Phần Một
(tiếp theo)

5.- ĐINH THỊ TÂN

       Người ta nói là cô Tân nầy đẹp lắm. Mà đúng cô đẹp thật, với mái tóc mịn màng được khéo léo vén thành 2 lọn xuống bả vai, với cặp mắt đen láy sâu thẳm đến độ chỉ một chút ánh sáng thôi cũng phản chiếu thẳng vào mắt cô. Năm nay cô vừa tròn 17 tuổi, và từ bé đến giờ cô ít khi rời khỏi Sài Gòn . Cô sống rất thoải mái trong cái thành phố ồn ào như một ổ kiến nầy, nơi mà lúc nào cũng có hằng ngàn chiếc xe mô tô, xe hơi và xe xích lô máy chạy loạn cào cào .
Đối với cô, chiến tranh chỉ là những tiếng súng đại bác nghe được ở xa xa hay những anh lính chiến đi dạo chơi ngoài phố. Và trong tháng 4 1975 nầy mỗi buỗi sáng cô vẫn tiếp tục đi đến trường như các con em khác trong thành phố, không bận tâm lắm về những lời đồn đãi lo lắng đang xì xào khắp mọi nơi. Nhưng cô phát hiện ra được những chỉ dấu lo âu nơi cha cô khi ông nầy từ ngân hàng về nhà, dù vậy cô cũng không bao giờ tưởng tượng được là cuộc đời của cô sẽ thay đổi hết sức đột ngột. Người ta nói là cộng sản Bắc Việt  đã nằm ở cửa ngõ của Sài Gòn,  các khẩu pháo đã bắt đầu nổ  mạnh và hơn thế nữa những người của Hà Nội thấy sao xa lạ và khó hiểu quá ! Tuy vậy cô đã chấm đứt không thoa móng tay đỏ nữa. Người ta đã chẳng nói là những tên "bộ đội" sẽ bóc hết những móng tay của những bà đã thoa đỏ hay sao ?  Dù sao tốt hơn hết là mình phải thận trọng mới được .
Trong những ngày của tháng tư, cô cảm  thấy là có một vài thay đổi. Các xe xích lô máy đã không còn thấy trong thành phố nữa và con số người tỵ nạn tăng lên ở các đường phố vì họ không biết phải đi đâu. Mọi người đều có vẻ căng thẳng và lo âu. Cha cô giảm bớt thì giờ làm việc ở ngân hàng, và người ta nói với ông là hằng ngàn người Mỹ đã dùng trực thăng và các loại phi cơ sẵn có để rời khỏi Sài Gòn.
Và sau đó, ngày 29 tháng 4, cha cô đưa tất cả gia đình đến một căn phòng nằm ngay trên lầu ngân hàng. Hầu hết các nhân viên đều đã có mặt ở đó rồi với ba lô cá nhân gọn nhẹ và không quên mang theo thực phẩm coi như họ đã sẵn sàng để ra đi. Cha cô đã có nói là ở đây an toàn hơn vì cộng sản sắp sửa tiến vào thành phố. Ở đâu cũng có một sự náo động khó tả. Đây là lần đầu tiên mà cô Tân cảm thấy có một cái gì đó đang thay đổi cuộc sống trầm lặng của cô.
Trưa ngày hôm sau thì các biến cố tới dồn dập. Nhìn qua khe cửa sổ cô
gái nhìn thấy các chiến xa chạy, máy nổ ầm ầm, và một ít dân chúng nhìn trân trối mà không lộ một chút cảm nghĩ gì trên mặt. Một ít lâu sau đó thì bọn lính tới, đầu đội nón có gắn cành lá gọi là để nghi trang. Họ tràn vô ngân hàng và không chần chờ gì, họ lên ngay căn phòng mà gia đình cô đang tạm trú. Ngày hôm đó, cô Tân mới biết được cái gì là sợ. Người ta cộc lốc bảo cô đưa hai tay lên đầu và đi xuống lầu. Người ta bắt tất cả ngồi xuống hết, trong văn phòng.
Bọn lính nói chuyện với nhau, tay vẫn ghìm cò súng. Đôi khi họ cũng nhìn qua nhìn lại văn phòng và bà con bị họ bắt giữ, để cười nhưng rất rụt rè. Có một sĩ quan đến chào; ông nầy ốm yếu nhưng có vẻ khó hơn bọn lính. Ông ta quan sát một lúc đám tù nhân còn đang giữ 2 tay để trên đầu,sau đó cho lệnh họ về nhà hết và chờ…. Người ta sẽ nói họ sẽ phải làm gì sau.
