Phần Một
(tiếp theo)

    4.- HƯƠNG TRẦN MINH

       Hương Trần Minh đã ngồi chờ trước nhà trên một giờ rồi. Anh nhìn lại đồng hồ của anh một lần nữa. Một nỗi bồn chồn lo sợ âm ỉ trong lòng anh. Người Mỹ nầy đã trễ hẹn rồi, quá trễ hẹn nữa là khác. Và thì giờ đối với anh thật là quý báu hơn bao giờ hết trong ngày 28 tháng 4 năm 1975 nầy.

      Đột nhiên Minh thấy quá chán nản. Anh sấp sửa đến tuổi 50 rồi, và những trò chơi nầy không còn trong lứa tuổi của anh nữa. Thế là anh phải tìm cách chạy trốn khỏi đây thôi. Anh sợ người cộng sản như sợ ma quỷ và không tin là chuyện buôn bán của anh sẽ mang lại cho anh những tai hại một khi người cộng sản tiến chiếm được thành phố

      Anh lưỡng lự, không biết phải làm gì, với vài gói quần áo và vật dụng ở dưới chân anh. Cái anh Mỹ nầy không giữ lời hứa. Anh ta đã hứa cho anh một chỗ trên chiếc trực thăng và đã nói với anh là anh ta sẽ trở lại tìm anh. Thế mà anh ta lại không thấy đến. Bây giờ chắc là sẽ không còn có thể chạy thoát khỏi đây được nữa rồi.  Anh đã có một quyết định quá trễ. Vào giờ chót chuyện phải rời bỏ quê hương của anh đã làm cho anh ghê tởm. Và hơn nữa, anh đã quá hy vọng là người Mỹ sẽ can thiệp, dù là ngày cuối cùng, đề Sài Gòn không bị rơi vào tay cộng sản.

       Hai vai nhức mỏi, đột nhiên thấy trong người quá mệt mỏi, anh trở lên nhà. Cũng giống như hằng trăm ngàn người Việt Nam khác, anh không kịp chạy đi khỏi đây đúng lúc.

       Sáng sớm ngày hôm sau, anh quyết định về với gia đình ở Long Thành, cách Sài Gòn khoảng 70 cây số về hướng Bắc, và may sao anh gặp được một chiếc xe có thể đưa anh về đó được. Anh phải đi bộ một đoạn đường xuyên qua các đơn vị Bắc Việt hay Việt cộng , nhưng rồi anh cũng đến nhà được không gặp trở ngại nào với những túi xách và một ít tiền dấu trong túi xách quần áo.

      Anh cảm thấy mình được yên tâm phần nào với gia đình vốn phải bị xa nhau trong những tuần lễ chót của cuộc chiến. Nhưng chẳng bao giờ bọn "bộ đội" biết được anh là ai. Để được như thế anh phải cải trang thành một nông dân trong lúc chờ đợi thời gian tốt hơn. Hai ngày sau, anh mua được một mảnh đất và vài bộ quần áo cũ của người hàng xóm bên cạnh nhà, và lòng nặng chĩu, anh bắt đầu sống một đời sống mới. Sài Gòn mất ngày 30 tháng 4, bọn Bắc Việt chiếm hết Miền Nam và quân đội Miền Nam mạnh mẽ và kiêu hùng không còn gì cả.

      Ba tháng qua đi trong một sự yên tĩnh hoàn toàn. Sau đó , vào một buổi sáng, các "bộ đội" có mặt, tại nhà anh, với nón cối bằng lá cọ và súng của Trung quốc. Họ hỏi anh rất lâu về đời sống của anh, và nhất là những hoạt động của anh trước cách mạng. Anh Minh đã dọn sẵn từ lâu về lịch sử cuộc sống của minh có thể chấp nhận được.  Nhưng anh biết là nếu đi sâu hơn về cuộc điều tra nầy thì trước sau gì họ cũng khám phá ra là anh mới vừa ở đây chưa đến 3 tháng.

