mỹ và bọn Việt Cộng.  Thành phố nầy chưa bao giờ thật sự là một thành phố Việt Nam , nó thả mình phiêu lưu theo thế giới và buôn lậu. Chúng tôi sẽ trở lại sau nầy về  những nguồn gốc của nó.

       Tôi đã viết trong quyển "Chuyến du lịch đến tận cuộc chiến tranh "  :

-" Trước kia Sài Gòn rất là duyên dáng. Người ta ai cũng biết cười. Thành phố đã qua thử thách vì

 hằng trăm ngàn lính Mỹ,  với đồng mỹ kim đầy túi và muốn tất cả đều được mua bán tự do, rượu, gái, ma túy  và sẵn sàng trả với bất cứ giá nào cũng được .Tất cả những rào cản đều được đồng mỹ kim dẹp hết  kể cả  một dạng về luân lý, và tất cả các cấu trúc xã hội chỉ còn giữ lại một vài cơ cấu mà thôi. Trước kia, trong thế kỷ khác nào đó, người ta gọi Sài Gòn là "hòn ngọc Viễn Đông" và Sài Gòn giờ đây đã trở

 thành một thành phố  của các sự hối lộ và của thanh toán nhau...Từ các thùng rác không đổ đi được và những miệng cống bị tắt tịt.. phóng lên một mùi xú uế nồng nặc đã thành một mùi đặc biệt của thành phố nầy ...."

              Người ta tìm được ở đây  bạch phiến với một giá bất chấp mọi sự cạnh tranh nào. Nguyên chất ,

 90 %, và rẻ hơn thuốc phiện vốn từ đó bạch phiến được lấy ra. Đó là do bọn cộng sản đã mang sang từ Lào, từ  Tam Giác Vàng , từ Thái Lan .. để cho tràn ngập thị trường ở đây. Chu ân Lai đã từng thú nhận

như  thế trong một cuộc phỏng vấn ở Hán Khẩu :" Người Mỹ họ có B.52, thì chúng ta có ma túy"

Ở tiệm Soul Alley, nằm về phía sau Tân Sơn Nhất , thường có những tay ăn cắp chuyên nghiệp, thường là

những lính đào ngũ da đen. Họ đào ngũ bởi vì họ quá nghiện rồi và tự biết là họ sẽ không bao giờ có được bạch phiến nữa khi về đến Hoa Kỳ . Cũng như người ta đã từng nhắc nhở với họ trong tờ Stars & Stripes rằng bạch phiến ở Hoa Kỳ mắc bằng 10 lần hay 20 lần hơn, nên họ đã thích  đào ngũ để ở lại đây luôn.

Sài Gòn đã bung to ra vì Quân đội Hoa Kỳ . Các người lính Mỹ dơ dáy, tóc để dài, thường hay làm dấu hiệu hòa bình trên đường phố. Họ la cà hết các quán rượu nầy đến nhà thổ khác. Họ làm thối nát Sài Gòn  và ngược lại Sài Gòn làm hư hết binh sĩ Mỹ.

     Đối với vấn đề nầy, phải nhấn mạnh đến ảnh hưởng của người phụ nữ Việt Nam . Chính họ là người nắm túi tiền. Có 3 người đàn bà  đã có một vai trò quyết định trong việc để mất Miền Nam Việt Nam .  Bà Thiệu, vợ của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa , bà Khiêm , vợ của Thủ Tướng chính phủ , và bà  Quang, vợ của cố vấn quân sự đầy quyền lực của Tổng Thống.  Các bà nầy có những văn phòng bí mật ở Sài Gòn để ở đó họ bán đấu giá những địa vị những chức vụ, những giấy phép quan trọng, những chiếu khán xuất cảnh, những giấy miễn dịch Quân sự . Bán tất cả miển là có tiền, có mỹ kim hay đồng quan Thụy sĩ..

        Người thợ thủ công phải chung một phần lợi tức của mình cho đại tá hay ông tướng nào đó của đơn vị mình để được tiếp tục ở nhà hành nghề . Những anh Tàu giàu có còn lanh hơn, tự xung phong làm bếp cho  tướng lãnh. Dĩ nhiên họ phải cung cấp cả bếp lẫn thức ăn cho vị tướng đó. Năm 1971, quân số của hầu hết các đơn vị đều gian dối: người ta thổi phồng quân số lên để giúp cho các sĩ quan có thêm tiền lương của lính ma lính kiểng hoặc bán đi thực phẩm của họ.

