Phần Một
(tiếp theo)

7.- VĂN THỊ DUYÊN

     Cô Duyên chỉ mới tròn 38 tuổi vài ngày trước đây thôi khi Cô hay tin là bộ đội cộng sản Bắc Việt đã vào Sài Gòn. Cả đời Cô, Cô chỉ biết có mỗi ông chồng Cô, một người dân chài, cứ mỗi buổi sáng là đi ra biển để mưu tìm cái ăn đạm bạc hằng ngày cho gia đình . Đã từ lâu rồi, Cô nhớ lại là Cô không biết gì hơn là cuộc sống hằng ngày như thế đó, và những tin đồn đại về một cuộc chiến tranh hình như chưa bao giờ được coi như đã bắt đầu để mà cứ tiếp tục phải kéo dài mãi như vậy. Nhưng trong cái làng bé nhỏ mà Cô đang sống đây, ở ngay mũi Cà Mau, một vùng ở tận cùng phía Nam của nước Việt thì mọi chyện lo của người dân ở đây chỉ là chài lưới, đánh cá mà thôi. Duy nhất cuộc chiến thỉnh thoảng có làm cho Cô nhớ đến chăng thì chỉ là nhớ đến một trong những đứa con trai của Cô mà thôi  .
Cho nên, với chuyện cộng sản chiếm được Sài Gòn , Cô chỉ có một chút lo âu cho cuộc sống trong tương lai mà thôi. Trái lại đối với gia đình của một trong những người anh họ của Cô hiện đang sống ở Sài Gòn , Cô không cảm thấy có một hận thù gì đối với người cộng sản Miền Bắc mà Cô coi như là những người của một hành tinh nào khác vậy thôi. Không phải những người đó đã giết chết đứa con trai của Cô, mà chính là cuộc chiến đã giết nó. Cô cứ nghĩ đơn giản như vậy thôi.
Cô đã nhìn thấy những anh bộ đội đầu tiên vào một buổi trưa, khi họ đến vài ngày sau những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Chồng của Cô, một anh chàng tuy nhỏ thó nhưng lực lưỡng luôn có cái nón cát kết trên đầu đang cùng đứa con trai bé nhỏ lượm cá ra từ mẻ lưới. Lúc đó Cô đang đứng gần đó, tay cầm một chén cơm. Có những người mặc quần áo màu xanh lá cây trờ tới trên bãi biển, từ sau những gò cát phía sau lưng Cô. Có khoảng chừng 10 người, súng cầm tay. Có một nhóm đang lục xét nhà, còn một nhóm thì tiến tới gần chiếc thuyền đánh cá.
Khi đã đến gần Cô, một người trong nhóm , hình như là người chỉ huy đang hô hào cái gì đó nghe dài lắm. Anh ta là người duy nhất đầu trần không đội mũ, tóc chải ngược ra sau ót, mái tóc bay xập xòe hai bên tai, trong lúc anh ta đang dùng hai tay gầy gò vừa quơ qua quơ lại trong không khí, mồm thì la ó om sòm với một giọng khó nghe. 
Cô Duyên đứng yên tại chỗ không nhúc nhích, hai chân dính chặt dưới cát trắng. Cô đoán chừng thái độ của những người đang ở trước mặt Cô là mình phải ngồi yên để không làm phiền lòng họ. Chồng Cô đang ở bên cạnh
Cô, hình như cũng đang có một thái độ như Cô, nhưng thỉnh thoảng cũng ngẩng đầu lên để nhìn.