      Cuộc điều tra nầy in sâu vào tâm trí anh đến độ anh quyết định phải trốn đi Mỹ Tho, một tỉnh ở phía Nam của Sài Gòn , nơi đó anh có một người anh bà con tên Rạng. Anh không muốn gia đình anh Rạng lo sợ vì sự có mặt của anh ở đây. Người anh tên Rạng nầy là một người thợ mộc, có thể anh sẽ trở thành một người thợ mộc cũng nên.  

      Cuộc hành trình xuống Mỹ Tho của anh không có gì khó khăn cả.. Chánh quyền mới của người cộng sản hình như cũng còn chưa nặng tay lắm, anh cũng hơi yên tâm phần nào. Trái lại, ở nhà của anh Rạng, anh không thấy được niềm vui mới.  Ủy ban phường theo dõi anh Rạng thật sát sao. Minh vì sợ bị phát giác, nên đành phải xách gói đi tìm chỗ trú khác.

      Trong vòng vài tháng, anh lang thang đi hết tỉnh nầy đến tỉnh khác, khi thì giả dạng làm nông dân, khi thì làm dân đánh cá, anh đang cố tìm một phương tiện để chạy ra nước ngoài. Anh cảm thấy ngày càng ít an toàn hơn, giật nẩy mình khi có bất cứ một tiếng động nào khác lạ và luôn luôn sợ mình bị nhận ra. Lần lần anh có những phản ứng của một người bị săn đuổi.

     Để có phương tiện sống, anh bán vài lượng vàng và cứ thế vào một ngày của tháng 11 năm 1976 anh đến được Đà Nẵng. Anh nhớ lại là anh có một người bạn ở ngành hàng hải, có một chiếc tàu chở hàng nhỏ khoảng 500 tấn chạy từ Đà Nẳng đến Sài Gòn.  Người bạn nầy cho anh biết là dang tổ chức môt cuộc chạy đi với chiếc tàu nầy. Anh ta khuyên Minh nên gom gia đình lại ở Bà Rịa để có thể ra khơi với chiếc tàu nầy một ngày chính xác nào đó. Chiếc tàu hàng nầy sẽ rước họ và tất cả sẽ đi đến Tân gia Ba.

       Minh gom được vợ con anh lại không quá một tuần lễ, và ngày 18 tháng 12 năm 1976 là tất cả đều có mặt ở điểm hẹn trên một chiếc thuyền đậu ở một cái rạch nhỏ gần Bà Rịa. Con trai lớn của anh đã lên chiếc tàu hàng với một người bạn của nó, và người ta chỉ chờ ra khơi để trốn chạy khỏi đây thôi..

      Nhưng số mạng lại quyết định khác. Họ vừa mới xuôi theo con rạch vào lúc giữa đêm, thì họ bị một toán "bộ đội" đi tuần tiễu chận họ và  bắt họ dừng lại. Trong chiếc thuyền, tất cả đều biết rõ cái gì đang chờ họ khi họ bị bắt,và không một ai muốn thấy là mình đã thất bại quá nhanh. Vừa sợ vừa lo họ dùng hết sức đưa chiếc thuyền tấp vô bờ bên kia rạch. Nhiều tiếng súng được bắn theo làm tung tóe nước quanh chiếc thuyền, nhưng rồi may mắn nhờ đêm tối tất cả đều nhảy được lên bờ mà không người nào bị trúng đạn hết.

      Họ nhảy lên bờ một cách thảm hại, và chạy trốn vào rừng, không quên mang theo tất cả balô hay túi xách của mình. Minh hổn hển vì mang quá nặng, bị mấy gốc cây làm chân anh bị thương tích, vấp té ngã xuống bãi bùn, nhờ con trai anh kéo lên được.  Vợ anh chạy phía sau cũng gặp nhiều khó khăn tuơng tự, vì thế họ phải chạy chậm lại.

