Phần Một
(tiếp theo)

9.- NHỮNG NẠN NHÂN KHỐN KHỔ
CỦA BIỂN CẢ
       

Các anh Minh, Trần và những người khác đã đến được nơi mà họ muốn đến. Tại Pulau Bidong , hằng mấy giờ liền họ đã vừa khóc vừa kể cho tôi nghe lịch sử về chuyến đi của họ và những gì họ đã chịu đựng trong chyến hải hành nầy. Nhưng thử hỏi trong số những người bỏ nước chạy đi tìm tự do, đã có bao nhiêu người đến được bờ biển Thái Lan, Nam Dương , hay Mã Lai ? Ở đây chưa nói đến những người tỵ nạn khác như dân Cam pu Chia, hay Lào. Ông  Mac Keller, Bộ Trưởng Bộ Di Trú Úc Châu đã tuyên bố hồi tháng 4 năm 1979 rằng :
"Hết phân nửa "thuyền nhân" đi từ Việt Nam  trong vòng 4 năm trở lại đây đều đã chết ngoài biển."
Như vậy là ước tính vào khoảng từ 100,000 đến 200,000 người . Nhưng chắc chắn là con số nầy khó có thể kiểm chứng được . Thật sự còn có thể cao hơn thế nữa .
Khi những người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do, họ vẫn thường biết là họ sẽ gặp và đối đầu với rất nhiều nguy hiểm mà bản thân họ không thế nào giải quyết nổi. Nhưng họ vẫn cương quyết ra đi, thà chọn con đường đầy rủi ro bất trắc để sống còn.                
Những con thuyền họ dùng, thường là những chiếc ghe, tàu vừa được người ta hấp tấp sửa sang lại để kịp ra biển khơi. Dĩ nhiên là không có một món chi trên tàu dự trù cho chuyến hải hành lâu ngày trên biển cả, và con số thuyền nhân quá cao trên tàu vượt quá con số ấn định đã khiến có nhiều chiếc bị chìm. Có đủ mọi loại tàu thuyền, lớn nhỏ, từ những chiếc ghe tam bản cho đến tàu chở hàng, nhưng loại nầy rất ít. Tùy theo từng loại vượt biên, người ta mua lại thuyền đánh cá cũ của ngư dân, hay do chánh quyền tịch thu bán lại, nhưng nói chung tình trạng thật là bi đát. Có những nhân chứng đã xác nhận là họ đã thấy được nhiều xưởng đóng tàu đang làm việc tận lực chỉ để che dấu những điều thiếu sót hay hư hỏng của các chiếc tàu thuyền loại nầy vào thời điểm mà người Việt gốc Hoa chánh thức được phép hay bị cưởng bức phải ra đi..
Một trong những nguy hiểm chính cho "thuyền nhân" đến từ gió mùa, từ tháng mười một cho đến tháng ba. Trong thời gian 5 tháng nói trên, chuyện đi trên biển Nam Hải được coi như là tối ư nguy hiểm, các cơn bão nổi lên thường xuyên và rất là dữ dội. Trong thời điểm nầy, các chuyến vượt biên giảm xuống thấy rất rõ. Nhưng cũng có một số tàu nào đó bất chấp nguy hiểm vẫn cứ đi, vì 3 lý do chính sau đây:
Trước hết mùa nầy là các tay cướp biển cũng ít ngang dọc trên biển. Thứ đến là vì gặp trường hợp thuyền nhân muốn kín đáo chạy trốn cộng sản , lợi dụng sự canh phòng dọc theo bờ biển Việt Nam hơi lơi . Và sau cùng vì sự đón tiếp ở các nước mà họ nhắm đến có phần dễ dải hơn vì lúc đó con số dân tỵ nạn cũng giảm xuống phần nào trong thời điểm nói trên. Dĩ nhiên chính những chiếc tàu vượt biên nầy mới đáng thương hại vì hầu hết đều bị đắm .