Tân thấy cha cô run bây bẩy và một anh nhà báo mà cô chưa hề gặp mặt bao giờ đã đề nghị đưa hết họ về nhà. Tất cả đều lật đật đồng ý ngay, và trên đường về nhà họ thấy gia cư của những người Mỹ bị một số đông người, đàn ông đàn bà và cả trẻ nít xúm lại hôi của, thượng vàng hạ cám đều dọn sạch mà không chút bận tâm nghĩ ngợi gì hết. Họ vứt bừa qua cả cửa và các cửa sổ một số lượng không đếm được, nào là nệm giường, máy truyền hình, bàn ghế, máy truyền thanh, và họ ôm vào người hay chất lên xe chạy đi. Tuyệt nhiên không thấy có một người lính nào ở đây cả.  
Về đến nhà, cô Tân và gia đình ngồi chờ mà không biết mình phải chờ cái gì . Cô gái trẻ nấy đã nghe cha cô nói là lẽ ra mình phải rời khỏi Sài Gòn ngày hôm qua, nhưng bây giờ đã là quá muộn rồi.
Tối hôm đó, có nhiều xe quân sự cũ ngừng ngay trước nhà cô và khoảng trên 20 sĩ quan Bắc Việt chiếm ngay nhà nầy. Với một sự tế nhị nào đó, họ xác nhận là họ sẽ ở lại đây không quá một tuần lễ, thời gian tìm chỗ ở. Họ chia ra ở khắp nơi trong nhà, và trong 5 ngày qua cô ở với  mẹ, em gái và 3 anh trai để lo cho họ. Cô thấy các sĩ quan nầy lạ lùng hơn là ghê rợn. Vừa cười họ vừa bảo chiếc tủ lạnh hãy chạy đi, và họ ngốn bơ vì cho rằng chưa từng ăn món nầy bao giờ.  
Khi họ rời khỏi nhà, cha cô nhận được lịnh phải đi làm việc lại ở ngân hàng. Còn các trẻ nhỏ chúng tôi thì trở lại trường học ít lâu sau, vì được có một số giáo sư mới từ Miền Bắc vào, Người ta thông báo cho chúng tôi ngay là trong hiện tình nầy, vì muốn dạy cho chúng tôi về "dân tộc", chúng tôi sẽ được gởi lên Thủ Đức mỗi niên khóa hai tháng để giúp cho nông dân trong công tác đồng áng. Còn các thanh niên  thì phải thi hành thời gian huấn luyện bắt buộc về quân sự.
Đến cuối năm, Tân theo các lớp học thông thường được xen kẽ bằng những buỗi giảng buồn tẻ về chánh trị, trong đó người ta dạy là phải làm việc cho dân và cho đảng, tìm kiếm bình đẳng, bảo vệ tự do v.v.. Cô rất không vui khi thấy lúc nầy trình độ của lớp học quá thấp so với lúc trước. Cô gần như vui vẻ khi cô được gởi đi Thủ Đức với một vài người bạn. Người ta cho họ tạm trú trong một gia đình nông dân và mỗi ngày lúc rạng đông là họ đã phải đi ra đồng cùng với mấy con trâu. Chưa đến một tuần lễ là cô đã mất hết các móng tay dài của mình và cô không còn muốn sơn móng tay nữa. Nhưng một người bạn  trai của cô đã dẫm lên một quả mìn hay một quả đạn pháo nên đã thiệt mạng. Cô đã biết thế nào là công tác trồng lúa, vì thận cô bị đau, vì biết được thế nào là cái đói với hai bữa ăn quá đạm bạc trong ngày. Cô cũng biết những đêm dài không ngủ được trên một cái giường tồi tàn lúc nhúc rệp rận. và cô bắt đầu hận những người đã bắt cô phải sống như thế. Cô muốn trở thành giáo sư văn chương và cảm thấy không có một hứng thú nào về đồng ruộng và cuộc sống thô sơ của mình. Nhất là cảm nhận bị mất thì giờ quá vô ích như thế đã nổi lên trong lòng cô rồi nó mới biến thành trong lòngg cô nỗi hận thù người cộng sản .   