      Đột nhiên, có nhiều tiếng súng nổ lép bép ở ngay phía trước mặt. Có những tiếng gọi và ra lệnh. Một toán tuần tiểu khác chận đường ngay trước mặt. Gia đình của Minh đổi hướng chạy về phía rạch, chia ra thành từng toán nhỏ. Lại có nhiều tiếng súng nổ lẻ tẻ nữa.Và thình lình. bọn lính xuất hiện ngay trước mặt họ. Quá mệt gần mất hết hơi thở, tất cả đều đưa tay lên. Lần nầy thì họ thật sự bị bắt rồi, và nỗi lo sợ gần như đã mất hết lúc đang lo chạy trối chết vừa rồi đã tự nhiên trở lại làm cho tất cả muốn nghẹn họng…..

       Các "bộ đội" trói họ lại dắt hết ra đường đẩy họ lên một xe tải. Và người ta đưa họ về bót cảnh sát ở Bà Rịa để điều tra. Minh bị giam riêng, cách ly với gia đình. Rõ ràng là anh cán bộ điều tra Minh đã đoán biết Minh là chủ gia đình và anh là người cầm đầu chuyến vượt biên nầy. Người ta để anh ngồi trên một cái ghế trước một bàn làm việc..

      "Tại sao anh muốn trốn đi ?"

người ta hỏi anh với một giọng rất hách.

Minh chưa kịp mở miệng để chối thì đã bị một cú đấm mạnh là anh ngã bật ra.  Người  ta không cho anh có thì giờ để trả lời. Có những bàn tay thô kệch lôi anh dậy, không chút nể nang. Minh cảm thấy có máu chảy trong miệng và hai quai hàm bị đau nhói.

        "Anh mua quần áo nầy ở đâu ?" 

lại có một câu hỏi tiếp.

Nhiều cú đánh túi bụi vào mặt anh khiến anh không sao trả lời được. Anh té nhào xuống đất, gần như bất tỉnh. Người ta lại đặt anh ngồi trên ghế, mặt anh sưng lên. răng cửa bị gãy, và người ta vẫn còn đánh anh nữa, không ngưng tay. Tấn kịch cứ thế kéo dài mãi trong những phút giây. Những phút giây nầy sao mà nó quá dài đối với anh…. Minh tưởng như chuyện nầy không bao giờ chấm dứt. Những câu hỏi cứ tiếp tục được đưa ra và tiếp theo đó là các cú đấm như một cơn mưa ! Câu hỏi, cú đấm.. câu hỏi, cú đấm…. Minh ngất đi, máu me đầy mặt. Một tên lính xối cho anh một thau nước và một lần nữa người ta vực anh ngồi dậy.

      Tên cán bộ ngồi trước mặt anh đưa cho anh một cây viết và một tờ giấy, và ra lệnh:

    " Viết đi, viết tất cả những gì anh biết. Và không được quên gì hết nhé, nếu không thì tội anh càng nặng đó."

Minh cứ viết bất cứ những gì có thể chấp nhận được.  Nhưng anh xác nhận là anh không biết gì về những tổ chức vượt biên. Anh chỉ có mặt ở đó do một sự tình cờ mà thôi. Anh không bao giờ có ý định trốn đi đâu cả. Các anh bộ đội nầy rất khinh thường ý định của họ.

      Khi anh viết xong lời khai, người ta nhốt anh vào một xà lim mà cả đêm anh không ngơi nghỉ gì được cả. Sáng sớm hôm sau, bọn cán bộ điều tra lại đến và lần nầy họ đánh anh bằng báng súng.

"Anh nói láo, anh muốn đi trốn khỏi đây."

một người trong bọn nói với anh như thế.

