CHƯƠNG BẢY

PHẦN HAI

 

Ông này trông thật là quyến rũ. Mặt vuông, rắn rỏi, tóc hoa râm cắt ngắn và mang kính gọng đồi mồi. Ông ta người gốc miền Trung, ở vùng Qui Nhơn. Ông đã từng tham gia chống Pháp từ năm 1945, đã từng là phụ tá của tướng Nguyễn Bình, người chỉ huy mặt trận kháng chiến ở Nam Bộ. Là một đảng viên cộng sản chính thống, hơn cả chỉ huy trưởng của mình, ông về lại Hà Nội vào năm 1954 và âm thầm giữ những chức vụ ngày càng quan trọng hơn. Trong hiện tại ông được xếp vào hàng thứ ba trong hệ thống quân ủy trung ương đảng. Ở Tân sơn Nhứt ông là người đại diện cho CPLTCHMN . Nhưng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ông đã biến mất. Người ta đã xác nhận với tôi là ông đã bí mật nằm đâu đó tại Sài Gòn  hoặc là ông đã trở về với quân đội cộng sản Miền Bắc (1)

Chính ông mới là người chủ, người duy nhất là người chủ và vẫn còn là người chủ trong một thời gian lâu dài nữa. Khi một người của chúng tôi hỏi ông chừng nào Ủy Ban Quân Quản mới bàn giao cho một Chánh Phủ dân sự, cái được gọi là CPLTCHMN, thì ông nhận chìm ngay vấn đề:
“Chúng tôi muốn chuyển giao quyền hành càng sớm càng tốt. Nhưng rất tiếc là chúng tôi không thể xác nhận với ông một cách chắc chắn là ngày nào được .”

Chúng tôi không thấy thêm được gì cả, nhưng ít nhất chúng tôi cũng thấy được ông nầy đích thực là một người bộ đội cách mạng , một người quân nhân không bao giờ biết phân biệt giữa Miền  Bắc và Miền Nam - chỉ biết có một quốc gia duy nhất , và ông không hiểu tại sao chúng tôi lại quá khăng khăng đòi hỏi sự có mặt của CPLTCHMN đó, một Chánh Phủ mà thời gian và nhu cầu phải có mặt của nó đã qua rồi, tốt nhất là nó phải được xếp vào kho dụng cụ mà thôi.

Cái trò hề đó đã chấm dứt. Người ta đâu có cần đến nó nữa, cả ông Nguyễn hữu Thọ và bà Nguyễn thị Bình cũng vậy thôi .

Mỗi buổi sáng vào lúc 6 giờ, dân chúng Sài Gòn được gọi thức dậy bằng vài bản nhạc quân hành và học được những quyết định của Ban Quân Quản qua lời đọc ngọt ngào đầu lưỡi của cô xướng ngôn viên. Do vậy mà các anh em quân nhân thuộc quân đội cũ mà cộng sản gọi là “ngụy quân”, được “mời” đến “đăng ký” ở các văn phòng đặc biệt được thành lập để họ trình diện theo từng cấp bậc hay từng loại : binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan , sĩ quan cấp tá và tướng lãnh.

“Các ông giám đốc công ty, xí nghiệp nước ngoài phải nộp ngay trong vòng 48 tiếng đồng hồ một bản thống kê tất cả tài sản của công ty… Các nhân viên ngoại giao và các nhà báo ngoại quốc được mời đến ghi danh ở một tiểu ban của Ban Quân Quản tại Bộ Ngoại Giao cũ. Sự chọn lựa màu sắc cho áo quần hoặc tóc để dài, sơn móng tay ..v.v..là tùy thuộc theo sự tự do cá nhân của mỗi người . Tuy nhiên, chúng ta sống trong một thành phố được giải phóng, chúng ta phải biết cởi bỏ những tàn tích xấu xa của tư bản Mỹ và tất cả những gì thuộc về một chế độ đã biến chúng ta thành một dân tộc mất gốc.  Chánh Phủ sẽ hướng dẫn dân chúng để biến Sài Gòn thành một thành phố tiên tiến, văn minh, có sức mạnh và vui vẻ…”

Tất cả mọi người đều phải đi làm việc lại… Nếu việc làm đó không còn có thể làm được thì phải làm “giống như thật” vậy .

Không có một phi cơ dân sự nào đáp xuống Tân sơn Nhứt nữa, nhưng tất cả các văn phòng đại diện các hãng Hàng Không đều phải mở cửa làm việc lại, (làm “giống như thật”). Sát bên cạnh khách sạn của chúng tôi là hãng Hàng Không Tân Gia Ba. Khi thấy tôi bước vào tất cả các cô đều cố gắng  làm ra vẻ bận rộn . Tôi hỏi :

- “ Mở cửa à ?

- Hẳn là như vậy rồi thưa ông, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 15 giờ đến 19 giờ chiều. .một cô trả lời.