Trở lại được Sài Gòn , suốt thời gian còn lại của năm 1976, cô chỉ nghĩ tới cách để rời khỏi nước Việt Nam . Cô tâm sự với cha cô, nhưng ông nầy lại kềm hãm lòng khao khát của cô lại. Muốn trốn đi khỏi đây là một chuyện quá nguy hiểm. Những ngoài bị cộng sản bắt lại đã phải chịu cảnh mỏi mòn trong tù vì rất khó mà chạy  cho họ được thả ra. Nhưng trên nguyên tắc thì ông đã đồng ý với cô. Ông thấy rõ là các con ông không còn ủng hộ sự tuyên truyền đáng sợ mà người ta đang áp đặt cho giới trẻ nữa. Ông khuyên chúng nên nhẫn nại. Riêng ông cũng bực mình là phải làm việc dưới sự giám sát của một cán bộ cộng sản Bắc Việt vốn bắt ông phải có những hành động vô nghĩa và cứ thường xuyên  theo dõi ông. Nhưng ông nghĩ là phải chờ đợi. có thể với thời gian, mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Cứ như thế mà đã gần 2 năm trôi qua.. Đến tháng 10 năm 1978.
Vào một buỗi chiều, cha cô gọi riêng cô và em gái cô để nói chuyện.
"Ba có một người bạn ở Vũng Tàu. Ông ta đã chuẩn bị  một chuyến vượt biên đến Mã Lai từ mấy tháng nay rồi với khoảng 30 người khác. Họ mua một chiếc tàu nhỏ dài chừng 10 thước và định đi trong vài ngày nữa. Ba đã thu xếp xong cho 2 con rồi. Ba phải trả đến 16 lượng vàng và ông ta đã nhận hai con rồi. Hai con phải đi ra Vũng Tàu ngày mai. Người ta đợi 2 con ở đó. Ba đã mua xong giấy phép di chuyển để hai con di ra ngoài đó." 
Cô Tân hỏi lại cha cô tại sao chỉ có 2 chị em cô đi ?
"Ba không có đủ vàng để trả cho cả nhà được , Ba mẹ sẽ tính lại chuyện đi đó một cách khác nếu cần, bây giờ hai con cứ đi trước đi, đừng lo nghĩ gì cả. Mọi việc đều sẽ tốt đẹp." cha cô trả lời như thế.
Cô cảm thấy vui vì được đi nhưng buồn vì phải xa cha mẹ và các anh em trai của mình. Cô chưa hề nghĩ tới chuyện nguy hiểm của chuyến vượt biên nầy. Giấc mơ của cô đã biến thành hiện thực và cô không muốn nó mất đi vì bất cứ một lý do nào.
Ngày hôm sau cô và đứa em gái lên xe buýt đi ra Vũng Tàu. Vừa đến bến xe là có một người còn trẻ tìm gặp cô ngay.Anh nầy đưa cô xuyên qua một cánh đồng , đến bờ một con rạch, ở đó có một túp lều đã sập gần hết rồi. Ở đây vắng vẻ như một sa mạc, không có ai hết. Chỉ có một bà cụ già ở đó thôi và anh chàng trai trẻ kia giao hai cô cho bà cụ già đó. Trước khi rời khỏi đây anh chàng còn dặn kỹ 2 chị em cô Tân là không được rời khỏi đây và phải trốn cho kỹ. Trong vòng hai ngày một chiếc ghe sẽ đến đón 2 cô để đưa ra tàu. Và họ phải di ra tàu về ban đêm.
Hai chị em cô chờ ở đây núp kín trong chiếc lều nầy. Còn bà già kia gần như không nói gì cả, làm cơm và cá cho hai cô ăn và hai ngày trôi qua không có gì đến quấy rầy 2 chị em cô hết.
Cuối cùng vào đêm thứ ba, có nhiều người đến kêu cửa, Họ ăn mặc như nông dân, đi chân đất, quần áo dính đầy bùn.
"Chiếc ghe ở dưới kia, chúng ta đi ngay bây giờ, hai cô lấy các túi xách đi. " họ nói với 2 cô như thế.  
Tân ôm lấy mấy túi xách của chị em cô , trong đó có dấu mấy lượng vàng và một ít đô la, những đô la cuối cùng của gia đình mà cha cô đã trao cho hai chị em trước khi Tân ra đi, gọi là để sống ít nhất cũng được 6 tháng ở xứ lạ quê người.
Hai chị em đi theo những người dẫn đường đến bờ rạch với một tâm trạng  bồn chồn mới trong người .Trời tối đen như mực, chỉ có tiếng dế kêu … Cô sung sướng xăn quần lên và hai chị em bước xuống ghe đậu ở bờ rạch. Không ai nói với ai môt câu nào và sau đó chỉ nghe tiếng nước róc rách hai bên mạn ghe và tiếng dầm bơi nhẹ nhàng… Tân nắm lấy bàn tay của em gái mình và giờ đây cô mới nhận thấy trách nhiệm của mình quá nặng. Chuyến nầy hai chị em sẽ rời khỏi nước Việt Nam, và hai bờ rạch tối om nầy đối với cô là kỷ niệm cuối cùng của đất nước thân yêu.
