CHUYỆN DÀI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

THÙY  DƯƠNG N.K.

 

  Đầu năm 2007, có quá nhiều chuyện nói nhưng trước hết phải nói cho xong vấn đề Giáo Dục của cái chế độ Xã Nghĩa nầy đã, để cho cả nước thấy được tình trạng giáo dục như thế nào. Vì từ trò tới thầy , tới phụ huynh học sinh, sinh viên ai ai cũng kêu rêu, mà "đỉnh cao trí tuệ" thì vẫn cứ giả câm giả đỉếc, mặc cho nó muốn ra sao thì ra . Thế mới là lạ !

- Hoặc họ cứ cắm đầu lo hốt (hốt bạc chớ không phải hốt rác đâu nhé), vì con tàu xã hội chủ nghĩa đã gần chìm đến nơi rồi, hốt để chạy ! Và không quên đưa ra chiêu bài "Nghiên Cứu" để kéo dài thời gian và chạy tội !!!

- Hoặc họ không có thì giờ vì dồn dập lo tìm người củng cố quyền lực trong kỳ đại hội đảng, trong chuyện "đảng cử, dân bầu" cho Quốc Hội Khóa XII sắp tới,

- Hoặc họ đang lo đối phó với các phong trào tranh  đấu đòi dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, đối phó với cả trong  nước mà cả với cộng đồng Việt Nam và thế giới bên ngoài nữa…

- Hoặc họ dốt không biết gì hết về vấn đề "trồng người' mà từ năm 1945 già Hồ đã luôn lớn tiếng hô hào từ ngày mang chủ nghĩa cộng sản về đất nước Việt Nam .!

 

NHÌN TỔNG QUÁT : Giáo dục toàn quốc quả tình đi thụt lùi rất đáng lo ngại :

Cấp Tiểu học và Trung học phổ thông:

Ngay tại cuộc hội thảo về Giáo Dục, được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2006, có cả sự tham dự chánh thức của cơ quan Unesco (Liên Hiệp Quốc), vị đại diện Bộ Giáo Dục của chế độ cộng sản Việt Nam đã thú nhận là "hiện tượng tái mù chữ" đã xuất hiện ở Việt Nam ! (nguyên văn)

Thế này là thế nào nhỉ ? Trong lúc cả thế giới đang trên đà tiến lên quá xa về mọi mặt thì tại sao Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta lại đi thụt lùi lại về thời kỳ Mù Chữ ? Mà đây là từ mồm miệng của "ngài đương kiêm Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục" đấy nhé !   Xem kỹ lại thì đây :

(1)- Hiện tượng bỏ học: Ông Giáo Dục xác nhận có hiện tượng "bỏ học" hàng loạt với số lượng rất lớn trên cả nước.

Nhà Nước thì cho biết dân số Việt Nam gia tăng từ 1.2 đến 1.5 triệu người, nhưng Ông Giáo Dục thì báo cáo là số học sinh và sinh viên lại không chịu gia tăng theo tỷ lệ đó mà lại giảm xuống khoảng hơn 2 hay 3 triệu .. Tuy không có một bản thống kê chánh thức nào của chánh phủ nêu lên con số tổng kết về tình trạng học sinh bỏ học trong cả nước hằng năm mặc dù vẫn có đầy đủ các báo cáo từ các địa phương gởi về theo yêu cầu của trung ương. Tuy nhiên môt vài tờ báo của chế độ cũng có lẻ tẻ bật mí nêu lên một vài con số cụ thể của một vài tỉnh nhu sau:

  - Tỉnh Long An: năm 2006, số học  sinh trung học phổ thông bỏ học là hơn 6.000 

  - Tỉnh Bình Định: niên khóa 2006-2007, đã ghi nhận được 2.575  học sinh coi như đã bỏ học (56 tiểu học, 1,484 trung học phổ thông và 1,035 trung học cơ sở)

  -  Tỉnh Tuyên Quang có đến 2, 433 học sinh bỏ học ..

  Vân vân và vân vân…….