Qua những lời hô hào tuyên truyền được nghe họ nói thì người  đàn bà trẻ nầy chỉ nắm được là từ đây về sau không bao giờ còn như trước nữa được. Hơi ích kỷ, Cô nàng chỉ mong sao còn được đứng ngoài cuộc chiến nầy và những biến động của nó. Cô Duyên vẫn tin rằng chỉ có đời sống của những người giàu có mới thay đổi thôi, cuộc sống của những con buôn đang còn no đủ và đang chễm chệ ngồi trong xe to lớn với cờ xí và áo quần lộng lẫy ! Nhưng giờ đây, người ta đang hô hào nói với vợ chồng Cô rằng chiếc tàu đánh cá của họ sẽ được xem như thuộc về tài sản của nhân dân rồi, và người ta buộc họ phải bán hết số cá đánh bắt được cho chánh quyền . Và nếu không y lệnh, hay làm trái lại lệnh nầy thì chánh quyền sẽ không bán cho họ săng dầu và nước đá mà họ đang cần dùng cho công tác đánh cá hằng ngày của họ nữa. Và chiếc tàu của họ cũng sẽ bị tịch thu nữa cũng nên.
Khi những tên bộ đội đã đi hết rồi, Duyên mới tỏ ra giận dữ. Chiếc tàu nầy, chiếc tàu  mà vợ chồng Cô đã tốn không biết bao nhiêu là công sức để mua được nó, nó phải thuộc về vợ chồng Cô, về gia đình Cô. Nó không thuộc về ai khác được. Chuyện nầy không một ai ngăn cấm họ được cả. Chiếc tàu nầy đã thuộc về vợ chồng Cô, nó đã là máu thịt của họ, nó là cuộc sống của họ, là bạn của họ trên biển từ lâu rồi. Chiếc tàu nầy đã là như vậy rồi và còn hơn thế nữa đối với hai vợ chồng họ. Mà giờ đây, người ta chỉ nói có vài tiếng, cho một cái lệnh quá ngắn gọn như vậy hả ? coi như trời đất đã bị đảo lộn hết rồi ! "Không bao giờ"  "Không bao giờ" Duyên hét lên như thế.
Chồng Cô đưa tay lên choàng hai vai Cô và cố gắng làm cho Cô yên tâm lại. Dĩ nhiên là họ sẽ giữ chiếc tàu lại rồi ! Tất cả đều là những ngôn từ của  một người lính nhỏ thôi mà. Người ta không bao giờ đi lấy một chiếc tàu của một người đánh cá nghèo đâu. Người ta đâu có tước cây súng trong tay người lính , hay một cây bào trong tay người thợ mộc đâu? hay những con trâu của người nông dân ? Những chuyện đó không thể xảy ra phải không ? Như vậy là hai vợ chồng ta sẽ giữ chiếc tàu lại. Còn chuyện bán cá cho chánh phủ hay cho chợ, đâu có gì khác nhau đâu mà lo?
Nhưng trong những ngày kế tiếp, hai vợ chồng Cô mới nhìn thấy được sự thật rõ ràng hơn. Khi họ mang cá đến thì người ta chỉ cho họ một cái giá tương đương với 30 xu Mỹ một kílô thôi. Thật là quá thấp so với 2 đô la một kílô, cái giá mà trước kia họ bán được ở ngoài chợ. Và hơn thế nữa người ta không có trao cho họ tiền mặt, mà lại trao cho họ mấy tấm phiếu mà mãi đến  10 ngày sau họ mới đổi được , dĩ nhiên để không bao giờ nhận được đúng giá trị thật sự của món hàng. Người ta xua đuổi họ như những người dân bản xứ đánh cá nghèo nàn không có chút giá trị nào, người ta la rầy họ như la rầy con nít nhỏ vì tinh thần tư sản của họ ! Và cứ mỗi lần như vậy là nước mắt họ cứ trào ra trước không biết bao nhiêu là nỗi bất công.
Trong khoảng vài tháng, giá dầu và nước đá cứ tăng lên. Càng ngày càng tăng vọt lên. Tăng một cách thảm hại và quá tàn nhẫn. Nói về lợi tức thì công sức đánh cá trong một ngày quá lao lực không còn có nghĩa lý gì hết. Chỉ vừa đủ mua một ít gạo để nuôi sống họ hằng ngày thôi.
