CHƯƠNG VIII

 

29 THÁNG NĂM : GIÃ BIỆT VỚI SÀI GÒN

 

 

Hỏng bét hết rồi ! Tại chợ Bến Thành, một tên trộm bị bắt tại trận đã bị xử bắn và thi thể được để nguyên tại chỗ. Một tên cướp giật khác chạy xe xích lô máy đã giật một máy chụp ảnh đã bị bắn một phát súng chết nằm dài tại hiện trường.

Tuần tiễu, xét nhà hằng đêm.. Bắt bớ.. mất tích.

Các buổi tuyên truyền liên tục cho giới trẻ và người già kéo dài vô tận… Bởi vì không phải chỉ có nghe không mà thôi, còn phải trả bài hay lập lại giáo lý nữa. Tâm trạng vui vẻ được nhận thấy ở chỗ thiếu ngủ và lời lẽ tuyên truyền quá trẻ con . 

Khoảng 10 giờ đêm, ở khách sạn, tất cả các cô gái đang ở trong phòng những anh nhà báo nhận được lệnh phải đi xuống. Sau đó thì người ta không còn tin tức gì về họ nữa. Họ được đưa đi nhốt trong một trại để học tập về đạo đức.

Cuối cùng , một đoàn xe chở các nhà báo được tổ chức, danh sách được dán trên bảng đen trước Bộ Ngoại Giao, nơi mà chúng tôi đã được kiểm kê. Chuyến xe đầu khởi hành lúc 11 giờ, giờ Đông Dương. Tôi không có trong chuyến đó. Chuyến ra đi thật là thảm hại. Các anh “bộ đội” quá bồn chồn đến căng thẳng, lo đuổi trẻ nít và người ăn xin và ra chận hết con đường.

Lý do : người ta đã khám phá được vũ khí ở nhà của người Mỹ.

Người ta cần loại bỏ bọn nhà báo. Dụng cụ của họ đã mất hết giá trị và bây giờ họ có nguy cơ là những nhân chứng của công tác nắm lại tình hình ở đây một cách khó khăn. 

Nhưng chuyến đi đầu tiên chỉ là một hành động giả. Các anh bạn tôi trở lại vào buổi chiều, tức giận ghê lắm. Sân bay Vạn Tượng bên Lào, nơi họ phải đáp xuống, không xử dụng được vì đang bị gió mùa thổi mạnh. Ngày hôm sau họ lại đi thật sớm. Khám xét hành lý thật cẩn thận nhưng rồi tất cả các cuốn phim cũng đều được qua trót lọt hết.

Tôi đi chuyến thứ nhì. Trước ngày tôi ra đi, ngày 25 tháng 5, người ta ra lệnh trục xuất tôi. Vào lúc 10:30 tối, trong văn phòng của người mà chúng tôi thân mật gọi là cha Lợi, giám đốc khách sạn , tôi bị đưa ra trước một cái gọi là tòa án nhỏ, không là cái gì cả. Ba nhân vật mặc quân phục, súng đeo ngang hông đứng dậy đọc bản án của tôi :

“Ủy Ban An Ninh Sài Gòn – Gia Định ra lệnh cho ông Lartéguy ngày mai phải lên phi cơ đầu tiên đi từ Tân sơn Nhứt . Lý do : có thái độ chống đối chế độ mới”

Chế độ trước của ông Thiệu đã cho tôi vào sổ bìa đen rồi và tôi phải dùng một cái tên khác mới đến đây được . 

Tôi bắt tay ba ông tòa của tôi dưới con mắt tò mò đầy ngạc nhiên của anh thông dịch viên, vốn là một nhân viên trong khách sạn, vì anh không hiểu gì hết về lối hành xử của tôi. Lẽ ra tôi phải giải thích cho anh ta biết rằng ở bên Pháp, một thành viên của gia đình phải hoan nghênh mấy anh đạo tỳ khi họ làm xong nhiệm vụ của họ. Sài Gòn há không phải là gia đình của tôi hay sao ?

Ngày hôm sau cha Lợi cho tôi biết là khách sạn Continental vừa được “giao cho nhân dân quản lý”, và một ông giám đốc mới vừa đến đó từ Miền Bắc. Cả hai chúng tôi đều buồn ! Tôi muốn ôm ông cha Lợi quá đi, nhưng tôi không dám. Ông Lợi là một nhân vật rất xứng đáng, rất là thích hợp.

Ngày hôm sau, trên phi trường, người ta cố chiếm đoạt những  cuốn phim mà tôi và anh Raoul Coutard mang theo. Các tài liệu nầy được cứu đúng lúc, và chúng đang nằm ở Ba Lê.

 Người ta trục xuất tôi khỏi một thành phố đã mang tên Hồ chí Minh, ở đó các trẻ nhỏ hát những bài hát dân tộc và đang học cách tố giác cha mẹ chúng. Tôi không làm sao được .

Nhưng thành phố mang tên Sài Gòn vẫn còn ở trong tôi.

Tôi đã đến đây lần đầu tiên vào năm 1950. Tôi đã trải qua thời kỳ thương ghét thành phố nầy trong hai mươi lăm năm. Đó là một cô gái thiêng liêng, vô lại, rất nhạy cảm và tham lam, chỉ ham muốn gia vị và dầu thơm nặng mùi, hết đi với người nầy lại đi với người khác nhưng không bao giờ ở với ai hết. Một thành phố tự do nhưng bây giờ thì đã hết rồi!

Một tấm màn đen đã phủ xuống thành phố nầy rồi và phủ luôn xuống cả cuộc đời 25 năm của tôi, đời lính, đời nhà báo và đời văn sĩ nữa……  

Một lần cuối cùng tôi bay trên không phận thành phố, trên chiếc phi cơ của hãng Aéroflot đưa tôi đến Vạn Tượng. Anh Raoul Coutard thúc tôi một phát bằng cùi chõ : Hãy xem kìa” anh nói. Cũng như tôi, anh cũng rầu rầu đến chết được  ! Anh đã có mối liên lạc với thành phố Sài Gòn lâu hơn tôi : 30 năm.

Xin giã biệt với Sài Gòn . Sài Gòn ơi !!!!!    

   

                                                                                      Jean Lartéguy


   Trở về trang Mục Lục    

1