Phần Một
(tiếp theo)

6.- ĐOÀN LƯƠNG ĐỒNG

      Đồng dùng hết sức mình nhận kèn và thò đầu ra ngoài cửa xe hét lớn lên cho lệnh anh lính gác cổng đang vừa mở cửa rào vừa ngăn cản đám đông từ ngoài muốn tràn vào. Hàng ngàn người vừa đàn ông  đàn bà  và con nít chen chúc nhau trước cửa sân bay Tân sơn Nhứt từ mấy ngày nay với hy vọng hão huyền là được một trực thăng hay một phi cơ nào đó bốc đi, chạy ra nước ngoài. Nhưng trong ngày 28 tháng 4 năm 1975 nầy  chỉ có những nhân vật  cao cấp như tướng N… mà Đồng tháp tùng đi theo, là mới có thể đi vào đường bay được mà thôi.
Người nhân viên của Trung Ương Tình Báo nầy lái xe ngoằn ngoèo tránh các hố đạn đại bác và rốc kết cộng sản, và dừng xe lại trước chiếc phi cơ đang chỉ còn chờ có mỗi mình ông tướng nầy thôi . Rất bình tĩnh, ông nầy bước xuống xe và trước khi bước lên phi cơ ông còn dặn lại Đồng với giọng rầu rầu :
     " Anh Đồng, tôi giao hết lại cho anh những gì còn lại trong các văn phòng đó nghe. Hãy giữ gìn cẩn thận cho đất nước chúng ta ."
Đồng không trả lời. Ông tướng N… thì đi, Đồng thì phải ở lại vì anh chỉ là một nhân viên cấp thôi. Đó là tất cả sự khác biệt giữa họ với nhau. Anh cay đắng nghĩ như vậy trong lúc bước lên xe để quay về thành phố.
"Rất tiếc, anh Đồng, nhưng anh không có tên trong danh sách",
tướng N… đã nói với anh như thế. Và anh có vẻ như thật tình hơn là thiếu tế nhị một cách đáng thương để mà không tin chuyện đó.
Anh Đồng trở về nhà, vòng vo qua các ngõ hẻm để tránh sự náo nhiệt của đám người tỵ nạn đang xôn xao chạy tán loạn khắp nơi. Anh mở đài phát thanh ra và muốn nghe đài nầy phát ra những gì trong những ngày cuối cùng của sự tan vỡ nầy. Vào cái tuổi 35 nầy anh thấy tương lai của mình sao mà đen tối quá.
Anh ngồi chết lặng trong nhà cho tới khi các chiến xa cộng sản vào thành phố. Anh còn có một số hồ sơ tuy không mấy liên lụy nhưng anh không biết phải làm gì . Khi người ta báo cho anh biết là chiến xa cộng sản đã vào Dinh Độc Lập rồi thì anh mới quyết định đem chúng vào bếp đốt hết. Các hồ sơ nầy quá dày và cháy hơi  khó. Anh phải dùng hết buổi trưa để làm cho xong nhiệm vụ nầy và anh cũng làm xong trong một sự lo âu khó tả được . Nỗi lo sợ xâm chiếm anh từng chập và lúc nào cũng chờ đợi có người ập cửa xông vào. Đề cho chắc ăn anh vứt luôn vào lửa tất cả giấy tờ và căn cước của anh. Tốt hơn hết là những người kia không bao giờ biết được anh thuộc về cơ quan tình báo trung ương nầy. 
Và anh chờ, đài phát thanh vẫn mở. Vài gờ sau đó từ đài phát thanh có lệnh cho tất cả các công chức phải về văn phòng làm việc của mình. Đồng còn do dự. Thật sự anh không biết mình phải làm gì. Nếu anh cứ ở luôn ở đây, cuối cùng rồi họ cũng tìm thấy anh, và có thể bọn cộng sản sẽ nghĩ rằng anh tự biết mình có gì đó mới trốn như vậy. Còn tự động đến trình diện, trái lại, anh sẽ có cơ may được điểm tốt. Anh cân nhắc lâu lắm về lợi hại, giữa hai đường lối hành động, và cuối cùng anh chọn cái mà anh cho là khôn khéo nhất. Anh đến trình diện với chánh quyền mới và người ta đòi anh trình giấy tờ cá nhân, anh chỉ trả lời đơn giàn là anh đã đánh mất.