Chiếc ghe theo rạch đi ra vàm chừng hơn một tiếng đồng hồ. Cô đã thấy được biển và chiếc tàu đánh cá nhỏ đang chờ đợi mình cách đó vài trăm thước. Họ sắp sửa bơi ra chiếc tàu thình lình có những tiếng gọi từ phía bờ rạch bên kia:
" Gặp lính rồi, họ đã đón mình rồi, phải ngừng lại thôi"
một trong hai người chèo thuyền nói.
Tân nghe thấy bọn lính cho lệnh ghé vào bờ, nếu không thì họ bắn. Những người chèo ghe sợ quá ghé chiếc ghe lại ngay, nhung cũng rất cẩn thận.
Chỉ có mấy người lính thôi nhung trang bị súng ống đầy đủ. Họ nắm áo kéo hết các cô và 2 người chèo ghe lên bờ và lục soát tất cả thật kỹ, không chút nể nang. Một  người trong bọn nói :
"Tụi bây muốn trốn đi hả. Chuyện nầy cấm. Đưa hết tiền bạc đây cho tụi tao và tụi tao cho tụi bây đi."
Tuyệt nhiên không có một sự nhập nhằng nào trong chuyện đòi hỏi nầy, và hai chị em cô Tân cũng như hai người chèo ghe đều phải làm theo sự đòi hỏi của bọn lính. Hai chị em cô Tân đều hoàn toàn cạn túi. Nhưng ít nhất hai chị em vẫn còn cảm thấy sung sướng vì may mắn được bình yên thoát nạn và chỉ còn một chút biển nầy nữa thôi là đến được bến bờ tự do rồi nên thôi không muốn nói đến chuyện nầy nữa.
Vài phút sau đó hai chị em được chuyển qua chiếc tàu. Có đến gần chiếc tàu , mới thấy được chiếc tàu nầy cũng nhỏ thôi. Gần 40 người đã có mặt trên tàu. Họ cũng đến trong đêm và từ nhiều nơi khác nhau. Người ta chỉ còn chờ 2 chị em cô mà thôi. Chiếc thuyền đưa hai chị em ra đây được một người bơi trở về và không mấy chốc đã biến dạng trong bóng đêm. Chiếc tàu cho nổ máy bắt đầu chạy và chuyến vượt biên khởi hành. Người tài công chỉ có một chiếc la bàn cũ và một cuốn sách địa dư của học trò là dụng cụ để lái chiếc tàu nầy.
Bây giờ là những ngày cuối cùng của mùa gió nồm và với một chút may mắn người ta còn được thấy bầu trời quang đãng. Nhưng người ta cũng đoán được là với những làn sóng biển còn khá mạnh như vầy thì chắc không bao lâu nữa sẽ có bão thật sự. Và chuyện đó được tính từng ngày…
Trên tàu ai cũng nghe nói đến sự có mặt đầy rẩy của bọn hải tặc trên biển Nam Hải để săn tìm các tàu vuợt biên của những người tỵ nạn, và câu chuyện nầy gây sợ hãi cho những người trên tàu. Cả nam lẩn nữ trên tàu đều nghĩ là mình sẳn sàng đối diện với mọi nguy cơ của biển cả, nhưng không tưởng tượng được tính hung dữ tàn bạo không có chút lương tâm của bọn cướp biển kia.
Ba ngày trôi qua trong sự vắng lặng hoàn toàn của biền cả. Có đầy đủ nước ngọt và thức ăn cho mọi người, nhưng có nổi băn khoăn lo lắng ngày càng lớn về chuyện nước biển rò rỉ qua mấy tấm ván của vỏ tàu. Rõ ràng là chiếc tàu nầy khó mà chịu đựng lâu trên biển được . Nó chỉ là một chiếc tàu hư mục vì quá cũ mà một người dân đánh cá đã bán với giá cắt cổ vì anh ta dư biết chiếc tàu nầy sẽ dùng vào việc gì và sẽ đi đâu. Những chuyến vượt biên đã quá nhiều mà người ta đã quá vui vì không bị ai cáo giác. Hơn nữa sự có mặt của mấy chú lính trên con rạch kia đã chứng minh là chuyện trốn đi ra nước ngoài của người dân đã không còn là một bí mật nữa đối với mọi người.