- Cô có thể cho tôi một vé đi Hong Kong được không ?

- Được chớ, có ngay, thưa ông,

- Sau một phút yên lặng, cô nầy lại nói tiếp :

- Nhưng xin cho chúng tôi biết xem ông trả bằng tiền đồng (Việt Nam) hay bằng ngoại tệ

Nói xong cô bụm miệng cười và nói tiếp :

- Và không có chuyến máy bay nào nữa cả, thưa ông.

- Chừng nào sẽ có ?

- Hai tháng nữa, ba tháng không chừng, hay có thể là sẽ không có nữa. Không ai biết được.

- Vậy mấy cô làm gì ở đây ?

- “Làm giống như thật”, thưa ông.

Ông đại tướng Minh cho tôi một cái hẹn : 3 giờ chiều. để tôi được phỏng vấn ông. Tôi dẫn toán làm việc của tôi đến. Chúng tôi đứng đợi trước cổng sau dinh của ông, và nhờ đó mới giúp chúng tôi chứng kiến được cái cảnh phá hủy một kho tàng phim ảnh của đại tướng nầy. Tất cả phim kỷ niệm của ông, tất cả các cuộc phỏng vấn, tất cả các cuộn băng tin tức tài liệu mà ông đã cẩn thận lưu giữ từ trước đến nay đều được phá hủy dưới con mắt giám sát khắc nghiệt của một “cán bộ” hình như có phận sự chuyên là về sức khỏe, tinh thần, và cải tạo cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa . …

Ông tướng Minh không tiếp chúng tôi được .Và ông cũng không tiếp bất cứ người nào khác nữa.. Người bạn thân nhất và là người phó của ông là Phó Tổng Thống  Vũ văn Mẫu, đã cho chúng tôi biết là ngay như điện thoại của ông cũng đã bị cắt đứt và “người ta khuyên ông không nên gặp bất cứ một nhà báo nào cả “

Ông chỉ còn là một nhân chứng “trở ngại” của các diễn biến sau cùng . Người ta phải cho ông học một lập luận mới về các sự việc như thế nào đó để ông cứ thế mà trả bài trước một ống kính truyền hình Liên Xô trong một tuần lễ nữa.

Chúng tôi phải đến thăm cựu Tổng Thống Trần văn Hương, người đã thay thế ông Thiệu và bàn giao lại cho ông Minh, trước khi chánh quyền mới tích cực lo lắng cho ông ta.

Ông tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ trưa, rất sung sướng về cuộc viếng thăm nầy. Người ta đã quên ông trong cái xó nầy của riêng ông. Ông ra gặp chúng tôi bước thấp bước cao. Ông gần như không thấy đường và nói với chúng tôi một cách trang nghiêm đầy phẩm cách, chỉ cho chúng tôi xem thư viện nhỏ bé của ông với toàn những tác phẩm tiếng Pháp.

“ Tôi rất mến sách, nhưng tôi không thể đọc được chúng nữa rồi. Tôi yêu hoa, nhưng tôi cũng không thể ngắm chúng nữa rồi. Giống như đất nước của tôi, tôi đã đi vào bóng đêm mất rồi.”

Ông tiến sĩ luật nổi tiếng Vũ văn Mẫu không biết tý gì về tương lai, ngoại trừ chuyện không còn có khoa luật và luật sư nữa. Ông ta còn nuôi hy vọng được chế độ mới chiếu cố, nhưng làm gì có chế độ mới, chỉ có độc một Ban Quân Quản, vốn chẳng cần biết gì đến ông cả .

Không bao giờ lại có quá nhiều chuyện trôm cắp và cướp giật có vũ khí như thế nầy. Nguyên nhân thì có quá nhiều :

- Các tù nhân hình sự cũng được thả ra như các tù nhân chánh trị ;

- Binh sĩ không có gì để sống và để nuôi sống con gia đình cái của họ.

- Các thành viên thuộc lực lượng đặc biệt, vì không được xem là binh sĩ chánh quy mà được liệt vào hạng lính đánh thuê,  đều biết rằng nếu họ đi trình diện thì họ sẽ được đối xử như “băng đảng”, và có thể bị mất mạng như chơi. Con số người nầy lên đến 5000.

- Các anh “chiêu hồi”, những người đào ngũ của quân đội nhân dân, đều phải trở về đơn vị cũ của mình, ở đó cấp chỉ huy và bạn đồng ngũ đang chờ đón họ.

Các anh chiêu hồi nầy và các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt đều sống ngoài lề xã hội Họ còn giữ vũ khí và đêm đêm họ giết chóc. Người ta tìm thấy các anh “bộ đội” bị `ám sát, thường thì bằng dao găm, do những tay nhà nghề : lưỡi dao đưa ngay vào thận.

Một đêm nọ, đã có một trận chiến thật sự xảy ra giữa “bộ đội” và cựu binh sĩ quân đội cũ từ trên nóc nhà bắn xuống. Ngày hôm sau, tất cả các đội tuần tiểu đều được tăng cường, mỗi đội đều có mang theo máy truyền tin cầm tay.