Ngày 5 tháng 5 anh vào văn phòng làm việc của anh ở đường Bạch Đằng. Các "cán bộ" đã có mặt ở đó và kiểm tra lại những người đã có quyết định tự "đăng ký" như anh. Rất bình tĩnh họ viết tên của anh vào giấy mà không để  lộ bất cứ một tình cảm nào. Đồng cảm thấy hơi yên tâm qua cách cư xử của họ. Tất cả đều qua đi một cách tốt đẹp.
Đến lượt anh, anh không nhìn nhận căn cước cũng như chức vụ của mình. Cán bộ cũng không nói gì, chỉ viết những gì anh nói và dặn anh 5 ngày sau đi trình diện ở bệnh viện tổng nha cảnh sát ở đường Hùng Vương để giao nộp tất cả tài liệu và vũ khí mà anh còn giữ.
Anh về nhà với một cảm giác tìm lại được sự tự do. Ngoài đường phố hàng chục phụ nữ đội nón lá đang rửa các lề đường, có các sinh viên giúp đỡ với vài thùng nước và chổi. Đã có trật tự mới với sự sạch sẽ.
Đến ngày giờ quy định, anh đến trình diện ở bệnh viện cảnh sát , tay trống và tim thắt lại. Đến đây mà không có gì anh hơi lo ngại sợ người ta buộc tội anh còn tiếp tục hợp tác với chánh quyền bù nhìn của Thiệu. Nhưng một lần nữa người ta vẫn cho anh về nhà mà không có lộ một vẻ gì thù địch hết.
Vài ngày sau đó theo thông báo của đài phát thanh, anh được biết là anh nằm trong thành phần phải đi học tập cải tạo một tháng. Người ta kêu gọi anh phải đến một trường học ở đường Minh Mạng với những gì cần thiết cho nhu cầu cá nhân trong khoảng thời gian đó. Anh đến đó để không bị người ta nghi ngờ với hy vọng là sau thời gian một tháng đó thì anh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Anh thấy mình nên tự tin như vậy. Thành phố thật là yên tĩnh, các anh bộ đội đều tươi cười và dễ mến. Không có người nào thấy mình phải than van gì cả.  
Anh cùng đến trường học với một số lớn sỉ quan cao cấp và công chức cao cấp. Anh lại nghi ngờ trở lại. Có lẽ nào người ta lại đồng hóa anh với những nhân vật quan trọng nầy ?
Anh cố yên tâm. Ngày đầu tiên người ta dọn nhiều bàn lớn để ăn cơm và hai nhà hàng có tiếng nhất trong thành phố đem các món ăn ngon tới. Đến giờ cơm trưa anh ngồi chung một  bàn với những người bạn mới và một yến  tiệc thực sự được dọn lên. Các anh cán bộ ngồi gần họ, ở dưới đất  và họ tự mang các bát cơm đến ăn. Sự tương phản giữa hai nhóm người trở thành một cảnh tượng hết sức rùng rợn. Có một thái độ khinh miệt gần như sờ được bốc lên từ các anh cán bộ.. hình như họ muốn biểu lộ hẳn cái hố sâu ngăn cách giữa hai quan điểm. Họ là sự cứng rắn của một đảng và chỉ có đảng là trên hết.  Còn những người ăn uống phàm tục trước mặt họ đều đại diện cho sự nhu nhược của bọn người chỉ nghĩ đến cá nhơn mình mà thôi. Đồng cảm thấy vừa hổ thẹn với chính mình vừa khâm phục những người gầy ốm đang ngồi dưới chân anh ta, nên chỉ nếm sơ qua các món ăn được dọn lên trước mặt mình.Anh cảm thấy bị tổn thương quá mức. Mấy anh cán bộ khổ hạnh nầy vì muốn chứng tỏ uy lực của họ, chịu hạ mình trong tư thế đó làm cho Đồng thấy họ đáng sợ, nguy hiểm hơn những gì mà anh đã được biết trước đây.