Một buổi chiều nọ, cả gia đình gần 30 người tụ họp quanh cây đèn bão leo lét trong chòi, họ quyết định trích ra bớt một số cá đánh bắt được để đem bán chợ đen, vốn chỗ nào cũng có. Chẳng đã có những người lạ mặt, khi nhìn thấy họ ăn mặc theo lối dân chài liền đến tiếp xúc và hỏi mua cá, với giá cao, có khi họ còn trả bằng tiền Mỹ nữa đó hay sao ? Mình phải giải quyết như vậy và cũng phải chấp nhận mọi sự rủi ro có thể xảy ra. Nếu không thì rồi đây mình lấy đâu ra tiền để mua quần áo mà thay đổi, và để nuôi sống gia đình đây ? Họ bàn cãi với nhau thật lâu trong lúc sóng biển cứ tràn lên bãi với những tiếng vỗ liên tục, êm ái nhẹ nhàng. Người ta đã chẳng có nói là ở châu thành, bọn cộng sản đã nhốt tù tất cả những ai vô phúc muốn đi chệch con đường mà họ đã vạch ra hay sao ? Rủi ro sẽ lớn lắm đó ! Nhưng cuối cùng họ cũng quyết định là phải trích ra 10 %  số cá đánh bắt được trong ngày, dành bán cho chợ đen.
Ngay ngày hôm sau, Duyên bán vài con cá theo kiểu chợ đen. Tin đồn lan ra nhanh chóng và vào những ngày sau đó, Cô có ngay một nhóm khách hàng đáng tin cậy và trung thành. Cô run lên mỗi lần thấy một bộ quân phục màu xanh lá cây xuất hiện và trái tim Cô đau gần như co thắt lại . Nhưng rồi Cô lấy lại hy vọng bằng cách sờ nắn những tấm giấy bạc mà Cô giấu kín trong một góc quần, những tấm giấy bạc nầy sẽ giúp cho gia đình Cô được tiếp tục sống .
Tất cả đều được tiếp tục trơn tru trong một sự nửa lén lút nửa công khai như thế nếu một buổi trưa nào đó, khi vừa đánh cá xong về đến nhà, thì chồng Cô Duyên thấy một số bộ đội đang đứng chờ anh trên bãi biển. Anh nghĩ ngay là có người đã tố cáo anh với chánh quyền , và vừa nhảy lên khỏi chiếc tàu anh vừa tìm trong đầu xem mình phải nói với họ thế nào đây, phải dùng những danh từ khoa trưong mà những người áo xanh nầy thường hay dùng chăng ?. Nhưng họ lại không đặt một câu hỏi nào với anh hết mà chỉ nhìn anh xuống cá mà thôi. Đến khi anh làm xong việc,chiếc tàu không còn một con cá nào nữa thì họ lại kiểm soát và đếm xem anh đem lên được bao nhiêu con cá. Và sau đó không nói thêm một lời, họ bỏ đi hết. Ngày hôm đó Cô Duyên không đem cá ra bán chợ đen nữa. Cả ngày hôm sau cũng vậy, Cô sợ mấy tay bộ đội lại tới nữa thì phiền. Tất cả những ngày kế tiếp cũng vậy, vì kể từ ngày hôm đó họ đã theo dõi tất cả số cá đánh bắt được mỗi ngày của chồng Cô.
Không người nào trong cả gia đình Cô Duyên là không nghi ngờ có người đã tố cáo hành vi của họ. Bây giờ họ đã bị theo dõi rồi, và phải coi chừng. Đã có một mối nguy cơ thường trục rồi.  
Những tháng sau đó họ phải giải quyết bằng cách trồng lúa và trồng khoai ở phía sau nhà và nhận làm một vài việc ở thành phố để có thêm tiền. Đến năm 1976, rồi 1977, 1978. chánh quyền đã cho đổi tiền và đồng tiền bây giờ không còn một giá trị gì cho mọi người .Ai cũng lo chạy đi tìm vàng và đồng mỹ kim. Tất cả đều phải mua bằng chợ đen. Ngay như dầu máy cũng vậy vì có lúc nó thiếu. Và cũng phải cẩn thận không tin ai cả, ngay bạn bè thân thích cũng phải đề phòng.