Cô Tân ngồi tựa lưng vào be tàu suốt ba ngày đường. Cô không chịu nổi sự lắc lư thường trực của con tàu và hễ có ăn vô là cô bị ói mửa ra hết. Trời mưa nhiều lần và nước mưa nện xuống bon tàu làm cô run lên vì lạnh. Rồi sau đó thì ánh nắng mặt trời lại rọi xuống làm cháy da rát thịt cô không chút thương tiếc. Cô nghĩ là cô không còn có được làn da trắng đẹp mà ở Sài Gòn xưa kia cô rất đỗi tự hào. Một bà đã có tuổi ngồi cạnh cô đang nấu cơm trên một bếp dầu. Khi nhìn bà ta hay khi cô đưa mắt nhìn khoảng không vô tận của chân trời, Tân cảm thấy một sự cô đơn quá đau lòng và một sự bất an trong chuyến phiêu lưu nầy. Các chàng trai đều nhìn cô với cặp mắt thèm khát và tất cả những người chung quanh cô đều là người lạ nên cô cảm thấy mình không tin tưởng họ lắm. Cô rất ý thức được tính hay cảm xúc và sự mềm lòng của cô trước nam giới hay trước những sự việc xảy ra. Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, Cô cầu nguyện cho chính bản thân cô và cho cả gia đình cô mà chị em cô vừa mới rời xa, có thể lâu dài mấy năm không biết chừng. Còn nhiều mối lo khác nữa cũng làm cho cô ưu tư không ít. Giờ đây, không còn gì trong tay, Cô sẽ giúp gì cho đứa em gái của cô đây ? Ai là người sẽ giúp đỡ và ai sẽ tương trợ cho hai chị em cô đây ? Hai chị em cô sẽ ra sao với chuyến đi đến nơi vô định này ?   
Cô bật khóc lên giữa hai thời cầu nguyện… và nước mắt của cô chỉ rơi xuống biển…..
Bước qua đêm thứ tư, người lái tàu báo cho mọi người biết là mình không còn xa Mã Lai lắm đâu. Nhưng ông không biết chính xác còn cách bờ biển bao nhiêu nửa.
Đúng vào lúc đó thì bão nổi lên. Gió rít mạnh từng cơn cuốn theo những lượng sóng cao ngất. Mưa tầm tã như trút xuống biển và sấm chớp nổi lên như muốn xé tan bầu trời. Chiếc tàu chỉ còn như một cái nút chai nhỏ bé trên những làn sóng biển trong cơn thịnh nộ. Những người đàn ông lo tát nước vì nước đang tràn vào hầm tàu. Những tấm ván gỗ của vỏ tàu kêu trèo trẹo như rên siết dưới những cú đánh điếng người  của các lượn sóng biển vào mạn tàu.. Và cô Tân tưởng chừng như võ tàu sẽ vỡ ra từng mảnh lúc nào không biết. Cô đứng bám chặt vào thành tàu, bì sóng nước tát mạnh vào người và vẫn tiếp tục cầu nguyện.
Trước những sự việc khó khăn nầy tất cả các người đi tỵ nạn đều chiến đấu suốt cả nửa đêm bên cạnh nhau. Hơn mười lần họ nghĩ rằng cuộc đời của họ đã đi đứt rồi, cả mười lần họ đều lấy lại được niềm hy vọng khi thấy chiếc tàu đã vượt sóng rất anh dũng. Trong sự gầm thét của cơn bão, tất cả đều hô to những khẩu hiệu khích lệ nhau còn các bà thì lo vỗ về các trẻ nhỏ đang khóc.  
Nhưng rồi tất cả cố gắng của họ đều không đi đến đâu cả, và họ cảm thấy tuyệt vọng đến nơi, nếu bất thình lình người lái tàu không trông thấy được có ánh đèn ở xa xa. Những điểm ánh sáng lập lòe dịu dàng từ xa đã giúp họ có thêm sức phấn đấu mới và đều thấy mình tràn trề hy vọng. Họ sắp được thoát nạn rồi, và sự thoát nạn đang ở trong tầm tay rồi.
Họ cố gắng hơn nữa để giữ cho con tàu còn trên mặt biển. Cô Tân ước gì có được đôi tay rộng đủ để ôm chặt con tàu đừng cho nó vỡ ra như nó đã mấy lần đe dọa, như một trái cây quá chín mùi sắp rơi rụng đến nơi vậy.