Ngoài ra theo báo Lao Động thì “Một hiện tượng giáo dục đáng chú ý tại Việt Nam là tổng số học sinh tiểu học giảm liên tục từ năm 1997 đến nay. Theo số liệu chính thức, số giảm này càng lúc càng tăng, vừa tuyệt đối vừa tương đối.”

(2)- Hiện tượng "Ngồi nhầm lớp":

Thú thật là người viết cũng đã trên 70 tuổi đầu rồi mà hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ nầy mới nghe nói đến ba chữ "ngồi nhầm lớp" nầy là một !     

Vậy thế nào là ngồi nhầm lớp ?

“Ngồi nhầm lớp” là nhóm danh từ bóng bảy ám chỉ tình trạng học sinh có thể chưa đọc thông viết thạo mà vẫn được cho lên lớp đều đều từ tiểu học lên trung học để quan chức giáo dục địa phương báo cáo thành tích tốt lên trung ương.

"Ngồi nhầm lớp" là cho học sinh lên lớp đại để báo cáo thành tích "dạy giỏi - tỷ lệ lên lớp cao", bởi vậy đi đâu cũng gặp học sinh lớp 5 mà không biết đọc hay học sinh lớp 7 mà không biết làm toán lớp 4.
Về chuyện này thì quan đốc Yên Bái phát biểu như diễu trò. Quan bảo:
- 'Theo nghiên cứu của tôi thì muuốn làm tốt việc chấm dứt tình trạng "ngồi nhầm lớp" thì trước hết chúng ta phải xây dựng ngành học mầm non ở tất cả các vùng miền thật tốt. Sau đó chúng ta phải xoá hết những vướng mắc đã có và làm lại từ đầu!"
Và xin nêu lên đây môt ví dụ điển hình, một thành tích thật sự hi hữu :

“Ngày 6 Tháng Hai, 2007, Sở Giáo Dục và Ðào Tạo Kontum cho biết, qua khảo sát đã phát hiện 8,800 học sinh đang ngồi "nhầm lớp" Trong đó có 6,300 em thuộc bậc 'trung học cơ sở”, nhưng cái hay là họ không chịu nói rõ các địa phương nào cũng như lớp "ngồi nhầm" là lớp nào và "ngối nhầm" mấy bậc" ?

Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam người ta mới nghe thấy giám đốc Sở Giáo Dục và Ðào Tạo của một tỉnh dám khai ra số học sinh “ngồi nhầm lớp” đông như vậy. Các tỉnh khác đều hoặc tảng lờ hoặc chỉ đưa ra một vài con số tượng trưng của một vài trường nào đó mà không hề thấy có các báo cáo chính xác cho cả tỉnh.

Và dĩ nhiên ở cấp Bộ cũng không thấy một ai đả động gì tới thành tích "ngồi nhầm lớp" nầy ! Thật quả là hy hữu !

LÝ DO :

Tất nhiên những sự kiện "bỏ học" hay "ngồi nhầm lớp" đều phải có lý do của nó.

 Lý do phải "bỏ học" của học sinh các cấp được người dân trong nước nêu lên, chủ yếu là học phí. Hầu hết người dân đen, nếu không phải là cán bộ hay đảng viên cộng sản thì phải chịu nghèo xác xơ, cha mẹ làm gì có đủ phương tiện nuôi con ăn học, trẻ con chẳng những phải bỏ học mà còn phải buơng chải lo đi tìm việc làm phụ cha mẹ hay để tự nuôi lấy mình nữa nên bắt buộc phải bỏ học.

Theo báo Tuổi trẻ thì "do điều kiện kinh tế khó khăn", học sinh phải vào đời sớm để giúp đỡ gia đình. Điều kiện kinh tế khó khăn thật ra trong giai đoạn nầy không phải chỉ có học sinh và phụ huynh học sinh phải gánh chịu, mà cả hàng ngũ giáo chức cũng thế thôi. Chẳng vậy sao ngày 17 Tháng Mười Một, 2006 vừa qua, cán bộ đảng viên Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo Việt Nam, khi tiếp xúc với “13 nhà giáo nhân dân" vừa được phong tặng danh hiệu, đã  nói rằng “Ðến năm 2010, nhà giáo chúng ta có thể sống được bằng lương”. Vậy là ngài Bộ trưởng đã vô tình hay cố ý cho người ta thấy là đội ngũ giáo viên phải đến năm 2010 mới sống được bằng lương của mình. Và như vậy là từ trước đến nay, nhà giáo ở Việt Nam sống bằng gì, no đủ thiếu đói ra sao, không thấy ngài Bộ trưởng nói ra ! Giáo chức hãy chờ đến năm 2010 vậy !