Nguyên nhân sâu xa của những chuyện lộn xộn nầy là do tính phi lý , quan liêu của các viên chức chủ nhân mới của thành phố Sài Gòn.  Các ngân hàng vẫn còn đóng cửa, thợ thuyền không được lãnh lương và các cựu binh sĩ bị bỏ rơi theo số phận của họ. Chỉ có các công chức thì được lãnh mỗi ngày 600 gram gạo và 600 đồng, tương đương với 2 quan Pháp. Một viên cựu sĩ quan nói với tôi :

“Kiểm kê tôi à ? Không bao giờ. Đó là tự mình đút mũi vào bẫy chuột !

Nhưng hầu hết các bạn ông ta đều tự đi ghi danh. Tôi hỏi một vị đại tá vừa mới đi ghi danh xong:

- Thế nào ? Ghi danh ra làm sao ?

- Cũng tốt thôi, họ nói với tôi là cứ về nhà đi, đừng đi đâu và chờ đó.

- Cái gì ?

Có thể là một lúc nào đó họ cần đến chúng tôi để đi xâm chiếm nước Lào. nước Cam Bốt hay Thái Lan gì đó. Ở cấp cao hơn , ở Hà Nội họ là những người có đầu óc lớn lắm !

Hình hư họ quên là Trung Quốc vẫn còn đó và họ không ngớt khiêu khích người ta.

Chợ đen vẫn tiếp tục thạnh hành, nhưng nguồn cung cấp gần như cạn lần và đồng bạc trở nên khan hiếm.

Gọng kềm đang xiết lại chung quanh thành phố, một cách êm thắm. Dân chúng đi đạo Gia Tô đang gặp phiền phức. Dĩ nhiên là họ không cấm đạo giáo nào. Ngày chúa nhật nhà thờ vẫn đầy tín đồ. Nhưng những người biểu tình đã tràn ngập Tòa Khâm sứ để buộc ông Khâm sứ  Đức Ông Lemaitre phải ra đi, vì ông bị cáo buộc là đã ủng hộ ông Thiệu. Đó là do các tín đồ công giáo tiến bộ chủ động. Một trong những người nầy đã giật lá cờ của tòa thánh Vatican xuống để treo lá cờ của Việt Cộng lên. Quân đội đã đến can thiệp và đưa tấn hài kịch lên đến độ phải bắn chỉ thiên và bắt một số người biểu tình để rồi họ thả ra ngay sau đó. Nhưng rồi Đức Khâm sứ cũng bị trục xuất. Người ta tìm một cái cớ, và họ đã tìm ra. đó là : sự hiện diện của ông đã làm xáo trộn trật tự công cộng.

Một tin vui : anh Christian Hoche vẫn còn sống, nhưng anh Michel Laurent thì đã chết, anh Jean Pouget đã khui ngôi mộ thứ hai, một điều mà ông Lãnh Sự đã bỏ qua đi vì quá gấp gáp hay vì công việc đó không vui vẻ tý nào cả. Thây người chết là một anh lính tự vệ công giáo, không phải thây của anh Hoche. Anh Pouget lại đi tiếp với một nhà trồng tỉa khác trong vùng Xuân Lộc là ông Patrick, người có 3 lợi điểm là thích mạo hiểm, nói rành tiếng Việt Nam và có một giấy thông hành để trở lại sở cao su của mình. Từ làng nầy sang làng khác, hỏi hết người nầy đến người kia, hai người đã theo dấu được con đường dài và khó khăn của người bị thương. Họ tìm gặp anh ta ở một bệnh xá dã chiến và được những người Việt Cộng kháng chiến quân Miền Nam săn sóc chu đáo. Dù sao anh cũng vẫn còn sống. 

Khi xe của họ bị nằm dưới lằn đạn của cộng sản thì anh Hoche và Laurent núp trong một cái hố bên đường. Lợi dụng một lúc tạm ngưng tiếng súng, hai anh đi ra khỏi chỗ trú ẩn

và đưa tay lên, nhưng người ta vẫn bắn họ. Đừng quên là lệnh ban ra là phải giết hết bọn dân vệ công giáo và họ có thể bị xem là hai người trong số dân vệ nầy. Một viên đạn xuyên qua đùi của anh Hoche mà không trúng xương hay đường gân chính, một viên khác trúng quai hàm mà không gãy xương hàm. Thật là một phép lạ ! Nhưng anh Michel Laurent thì bị một tràng vào lưng ngã quỵ, anh ta hấp hối vài phút rồi chết luôn. Khi Việt Cộng đến xem kết quả thì anh Hoche đứng dậy và họ dẫn anh ta đi.