       Người ta lại đem anh lên phòng điều tra hôm qua, một gian phòng độc hại, chỉ có bốn bức tường trống không, lạnh lẽo. Cuộc thẩm vấn lại tiếp tục. Nhưng Minh rất cứng đầu và không khai gì hơn những gì anh đã ghi trên tờ giấy mà họ đã trao cho anh. Anh tình cờ đi đến đó thôi, anh không có muốn trốn đi với gia đình, anh cũng không biết gì hết về những đường dây vượt biên. Anh chỉ tình cờ có mặt ở đó thôi, tình cờ thôi…

        Người ta lại đưa Minh về xà lim, và suốt một tháng dài, mỗi đêm lại những màn điều tra như thế cứ tiếp diễn.  Minh không còn có cảm giác gì nữa về mặt mày, tay chân và lồng ngực của anh nữa. Anh sống trong sự đau đớn nhưng vẫn cứng đầu, biết rằng nếu khai ra là sẽ đi tù là cái chắc.

       Đến một buổi chiều nọ, bọn cán bộ thay đổi cách thẩm vấn. và họ dùng tàn thuốc đốt chân anh. Anh  đau đớn đến cực độ đến đổi anh phải hét lên và rút chân lại.

" Đó là bằng chứng đó. Đó là bằng chứng anh đã có võ karatê nên mới có phản ứng nhanh như vậy, như vậy là anh đã ở trong quân đội của bù nhìn Thiệu rồi, thú nhận đi."

 một tên trong bọn thẩm vấn nói lớn vào tai anh như thế.

         Minh chẳng thú nhận gì cả. Lại một lần nữa anh bất tỉnh.

        Đến một tháng như vậy, họ thả anh ra cùng với gia đình của anh. Anh tin chắc rằng lòng khăng khăng của anh đã cứu được anh và cứu cả gia đình anh. Vợ anh và các con anh không có bị tra tấn. Nhưng tất cả đều nhớ biết những gì mà họ đã thỏa thuận trước đó: Họ tình cờ có mặt ở đó thôi, không biết gì hơn.. Và chánh quyền cũng không thể tra cứu về lý lịch thật của họ được, vì họ đã đốt hết giấy tờ rồi.

      Họ đi cả gia đình lại nhà anh Rạng, người anh bà con làm thợ mộc ở Mỹ Tho. Họ không thể trở về nhà của họ được. Họ ở đó hơn một năm, thời gian cần thiết để quên đi tất cả và để sửa soạn cho một chuyến đi vượt biên mới. Phần anh Rạng, chán vì cứ bị tiếp tục theo dỏi dài dài và mất hết cả tự do, đã quyết định nhập bọn với gia đình của Minh ,và một kế hoạch mới được nghiên cứu và hình thành. Tất cả đều biến hết thành dân đánh cá, và cảnh sát vẫn để họ yên.

       Anh Rạng đi đến Phước Tỉnh, ở đó anh có một người bạn là dân đánh cá. Không khó khăn gì lắm, anh đã thuyết phục được người bạn nầy cùng trốn đi với chiếc tàu đánh cá của anh ta, bằng cách đóng góp một số lượng vàng coi như thù lao, và xem như chiếc tàu có  thể sẽ coi như bị mất. Anh Rạng cũng có biết một cựu cán bộ Việt cộng ở Phước Hải, và qua trung gian của tên cán bộ nầy, anh có được một sự di chuyển tự do trong thành phố nầy như là nông dân. Họ sẽ ra khơi từ đó. Chỉ cần mang chiếc tàu từ biển vào và dùng thuyền con đi ra chiếc tàu. Nơi hẹn đã được định sẵn và Rạng đi Phước Hải. Với 40 lượng vàng, tên chỉ huy vùng nầy chấp thuận nhắm mắt ngó lơ cho họ đi. Tất cả mọi việc đều có vẻ khá tốt.

        Rạng trở về Mỹ Tho báo tin vui cho Minh. Người ta chờ đến hết mùa gió nồm là khoảng ngày 2 tháng 4 để cùng ra đi.   

        Vài ngày trước đó Rạng và gia đình anh Minh đi xuống Phước Hải. Họ mua một chiếc thuyền nhỏ và đêm 2 tháng 4 họ đến chờ chiếc tàu ở bãi biển. Trời xấu lắm báo hiệu có thể sẽ có một cơn bão thật sự sắp nổi lên. Tất cả đều nghĩ rằng họ không gặp may mắn. Có thể đây là cuối mùa và có lẽ cơn giông bảo sẽ nổi lên vào ngày họ ra khơi.