Cũng có không ít học sinh có sức học kém, không theo nổi chương trình ở lớp cao hơn nên "bỏ học” Nhưng cũng phải vô tư xét lại xem tại sao học sinh có sức học kém  Tại trò hay tại thầy cô ? Tại thầy cô hay tại đường hướng và chánh sách giáo dục xã hội chủ nghĩa ? Người viết còn nhớ lại rõ ràng trong hơn 10 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các em học sinh cấp tiểu học vào lớp thay vì được tiếp tục theo chương trình học vấn bình thường của các em thì lại bị cán bộ giáo viên từ Hà Nội vào ru ngủ, hoặc cho các em học hát, học nhảy "sol đố mì" hoặc rót vào tai lý thuyết  giai cấp đấu tranh, nhồi nhét chuyện yêu nước và yêu xã hội chủ nghĩa như theo dõi và báo cáo sinh hoạt của gia đình hay của người hàng xóm v.v… thì làm sao mà sức học không kém cho được ? Cũng như muốn vào trường trung học sau đó thì tất cả đều phải bước qua khỏi hàng rào lý lịch, phải khai báo lý lịch 3 đời của ông bà cha mẹ mình….. cho nên làm sao mà giờ nầy không chịu dốt được, do vậy không muốn bỏ học cũng không  được.   

Còn trường hợp "Ngồi nhầm lớp' là vì các ngài cán bộ hiệu trưởng, cán bộ giáo chức của chế độ xã hội chủ nghĩa từ Miền Bắc vào đã  cho học sinh lên lớp đại để báo cáo thành tích thi đua "dạy giỏi", đạt  "tỷ lệ lên lớp cao", bởi vậy đi đâu cũng gặp học sinh lớp 5 mà không biết đọc biết viết….  hoặc học sinh lớp 7 mà không biết làm toán lớp 4. " thì trường hợp nầy tại ai ???
Có điều hơi nghịch lý là dù không được săn sóc dạy dỗ đàng hoàng đến nỗi lên đến trung học mà vẫn không đọc thông viết thạo, nhưng để đạt thành tích thi đua hàng năm các ngài cán bộ hiệu trưởng  và giáo chức xã hội chủ nghĩa vẫn phải theo thông lệ tuyên dương một số học sinh loại COCC (con ông cháu cha) nào đó, tuy thuộc loại "ngồi nhầm lớp" nhưng lại được “biểu dương” là “học sinh tiên tiến” để làm vừa lòng cấp trên của họ ở chi bộ.

Về chuyện này chúng ta hãy nghe ngài Giám Đốc Sở Giáo dục tỉnh Yên Bái đề nghị giải pháp kiểu xã hội chủ nghĩa như trò trẻ con vào thời còn kháng chiến trong bưng biền. Ông phát biểu trong một buổi hội thảo về Giáo dục dưới sự chủ tọa của ngài Bộ trưởng giáo dục nguyên văn như sau :
- 'Theo nghiên cứu của tôi thì muốn làm tốt việc chấm dứt tình trạng "ngồi nhầm lớp",  thì trước hết chúng ta phải xây dựng ngành học mầm non ở tất cả các vùng miền thật tốt. Sau đó chúng ta phải xoá hết những vướng mắc đã có và làm lại từ đầu!"
Còn nữa, như quan Giám Đốc Cần Thơ mới vui hơn: theo quan thì cái trường cũng như cái bánh trung thu, cái bánh trung thu ngon là nhờ đủ vị mặn, ngọt, béo, bùi, còn trường học hay cũng phải có đủ sắc, đủ thành phần, học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu dốt.. phải có cả mới được !!.
Quan ta cứ phát biểu tiếp "rất tự nhiên như người Hà Nội" !
- 'Không còn học sinh yếu kém thì cũng không còn là trường học!'
Cũng có mấy quan đốc chơi bạo, đem đảng ra chất vấn Ngài Bộ Trưởng,  như "ông cán bộ đốc học" tỉnh Đồng Tháp Mười nguyên văn đặc sệt mùi xã hội chủ nghĩa như sau :
- ''Bộ đã hỏi ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà Nước trước khi làm việc này chưa ? và lãnh đạo Bộ cần trình lãnh đạo Đảng để có sự chỉ đạo đồng bộ hay chưa? Theo ý tôi thì vấn đề lãnh đạo Bộ đặt ra rất khó thực hiện'.
Thật là "hết ý" !!! Làm cho Ngài Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân phải ngẩn ngơ trong buổi họp giao ban ngày 7/3/2007 vừa qua !!!!