Khi những người tỵ nạn đã tìm được phương tiện để rời khỏi quê hương Việt Nam thì dù đi chánh thức với tư cách là Hoa kiều, (với giấy tờ thật hay với giấy tờ giả), hoặc trốn đi lén lút…mối nguy hiểm đầu tiên đang chờ đón họ là những toán tuần tiễu dọc theo bờ biển. Đối với những người lén lút trốn đi thì bọn tuần tiễu nầy là một trong những nỗi kinh khủng nhất. Khi họ bị bắt dù trên đất liền hay ngoài biển thì cũng chỉ có nhà tù hay cái chết đang chờ họ mà thôi. Các toán tuần tiễu nầy gặp là cứ bắn thôi, không chần chừ hay ngại ngùng gì cả. Nước ta đã biết được là có rất nhiều tàu vượt biên chìm vì bị bọn tuần tiễu nầy bắn bừa bãi như vậy. Còn nếu họ được đi chánh thức, hợp pháp (Hoa Kiều thật hay giả), thì nếu bị chận bắt thì họ chỉ còn bị tống tiền thêm một lần nữa thôi, từ những toán tuần tiễu ở vùng khác đến vì họ không có hay chưa có nhận được phần hối lộ của họ.
Mối nguy hiểm kế đến là biển cả. Và những  tên cướp biển. Tất cả những gì người ta được biết về các tên cướp nầy chỉ là : Họ là người Thái Lan. Nhưng người ta có chia họ ra làm 2 loại. Những tên "nhà nghề" coi như lúc nào cũng thường trực trên biển và có những căn cứ vững chắc trên bờ biển Thái Lan. Và những tên cướp "cơ hội nhưng thường trực" mới xuất hiện từ 1975. Thường thường đây là các dân đánh cá khi họ thấy được là một ngày cướp có thể cho họ lợi tức cao bằng tiền cả năm đánh cá của mình. Một người dân tỵ nạn xác nhận với tôi là theo ý của ông ta thì bọn cướp nầy được sự yểm trợ đắc lực của chánh phủ cộng sản Việt Nam vì đó là phương tiện duy nhất để họ thu về một phần nào số vàng dấu đút của những người vượt biên.      
Người ta không đoán được con số chính xác về các con tàu của bọn cướp biển. Dĩ nhiên là không thể tổng kê được. Cơ hội tạo ra kẻ cướp. họ càng ngày càng thấy đông lên theo nhịp độ tăng trưởng của làn sóng vượt biên từ Việt Nam . Nhưng cũng đừng nghĩ rằng đây là bọn cướp có truyền thống thời xa xưa của bọn lãnh chúa của biển Đông có lúc cũng tàn ác chỉ với một con dao găm ngặm ngang mồm khi họ nhảy qua thuyền để cướp. Vì đây chỉ là một hình ảnh quá nên thơ, không sánh được với hành động tàn bạo của bọn cướp biển thời bây giờ.
Bây giờ thì bọn cướp biển có đủ tàu chạy với tốc độ thật nhanh, dễ dàng đuổi bắt bất cứ tàu thuyền nào nhất là loại tạm bợ của thuyền nhân . Họ lại được trang bị đầy đủ về vô tuyến, truyền thanh, về rađa.. chưa nói đến các loại súng hiện đại như liên thanh nặng trên các con tàu trên 500 hay 600 mã lực. Hầu hết các thuyền nhân nạn nhân của bọn cướp nầy đều đồng ý đây là những người không có thương hại ai hết, hãm hiếp và giết người không gớm tay . Nhưng  có đôi khi cũng  có người trong bọn họ lại cho thuyền nhân nước uống và thức ăn giúp cho thuyền nhân tiếp tục sống. Các tên cướp biển nầy ít khi có trách nhiệm trong những vụ đắm tàu. Họ thường lo cướp bóc, vơ vét và ra đi như họ đã đến vậy thôi. Nhưng khi gặp trường hợp có bọn cướp khác đã đến ăn hàng trước họ, thì họ trở nên giận dữ và có thể gây ra nhiều tổn hại không lường được cho cả thuyền nhân và cho cả tàu thuyền của các nạn nhân nữa. Với con số 100.000 hay 200.000 thuyền nhân đã chết trên biển, con số bị cướp chỉ có phần nào thôi.
Thời tiết xấu và tình trạng mục nát, hư hỏng của tàu thuyền, và sự thiếu thốn nước ngọt hay xăng dầu cho máy, mới là những yếu tố chính gây ra cái chết  của số lớn thuyền nhân.