Anh thuật lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện phiêu lưu của anh lúc anh trở lại phòng của anh ở khách sạn Continental. Chúng tôi đã dọn xong đồ đạc của anh để sẵn sàng gởi về cho cha mẹ anh ta rồi. Anh đoan chắc là nếu anh đã bị thương nặng và không thể đi được thì chắc họ đã bắn anh chết luôn rồi. Người ta đã dẫn anh đi 40 cây số trong rừng, tay bị trói lại, bước đi loạng choạng, mặt mũi đầy máu với một cái đùi được băng bó sơ sài. Một vài anh tù binh Miền Nam Việt Nam cố gắng giúp đỡ anh. Anh biết là nếu anh quá yếu ngừng lại là anh có quyền nhận ngay một viên đạn vào ót rồi.

Cùng với những người giữ  anh, anh đi xuyên qua một sư đoàn Bắc Việt đóng rải rác trong vườn cao su với vũ khí hùng hậu, với các khẩu pháo nặng, các chiến xa  và hỏa tiễn. Các bộ đội tưởng anh là người Mỹ đã đánh anh bằng nắm tay, bằng báng súng và nhổ cả nước miếng vào anh nữa.

Cuối cùng anh đến được một bệnh viện dã chiến của kháng chiến quân Miền Nam Việt Nam. Những người nầy đã tỏ ra hiểu biết, gần như thân thiện hơn. Thái độ của họ khác hẳn thái độ của các đồng chí Miền Bắc của họ luôn bộc lộ  ra một sự cuồng tín thảm hại với một tinh thần bài ngoại được  nuôi dưỡng thật cẩn thận. Anh Hoche có cảm tưởng là họ bị tách riêng ra. Một người y tá đã gắp viên đạn ra cho anh mà không có thuốc mê và đã khâu lại vết thương trên cầm rất là khéo. Anh nằm ở bệnh viện nầy một tuần lễ cho đến khi anh Pouget đến tìm gập anh. Ở đây anh biết được là Sài Gòn đã bị chiếm. Tại buổi lễ cầu nguyện cho anh Laurent trong nhà nguyện của bệnh viện Grall, anh khóc sướt mướt.

Anh bạn Laurent là nhà báo cuối cùng trong danh sách nhà báo bị chết ở Đông Dương, một danh sách rất dài có hằng trăm người. Trong số nầy có nhiều anh bạn vừa cười đùa trong một buổi sáng nào đó trước khi ra đi, nhưng rồi thường thường người  ta không còn nghe thấy gì về anh nữa.  Vĩnh biệt anh Laurent, vĩnh biệt anh Péraud, vĩnh biệt anh Kovacs ……

Có tin đồn là anh em nhà báo không được quyền đi ra khỏi Sài Gòn nữa, nhưng vì chưa thấy có một quyết định nào chánh thức được ban hành, nên chúng tôi làm như không biết gì hết, và chúng tôi đi về miền Tây, xuống Mỹ Tho, vào một buổi sáng đẹp trời nào đó thường có được giữa hai cơn mưa lớn trong mùa mưa gió ở đây.

Ngay sau khi chúng tôi vừa ra khỏi thành phố Sài Gòn chừng 10 hay 15 cây số gì đó thì chúng tôi để ý thấy có các pháo đội 105 ly của Mỹ được bỏ nằm ở vị trí và trong tư thế tác xạ, các chiến xa nằm cả hàng dài và các xe thiết giáp trống trơn không có một dấu vết chiến đấu nào. Và cả một chiếc trực thăng còn nguyên vẹn đang nằm ở giữa ruộng, vì hết xăng, có cả một ông tướng trên đó. Trái lại không thấy có trang thiết bị, không  có một vũ khí cá nhân nào. Hình như là khi nghe lệnh ngừng bắn, các binh sĩ Miền Nam đã bỏ lại hết tất cả trang thiết bị và vũ khí nặng  và chạy mất hết vào đồng ruộng với vũ khí cá nhân của họ.

Trong vùng nầy tướng Nguyễn khoa Nam đã đạt được nhiều thành quả bằng cách xử dụng lực lượng địa phương quân để giữ chặt lãnh thổ, để ông dùng lực lượng chánh quy hành quân lưu động. Điều nầy lẽ ra các quân đoàn trưởng phải biết thực hiện nhưng họ không ai làm hết , trừ tướng Nam. Nhờ đó ông đã bẻ gãy cuộc tấn công của cộng sản , nhưng khi ông hiểu được là chiến cuộc đã chấm dứt thì ông đã tự sát, không thể sống được với sự thất trận nầy mà ông không phải là người chịu trách nhiệm.

Có vài nút chặn dọc theo đường. Một cô gái còn rất trẻ ăn mặc đúng theo truyền thống quân đội, lại trang trí khẩu súng của mình với 3 chiếc nơ đỏ như một món đồ chơi, ghi một cách nghiêm túc số xe của chúng tôi trên cuốn sổ tay của cô.

Tôi hỏi cô :

- Cô gia nhập quân đội nhân dân đã lâu chưa cô ?