Đến đầu năm 1979 thì họ thấy là tình hình đã trở nên tồi tệ quá rồi. Không phải vì thiếu tiền bạc hay thiếu thức ăn mà thôi, mà là những trở ngại thường xuyên cho đời sống tự do của họ mà họ nhận thấy quá nặng nề hơn bất cứ chuyện gì khác. Không một người nào trong gia đình Cô còn chịu nổi cảnh làm quá vất vả mà chỉ nhận thù lao quá ít, không được bao nhiêu mà còn bị nhiều nhục nhã và thiếu thốn.
Vào một buổi chiều nọ, họ lại có một buổi họp của gia đình chung quanh ngọn đèn bão, Mọi người đều đi đến quyết định là chỉ có một giải pháp duy nhất về sau nầy là phải bỏ trốn, chạy khỏi đây thôi. Sau khi Sài Gòn  bị thất thủ thì có rất nhiều người đã chạy trốn khỏi nước. Tuần nào cũng được nghe nói là có người nầy hay người nọ đã trốn được ra khỏi đất nước Việt Nam . Và mọi người đều biết là trong mấy tháng nay, chỉ cần bí mật tìm đến chánh quyền địa phương và trao cho họ một số vàng thì được cấp giấy phép lên một chiếc tàu, một trong những chiếc thường xuyên chở người Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng muốn được đi thì trước hết phải là người Trung Hoa, và phải có vàng. Điều nầyđối với Cô Duyên và gia đình của Cô thì không phải dễ.
Phải chạy trốn khỏi đây bằng tàu. Chiều hôm sau cả gia đình  nghiên cứu và bàn cãi thật lâu để tìm một kế hoạch thực tiễn cho chuyện vượt biên nầy. Chồng Cô , 2 người em của Cô, và 3 đứa con trai của Cô ra biển coi như đi đánh cá mỗi ngày. Sau đó ít lâu thì các thành viên khác của gia đình phải giả dạng nông dân mang theo những cuốc xuổng và vài bó củi lên  2 chiếc thuyền nhỏ của họ và từ từ đi ra biển. Nếu có gặp toán tuần tiểu thì họ sẽ nói là họ đi ra chợ Cà Mau. Nếu đến sáng mà họ không đến được tàu thì đó là họ đã bị chận lại  và họ đã phải trở về nhà rồi. 
Thật đúng như họ đã dự tính, ngày hôm đó và luôn cả 4 ngày liên tiếp họ chưa đến được chiếc tàu đánh cá. Mãi đến lần thứ sáu họ mới may mắn thành công, vào ngày 8 tháng 5 năm 1979. Đêm đó hai chiếc thuyền con đến được chiếc tàu, và không để mất một phút nào, tất cả gia đình xuống trốn dưới hầm tàu, trong lúc 6 người ngư phủ trên tàu cứ tiếp tục lo đánh cá, như công việc thường ngày. Có những toán tuần tiễu bắt chiếc tàu dừng lại ba lần. Cả 3 lần chồng Cô Duyên đưa ra giấy phép đánh cá và tàu không bị xét. Cuối cùng vào lúc nửa đêm, họ tiến ra được ngoài khơi. Họ có mang theo đầy đủ một số dự trữ gạo và nước ngọt để có thể đi đến Mã Lai, và họ đang ở trong thời điểm mà không bao giờ lo sợ gặp bão lúc nầy. Một câu ca dao chẳng đã có nói là "Tháng ba (tháng 4 dương lịch) bà già đi biển " đó hay sao ? Mà họ đang ở vào đầu tháng 5, do đó tất cả đều có thể sẽ được tiến hành tốt hết.