Bọn cướp người Thái dùng nhiều kỷ thuật khác nhau để tấn công thuyền nhân.. Nếu trên tàu  họ có đông người, (điều ít khi có) thì họ chỉ cần đón tàu của thuyền nhân trên hải trình bằng cách dò bằng ra đa hay theo dỏi bằng mắt (ống dòm). Trái lại nếu họ ít người (rất thường, khoảng trên dưới mười người ), thì họ dùng mẹo. Như có người đã thấy, họ có thể đề nghị kéo tàu giùm,  khi tàu của thuyền nhân bị hư, để chờ bọn khác được họ gọi bằng vô tuyến đến tăng cường. Hoặc họ cho treo cờ ngoại quốc lên để dụ thuyền nhân đến với họ.
Theo thiển ý thì người  ta có thể ước tính tỷ lệ là một trên hai (1/2)hay một trên ba (1/3), tùy theo thời điểm, con số những tàu thuyền bị bọn cướp tấn công. Nhưng một chiếc tàu của thuyền nhân cũng có thể bị tân công nhiều lần trên con đường vượt biên. Trên lãnh vực nầy , tại Pulau Bidong, có một chiếc tàu đạt kỷ lục cao là họ bị tấn công đến 21 lần trong suốt cuộc hành trình vượt biên của mình. Có nhiều chiếc khác bị 13 hay 17 lần.
Đáng ghi nhận hơn hết trong thái độ của thuyền nhân đối với bọn cướp biển, đó là họ hoàn toàn bất bạo động, hoàn toàn thụ động. Kẻ tấn công họ thường chỉ có dao , rìu hoặc búa. Ít khi có súng và dân số mười lần ít hơn thuyền nhân. Nhưng trong vài giây biểu dương lực lượng, bọn cướp làm cho cả thuyền nhân sợ hãi và không còn có chút ý chí chống cự lại. Nếu họ muốn chống lại bọn cướp, thì họ vẫn có thề dễ dàng thành công trong  hành động tự vệ. Nhưng người ta ghi nhận là rất ít khi họ thật sự làm được chuyện đó.
Một khi tàu của thuyền nhân bị khám, kỹ thuật cướp bóc thường không thay đổi. Bọn cướp cho thuyền nhân lên hết trên bon tàu, để họ lục xét và vơ vét từng người và cả chiếc tàu.  Khi họ thấy không còn gì để vơ vét được của thuyền nhân nữa thì chừng đó họ mới dùng đến vũ lực. Chuyện hãm hiếp chỉ là một trò giải trí phụ mà thôi. Thường thì họ chỉ thích tra hỏi thuyền nhân bằng đánh đập. Nhưng trong tờ l'Express, ông Pierre Doublet nói tới trường hợp có nhiều nạn nhân tay bị trói quật ra sau lưng để ném xuống biển, cho đến khi không còn dùng chân ngoi lên mặt nước được nữa, họ mới chịu chỉ chỗ dấu vàng của mình. Chỉ khổ cho những ai không có vàng !
Trước sự gia tăng hoạt động của bọn cướp biển, người ta không thể lấy làm lạ về sự yên lặng của các chánh phủ liên quan, để chấm dứt tệ trạng nầy. Hình như là bọn cướp vừa cướp bóc vừa giết người một cách an nhiên tự tại, mà vẫn không bị một sự trừng phạt nào. Không một ai nghĩ tới họ, dĩ nhiên cũng vì họ chỉ nhắm vào những người tỵ nạn khốn khổ mà không một ai muốn chứa chấp. Ngay như các tổ chức quốc tế vốn đang hoạt động giúp cho người tỵ nạn cũng để bài toán nầy qua một bên, không chú ý tới. Tuy nhiên về phía chánh phủ Thái Lan chúng tôi nghĩ là họ phải có một hành động nào đó mới đúng. Con số vàng, bạc, nữ trang mà bọn cướp vơ vét được phải được dem ra tiêu thụ trong nước làm sao không thấy được, làm sao qua mắt chánh phủ được ?  Hay chính vì chuyện đó mà chánh phủ không có một hành động nào?   