Cấp Cao đẳng và Đại học:
Trong thời đại xã hội chủ nghĩa nầy người ta thường bảo : đại học là học đại ! Không có gì  khó hết và cũng không có gì khác hết ! Thế mới lạ !

Không thiếu gì trường để vào, cả nước có đến bảy mươi mốt trường đại học, cao đẳng không qua thi tuyển. Có cả những khoa Ấn Độ học, Thái Lan học, Triều Tiên học, Thiết kế thời trang, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh..., còn nông lâm ngư nghiệp, ... cần thiết cho một xứ sở nông nghiệp có biển và rừng nằm suốt chiều dài đất nước thì sinh viên lại ít người ngó tới.

Trường đại học ngày càng mở rộng, để thí sinh chọn lựa, đại học quốc gia hay đại học vùng, đại học đào tạo gần hay đào tạo từ xa,  đại học ở tỉnh: Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh, Phú Yên... thậm chí sắp có cả đại học cấp huyện, đại học chính qui hay tại chức, công lập hay tư thục, .. Mở trường đại học khá dễ, tối thiểu chỉ cần thuê vài phòng hay hội trường của ngôi trường nào đó, các thầy tha hồ chạy sô vài trường một lúc... Nói chung, có đủ loại đại học "cho mọi nơi, mọi lúc, mọi trình độ, và mọi túi tiền". Học đâu cũng được, khoa nào cũng xong miễn đạt cho được kết quả là tấm bằng, để hãnh diện với đời, nên mới có câu "Dốt như chuyên tu, Ngu như tại chức" !

Còn đại học sinh ngữ nũa ! Thiên hạ đổ xô đi học Anh ngữ nào là Anh ngữ chính quy, Anh ngữ tại chức, Anh ngữ hàm thụ, Anh ngữ thông dịch, Anh ngữ phiên dịch, Anh ngữ liên doanh, Anh ngữ ngoại quốc, Anh ngữ quốc nội. Và thiên hạ xô đẩy nhau vào con hẻm quá chật hẹp nầy.

Thật là trăm hoa đua nở. Rồi đến phong trào "chứng khoán" đang sôi sùng sục, "Chế biến thực phẩm", "Tin học"... Cứ thi mà không biết mình học tới đâu, đến lúc ra trường nó còn 'hot' hay 'cool' mất từ khi chưa kịp tốt nghiệp thì uổng thời gian, tiền bạc và công sức khiến sinh viên ra trường ôm tấm bằng không biết đi đâu về đâu, bơ vơ chán chê lại kiếm một môn nào đó ghi tên học tiếp.
Nhiều trường nhiều ngành thế nhưng số lượng thí sinh ngày càng đông nên cuối cùng cũng chỉ từ 16 % đến 20 % lọt được vào đại học. Hoặc ráng thi cao đẳng rồi từ từ mai mốt "liên thông" lên đại học sau. Đường thẳng không thông thì đi đường vòng vậy.

Nhìn sơ qua khung trời đại học thì nó như thế, nhưng sự thật thì nó cũng éo le lắm….cho nên người ta mới nói là "học đại" !