Cảnh tượng nầy lại được tiếp tục buổi chiều. Nhưng đến ngày hôm sau thì tất cả đều thay đổi hết. Người ta bắt tất cả tập hợp ngoài sân và thông báo cho họ là xe sẽ đến để đưa họ đến một trại, để ở đó họ được học tâp cải tạo. Họ chờ đợi trong 24 tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì các xe ca đến và đưa họ đến một trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở Long Thành, cách Sài Gòn chừng 30 cây số. Trong những ngày kế tiếp, có những tù nhân khác được đưa đến và con số được tăng lên đến 3.600 người, nằm chật ních với nhau trong những căn nhà tồi tàn không có được một bàn ghế.
Người cai tù của họ bắt họ đi lao động ngay trong các cánh đồng chung quanh trại, và trong 5 tháng liền họ trồng khoai lang, rau cải, đậu phộng mà chỉ nhận được phần cơm quá thô sơ và không đủ ăn. Người ta còn bắt họ cất 2 dãy nhà vòm lớn, lợp tole. Với chế độ ăn uống như thế họ bị kiệt sức nhanh chóng, và đến tháng 10 khi người ta bắt đầu giảng về vấn đề cải tạo, thì họ thấy là phải sẵn sàng hợp tác để chấm dứt "học tập"càng nhanh càng tốt. Người ta chia họ ra thành 4 nhóm: công chức, đảng phái, sĩ quan cao cấp, và nhân viên tình báo. Người ta cho họ biết là tất cả mọi thông tin liên lạc giữa các nhóm đều bị nghiêm cấm và trong bầu không khí đó lớp học tập chánh trị bắt đầu.
Trong vòng 3 tháng, chương trình hằng ngày không có thay đổi: học tập buổi sáng, một chén cơm, học tập buổi trưa, phê bình nhau trong từng nhóm nhỏ, một chén cơm. các buổi học tập được diễn ra trong các nhà vòm mà họ vừa mớt cất xong. Trong đó họ dồn khoảng 1000 tù nhân và một giọng nói được khuếch âm qua các loa đã tuôn ra hằng giờ những lời tuyên truyền về chuyện "nói xấu chế độ cũ", sự "tan rã của quân đội Miền Nam Việt Nam" hoặc là sự "thắng trận của quân đội cách mạng anh hùng".
Sau buổi trưa, với cái đầu ù, thân thể mệt mỏi đừ câm, Đồng gặp lại với nhóm chục bạn tù để sẵn sàng cho công tác "phê và tự phê" vốn phải được chấm dứt bằng một bài viết để trình cho cán bộ.
Khi các bài học tập chấm dứt, người ta đòi hỏi các tù nhân phải nộp tờ trình viết chi tiết về từng thời gian hoạt động của mình trong quá khứ, sau đó
mới được gọi từng người lên để được phỏng vấn. Những ai được xét là đã được học tập cải tạo tốt thì được trả tự do cho về, còn ai chưa tốt như Đồng thì vẫn ở lại và tiếp tục đi lao động ngoài đồng ruộng..
Và cứ như thế tháng nầy sang tháng khác cứ trôi qua trong sự đơn điệu nhàm chán khắc nghiệt và lạnh lùng đó. Người ta cho phép họ viết thư về gia đình mỗi tháng một lần và từ ngày 25/8 thì họ có quyền được gia đình đến thăm nuôi 15 phút. Nhờ vậy Đồng mới có dịp gặp lại vợ anh, xa cách từ bao nhiêu năm nay, các con anh và em gái anh. Họ đến đây không mang gì theo được hết vì người ta cấm nhặt không cho mang bất cứ món quà nào theo hết, nhưng sự có mặt của những người thân cũng làm cho Đồng được an ủi phần nào. Trong chuyến viếng thăm nầy, anh Đồng chứng kiến được một màn hơi đặc biệt: vợ của một người bạn của anh được thấy là đang mang thai và anh nầy quá giận và quá đau lòng đã từ chối không muốn gặp chị ta. Muốn được gần chồng chị bèn gọi một người tù nhân khác đến và vén tà áo lên cho anh nầy xem cái bụng : thì ra đó là chị dấu những gói thức ăn độn kỹ trong bụng chị như người mang thai vậy. Chiều hôm đó, nhiều người được một bữa ăn no.      