Dù có bị cướp hay không bị cướp, các thuyền nhân còn bị một nguy hiểm thường xuyên khác đe dọa: Đó là máy tàu hay bị  hỏng. Nếu máy hư bị kéo dài lâu ngày trên biển cả thì đó có thể dẫn tới cái chết. Tàu hư máy sẽ bị trôi dạt theo các lượng sóng đến nơi vô định, nước uống sẽ thiếu trong vài ngày, và cuối cùng là cái chết thôi.
Đối với những chiếc tàu hỏng máy nầy, kể cả các tàu thuyền nhân khác cũng vậy, hy vọng đến với họ chỉ từ các tàu hàng ngoại quốc qua lại trên biển cả mới có thể cứu được họ mà thôi. Từ thời kỳ đầu của cuộc di cư nầy, các vị thuyền trưởng của tàu hàng đã cứu vớt không ít nạn nhân khốn khổ nầy trên tuyến đường của họ. Nhưng từ năm 1978, thì không còn như vậy nữa. Phần đông các chủ tàu đã cho lệnh rất nghiêm túc. Vì những lý do tài chánh, họ không muốn mang thêm "gánh nặng thuyền nhân" nữa. Ở một số hải cảng, họ phải trả tiền cho thuyền nhân, những  số tiền bảo lãnh rất quan trọng, và mặc dầu đã có những công ước quốc tế, thật khó hay có khi không có thể cho họ lên bờ được bất cứ ở đâu. Do vậy, thôi thì cứ ngó lơ đi, cứ làm ngơ đi, bên cạnh những con tàu rách nát, hư hỏng sắp chìm với những thuyền nhân đang rên rỉ lớn tiếng khóc lóc van xin sự giúp đỡ.
Các thuyền nhân nào đã qua được biển Đông  sau khi thoát khỏi bọn tuần duyên cộng sản , qua khỏi các cơn bão táp, máy tàu không hư hay hư mà sửa được, thoát hết các nguy hiểm khác ,  thấy được bờ biển Mả Lai hay Nam Dương …đều tưởng rằng mình đã chấm dứt được chuyến phiêu lưu rồi. Hầu hết đều đinh ninh rằng họ sẽ được đón tiếp nếu không phải niềm nở thì ít nhất cũng đầy thiện cảm.
Chính lúc đó thì cảnh sát Mã Lai xuất hiện. Từ buổi đầu của cuộc di cư nầy, cảnh sát Mã Lai lo việc đón các tàu của người tỵ nạn đến và dẫn thuyền nhân đến trại tỵ nạn. Có không ít sĩ quan cảnh sát lợi dụng công tác nầy để tống tiền (riêng cho mình) và đây coi như đến phiên họ vơ vét thuyền nhân. Thường có rất nhiều trường hợp điển hình lắm. Nhưng gặp trường hợp đặc biệt lắm, hy hữu lắm họ mới xua đuổi tàu tỵ nạn. Sau đó với con số thuyền nhân liên tục tăng thêm mãi, một sự bực bội nào đó vì gánh nặng được thấy lộ ra. không có một ngày nào mà không có một chiếc tàu tỵ nạn nào không đến, và con số thuyền nhân cứ tăng cao lên mãi đến một tỷ lệ đáng lo ngại. Lúc bấy giờ cảnh sát mới bắt đầu siết chặt sự giám sát của họ và bắt đầu xua đuổi, thậm chí còn giết nữa, như trường hợp đã xảy ra ngoài khơi bờ Mersing, phía Nam của Mã Lai vào tháng 4/1979(1) Người ta không được biết rõ lắm là cảnh sát đã có những hành động như vậy vì đã có lệnh chánh thức từ chánh phủ của họ hay không, hay chỉ vì theo lệnh của cảnh sát trưởng của họ, tùy theo sáng kiến của từng chiếc tàu tuần duyên, hay của từng toán tuần tiễu. Luôn luôn là có một số lớn tàu tỵ nạn được kéo ra biển khơi để bỏ mặc cho số phận của họ. Còn trên bãi biển người ta bắt đầu thấy xác chết của thuyền nhân trôi tấp vào. Cho nên lúc bấy giờ về phía thuyền nhân chỉ  còn có một giải pháp: đó là tự nhận chìm tàu thuyền của mình khi tới bãi, và ngồi ngay đó chờ người ta lo giải quyết cho mình.