        Thỉnh thoảng họ đốt ngọn đèn bão lên và cầm tay đưa qua đưa lại hướng về phía biển.  Đây là tín hiệu đã được thỏa thuận trước với chiếc tàu. Họ chờ ở đây đã hơn một tiếng đồng hồ rồi. Mưa bắt đầu rơi nặng hột và gió lốc nổi lên mạnh bốc cát trên bãi lên. Cuối cùng  một ánh sáng đèn được thấy trên biển, lúc mất, lúc xuất hiện. Chiếc tàu đã đến rồi.

        Họ chuẩn bị ra đi, chất hành trang xuống thuyền. Minh tự nhủ là anh chẳng còn gì sau chuyến bị nhốt trong nhà lao, và  chuyến đi nầy có được là nhờ sự dành dụm của Rạng, nhưng rồi đây gia đình anh sẽ được tự do.

        Nhưng khi họ sắp sửa đẩy thuyền xuống biển thì có nhiều tiếng súng nổ rang từ phía bờ rừng, và chừng 20 tên cảnh sát đã đến bao vây họ. Rang bật lên một tjếng than. Họ đã bị phản bội rồi.  Ngọn đèn ngoài biển biến mất. Nghe có tiếng súng nổ, chiếc tàu đã chạy trốn mất.

       Cảnh sát đưa tất cả ra đường và chuyển họ lên xe tải. Họ đưa đám tù nhân đến Long Đất, cách đó chừng 20 cây số.

       Vài tháng sau họ thả hết đàn bà và trẻ con ra, nhưng với nhóm đàn ông thì một cuộc đau khổ dai dẳng bắt đầu.  Lần nầy thì không còn chối đi đâu được nữa. Phải chịu hình phạt thôi. Hơn nữa cuộc thẩm vấn rất là ngắn.

       Minh được người ta nhốt trong một chiếc thùng sắt chở hàng một bề 2 thước, cao 1 thước 8. Trước khi bước vào đây, Minh có ghi nhận được chữ "CONNEX" được viết rõ bên ngoài. Anh nhớ mãi trong suốt cuộc đời của anh. Bởi vì chiếc thùng sắt cũ nầy của người Mỹ đã được thấy để nằm ở ngoài sân, ngoài nắng.

       Với 8 người xấu số khác cùng bị nhốt , anh chỉ có đứng , không nhúc nhích gì được hết. Trên nóc cái nhà tù quái quỷ nấy chỉ có một lổ nhỏ từ đó họ được nhận nước uống và thức ăn trong suốt 7 ngày liền, trong tư thế đứng như thế. Chưa bao giờ hơn nửa ly nước và vài củ khoai mì mỗi ngày.

       Minh tưởng là tất cả đều sẽ chết hết. Họ chen chúc nhau vì quá chật chội không thể thay phiên nhau ngồi xuống được. Còn nắng nóng thì không gì dữ dội hơn. Cái khát là một nỗi ám ảnh rùng rợn không thể chịu được. Họ không dám trao đổi với nhau một lời nào, vì bọn cai tù đang canh giữ họ, thỉnh thoảng mắng chửi họ từ bên ngoài. Không sao chợp mắt được và họ không còn cách nào hơn là đi tiểu trên người họ. hôi thúi không chịu được !!!

        Khi người ta đưa họ ra khỏi lồng sắt nầy, gần như họ không còn đứng vững được nữa. Có mấy người không chịu nổi cái lối tra tấn ghê tởm  loại nầy, và người ta  lấy chăn đấp lên tử thi của họ. Những người nầy đã không còn nếm mùi đau khổ dai dẳng nữa !