Năm ngày sau, Đồng và những bạn tù của anh mới hiểu tại sao lại có một chuyện thăm nuôi bất ngờ như thế. Họ bị chuyển sang một trại  khác trước khi bị đày ra Miền Bắc Việt Nam . Người ta nói là ở ngoài đó chẳng một ai được trở về.
Người ta đưa họ về Thủ Đức trên một xe cam nhông , tay bị còng chung dính lại với nhau, hai người một còng. Họ được vất vào các phòng giam của một trại tù hình sự, và họ nằm đó chờ hai tháng mới được chuyển đi. Bị giam ở đây thật rất là khổ sở. Trời nóng kinh hồn và nằm chờ đợi không chịu nổi.
Vào lối tháng 10 /1976, người ta lại còng họ để chở họ đến một cảng, ở đó đã có sẵn chiếc Hồng Hà, một chiếc tàu chở hàng cũ. Người ta lại nhét họ một cách tồi tệ, đứng chật ních dưới hầm tàu và chiếc tàu nhổ neo chạy hướng về Hải Phòng thuộc Miền Bắc Việt Nam, một cái tên mà  các tù nhân nghe được một cách thê thảm.
Chuyến đi kéo dài một cách bất tận 4 ngày liền. Bất chợt Đồng nhớ lại các câu chuyện mà anh đã đọc được về những tên lái buôn người nô lệ, nên không cầm lòng được khi so sánh mình như một người nô lệ. Họ thấy ngộp thở vì sức nóng ở dưới hầm tàu, không nhúc nhích gì được cả. Đi tiêu và đi  tiểu tại chỗ nên họ không còn cách lựa chọn nào khác hơn là đi vãi ra trên người mình và không khí do đó đã trở thành ngột ngạt không sao thở được . Họ dẫm bì bõm trong nước tiểu và những gì tù nhân ỉa mửa ra và luôn miệng yêu cầu được cho ít không khí để thở. Khắp nơi các tù nhân đều nổi lên những tiếng kêu la, rên rỉ và ta thán như một bản hòa tấu thật ghê rợn và Đồng không biết được là đã có bao nhiêu người chết trong chuyến đi nầy.
Tới Hải Phòng, người ta lại cột họ lại nữa để chở họ đến một trại tù cũ ở Quảng Ninh, nơi đây đã  từng giam giữ các tù binh Mỹ.  Đồng phải ở đây gần 2 năm.
Trại tù nầy gồm có 16 gian xà lim lớn bằng gạch. Mười hai gian được dành cho các tù nhân vừa mới đến, còn bốn gian chót đã được giam các tù
nhân hình sự người Miền Bắc rồi.
Trong những tuần lễ đầu ở đây, Đồng được cắt vào nhóm xây cất các tháp canh và sửa chữa lại trại tù nầy. Anh làm việc từ sáng đến chiều gần như liên tục không ngừng nghỉ, luôn luôn mặc quần áo của anh mang theo từ Sài Gòn một ngày nào đó vào tháng 5 năm 1975. Anh đã qua những tuần lễ nầy trong thất vọng và mệt mỏi. Anh đã ốm đi một cách thảm hại. Chỉ còn da bọc xương và anh chắc chắn rằng trong anh chỉ còn những ánh mắt khờ khạo của các con thú , giống như các cặp mắt của những bạn tù khác mà anh đã thấy vậy. Cơ thể của anh đã đứng bên bờ của sự kiệt sức. Kể cả ý nghĩ trốn trại anh cũng không thể giữ được .Chưa có ai trốn được từ một trại tù ở Miền Bắc bao giờ.
Một ngày kia người ta đem phát cho họ những bộ quần áo tù, một loại quần áo ngủ màu xám tro, mà mặc vào trông giống như những con chó dễ dạy  biết tuân lệnh chủ. Cất pháo đài xong thì người ta dùng Đồng  trong các xưởng khác. Các tù nhân ít khi làm việc ở đồng án. Người ta thường dùng họ trong việc đan rổ, trong lò rèn, hay xưởng dệt… Khẩu phần hằng tháng của  người tù nhân là 15 kí lô gạo, khoai tây hay bắp . Bệnh xá thì đầy ấp bệnh nhân, nhưng thuốc men  thì quá ít đến độ chỉ bị thương thôi hay đau nặng thì trước sau gì cũng đi đến cái chết thôi. Không có tuần lễ nào mà không có nhiều thây người chết được mang ra khỏi cổng trại tù.