Những hành động loại tuyệt vọng nầy thường gây ra nhiều vụ đắm tàu không cố ý, làm chết người, vì con số trẻ con quá nhiều trên tàu. Thỉnh thoảng khi có thể được thì cảnh sát sửa chửa tàu thuyền lại cho người tỵ nạn và kéo họ ra tận hải phận quốc tế. Nhưng công việc của cảnh sát thật là quá nặng. Thuyền nhân tấp vào bãi  khắp mọi nơi dọc theo bở biển mà cảnh sát không thể nào chặn lại hay kiểm soát hết được.Các thuyền nhân tự lập thành những trại tỵ nạn nhỏ, hoang dã, và cảnh sát phải chuyển họ lần hồi về các trại tỵ nạn chánh thức của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Nhưng đối với những người "nhập cư bất hợp pháp"vào lãnh thổ Mã Lai như vậy, thì thường họ phải nằm chờ tại chỗ, trên bãi, hằng mấy tháng trời. có lính gác, và ít nhiều được Hội Hồng Thập Tự Mã Lai tiếp tế, đương đầu với sự chống đối thường xuyên của dân chúng, tố cáo thuyền nhân đã tấn công các thuyền đánh cá của dân làng, hay làm gián điệp, nằm ăn vạ để làm giá.. v.v. Báo chí trong nước nhất là từ tháng 5/1979, truyền đi những tin tố cáo của dân làng càng làm tăng thêm sự chống đối của dân chúng Mã Lai đối với người Việt Nam dù đó là người Việt  gốc Hoa.
Luôn luôn từ tháng 5/1979, những chuyện xua đuổi càng ngày càng nhiều . Cho đến khi vào tháng 6/1979, chánh phủ Mã Lai chánh thức đe dọa trục xuất hết 76,000 dân tỵ nạn đang sống trên lãnh thổ của mình, và kể từ đây sẽ bắn tất cả những ai muốn lại gần bờ biển của mình.  Rồi sau đó từ tháng giêng đến tháng sáu trong năm 79  đó, 40,000 thuyền nhân đã bị xua đuổi ra biển, chỉ có 10.000 trong số nầy đã đến được Nam Dương.
Các biện pháp nầy (có người cho là cũng dễ hiểu thôi, mà cũng có số người khác không thể chấp nhận) đã mang lại nhiều thảm kịch tai hại. Riêng các thuyền nhân thật sự thấy không cần phải lên tiếng.   
Ở các quốc gia phương Tây, dư luận thật sự mới chú ý đến mức độ tế nhị của bài toán nầy khi chiếc tàu "Hòn Đảo của Ánh Sáng" (l'Ile de Lumière) cập bến vào Pulau Bidong và hai tháng sau, Mã Lai và các quốc gia khác đã đón rước thuyền nhân lúc đầu đã tuyên bố sẽ xua duổi hết tất cả, và trong nhiều trường hợp đã thực sự cho thi hành như vậy. Mọi người đều thấy đây là một cái gì đó đang được chuẩn bị: thuyền nhân sẽ được coi như con vật hy sinh vậy.