Những ánh đèn ngày càng đến gần nhưng rất chậm. Tức khắc, cô nhận ra đó là một dàn khoan dầu. Cô không kềm được môt tiếng kêu vui sướng và tất cả đều cất tiếng kêu to lên trong mưa bão để làm cho những người trên dàn khoan chú ý vì hình như họ đang ngủ. Người lái tàu cho máy chạy chậm lại và dùng hết năng lực của mình để cố giữ chiếc tàu giữa những cột trụ của dàn khoan khổng lồ nầy.
Trên dàn khoan hình như không có một ai nghe tiếng kêu gào trong tuyệt vọng và những tiếng gọi xin cứu nguy của những người tỵ nạn. Các bà thì cùng đưa tay lên trời để cầu xin sự thương xót trong khi các ông thì cố hết sức kêu gào còn những người lớn tuổi thì rên siết.
Sau đó tự nhiên như có một phép mầu. Có một người trên dàn khoan  cúi đầu xuống nhìn họ. và lại có tiếp những người khác nữa. Bằng anh ngữ, họ bảo những người tỵ nạn hãy kiên nhẫn một chút làm như tới tột đỉnh của sự nguy khổn rồi  mọi người không còn có thì giờ ngồi yên chờ chết vậy. Cuối cùng thì người ta cũng liệng xuống những chiếc thang dây và tuần tự từng người tất cả đều được dìu lên dàn khoan, an toàn bên cạnh những người đã cứu  họ, những người Hoa Kỳ trầm lặng đang tươi cười an ủi họ. Khi người
tỵ nạn cuối cùng lên được trên dàn khoan rồi thì chiếc tàu như tự biết mình đã làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình rồi, tự rã ra và lặng lẽ chìm mất xuống lòng biển giữa những làn sóng cao trắng xóa…..
Sau quá nhiều thử thách vừa qua, tinh thần cô Tân căng thẳng, rã rời, cô Tân thút thít khóc như một em bé nhỏ còn yếu đuối lúc còn  thơ … Cô nhận được áo quần khô và thức ăn nóng và nhất là những lời an ủi nhiệt thành.. Trước khi trời sáng, cô ngủ được một giấc những giấc ngủ của cô bị giao động đầy ác mộng..
Những người tỵ nạn còn ở trên dàn khoan "Tapisse B" nầy 2 ngày nữa, đối với cô thời gian nầy khó mà quên được . Người  Mỹ còn chấp thuận gởi một điện tín về cho cha cô để báo cáo về số phận của hai chị em cô để cha mẹ cô yên lòng.
Rồi có chiếc "Florence Tide", một chiếc tàu tiếp tế nhỏ từ Tân gia Ba đến đưa tất cả về Tân gia Ba. Nhưng trên đường về Tân gia Ba họ lại gặp một chiếc tàu chở người tỵ nạn Việt Nam khác được thuyền trưởng nhận luôn tất cả lên tàu. Do vậy một lúc sau đó khi vị thuyền trưởng chiếc Florence Tide gặp một chiếc tàu chở hàng của MãLai, ông bèn yêu cầu tàu nầy chở giùm tất cả người Việt Nam tỵ nạn vì ông sợ nguy hiểm cho chính chiếc tàu của ông.
Cô Tân và tất cả các bạn đồng hành đều được chuyển sang chiếc tàu hàng Mã Lai. Đoàn thủy thủ rất vui vẻ tiếp đón tất cả và cho biết ngay là tàu nầy sẽ chạy  thẳng tới một hòn đảo gọi là Poulo Bidong, nơi đó có một trại tỵ nạn.
Ngày hôm sau thì tất cả đều trông thấy hòn đảo nầy, và cô Tân biết ngay là chị em cô sẽ lên đảo nầy và sẽ sống ở đó trong một thời gian vô hạn định. Coi như cô đã thành công trong chuyến vượt biên nầy, nhưng hy vọng có một cuộc sống mới có làm cho cô nhẹ bớt gánh lo hay không ? Cuộc sống ở Poulo Bidong rồi sẽ ra sao đây?
Khi cô khóc thì đó là cô khóc cho số phận bấp bênh của hai chị em cô và cũng khóc cho sự đau khổ của những người thân của mình ở nhà, đang gánh chịu để có được một ngày cùng nhau đoàn tụ.   

(Xin đón xem mẩu chuyện thứ sáu : Ông "Đoàn lung Đồng")

 



Trở về trang đầu            Trang sau
1