        Lúc bấy giờ, ông Thiệu là Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa , chánh thức được Tổng Thống Hoa Kỳ và CIA nâng đỡ. Tướng Nguyễn Cao Kỳ là Phó Tổng Thống  và tướng Minh Dương là người rất bình dân. . Ông vẫn là người tiêu biểu cho hòa bình . Sau đó tướng Kỳ bị loại ra và tướng Minh thì bị đưa sang Thái Lan. Các tướng lãnh và đại tá thì ủng hộ ông Thiệu. Họ muốn được yên thân để làm giàu.

       Tất cả cho thấy có một sự thúi nát, nhưng người dân Miền Nam Việt Nam vì không muốn chế độ cộng sản nên phải chấp nhận  ông Thiệu và mọi sự hư hỏng nầy. Và vì họ nhớ tới vụ tàn sát ở Huế.

      Chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát phần lớn lãnh thổ vào năm 1971 từ sau khi các đơn vị Hoa Kỳ rút đi.Đó là trên phương diện chánh trị. Và họ sẽ mất dần trên phương diện quân sự .

      Người dân Miền Nam Việt Nam rất sợ người dân Hỏa Tinh của Hà Nội , những người "nhỏ thó mặt

 đồ xanh lá cây". Đối với họ đây là những người thuộc một hành tinh khác, một giống người khác , khắc nghiệt, cười nhưng không biết động lòng, là những tượng gỗ .  Sài Gòn  vẫn  thích đời sống dễ dãi, và không muốn vào nhà kín để trở thành một bà sơ đỏ.

       Lịch sử  về những nguồn gốc của Sài Gòn đã cho chúng ta hiểu nhiều hơn về lối sống và xử sự của người dân, vừa có chút máu tàu , chút máu Miên, rồi đã phải sống  chung và liên lạc lâu dài với người Pháp, rồi với người Nhật, với người Mỹ... không  thể sống mà không có người bảo hộ, những người mà họ vẫn luôn luôn không trung thành, mà thiếu họ cũng không được .

 

*

*         *

Chú Thích của dịch giả:

(2) - Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài không phải là dị giáo như tác giả đã hiểu, nên đến giờ nầy (thế kỷ 21) vẫn còn tồn tại. Chỉ riêng có nhóm Bình Xuyên thì sai trái, không có chánh nghĩa, nên bị triệt tiêu là quá đúng.

(3 )- Ở chỗ nầy tác giả có một nhận xét quá chủ quan, có thể sai. Sự thật là người lái xe "Citroen 2 ngựa" đưa hai ông Diệm Nhu và tùy viên quân sự rời khỏi Dinh Gia Long là thiếu tá Trang khánh Hưng, người cùng quê và bạn học một trường một lớp từ nhỏ với dịch giả. Anh cũng là một  sĩ quan thiết giáp như dịch giả, được biệt phái qua Bộ Thanh Niên, làm việc với ông Cao xuân Vỹ.  Anh được lệnh của ông Cao xuân Vỹ đến chờ đón hai ông Diệm Nhu ở một nghách bí mật từ Dinh Gia Long ra, ngay lúc hoàng hôn chiều tối ngày 1/11, lúc trời còn tranh tối tranh sáng.  Công tác hoàn thành, anh đưa họ vào nhà ông Mã Tuyên hồi gần 9 giờ đêm, và từ  đó họ mới vào được nhà thờ cha Tam ở Chợ Lớn. Riêng đại tá Thiệu, với tư cách là sư đoàn trưởng sư đoàn 5, ông đang cùng với Bộ Tham Mưu sư đoàn ở Bộ Chỉ Huy hành quân của sư đoàn, không đóng gần Dinh Gia Long ;

(4) tác giả quá chủ quan, đưa ra những con số cao gần gấp 10 lần sự thật.

 


Trở về trang Mục Lục     Chương 1 - phần 3

1