- Hai ngày . (Sài Gòn đã bị chiếm cách đây 2 tuần)

Cô để chúng tôi chụp hình cô một cách vui vẻ.! Cuôc chiến hình như không đả động gì đến phần đất nầy của Miền Nam Việt Nam, nó chỉ đi qua bên cạnh. Không thấy có “bộ đội” hay có ít thôi. Chỉ có vài anh “tự vệ” (dân quân cộng sản địa phương) trang bị với vũ khí tịch thu .  Đó là những người dân Miền Nam chớ không phải những quân “xăm lăng”. Nhìn qua là biết ngay, vì cái lối xử sự của họ. Họ hòa mình thân mật với đám đông và không giống với những “người khác”, họ không đứng riêng lẻ.

Mỹ Tho, không có gì thay đổi , ngoài mấy tấm biểu ngữ. Các anh “Bắc Việt” chưa xuống đến tỉnh này và các loa phóng thanh còn chưa lên tiếng. Dòng sông Cửu Long mang nhiều phù sa và từng cụm cây lục bình… Chúng tôi  qua phà và sang tỉnh Bến Tre. Thật là ồn ào vui vẻ. Các em nhỏ đến mời chúng tôi hủ tiếu, cua rang, bánh ngọt, đậu hũ và trái cây đủ loại. Có những giỏ nhốt gà để trên mui của một chiếc xe đò, những chú heo con đen bị trói gô như đòn chả đang kêu la …

Ở Bến Tre chúng tôi thuê một chiếc tàu nhỏ đưa chúng tôi đến cù lao của ông Đạo Dừa. Nhân vật nầy thật là lạ lùng, ông vốn là một công chức nhỏ của Pháp hồi còn thiếu thời, nửa bịp nửa duy tâm, đã có quyết định phải hòa hợp Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, hòa hợp giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam . Ông đã biến cải hòn đảo nhỏ của ông thành một công viên của chị Hằng. Chỗ nào cũng có những  tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh xanh và những tượng của Đức Phật vàng ánh, những thập tự giá và những con rồng đầy màu sắc. Và cả hai bên đều phân biệt bằng một con đường đi, một bên tượng trưng cho Hà Nội và bên kia tượng trưng cho Sài Gòn . Khi thì ông ở bên nầy, khi thì bên kia lúc nào cũng mong cho hòa bình sẽ đến. Nhưng vì lâu quá mà không thấy hòa bình đến, ông phải đi vào giường nằm ngủ, chỉ khi nào có khách đến thăm thì ông mới ra võng nằm.

Ông đã biến hòn đảo của ông thành một nơi trú ẩn của các quân nhân đào ngũ người Mỹ lẫn người Miền Nam (chính vì muốn gặp số người Mỹ nầy mà chúng tôi mới đến đây). Ông được một số cơ quan mật vụ che chở, được Chánh Phủ của ông Thiệu lờ đi, ông lại nhận được tiền từ khắp mọi người , mua sắm cho các vị tăng của ông các loại máy hình tối tân như Canon và Nikon…, ở nơi ông cái gì cũng khác lạ hết.

Ông ta đã biến mất dạng, hình như không chống nổi với ý muốn bay lên trời trên một chiếc trực thăng Hoa Kỳ (2), và để lại tại chỗ cô cháu gái để quản lý cái cộng đồng nầy. Cô nầy đã tập trung những ai còn lại để cho đọc kinh thánh, hát thánh ca cho Đức Mẹ  và cho tụng kinh Phật có gõ mõ và đánh chuông.

Chúng tôi đi tham quan hết ở đây, không có dấu vết nào của lính đào ngũ. Hai anh dân quân có vũ trang vẫn đứng canh chừng chúng tôi từ đàng xa.

Ông Đạo Dừa không bao giờ cho phép bất cứ một anh binh sĩ Miền Nam nào có mang vũ khí được đặt chân lên hòn đảo của ông; và có một lần duy nhất đã xảy ra như vậy, ông đã gào to lên cho tới Hoa thạnh Đốn và Đông Kinh cũng còn nghe.

Chúng tôi trở lại Mỹ Tho. Chúng tôi quyết định đi luôn đến Gò Công. Sung túc và thanh bình. Mùa lúa năm nay rất trúng. Có nhiều bao lúa được chất cao lên bên vệ đường và các nhà máy xay chạy liên hồi.Một anh nông dân (nguyên tác: "nha-qué) đang cày ruộng với con trâu của mình, vừa cày vừa lên tiếng vỗ về nó.

Thình lình có tiếng đại bác, nhiều tiếng đại bác bị ngắt khoảng, không phải tiếng tác xạ của cả pháo đội . Xa xa có một đám cháy trong làng. Người ta còn đánh nhau hai tuần nay sau khi Sài Gòn đã bị chiếm. Sau nầy tôi mới được biết là trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nầy, còn có nhiều khu kháng cự nhỏ mà người ta phải dùng tới đại bác để dập tắt.