Vào tháng 7 năm 1977, lại có một số tù nhân khác được đưa đến trại, đó là các anh trong "Mặt trận tái chiếm lại Miền Nam Việt Nam" mà họ gọi là nhóm "phục quốc", một nhóm kháng chiến được thành lập chống lại bọn cộng sản từ sau 30/4/1975. Những anh nầy đã chịu đựng nhiều thử thách kinh hoàng và cán bộ nhà tù không tha  thứ cho họ gì cả. Những sự phiền phức nhỏ nhặt nhất hay bị ức hiếp đều được dành riêng cho họ. Nhưng hình như càng đau khổ bao nhiêu họ càng ngẩng đầu lên bấy nhiêu. Sự có mặt của họ đã đem đến cho các tù nhân khác một niền an ủi tinh thần, thái độ của họ đã giúp cho anh em tù nhân thêm nghị lực và hy vọng để tiếp tục sống.
Những tù nhân của nhóm "Phục Quốc" nầy tổ chức các đợt làm reo nhịn đói nên đã bị trấn áp nặng nề, và một buổi chiều nọ họ còn đi xa hơn làm cho bọn cai tù chịu không nổi. Họ hát lên thật to những bài hát yêu nước của Miền Nam Việt Nam . Các anh "bộ đội" phải vào ngay trong một cơn tức giận điên cuồng và không chờ đến ngày hôm sau, họ chuyển ngay tất cả các tù nhân nầy sang một trại khác khắc nghiệt hơn, ở đó người ta chỉ cho ăn lúa mạch hay bo bo mà thôi. Thật không may cho Đồng, anh kẹt đang chơi với mấy anh nầy nên cùng bị hình phạt chung với họ.
Anh đã tưởng rằng chuyến nầy là anh phải chết. Cơ thể anh héo mòn lần lần như một chiếc lá khô, sức khỏe của anh yếu lần dưới ánh mặt trời, coi như anh sắp rời bỏ cuộc đời nầy của mình mà không biết cách nào để giữ nó lại được nữa. Anh đã hiểu được những gì mà một người tù nhân đã có nói với anh lúc anh mới bị giam giữ:
" Bọn cộng sản sẽ tiêu diệt các anh lần lần bằng những điều kiện khắc nghiệt qua hành động bịp bợm ép buộc tù nhân phải sống mà không cần phải dùng bạo lực hay tra tấn gì cả: Trước hết là qua lao động thể sức phải tiêu mòn lần lần, trong khi ăn uống thì không đủ no, sau đó là qua các bài giảng chánh trị lập đi lập lại như con vẹt ngày nầy qua ngày khác không mệt mỏi, để tẩy não các tù nhân mà họ gọi là "học tập cải tạo" . Sau hết là kéo dài sự giam giữ trong niềm thất vọng và không được biết ngày nào mình mới được ra khỏi tù…."
Mấy tháng sau đó Đồng đau nặng. Bọn cai tù đưa anh vào bệnh xá và anh  phải chiến đấu một mình để cố được tiếp tục sống. Anh chiến đấu chống với tử thần suốt nhiều tuần lễ, hầu như không có thuốc men hay sự chăm sóc nào cả. Chung quanh anh , các tù nhân khác càu nhàu, mất hết hy vọng, cũng chiến đấu đến sự tận cùng của vô vọng. Và sau đó họ ra đi trong hơi thở cuối cùng . Đồng sống trong ảo giác của một cơn ác mộng, cảm giác lẫn lộn giữa tỉnh thức và mê sảng.
Vào tháng 5 năm 1978, có 11 người được trả tự do vì lý do sức khỏe. trong đó có Đồng. Đây là một biện pháp đặc biệt không thể giải thích được làm cho anh trở thành một trong những tù nhân hiếm hoi nhất được trở về từ những trại tù ở Miền Bắc. Người ta mang họ ra đến Hà Nội và họ lên một chiếc xe ca để về Sài Gòn. Lúc bấy giờ Đồng chỉ còn là một cái xác không hồn, không có một phản ứng gì khi bị nhồi lắc trên đường xe chạy. Nhưng không còn chế độ tù rạc nữa cùng với niềm hy vọng đã vô tình làm cho cơ thể thân tàn ma dại của anh bừng sống dậy.