Người ta còn nhớ rõ lúc chiếc tàu Saint-Louis chở đầy người tỵ nạn Do Thái năm 1939, đã đi từ cảng nầy qua cảng khác mà không nước nào chịu nhận hết. Cuối cùng nước Bỉ đã nhận hết số dân tỵ nạn Do Thái nầy. Nhưng đã quá muộn. Chỉ vài tháng sau đó thì Đức đã chiếm quốc gia Bỉ nầy. Và hầu hết các người tỵ nạn Do Thái trên chiếc tàu Saint Louis đều vô lò thiêu ở Auschwitz. Người ta cũng không quên l'Exodus, và ngay những người tỵ nạn Âu Châu sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sao mà giống nhau một cách lạ lùng,  những hình ảnh gần giống nhau trong cảnh đói khát nghèo nàn  và tuyệt vọng. Lịch Sử hình như cứ tái tiếp diễn mặc dầu đã có những lời cảnh cáo của nhiều người đã nói lên về các Trại Đức Quốc Xã rồi : "không bao giờ có nữa nhé"
Người ta có thể giải thích tình hình kinh tế của Mã Lai đang bị một gánh quá nặng về người tỵ nạn, không gánh vác nổi, mà người nước khác do dự không muốn gánh, trước hết là người Mã Lai. Nhưng lời giải thích nầy thật sự không đứng vững trước các sự kiện Các người tỵ nạn nằm yên trong các trại, trên thực tế không có một giao dịch nào với bên ngoài, và các chi phí điều hành cần thiết đều do các tổ chức quốc tế đài thọ.Chính Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phải trả. Có nghĩa là các quốc gia giàu. Cơ quan Liên Hiệp Quốc nầy dự trù một ngân khoản là 16 triệu Mỹ kim, chỉ riêng cho Mã Lai. Phần lớn ngân khoản nầy được chuyển cho Hội Hồng Thập Tự Mã Lai, để lo tiếp tế và nuôi ăn các người tỵ nạn. Các phần ăn cần dùng hằng ngày cho 76.000 người tỵ nạn giúp cho việc điều hành của các nhà máy thực phẩm Mã Lai. Mã Lai chỉ lo chi phí cho quân đội và cho cảnh sát được dùng trong việc canh gác và kiểm soát các trại  tỵ nạn và lãnh hải của mình. Nhưng cũng có thể quân đội và cảnh sát được dùng trong các nhiệm vụ khác không chừng. Mã Lai không có tăng  thêm quân số của quân đội và cảnh sát trong hoàn cảnh người tỵ nạn chỉ có chuyển gần hết hoạt động của hạm đội của họ sang bờ biển phía Đông mà thôi.
Như thế, tất cả đều cho thấy là gánh nặng thuyền nhân tỵ nạn không có gì gọi là chịu không nổi cho quốc gia nầy hết, còn xa lắm mới tới. Hơn thế nữa, không có một người dân tỵ nạn nào được vĩnh viễn ở lại đất nước Mã Lai. Mã Lai chỉ là một trạm trung chuyển mà thôi. Các quốc gia khác như Pháp, Hoa Kỳ, Canada v.v. mới là nước phải tiếp nhận và cho thuyền nhân định cư. Không !, lý do thật sự của Mã Lai có nhiều loại khác hơn. Trước hết là trong nước 13 triệu dân nầy  có một tỷ lệ chủng tộc rất quan trọng về sắc dân. Người Tàu chiếm gần 40 % dân số. Một con số chánh thức to lớn mà theo người ta nói còn có thể cao hơn nữa, quá 50 %. Và những Hoa kiều nầy kiểm soát phần lớn nền kinh tế trong nước. Nếu người ta còn tính thêm 10 % người Ấn Độ cũng đang sống trong đất Mã Lai thì người ta sẽ thấy rõ là dân chúng gốc Mã Lai là thiểu số trong chính đất nước của mình. Và ta xem lại thì thấy gần 3 phần 4 dân tỵ nạn là người Việt gốc Hoa. Bấy giờ người ta sẽ hiểu là người dân Mã Lai nào nắm quyền chánh trị cũng không bao giờ muốn cho dân tỵ nạn người Hoa đến đất nước của mình. Hơn thế nữa, còn vấn đề tôn giáo nữa. Dân chúng Mã Lai theo Hồi Giáo, rất nghiêm nhặt, họ có một cái nhìn khác đối với những người theo Phật giáo và cả người người Thiên chúa giáo, làm sao họ có thiện cảm đối với những người khác tôn giáo nầy khi họ đến đất nước Mã Lai được?    
Ngoài ra , phải nói thêm là còn nỗi lo sợ về "đạo binh thứ năm", một đạo binh của cộng sản Trung Hoa và Việt Nam vốn đang muốn bành trướng ra  hết vùng Đông Nam Á Châu nầy nữa. Nổi lo sợ nầy ăn sâu vào tâm khảm của những người có trách nhiệm ở mọi từng lớp ở Mã Lai. Không phải không có lý đâu, vì cảnh sát Mã Lai đã có khám phá ra một số mật báo viên cộng sản và cả việt cộng có mặt trong số dân tỵ nạn. Tại Pulau Bidong, bộ phận An Ninh do một số thuyền nhân đảm trách đang dò tìm bọn cộng sản nầy. Một công chức cao cấp của cảnh sát Mã Lai đã xác nhận với ký giả tờ báo l'Express là ông Christian d'Épernoux rằng đã có trên 50 trong số thuyền nhân đã được thấy có mặt trên đảo nầy rồi. Chánh quyền Mã Lai sợ rằng các nhân viên cộng sản nầy sẽ được dùng để tăng cường nhóm du kích cộng sản đang hoạt động ở phía Bắc Mã Lai, trên phần đất giáp giới với Thái Lan.