        Người ta liệng Minh và các tù nhân khác vào một xà lim vách ván, ở đó cũng chật cứng như nêm. Nhưng ít nhất cũng còn có một nhiệt độ bình thường. Ngay lúc nầy Minh cảm thấy là anh không còn có thể chịu đựng nổi một cực hình như vừa rồi nữa được, một nhục hình ghê tởm đến mức giờ đây anh thấy quá ghê rợn đến mức anh muốn giết hết bọn đồ tể đó.  

         Còn có những lo lắng khác đến với anh. Gia đình anh như thế nào rồi ? Họ có bị những cực hình như anh hay không ? Người ta sẽ làm gì anh nữa đây? Tâm trạng lo âu khắc khoải nầy còn làm cho anh đau khổ hơn là bị giam giữ nữa.

         Minh bị giam trong xà lim nầy một tháng rưỡi. Sau đó người ta chuyển anh đến một trại tù gần Biên Hòa. Anh hiểu rõ là bọn cộng sản đã quyết định đánh cho anh phải ngã gục, vì anh là một người đã có ý định chạy trốn khỏi cái xã hội mới mà họ đang xây dựng  Nhưng anh không bao giờ tiếc rẻ. Anh không thể chịu nổi một thứ trật tự mới nầy một loại trật tự nó khiến cho mọi người phải cúi mình theo một luật lệ quá nghiêm khắc vốn xóa bỏ hết mọi quyền tự do cá nhân và biến con người thành một dụng cụ sản xuất không hơn không kém. Không !, anh không tiếc rẻ gì cả, ngoại trừ những thất bại trong mấy lần toan tính vượt biên vừa qua của anh. Nhưng anh cảm thấy tương lai của mình sao quá đen tối, và quyền tự do của con người còn quá xa xôi đến độ tốt hơn hết là anh không nên nghĩ tới nó nữa.

     Trại tù nầy gồm nhiều lán, các lán được sấp xếp thành hình vuôn,và chung quanh là hào hố đầy rác rưởi và nước. Minh được nhốt chung trong một xà lim rộng trong đó đã có 80 tù nhân. Về sau anh biết được có cả thảy là 1200 người , chỉ có vài phụ nữ.

      Minh biết chắc là chỉ những người "không thể thu nhận được" mới ở trong trại tù nầy, vì người ta không cho họ làm việc, nhất là họ không phải theo các lớp dạy chánh trị nào hết. Anh ở đó đến 5 tháng. Cứ mỗi 2 ngày thì đám lính giữ tù cho họ ra ngoài chừng 15 phút xong mới dẫn vô nhốt lại. Ở phía cuối xà lim có những hố xí, tiêu tiểu hôi hám không chịu nổi. Nhưng chính ở đây là nơi mà tù nhân có thể vượt ngục được.  Một toán 9 cựu quân nhân đào một đường hầm ngày nầy qua ngày khác với một mảnh lưỡi cuốc mà họ đã thành công xoay sở được. Có Trời mà biết được !

       Mưu toan của họ có thể thành công, và các tù nhân nầy đã đi gần đến đích thì một ngày nọ bị đám lính giữ tù vào phát giác lúc họ đang đào đường hầm. Quá giận dữ, họ dùng gậy gộc đánh những người xấu số một cách cực kỳ dã man và mang hết những tù nhân đầy máu me nầy ra ngoài. Minh không bao giờ biết cái gì sẽ đến với họ. Cả trại tù cũng quên họ, giống như trước kia cũng đã có những người đã từng thất bại vậy.

       Minh bắt đầu cảm thấy là sẽ không bao giờ có hy vọng được ra khỏi nơi nầy, thì đùng một cái vào đầu tháng 10 năm 1978, bổng nhiên họ thả anh ra. Anh không còn biết nghĩ gì, nhưng vừa ra khỏi trại thì anh được người anh rể đón tiếp, người anh rể mà đã từ lâu lắm rồi anh không gặp được.  Người anh nầy cho biết là vợ anh đã được thả không lâu sau khi gia đình bị bắt, nhưng mấy tháng trôi qua thì chị mới biết được chuyện gì  đã đến với anh. Chị đã mua chuộc được một cán binh cộng sản và người nầy đòi phải hối lộ cho anh ta một máy tàu thì Minh mới được thả ra. Chị đã mua được một máy tàu cho anh cán binh đó và thế là anh đã trả tự do.