Tại Sài Gòn , chánh quyền cho anh biết là biện pháp mà anh đã hưởng được không có nghĩa là anh đã hoàn toàn được tự do. Anh phải đi vùng kinh tế mới ở An Biên để làm việc đồng án ở đó. Đồng đã từng biết vùng đất hoang vắng và không có một nguồn sống nào ở đó. Anh quyết định phải liều một lần nữa là không tuân lịnh. Dù anh biết rằng lần nầy cái chết sẽ đến với anh với sự thử thách nầy. Anh về ngay Rạch Gíá nơi cha mẹ già của anh đang sống , một chuyện không khó khăn gì đối với anh hết, và anh sẽ trốn ở đó. Cha anh vừa tròn 90 tuổi và cũng đã bị đi "học tập cải tạo" 8 tháng, đã cho anh biết là vợ anh vì không được một tin tức nào của anh, trong tình trạng không có một sự ly dị gì cả mà đã tái giá vào năm 1977. Các con anh đã theo mẹ chúng nó và cho đến giờ nầy vẫn bặt tin, không biết sống hay chết. Còn ông anh của Đồng thì đã chết trong nhà tù cộng sản ở Bắc Việt .
Những tin tức cuối cùng nầy đã thuyết phục anh về nhu cầu phải đi ra nước ngoài. Anh không còn gì để gọi là mất mát nữa.
Một ít lâu sau, người chị dâu anh đến cho anh hay là có một chuyến vượt biên đang được chuẩn bị. Anh đã thành công không khó khăn để thuyết phục chị anh là anh đã sẳn sàng tham gia vào chuyến đó. Cái dáng bề ngoài của anh đã giúp bảo đảm cho anh. Anh có vẻ như là một cái bóng bên cạnh nấm mồ hơn là một người đã sẵn sàng tất cả để trốn đi.
Cha mẹ anh đã cho anh 6 cây vàng cần thiết cho sự vượt biên và với quyết định nầy anh bắt đầu tìm lại được sức khỏe đã mất. Anh rất cần đến sức khỏe nầy cho chuyến vượt biên của anh. Trước hết nếu cần phải chạy thoát bọn cảnh sát, kế đến là nếu cần phải chiến đấu với các cơn bão của gió mùa, vì lúc bấy giờ đang ở vào tháng chạp. Ngoài ra còn có thể gặp bọn cướp Thái lan nữa.
Người ta đã cân nhắc rồi mới chọn thời điểm gió mùa nầy vì vào lúc nầy cuộc canh tuần dọc theo bờ biển cũng có phần lơi đi, và cũng ít có bọn cướp  hơn ở biển Nam Hải. Người ta cũng có dự trù một vài bất trắc quan trọng, vì thế người ta đã mua một chiếc tàu dài 9 thước, và cẩn thận hơn họ đã chăm sóc và tu bổ rất kỹ chiếc máy 16 ngựa. Xăng dầu và thức ăn đã được dự trữ từ mấy tuần nay sẽ không bị thiếu hụt. Người chị của anh và các bạn của chị đã chuẩn bị tất cả rất là chu đáo, cẩn thận và dành càng ít chỗ càng tốt cho mọi sự bất ngờ. Nhiều người trong chuyến vượt biên nầy đã từng bị thất bại trong những chuyến thử thách trước nên họ đã rút được kinh nghiệm cho chuyến đi nầy có nhiều cơ may thành công hơn.
Vào một buổi chiều nọ, Đồng đến điểm hẹn, đây là một nghĩa địa, thấy ở đó đã có khoảng 30 người, đàn ông, đàn bà và cả trẻ con nữa; đó là những người sẽ cùng đi chung chuyến tàu vượt biên nầy với anh. Tất cả đều kín đáo ngồi núp kỹ sau các tấm mộ bia, kiên nhẫn chờ đợi, đến khi có một người trong nhóm nhận ra được miếng ruộng mà từ đó họ phải đi qua để tới bờ biển.