Nhưng 24 giờ sau đó, vào  lúc nửa đêm, một chiếc tàu đánh cá lớn, mạnh, trờ tới trong bóng tối. Chồng Cô Duyên, người đang lái chiếc tàu, gọi hết anh em đang ngủ rải rác trên bon tàu phải thức dậy. Chiếc tàu nầy làm anh nghi ngờ. Anh nghi đây là bọn cướp Thái lan mà mọi người đều đã ít nhiều được nghe nói qua rồi.
Mọi người ai nấy đều đến với chồng Cô Duyên ở ngay tay lái và tất cả đều quyết định là cho máy chạy hết tốc lực. Nhưng hiển nhiên là chiếc tàu kia rút ngắn ngay khoảng cách vì nó chạy quá  nhanh. Lúc bấy giờ thì tình hình đã quá rõ ràng. Người ta đang đuổi theo tàu của họ. Khi nhìn thấy họ rượt theo mình, Cô Duyên sợ quá. Cái bóng đen ngòm cứ lù lù tiến sát tới chiếc tàu của họ gần như tỏa ra một sức mạnh hung dữ đáng ngại. Chiếc tàu này chạy thật nhanh và thật êm, chắc chắn không lương thiện gì đâu.
Cô bảo mọi người hãy dấu hết những gì quý giá dưới hầm tàu và sau đó thì Cô cho hai ông bà già và trẻ con xuống hầm hết. Khi Cô trở lên bon tàu thì Cô thấy chiếc tàu kia bắt đầu chạy qua khỏi chiếc tàu của mình. Phía sau lái xuất hiện một nhóm người cầm súng chỉa sang tàu Cô, miệng thì hò hét hình như nói tiếng Anh rất khó nghe không hiểu được. Trong bóng tối, Cô còn nhìn thấy chồng Cô khom lưng trên tay lái đang còn cố sức cho máy chạy hết tốc lực, như một chàng kỵ mã đang cúi rạp mình xuống cổ ngựa để khuyến khích nó sải nhanh hơn nữa…
Thình lình có nhiều tiếng súng nổ vang lên qua những ánh chớp từ bon tàu phía bên kia. Một niềm khiếp sợ không nói được xâm chiếm mọi người trên tàu. Có người vừa bỏ chạy vừa la, có người ngã gục xuống bon tàu. Tiếng khóc của trẻ con hòa lẫn với tiếng súng đang tiếp tục nổ.
Hai chiếc tàu cặp vào nhau. Bây giờ Cô Duyên nhìn rõ được mặt của bọn người Thái đang đưa súng lên vai nhắm bắn gia đình mình. Cô thấy được họ đang bắn xuống sàn tàu, và khiếp đảm quá Cô thấy đứa cháu 14 tuổi của Cô tên Lưu bị trúng một viên đạn ngay ngực té ngửa. Cô không có thì giờ để chạy đến được với nó, vì chiếc tàu kia đã cập sát vào, bỏ giây qua và bọn người Thái vừa nhảy qua tàu của Cô vừa la lối om sòm. Cô còn thấy chồng Cô bị một tên Thái bắn chết ngay trước mặt Cô. Sau đó họ nhảy tới Cô, gạt Cô té xuống và giữ Cô nằm yên tại chỗ.Có người nào đó tắt máy tàu và cả 2 chiếc trôi theo trớn trong sự yên lặng hoàn toàn.
Cô Duyên đếm được khoản 15 tên cướp, ăn mặc theo lối dân chài. Cô nhận thấy gương mặt họ rất dữ dằn, và bất thần Cô nhớ lại là chồng Cô đã bị bắn chết, Cô ôm cứng đứa con trai nhỏ của mình và tỉ tê khóc nho nhỏ.