Những phần tử còn sót lại của một lữ đoàn Dù khoảng 2000 người đã chạy về Đồng Tháp, một số chạy về biên giới Cam Bốt. Một sĩ quan của đơn vị nầy ở Sài Gòn  đã về vùng Châu Thổ để tìm các bè bạn đã không chịu ra ghi danh, ông ta gặp một trong những người bạn của tôi và có hỏi rằng : “Làm sao các anh sống được nếu không được tiếp liệu từ bên ngoài ? Đừng có mong gì ở bọn Hoa Kỳ , còn dân chúng thì trung lập như trong quá khứ, vậy thì ai lo cho các anh đây ?

- Người Tàu, Và vì thế mà chúng tôi “đi” về hướng biên giới Cam Bốt. Vì chúng tôi sẽ nhận tiếp liệu xuyên qua Cam Bốt. anh ấy trả lời.

Nếu tất cả đều bắt đầu làm lại ? và nếu chúng tôi coi như đang ở giai đoạn đầu của chiến tranh thứ ba của Việt Nam?

Phà của Gò công (phà Chợ Gạo) chỉ hoạt động khi nào chiếc phà chạy được và con đường đến Gò công rất xấu, mà cũng có thể đã bị cắt đứt nữa không chừng, người ta nói với chúng tôi như vậy.

Trở về Mỹ Tho. Trước khi đến Mỹ Tho, chúng tôi bị một toán dân quân chận lại, toán nầy được biết là đang đi tìm chúng tôi . Họ đưa chúng tôi vào Ủy Ban Hành chánh  Quân sự tỉnh. Người có trách nhiệm thật là nhã nhặn đã tiếp chúng tôi, xem thật cẩn thận giấy tờ của chúng tôi, mời chúng tôi uống trà và giảng bài cho chúng tôi  .

Chúng tôi đã sai trái vì thật sự không biết. Lẽ ra chúng tôi phải xin phép Ủy Ban Quân

quản Sài Gòn Gia Định trước khi chúng tôi đi Mỹ Tho. Ủy Ban Quân Quản sẽ báo cho Ủy Ban ở Mỹ Tho biết để ở đây biết và lo vấn đề an ninh cho chúng tôi . (như vậy là có vấn đề nguy hiểm khi đi dạo trong tỉnh ?)

Ông ta lo lắng không biết chúng tôi đã quay phim những gì ?

- Những con trâu đang cày ruộng.

- Tại sao là những con trâu ?

- Để cho thấy là đã có thanh bình ở đồng quê.

-Tại sao các ông lại quan tâm đến hình ảnh lạc hậu của Việt Nam ? Tại sao các ông không quay những máy cày ?

- Bởi vì tất cả máy cày đều có nhãn hiệu của Hoa Kỳ .

Cuối cùng người ta thả chúng tôi đi. Chúng tôi về Sài Gòn yên ổn. Nhưng trong phòng khách của khách sạn có một tấm bảng lớn sau khi chúng tôi ra đi :

“Các nhà báo nước ngoài không được phép đi ra khỏi châu vi Sài Gòn – Gia Định”

Ngày 15 tháng 5.

Ngày sinh nhật của Hồ chí Minh (sinh năm 1890, đến giờ nầy ông được 85 tuổi), tôi được chứng kiến một cuộc duyệt binh mừng chiến thắng. Tôi đã thấy chạy qua khán đài, các chiến xa nặng T.54 và T.56 của Liên Xô được trang bị máy nhắm có hồng ngoại tuyến, tốt nhất trong loại nầy, các chiến xa lội nước PT.74, các pháo đội 130  ly và các dàn rốc kết 122 ly vốn được dùng để bắn nát thành phố Sài Gòn, các hỏa tiễn SAM và một hàng vô tận các xe vận tải của Trung Quốc chở đầy các anh “bộ đội” đeo toàn găng trắng đứng thẳng ở thế nghiêm không chê được , tất cả đều còn rất trẻ, nghiêm trang và tươi cười. Đi trước các xe bộ đội là các đơn vị kháng chiến mặc quân phục đen, võ trang đủ thứ vũ khí hỗn tạp. Một số là người Miền Nam không bao giờ quá 30 %.

Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được cái gọi là CPLTCHMN được xếp cho ngồi ở khán đài danh dự : bác Thọ, bác Phát và bà Nguyễn thị Bình thân yêu, một nhân vật quan trọng ở Ba Lê nhưng ở đây chỉ ở hàng thứ 11 . Tại Sài Gòn người ta chẳng những không cho bà được ở một biệt thự mà lại cho bà ở một khách sạn hạng nhì, khách sạn Miramar, phòng số 312. Tôi đã kiểm tra. Các nhân vật quan trọng của CPLTCHMN được các tướng lãnh Bắc Việt ngồi bao vây, ngực đeo đầy huy chương, đeo cầu vai đỏ chói kiểu Liên Xô. Phải tự hỏi xem cái CPLTCHMN nầy có phải đã trở thành một hư cấu, một miếng mồi từ dạo Tết Mậu Thân mà các phần tử ưu tú và các cán bộ đều bị tàn sát trong Sài Gòn khi họ muốn chiếm lấy một thành phố nhưng không xong. Ngoài mấy hàng khán giả tập trung trước khán đài bên cạnh ban quân nhạc, vẫy hình Hồ chí Minh và vỗ tay, còn thì hầu hết các phái đoàn ngồi trên lề đường đã ngủ gục hết phân nửa. Người ta đã dạy cho họ vui chơi suốt cả đêm rồi, nên giờ nầy họ còn chưa tỉnh hẳn. Với thời gian chắc họ sẽ học được hơn.

Tôi đã từng biết là ở Hà Nội có một quân đội không hề phô trương huy chương hay cấp bậc, và được trang bị rất là ít nhưng lại được tôi luyện một cách khác. Mỗi binh sĩ phải vừa là một cán bộ tuyên truyền, một người có trách nhiệm chánh trị  vừa là một nhân viên tình báo. Với một cuốn sổ cầm tay, họ đi thẳng tới chúng ta  để phỏng vấn, hỏi xem chúng ta nghĩ gì về chuyện này hay về chuyện nọ.

Quân đội của Hà Nội với toàn là lính trẻ - con mà người ta không có thì giờ để huấn luyện, nên đã tự xem thường mình.

Thấy dân chúng không vui vẻ hồ hởi gì cho lắm, người ta đã hủy bỏ các cuộc lễ vui cho ngày thứ hai và cả ngày thứ ba như đã được thông báo từ trước. Chỉ riêng các tiệm buôn là vẫn phải đóng cửa mà thôi.

Và sau đây là đến lượt các anh nhà báo ở khách sạn Continental, cả một sự hỗn độn về những chuyện buồn cười, vô tổ chức, cãi vã , đến chẻ sợi tóc làm tư và những đề nghị không bao giờ được đa số đồng ý . Tất cả những máy điện báo cũng  như các sự liên lạc vô tuyến đều bị cắt đứt. Không có một phi cơ nào nữa. Các hộp phim và các cuốn phim được chồng chất lên nhau một cách vô ích, để rồi hết hạn một cách nhanh chóng. Các hình ảnh nầy đã nói lên sự thật : là Sài Gòn đã bị chiếm chớ không bao giờ được giải phóng !

Còn những “người khác” thì họ mong muốn gì đây ? Họ có thể tung ra thị trường quảng cáo của họ, những cuốn phim của họ do những toán của phương Đông quay nguội, sau khi cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam đã kết thúc ?.

Vì chúng tôi đến đây quá muộn, và vì người ta đã quên là có một thành phố đã chết rồi, và thành phố đó đã mang môt cái tên rất đẹp, Sài Gòn?

Sau khi đã cấm chúng tôi đi ra khỏi thành phố , kể từ sáng nay người ta lại không cho phép chúng tôi chụp ảnh nữa. Hai anh quay phim người Nhật đã được đưa đến bót, tay bị còng vì họ đã dám quay phim đường Tự Do, điều nấy cũng không ngăn chận được một anh bạn đồng nghiệp từ Hà Nội mới đến, đã viết cho chúng tôi rằng chúng tôi được phép làm việc như chúng tôi muốn. Anh ta có phải trả tiền cho tờ giấy chiếu khán của anh ta hay không đây ? Thật là thế giới của những người Shaddocks, ở đó làm cái gì cũng ngược ngạo hết.

Có một số phóng viên của các “nước anh em”, Liên Xô, Hung gia Lợi, Đông Đức, Ba Lan và đặc phái viên của AFP đã từ Hà Nội đến đây để dự cuộc diễn hành ăn mừng chiến thằng. Để giữ cái hư cấu CPLTCHMN độc lập với Miền Bắc Việt Nam, người ta đã long trọng cấp cho họ một giấy chiếu khán nhập cảnh vào Miền Nam Việt Nam . Nhưng vì ở Tân sơn Nhứt không có ma nào để đóng dấu vào giấy thông hành của họ, người ta phải cho hai viên chức thuộc sở Nhập Cư cùng đi với các phóng viên trên cùng chiếc phi cơ đó để họ nhảy vào các văn phòng nhập cư trống vắng  của Tân sơn Nhứt và đóng dấu lần thứ hai vào chiếu khán, điều mà họ đã làm rồi ở sân bay Gia Lâm, Hà Nội .

Với tất cả sự khéo léo của mình, Sài Gòn tự tính toán và tự giữ mình nếu được, đối với những kẻ xăm lăng vốn muốn biến thành phố nầy thành một thành phố khác , đẹp , tẻ nhạt, nghiêm trang, buồn tẻ, một thành phố thật sự cộng sản, ở đó chỉ có trật tự và kỷ luật và hệ quả của nó là: sự tố giác.