       Người anh rể của Minh còn cho Minh biết là bây giờ chánh quyền  cộng sản đã cho người Hoa Kiều được phép rời khỏi nước một cách chánh thức rồi. Thật ra cũng chỉ là bán chánh thức thôi, nhưng nhiều đoàn tàu chắc chắn đã được tổ chức. Chỉ cần trả tiền thôi.

       Minh rất cảm động khi anh gặp lại vợ và các con anh. Họ ở hết tại Biên Hòa để chờ anh. Họ không còn gì hết, nhưng cùng nhau thấy lại có hy vọng. Đó là cái chánh.Còn bài toán tiền nong để đi tiếp một chuyến nữa thì cũng được người anh rể giải quyết trước rồi, anh ta sẽ lo hết.

       Sức khỏe của Minh đang ở trong một tình trạng quá tồi tệ sau khi ra khỏi nhà tù đến độ 2 tuần lễ săn sóc và nghỉ ngơi cũng chỉ tạm giúp anh tý chút gọi là tìm lại được chút nguồn sống. Trong thời gian nầy ông anh rể của Minh lo đi mua cho gia đình anh giấy tờ giả là người Hoa Kiều, và phải trả mỗi người là 12 cây vàng cho chánh quyền.  Người ta báo cho anh biết là ngày lên đường được ấn định là ngày 21 tháng10.

    Trước đó một ngày người ta dồn hết họ lên một xe và cảnh sát hộ tống họ đến tận Vũng Tàu, nơi đó đã có một chiếc tàu đánh cá đang chờ họ. Nhìn thấy tình trạng quá mục nát của chiếc tàu nầy , Minh tự hỏi không biết có phải họ muốn tống khứ hết bọn nầy vào chỗ chết cho rảnh tay hay không ? Tất cả có 206 người mà chỗ thì không có đủ nên phải chen chúc xuống cả dưới hầm tàu.  Người ta còn xét kỷ từng người trước khi cho tàu chạy, và những ai mà không biết cất dấu cho kỹ một vài món đồ có giá trị mang theo đều bị tịch thâu thẳng thừng. Bọn cảnh sát do đó đã tóm được một số khá lớn các cây vàng và đồ nữ trang.

      Chiếc tàu đi ra xa dần dưới con mắt khó chịu của những người đã từng cấm đoán không cho họ rời khỏi quê hương nầy trong nhiều năm, mà giờ đây họ mới đi được.  

       Nhưng họ lại không đi xa được.  Một cơn bão đã nổi lên vài giờ sau khi họ rời khỏi bến. Nguy cơ đắm tàu quá lớn đến mức người lái tàu phải chọn con đường lái lui trở vô bờ. Minh cảm thấy một nỗi thất vọng tràn đầy. Sự tình cờ và nỗi không may mắn đã dẫn anh đến nhóm người mà anh coi như bọn đồ tể không biết gì là công lý hay pháp lý gì cả.

        Trở lại Vũng Tàu, tất cả đều phải về nhà họ để chờ một chuyến đi khác. Minh và gia đình phải trở về Biên Hỏa. Họ giống như ngồi trên đống lửa, lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ bị từ chối không cho đi chuyến kế tiếp. Trừ phi đến giờ chót người ta không phát giác ra được họ không phải là người Hoa kiều. Trong trường hợp đó họ còn khổ nhiều nữa.

          Nhưng rồi ngày 24 tháng 11 chuyến khởi hành lần thứ hai không gặp một một trở ngại nào. Chỉ cần phải đóng thêm vài tấm ván gỗ vào vỏ tàu là xong. Phải thực sự có một quyết tâm cao độ muốn rời khỏi đất nước Việt Nam mới đem mạng sống của mình giao phó cho một chiếc tàu mục nát như vậy !