Bọn cướp tập họp gia đình Cô lại và đưa sang tàu của họ, cho người gác giữ kỹ ở đó. Cô Duyên  thấy có một dàn ra đa trên tàu nầy. Họ cho người lục soát hết từ trên bon xuống đến dưới hầm, lấy hết tất cả mọi thứ dù đó chỉ có giá trị gọi là tối thiểu. Có vẻ như họ không được toại nguyện lắm qua những câu họ trao đổi cho nhau hay thốt lên đầy vẻ bực mình. Không có một chút vàng nào cả. Tuy vậy họ cũng mang về tàu của họ tất cả những gì họ cướp được và để đền bù cho sự thất bại nầy họ chọn 3 Cô gái trẻ đẹp nhất, bắt  nằm xuống trên bon tàu,  lột hết quần áo của cả 3 người ra. Duyên nắm cứng hai bàn tay lại khi nghe những tiếng la hét thất thanh của 3 Cô nầy. Ngồi bên cạnh Cô những người đàn ông trong gia đình Cô cũng gầm gừ trong đau đớn, nhưng hễ họ nhúc nhích là bị ăn báng súng như mưa ngay.         
Cuộc hãm hiếp nầy kéo dài trong hơn 3 tiếng đồng hồ, và bọn cướp cứ thay phiên nhau hiếp ba Cô gái trẻ nầy, cười ngạo mạn và buông lời thô bỉ chọc tức những người mà họ không động tới.
Khi mọi việc coi như xong xuôi, bọn cướp cho vứt xuống biển những người đã bị họ bắn chết và cho những người Việt Nam trở về tàu của họ. Họ để lại cho một ít dầu máy, và sau đó họ yên lặng rời khỏi nơi đây trong đêm tối.
Chỉ còn lại một mình, những bạn dân chài Việt Nam đâm ra hơi bối rối. Họ lo săn sóc liền cho 3 Cô gái bất hạnh đang ngồi khóc trong góc tàu vì xấu hổ, giúp cho họ lấy lại chút ít can đảm và sau đó họ quyết định tiếp tục cuộc hành trình dù họ không còn la bàn hay bản đồ gì hết. Người  con trai lớn của Duyên nói là anh ta sẽ cố gắng đi đến Mã Lai được nhắm hướng đi bằng mặt trời và các ngôi sao. Và anh cho máy nổ….
Phần còn lại trong đêm mọi người đều lo ngại không tả xiết được . Bọn cướp đã vơ vét sạch không còn gì để ăn, chỉ còn chút nước uống thôi, nhưng phải được phân phối uống với nhau thật dè dặt. Biển thì quá mênh mông vô tận, mà cũng đầy hiểm nguy. Mọi người đều im lặng không ai nói chuyện gì với ai hết trong lúc Cô Duyên thì đi từ một nỗi buồn vô tận đến một sự hung bạo không nói lên được. Cô muốn sao biến thành một nam nhi, có được 1 cây súng để giết hết tất cả bọn cướp biển đó để trả thù cho chồng mình. Nhưng sau đó sự bất lực hiển nhiên của Cô đưa Cô trở về thực tại với sự rũ rượi hoàn toàn và Cô chỉ còn muốn chết mà thôi.
Trời hừng sáng và những ánh nắng của mặt trời ban mai đã đem lại phần nào sức sống trở lại cho mọi người vốn bất động như người chết từ đêm qua. Những giờ kế tiếp là nắng nóng và khát nước. Họ chỉ còn chút ít can đảm để nhìn về tận chơn trời xa xa, cố tìm một bờ biển giả thiết nào đó hay một con tàu nào đó của bọn cướp biển khác.
Đúng vào lúc giữa trưa, thì có một chiếc tàu được nhìn thấy ở phía trước   mũi tàu. Vì quá xa nên không ai biết được tàu đó thuộc nước nào. Nhưng khi nhìn rõ được thì mọi người đều nhận biết đó là một chiếc tàu của bọn cướp.