Trước hết ông Lý quang Diệu cựu thủ tướng của Singapore đã phê bình là "Chương trình học ở đại học, các trường kỹ thuật, không cập nhật," , có nghĩa là cứ lẹt dẹt , không theo kịp đà tiến triển của thế giới được. 

Kế đó là có hiện tượng "gian lận thi cử" không làm sao bài trừ được . Vì toàn là con dòng cháu giống xã nghĩa, chơi nhiều hơn học nên muốn ra trường "túng thì phải tính". Phần các quan đốc xã hội chủ nghĩa thì cũng "tính" , nào là bán đề thi, tiết lộ đề thi, bán bài giải, hoạc bán luôn cả bằng nữa…đủ trò hết. Cho nên có đủ các thừ bằng mà thực chất còn thua anh công nhân chỉ có bằng tiểu học !

Một ông cán bộ giáo dục tỉnh Bắc Cạn đã phát biểu rất tự nhiên :

- "Nếu chúng ta không muốn gian lận trong thi cử thì chúng ta phải ra đề thi dễ, chứ ra đề khó cộng với coi thi quá nghiêm túc sẽ khiến học sinh sợ trượt và chúng sẽ tìm đủ cách để gian lận!'
Rồi ông "ra điều kiện":
- "Chúng ta nên chấp nhận tỷ lệ đỗ thấp hơn nhưng thấp hơn không nhiều. Chẳng hạn như năm trước là 70% thì năm nay cùng lắm cũng phải là 60%!"
'Quan đốc học' mà thế thì trách gì học trò không dốt. Phát biểu thế thì cả mấy ông làm nghề mổ lợn ở chợ làm đốc học cũng được vậy!

Cũng phải nói đến lối dạy học thiếu trách nhiệm và thi cử không nghiêm minh. Rồi sự thờ ơ của các thầy cô trong các mùa thi, để hiện tượng quay cóp, ném bài xảy ra như "chợ".

Theo đài STBN thì đội ngũ giảng viên có quá nhiều khuyết điểm như khả  năng và trình độ giảng viên còn thấp, chương trình lạc hậu, chất lượng đào tạo kém, không có những hoạt động nghiên cứu có tính khoa học, không có sự hợp tác và trao đổi quốc tế , cơ sở vật chất thiếu thốn. Theo yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng sản Việt Nam vạch ra thì mãi đến năm 2010, một nửa đội ngũ giảng viên các trường đại học phải có học vị tiến sĩ. Ngoài ra cũng phải nói đến tình trạng giáo dục suy đồi đến nỗi như học trò trấn lột cô giáo, giáo sư hiếp dâm học sinh, Hiệu trưởng ăn chặn tiền khẩu phần của các em nhỏ, nhất là tình trạng bằng cấp giả lan tràn.

Tiêu cực thi cử là "bệnh thành tích của xã hội chủ nghĩa".  

Chúng ta hãy nhìn qua hiện tượng "liên quan đến tiêu cực thi tốt nghiệp THPT 2006" ở Hà Tây:

(1) hơn 70 người bị xử lý gồm 9 lãnh đạo trường, 40 giám thị, bảo vệ, nhân viên phục vụ, và 23 thí sinh. Ðặc biệt, 2 trong số 23 thí sinh thi lại bị đánh  trượt tốt nghiệp do thi lại được 0 điểm.

(2) Nhờ gian lận tập thể và có hệ thống, tỉnh Hà Tây đã có tỉ số thí sinh tốt nghiệp gần 100%. Bài giải đề thi đã được in bên ngoài và có người chở vào để phân phối đến tận các phòng thi.

(3) Thân nhân các thí sinh ngang nhiên trèo trường, leo rào vào vào trường thi để ném bài giải cho các thí sinh mà những người bảo vệ, công an canh gác trung tâm thi đứng làm ngơ. cho thấy là quan chức điạ phương công khai dung túng nếu không muốn nói là khuyến khích "gian lận thi cử", cái mà nhà báo đổ lỗi cho "bệnh thành tích". Ngoài ra bài giải đề thi còn được in sẵn trước bên ngoài để có người chở vào phân phối đến tận các phòng thi ! để không bị người dân đạp cửa xông vào ném bài giải cho thí sinh.