Sau đó khi thấy có thể đi được một cách an toàn thì đoàn người đi thành một hàng dọc, khom lưng lội bì bõm trong nước và bùn. Họ đều biết là nguy hiểm nào sẽ đến với họ khi có một đội tuần tiểu xuất hiện. Do đó họ đi trong yên lặng, chú ý quan sát từng bóng đen, nghe ngóng từng tiếng động nhỏ, sẵn sàng phân tán chạy khắp mọi nơi nếu có tiếng súng nổ. Nhưng chỉ có tiếng kêu về đêm của côn trùng cho đến khi họ đến 2 chiếc thuyền con đã được dấu kín đêm qua trong một góc nào đó của bờ biển.
Một làn sóng mạnh đánh vào bờ. Bầu trời vẫn tối sẩm và gió lay các ngọn cây xào xạt lá….Bão có vẻ đang đe dọa, và có môt lúc nào đó đoàn người nghỉ là phải trở lui về. Nhưng viễn ảnh của Tự Do đã gần kề rồi, họ chờ đợi giờ hẹn của chiếc tàu, nên cùng nhau bước xuống 2 chiếc thuyền.     
Đồng chụp lấy một cây dầm và dùng hết sức còn lại của mình bơi với các bạn của anh ra biển. Các cây dầm nhịp nhàng bơi, chống lại các làn sóng biển lách tách vỗ mạnh vào mạn thuyền .
Họ đã thấy được con tàu đây rồi ! Nó đang lặng lẻ thả neo chừng 200 thước cách bờ biển, không một ánh đèn báo hiệu. Họ cập thuyền vào mạn tàu và cùng nhau trèo lên tàu với nhịp tim đập thình thịch và với những nụ cười mừng rỡ. Coi như họ được cứu sống rồi vậy. Trong vòng chừng một hai giờ nữa là họ sẽ ra đến biển khơi rồi !  
Nhưng cơn bão lại nổi lên, dưới biển thì gió rít dữ tợn trên các lớp sóng, trên không thì sấm sét thét gào. Vừa ôm chặt nhau vừa run lập cập vì mưa trút như thác đổ, những người tỵ nạn gần như bị cơn bão biển hành hạ, chỉ còn đặt hết niềm hy vọng của họ vào chiếc tàu nhỏ bé nầy vốn đang đưa họ vào một nơi vô định nào đó. Ôm cứng tay lái, dù bị sóng biển tạt dữ dội vào người, nhưng người tài công vẫn giữ được hướng đi 230 độ suốt đêm cho tới khi biển lặng sóng êm.
Trời bắt đầu sáng mới nhìn thấy được cảnh đáng thương của 30 người tỵ nạn, ai cũng uể oải vừa mệt đừ người vừa qua cơn sợ hãi. Đất liền đã biến mất không còn thấy gì nữa chung quanh họ. Họ cảm thấy trơ trọi. Trơ trọi giữa trời cao biển rộng, họ cảm thấy quá nhỏ bé giữa cái bao la bát ngát của trời nước chung quanh họ.
Họ tiếp tuc đi trong 3 ngày liền nữa, vừa cố gắng tìm kiếm tận chân trời một bờ biển mới, vừa thay phiên nhau giờ nầy sang giờ khác để xuống hầm tàu tát nước đang rò rỉ qua một vài nơi từ vỏ tàu, vừa an ủi lẫn nhau và chăm sóc những người bệnh đang còn ói mửa.
Đến ngày thứ ba họ gặp một chiếc tàu hàng Thái Lan. Tất cả đều lên bon tàu, ra dấu, khóc la gào thét muốn bể cả phổi để cho người  ta chú ý đến mình. Và cuối cùng thì chiếc tàu kia cũng thấy được họ, và nó tiến tới chiếc tàu tỵ nạn, làm cho mọi người nảy sanh một niềm hy vọng điên cuồng là được họ cứu vớt.. Khi hai tau cập vao nhau rồi, các thủy thủ tàu bên kia bỏ  thang dây xuống và giúp họ leo qua tàu Thái Lan. Lên được trên tàu của người Thái rồi tất cả đều tỏ ra vui mừng cười khóc lẩn lộn. Nhưng sau đó thì các ảo tưởng ác nghiệt lại đến khi ông thuyền trưởng người Thái giải thích cho họ biết là ông không thể giữ họ trên tàu ông được. Ông đã nhận được lệnh như thế rồi.. Tuy nhiên với tinh thần nhân đạo, ông sẽ cho họ thuốc men, nước uống và thức ăn đầy đủ và có thể cho họ vài giờ nghỉ ngơi trên tàu của ông, nhưng ông rất đau khổ mà nói dứt khoát rằng ông không thể làm gì hơn được .