Bẻ tay lái về hướng bên trái họ cho máy chạy hết tốc lực một lần nữa và đi về hướng bên trái. nhưng chỉ vài phút sau, họ đều nhận thấy là họ không thế nào đủ khả năng chạy đua bằng tốc độ với bọn cướp được . Chừng đó họ mới quyết định dừng lại, để khỏi bị cướp bắn như lần trước và chờ bọn cướp đến trong sợ hãi và nghi ngờ.
Khi bọn cướp đến, họ đưa cả 2 tay lên, và dùng hết tiếng Anh biết được để chỉ cho bọn cướp thấy các vết máu trên tàu và cho biết là họ đã bị cướp rồi. Bọn cướp nầy, đầu bịt khăn, tay lăm le cầm súng, cho thấy sự không bằng lòng lắm của họ bằng cách đánh nhóm đàn ông con trai và hành hạ đám nữ nhân một lần nũa đang rên la vì sợ bị hãm hiếp nữa. Nhưng họ cũng  đã nhận rõ thực tại rõ ràng: không còn gì để mà vơ vét nữa ! Do vậy họ phải đi tìm một con mồi khác và bỏ đi, mặc cho bọn nầy với số phận của họ.
Gia đình Cô Chiêu mệt lả người, lại cho máy nổ và cho tàu tiếp tục chạy hướng về Mã Lai. Hai ngày sau đó họ thấy được bờ biển, và lần đầu tiên từ bao nhiêu năm dài, họ reo lên vì vui sướng. nhưng không to lắm. Vì cái bờ biển xa lạ nầy cũng làm cho họ lo sợ, sau bao nhiêu chuyện kinh hoàng vừa đã xảy ra. Họ sẽ gặp những gì trên mảnh đất lạ nầy ? từ đó cuộc sống của họ sẽ ra sao ?
Họ nhắm vào một đảo nhỏ gần nhất. nó có vẻ hiền hòa sắp đón chào họ với một ngọn núi nhỏ và một cánh rừng. Họ tấp vào một bãi cát nhỏ có nhiều vỏ sò trắng khắp nơi, nhưg khi họ vừa đặt chân lên bãi cát thì có những người mặc sắc phục xuất hiện từ những lùm cây, nổ súng vào họ. Họ hấp tấp trở lên tàu ngay và quay trở ra biển khơi. Và họ không biết phải làm gì nữa. Họ đã mong có một cuộc đón tiếp khác .Họ đang đói cào và gần chết khát rồi. Họ đang đứng bên bờ của sự kiệt sức rồi và những người vừa rồi có lẽ là cảnh sát đã nổ súng vào họ.
Bấy giờ họ nhắm vào một chiếc thuyền chài nhỏ của người Mã Lai có vẻ như hiền hòa hơn đang bỏ neo không xa chiếc tàu của họ lắm. Họ quyết định hỏi thử xem họ phải làm gì và phải ghé vào đâu được đây.
Các ngư phủ Mã Lai cho họ biết là họ phải đi đến đảo Poulo Bidong, ở đó đã có rất nhiều người tỵ nạn Việt Nam rồi. Nhưng vừa rồi là họ ghé nhầm vào một cái đảo cấm, ở đó thường có bọn buôn lậu. Bây giờ là phải đi vòng qua phía bên kia để đến bãi chánh.
Họ làm theo lời chỉ dẫn của các ngư phủ nói trên. Khi họ đến bãi cát thì họ thấy một cây cầu gỗ dài có nhiều tàu đang đậu ở đó. Trên bãi đang có hàng ngàn cặp mắt nhìn họ đang tiến tới và họ cảm thấy một niềm vui thật sự dâng trào lên, khiến họ tự nhiên có một sức mạnh mới. Họ đã thành công rồi, họ đã đến bến bờ tự do rồi.
Ngay đầu cầu đã có một số cảnh sát đang đứng chờ họ…

*********

(Xin đón xem tiếp phần 8 : Anh Hương văn Vinh)



Trở về trang đầu            Coi trang sau
1