Nhưng có một lý do rất quan trọng khác là chắc chắn có một số người càng ngày càng đông, đang tìm cách ở lại Mã Lai. Vì luôn luôn có sự chênh lệch rất lớn giữa con số người đến và con số người đi trong các quốc gia tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn, chánh phủ Mã Lai sợ rằng một ngày nào đó họ bị bắt buộc phải nhận cho định cư hằng chục ngàn người Việt Nam và người Hoa kiều mà cho đến giờ nầy chánh phủ chỉ muốn coi họ chỉ là những người quá cảnh tạm mà thôi. Điều nầy cũng có thể xảy ra lắm, vì chỉ cần các quốc gia phương Tây chán cái cảnh người di cư xa lạ nầy, hay gặp khó khăn nội bộ, như thất nghiệp chẳng hạn, rồi giảm lần hay cắt bỏ hết con số thuyền nhân dự trù định cư ở quốc gia đó. Người dân Mã Lai không thể chịu được lâu cảnh bị lưỡi gươm treo trên đầu mãi như vậy, nên họ mới có một quyết định không nhân nhượng kể từ tháng 6 năm 1979 như thế. Qua sự xác định của họ, người dân Mã Lai chỉ muốn dự phòng biện pháp hầu tránh khỏi mối nguy cơ từ những thuyền nhân tỵ nạn, bằng cách bắt buộc các quốc gia phương Tây qua sự đe dọa đời sống con người của thuyền nhân.
Không phải là vô lý đâu. Họ ước tính rằng một số quốc gia phương Tây (không nói hết các nước được ) không làm gì hết, để giúp họ giải quyết bài toán các thuyền nhân tỵ nạn trên đất nước Mã Lai của họ.   
Đối với những thuyền nhân tỵ nạn, họ cứ nằm ỳ ra trong các trại tỵ nạn, phó mặc cho sự tuyệt vọng, không cần biết đến các cuộc đấu đá về chánh trị xa vời, dù đó là những tiếng xì xào điếc cả tai liên quan đến số phận của họ. Vì họ đã là những người dân mất gốc rồi, không ai muốn dung nạp họ nên họ không có quyền lên tiếng nữa. Họ chỉ có chờ đợi thôi. Đã từ bao nhiêu năm rồi, họ không còn có phương tiện nào để làm áp lực với các biến cố liên quan tới đời sống của mình. Họ chỉ có chờ đợi thôi. Tại Pulau Bidong, các anh Minh, Trần, Văn v.v.. cũng như những người khác, trên 40.000 vào tháng 6/ 1979, sống trong nghèo nàn cả về thể chất lẩn tinh thần ở trong trại. Cũng trong thời gian nầy, trên chiếc tàu "Hòn Đảo của Ánh Sáng" các thủy thủ cũng như các bác sĩ đang tận lực để cứu giúp họ. Tất cả họ đều là người của hòn đảo hẻo lánh trong biển Đông nầy. Họ là những "người của Bidong".
Minh sẽ kể lại lịch sử của mình bắt đầu từ chuyện Sài Gòn bị thất thủ. Lịch sử của những người trên tàu trắng nầy (l'Ile de Lumière) bắt đầu từ mùa thu năm 1978……   

CHÚ THÍCH
(1)- Cảnh sát bắn vào một chiếc tàu của thuyền nhân mà họ đang kéo . Đã có rất nhiều người chết. Nhưng không bao giờ có thể đem vụ việc nầy ra ánh sáng được cả.


Hết PHẦN MỘT : "Những Thuyền Nhân".Xin đón xem tiếp PHẦN  HAI : 
" Những Người trên Đảo Pulau Bidong"      
1). "Một con tàu cho Việt Nam"   

 



Trở về trang đầu            Trang sau
1