(4) Báo chí xã nghĩa đã tiết lộ là : hàng ngàn học sinh trung học không biết đọc biết viết thông thạo, không biết làm các phép tính cộng trừ nhân chia căn bản, dù là học sinh được xếp vào hàng “tiên tiến” và của các trường “chuẩn".

(5) Ông Ðỗ Việt Khoa, giáo viên, người tố cáo gian lận thi cử có hệ thống ở tỉnh Hà Tây nộp đơn ứng cử Quốc Hội nhưng đã bị đẩy ra ngoài. Đó là  áp lực của hệ thống quyền lực để những kẻ dám chống tham nhũng như ông không bao giờ có cơ hội làm đại biểu Quốc Hội cho tỉnh này.

Bằng cấp quốc tế giả : Tình trạng nầy đang tăng cao ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa .Vì nhu cầu nên nhiều người đã mất khá nhiều tiền để chỉ được cấp một tấm bằng không có giá trị và không được công nhận, do những cán bộ cộng sản đã bỏ tiền ra mua bằng để  chạy chức, nhưng thật sự chẳng học chữ nào. Như trường hợp một cán bộ của bộ Giáo dục có bằng đại học Mỹ, nhưng chưa hề học một lớp Tiểu học nào.

Sau năm 1975, với ý đồ nâng cao 'trình độ văn hóa' cho cán bộ đảng viên dốt nát của chế độ, đảng cộng sản cho thiết lập hàng loạt trường bổ túc văn hóa.  
Bổ túc đâu không thấy, chỉ thấy chủ trương nầy được các đảng viên triệt để lợi dụng, như là phương tiện và lối thoát để các "xếp" tống cổ nhân viên nào không cùng băng, cùng nhóm hay có thái độ ngứa mắt…đẩy cho ra khỏi đơn vị của mình.
Thí dụ: ngài bí thư huyện ủy ngứa mắt với ông huyện ủy viên mở mồm ra là "đấu tranh chống tiêu cực", thế là ông tống nó đi học bổ túc văn hóa (cho nó xong). Hay ông giám đốc ngứa mắt với thằng phó giám đốc hay thằng trưởng phòng mất dạy, không biết điều với xếp, thế là ông gầm gừ trong cổ họng: " Đù má mày thằng đồng chí không biết điều, bố mầy cho mầy đi học bổ túc văn hóa cho biết khôn " (từ tục tiểu, nguyên văn theo báo chí). Hoặc là anh trưởng ban nọ đòi dê vài phát, có hư hao sứt mẻ gì đâu mà con bé thư ký làm eo không chịu, làm như nó là trinh nữ 13 tuổi không bằng : "A, cái con đĩ này làm cao, ông cho mày đi học bổ túc văn hóa cho mày biết thế nào là lễ độ".
Qua 2007 cao hơn một chút, không còn mục "tống cổ học bổ túc" nữa nhưng các ông lớn lại yêu cầu cho con cháu mình được  "tống cổ đi du học" như nhiều trường hợp của Hàng Không Việt Nam ".
 Không tiện nói nhiều nữa, vì đã quá dài rồi ! mặc dầu vẫn chưa hết chuyện "tiêu cực", vì làm sao hết được khi mà các ông cán bộ đảng viên cộng sản chỗ nào cũng có, cấp nào cũng có….Cho nên trong một buổi họp gần đây tại Hà Nội , mới có quyết định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là ngành giáo dục cộng sản Việt Nam cần được đầu tư 5000 tỷ đồng từ nay đến năm 2010 cho công tác cải tổ. 

Có cải tổ về mọi  phương diện thì may ra người dân Việt Nam chúng ta, nhất là thế hệ trẻ mới khỏi bị lạc hậu và không bị mù chữ !

                                                                           Tiểu bang Oregon tháng 4/2007

                                                                                   Thùy Dương N.K.

 


   Trở về trang đầu

1