Trong cuộc đấu tranh nầy, giữa thói hư tật xấu có thể tha thứ được với cái đức hạnh không sao giữ nổi, người dân Sài Gòn đã tỏ ra có một tinh thần sáng tạo thật đáng làm cho tôi phải ngạc nhiên. Và cứ như thế là họ sáng chế ra những đám chôn cất giả. Có nhiều gia đình sợ bị trả thù vì có một vài người trong gia đình đã trốn đi với Mỹ.  Và họ bèn phao tin là những người đó vẫn còn ở nhà, nhưng vì không chịu nổi cái nhục thất trận nên đã tự tử. Người ta tiến hành chôn cất họ với tất cả sự long trọng mong muốn với chiếc hòm trống không và  mọi người đều để tang.

Người ta cố gắng hủ hóa các “bộ đội”, những người mà mỗi gia đình phải nuôi ăn nuôi ở. Người ta cho họ uống rượu, điều mà họ không quen, rồi người ta vuốt ve mua chuộc họ, rồi người ta giới thiệu cho họ người cháu gái hay con gái trong nhà, coi như đang có nhiều điều bất hạnh, nhưng thật ra đó chỉ là người tớ gái hay một gái ăn sương nào đó mà người ta thuê để làm việc nầy. Anh “bộ đội” nhẹ dạ nghe theo, phản lại nguyên tắc đạo đức, ăn nằm với cô gái nọ và rồi đi tới phạm tội: ăn cắp vài tít xăng trong xe của quân đội nhân dân, giúp cho con trai của gia đình kia và hôn thê của anh ta dùng xe Honda chạy rong chơi.

Nhưng, trước mắt, các anh mặc quân phục xanh củng cố tổ chức lại, vô hiệu hóa mọi trò xảo trá kia vốn chỉ thực hiện được ở chế độ độc tài thối nát trước kia mà thôi.

Người ta dạy các em nhỏ hát “Đêm qua em mơ thấy Bác Hồ…… cho chúng em khăn quàng đỏ ” để rồi nhân đó người ta dạy các em sự tố giác.

“Nầy các em, các em là người Miền Nam Việt Nam, các em phải hết sức cảnh giác. Cũng như các cha anh của mình, các em phải có bổn phận vạch mặt thiểu số những người đồng lõa của chế độ cũ đang âm mưu phản lại cách mạng…. “

Như một đàn cá, dân chúng Sài Gòn đâm đầu vào lưới rọ ngày càng được người ta siết chặt quanh họ.

Phía trên đường Tự Do. một cô gái trẻ đẹp đi xe gắn máy, mang găng tay trắng , rất chững chạc trong chiếc áo dài sáng rỡ, ngừng xe lại trước mặt tôi và hỏi :

- Ông ơi, ông có phải là người Pháp không ?

- Phải,

- Ông lập gia đình chưa ?

- Tôi đã có gia đình rồi.

-Tiếc quá ! thật là đáng tiếc, Lẽ ra ông phải cưới tôi và tôi sẽ được đi ra khỏi nước Việt Nam nầy. Nhưng mà có lẽ ông cũng có một người bạn nào đó chưa lập gia đình ? Gia đình tôi ở bên Pháp và cha mẹ tôi chắc chắn sẽ mang ơn ông nhiều lắm… Bởi vì… bởi vì… tôi phải đi khỏi đây.

- !!!!!!!!!

CHÚ THÍCH:

(1) Ông đã được Phái đoàn Hoa Kỳ trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên Trung Ương

cho tháp tùng Phái đoàn Quân sự Bắc Việt trên chuyến phi cơ đưa phái đoàn nầy về Hà Nội vì đã mãn nhiệm, sau 3 tháng ở trại Davis, Tân sơn Nhứt đúng theo nghị định thư về Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên, trong Hiệp Định Ba Lê 1973. Từ đó ông trở lại Lộc Ninh, được coi là thủ đô của cái gọi là CPLTCHMN .

(2) Ông Đạo Dừa không có đi Mỹ và ông đã bị cộng sản bắt. Vào khoảng tháng 9 năm 1987, lúc hai anh em chúng tôi đi xe Honda vào Mỹ Tho thì chính mắt tôi (người dịch cuốn sách nầy) phải , chính mắt tôi đã thấy công an ở Trung Lương (Mỹ Tho) liệng ông xuống từ một lô cốt cao khoảng 10 thước làm cho ông chết ngay tức khắc. Cũng có thể là họ đã tra tấn ông đến chết rồi liệng xác xuống từ lô cốt đó không chừng. Nhưng chúng tôi không dám dứng lâu ở đó vì sợ vạ lây.

**

Xin xem tiếp chương VIII, chương cuối cùng :

“Ngày 29 tháng 5 : Xin giã biệt với Sài Gòn”

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 8

1