        Trong hai ngày và 3 đêm họ tiến về hướng bờ biển Mã Lai mà không gặp một người nào hết. Đến ngày 27 tháng 11,vào giữa buổi trưa thì họ mới thấy được  một bãi biển gần Kuala Tregganu. Vài chục người nhìn họ đến mà không lộ một chút thiện cảm nào hết. Do vậy họ cho chiếc tàu đậu cách bãi biển 100 thước. Người lái tàu phải nhảy xuống biển lội vào bờ để thương thảo. Vừa đến bờ là anh bị người ta xúm lại, trong tay mỗi người đều có gậy gộc. Họ la hét mắng anh bằng tiếng Anh và hình như muốn gây khó khăn cho anh. Sợ quá anh vội chạy trở lại và nhào xuống biển và dùng hết sức lội nhanh vế tàu. Anh chị em tỵ nạn đều chứng kiến được hết từ xa. Họ đưa anh trở lên tàu và quyết định đi tìm một nơi khác chớ không đổ bộ lên đây nữa vì sự đón tiếp quá "nồng hậu" nầy.

       Vừa mới rời khỏi nơi đây thì  họ gặp ngay một chiếc thuyền máy trên đó có 4 nhà báo của đài BBC. Họ bèn  thuật lại những gì đã xảy ra, và những người Anh nầy quyết định sẽ giúp họ. Hai người sang qua chiếc tàu tỵ nạn và hai người kia thì dùng thuyền máy chạy  thẳng tới Kuala Trengganu để báo động cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và người có trách nhiệm ở đó.

        Với hai người Anh trên tàu, các anh chị em tỵ nạn trở lui lại bãi biển lúc nãy, hy vọng rằng mọi việc sẽ được diễn tiến khác hơn. Nhưng không có gì hết. Khi vừa đặt chân lên bãi biển, hai nhà báo người Anh gần như bị đám đông dân chúng ở đó hành hung, nên phải cấp tốc trở lên tàu.  Tương lai thấy sao quá đen tối, Minh cảm thấy quá cay đắng. Anh mong chờ một sự đón tiếp khác hơn từ một đất nước không cộng sản, và giờ đây anh thấy được là người ta đã đối xử với anh và những người tỵ nạn cộng sản như những người bị ruồng bỏ. Đến một lúc nào đó anh thấy mình đã thật quá chán nản    

      Đậu tàu ở xa bờ biển họ chờ đợi những người của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc mà họ nghĩ rằng không bao lâu nữa người ta sẽ đến. Với Cao Ủy Tỵ Nạn thì họ tin chắc có thể lên bờ được.

      Thời gian cứ trôi qua, giờ nầy sang giờ khác. Mặt trời lặn dần xuống biển và đêm tối đã đến…Trên bờ hình như đã có sự yên lặng trở lại.

       Đến 11 giờ đêm thì họ nghe có tiếng máy tàu và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc  đã đến với cảnh sát.  Các anh em tỵ nạn vui mừng được biết là cảnh ác độc của dân chúng đã   biến mất hết và anh chị em tỵ nạn lên bờ sau khi được khám xét rất kỹ càng.

       Người ta cho họ lên xe và đưa họ đến Kuala Trengganu, vào một nhà kho lớn trong đó đã có nhiều người ty nạn đã ở đó rồi. Người ta cho biết là họ sẽ sớm được chuyển về đảo Pulau Bidong, nơi đây đã có thiết lập một trại tỵ nạn rồi. Họ vẫn kiên nhẫn chờ…

       Ngày 29 tháng 11 năm 1978, một chiếc tàu của Hội Hồng Thập Tự Mã Lai đến tìm họ, và chỉ trong 3 tiếng đồng hồ họ được đưa đến đảo Pulau Bidong

       Đặt chân lên chiếc cầu tàu bằng ván của đảo nầy, anh Minh lần đầu tiên đã bật lên tiếng khóc.

 

***



Trở về trang đầu            Coi trang sau
1