Mọi người đều mất vui, họ chỉ cho thuyền trưởng thấy chiếc tàu của họ đang bị vô nước và có thể sấp chìm. Họ khẩn khoản yêu cầu, các bà tiếp tục khóc lóc van xin. Nhưng vô ích thôi, thủy thủ đoàn cũng não lòng nhưng không làm được gì khác hơn được .
Bốn giờ sau đó các người tỵ nạn rời khỏi chiếc tàu Thái Lan để tiếp tục chuyến hải hành gần như không biết lúc nào được kết thúc. Ít nhất đến giờ nầy họ mới biết vị trí của họ. Nước Mã Lai không còn xa lắm. Nếu tàu họ không chìm thì họ sẽ đến đó được .
Chuyến đi buồn tẻ tiếp tục với những tiếng rên của những người bệnh, những tiếng gào thét của trẻ con và những tiếng múc nước rò rỉ tạt ra biển không ngừng nghỉ, nếu không thì nước sẽ ngập hết khoang tàu, đe dọa đến sự sống còn của mọi người .
Ngày hôm sau mọi người đều thấy được một hòn đảo,và phía sau hòn đảo là hình dạng một bờ biển có vẻ như muốn đón chào vậy. Người lái tàu cho tàu chạy đến gần với ý định muốn ghé vào, nhưng chưa kịp đến nơi được là đã có một chiếc thuyền máy của cảnh sát đuổi theo họ, và khi đã qua mặt họ rồi thì người ta cho lệnh họ phải dừng lại.
Dù không tin tưởng lắm nhưng tàu tỵ nạn phải tuân lệnh. Họ lộ ra một thái độ hòa giải ra mặt để mong được người ta giải quyết bài toán cho họ. Nhưng cảnh sát chỉ ngừng ở đây có vài giây, đủ để cho họ biết là cấm ghé vào bờ biển nầy và họ không được ghé vào với bất cứ lý do nào. Chiếc tàu tỵ nạn phải tiếp tục cuộc hành trình về hướng 120 độ, không được đổi hướng.
Đồng và các anh chị em tỵ nạn đều không có một giây phút nào muốn thi hành lệnh nầy. Tất cả đều biết rõ là nếu họ không nhanh chân lên bờ kịp thì họ sẽ chết chìm ngay không ai thương tiếc. Họ đợi cho chiếc tàu cảnh sát chạy mất dạng xong họ mới cho tàu mình mở hết tốc lực, nhắm vào hòn đảo chạy tới. Họ đến đó và thấy được các bãi biển, chọn một chỗ thích hợp trên bải cát và không giảm tốc độ, chiếc tàu ủi mạnh lên bãi cát trắng. Một nhóm người ước lượng trên 100 đã nhìn thấy họ từ xa, vội chạy đến bu quanh họ và chiếc tàu như đàn kiến lửa bu một thây người chết, người thì ôm người thì bế họ lên, kéo lê họ trên bãi cát miệng thì lớn tiếng hoan hô mừng cho họ đã đến được nơi, bằng tiếng Việt Nam .
- Chúng ta ở đâu đây ? chúng ta đang ở đâu đây ?,
anh Đồng nói không ra lời, tiếng của anh bị những tiếng hoan hô, những tiếng cười ròn rã át hẳn đi, và những bàn tay mừng rỡ lôi anh đi…
- Pulau Bidong ! Pulau Bidong !!! cả trăm người cùng lên tiếng trả lời…..

*********


(Xin đón xem phần 7 kế tiếp: Cô Van Thi DUYÊN)

 



Trở về trang đầu            Coi trang sau
1