CHƯƠNG BẢY

 

NGÀY 1 THÁNG 5

Đồng mỹ kim không còn một giá trị nào. Tất cả các ngân hàng đều đóng cửa.

 

Ngày 1 tháng 5 /1975

Nàng ngoan ngoãn đứng gần một dãy nhà thuộc bệnh viện Grall (Đồn Đất). Bên cạnh nàng là một chiếc va ly mới toanh, lưng cô nàng đeo một cái gùi của người Thượng bằng tre đan. Nàng mặc một cái áo đen dài của mấy thiếu nữ người Cao Nguyên, nhưng tóc nàng thì hơi hơi hoe và da nàng thì trắng : một thiếu nữ lai.

Nàng được bao nhiêu tuổi ? 18 hay 20 ? Các đợt sóng người tỵ nạn đã đưa đẩy nàng đến đây, gần như không hề hấn gì tuy có đôi chút mệt mỏi, vào cái “bệnh viện-ẩn náu” nầy mà trên nóc phất phơ một lá quốc kỳ Pháp.

Tôi phải cố đến gần cô nàng mới thấy được những  giọt lệ đang chảy xuống trên má của cô. Nàng không nói gì cả, nàng không hỏi gì tôi hết, nàng không có một tiếng động nào trong khi chung quanh nàng ồn ào như ong vỡ tổ, nhóm người Việt Nam với khá nhiều ba lô của họ. Ở chính giữa là các trẻ nhỏ đang nằm ngủ, mệt mỏi. Người ta vừa cho họ biết là họ phải về nhà. Sài Gòn không có bị cháy, thành phố nầy chỉ có đổi chủ mà thôi.

Thành phố nầy đã từng có những ông chủ người Pháp, người Nhật, và kế đó lại là người Pháp, sau đó là người Mỹ. Mỗi lần thay đổi chủ như vậy thì người dân Sài Gòn lại phải cố thích nghi với họ, bắt chước theo họ, chế giễu họ và dĩ nhiên là lợi dụng họ.

Bây giờ là đến lượt các chú “bộ đội” của Miền Bắc, các anh lính đội nón cối bằng lá, xùng xình trong bộ quân phục màu xanh lá cây, tất cả đều được đúc trong cùng một khuôn, tất cả đều còn rất trẻ, trên mặt cố điểm một nụ cười  cho có vẻ hiền dịu. Chính  cái mặt nạ mang nụ cười nầy đã làm cho người dân Sài Gòn sợ.

Tôi hỏi cô gái kia xem nàng là ai, từ đâu đến. Cô trả lời cho tôi bằng một câu hỏi khác:

“ Châlon-sur–Marnes ở đâu vậy ông ? Tôi muốn đi đến Châlon-sur-Marnes.

Cô là đứa con được sanh ra từ một mối tình giữa một người Pháp và một người phụ nữ Rhadé. Cha cô đã về Pháp; về sau nầy cha cô nhìn nhận cô là con. Cô đã mất hết trong sự tán loạn nầy. Chỉ còn lại một người cha nầy mà cô chưa bao giờ thấy mặt và cả một tấm hình của ông nầy cô cũng không có. Các bà sơ đã lo hết cho cô ta. Cô đã đi học và đã trở thành một phụ tá của phòng thí nghiệm trong một bệnh viện Hoa Kỳ trên vùng Cao Nguyên.

Người ta đã cho tản cư hết tất cả nhân viên của bệnh viện nầy và đã hứa là sẽ đưa cô sang Hoa Kỳ . Để từ đó cô sẽ tìm phương tiện sang Pháp , đến Chalon-sur-Marnes. Nhưng người Mỹ đã ra đi trong hoảng loạn, bỏ cô ở lại đây. 

Tay kéo lê chiếc va ly, vai mang gùi đựng đầy quà cho người cha bên Pháp, cô đã chạy lại bệnh viện Grall, mà người ta nói là tất cả người Pháp đều đến tỵ nạn ở nơi đây. Cô tưởng mình là một người Pháp, nhưng theo giấy tờ thì cô là một người Việt Nam . Trừ phi có một phép lạ: một ông lãnh sự thích làm việc thiện hơn là khư khư với luật lệ - và đó không phải là trường hợp của Sài Gòn – cô không bao giờ được đi.

Ở đây có tất cả người Việt Nam với giấy thông hành Pháp, và những người khác là họ đã bỏ quốc tịch Pháp hồi thời Tổng Thống Diệm để khỏi bị phiền toái. Tất cả những người mộng du nầy đã thức dậy, thấy mình đang ở một hành tinh khác mà dân ở đó toàn là người lạ : những từ sao Hỏa tới, người Hà Nội !

Họ không hiểu gì hết. Họ bấu víu một cách vô vọng vào những gì họ đã biết và luôn luôn được biết cho tới giờ nầy , là lá quốc kỳ “tam tài” đang phất phơ trên mảnh đất vụn nầy của người Pháp.

Một lúc sau đó tôi phỏng vấn Đại tá Fourré , bác sĩ trưởng của bệnh viện trước  máy thu hình.

Với một giọng nói cố gắng, ông nói về những ảo ảnh của mọi người :

 “Nếu nhân viên bệnh viện là người Pháp thì cũng không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ (về mặt pháp lý, ngoại giao). Đây là lãnh thổ Việt Nam  và chánh quyền mới nếu không chiếm đóng thì ít nhất cũng có thể cho các đội tuần tra tới. “

Trong hiện tại tôi cũng không biết là chúng tôi có những cảnh sát của ông Thiệu đang bao quanh chúng tôi, và các tay cận vệ của họ đều vẫn được  võ trang mạnh mẽ: đó là trung tá Phan Kim , thiếu tá Mai, những người đã hạ sát anh Léandri. Cùng có mặt với họ là người cận vệ đã bóp cò súng, người đã hiểu sai lệnh của ông Phan Kim. Các bác sĩ người Pháp đang là con tin của họ và ở trong tình trạng đó cả 5 ngày liền, các anh cảnh sát nầy đều từ chối không chịu đi ra khỏi bệnh viện. Chỉ huy trưởng của họ là tướng Nguyễn khắc Bình thì đã chạy đi rồi , không báo cho họ biết là ông ta đi, bỏ họ ở lại mặc cho số phận của họ. Và như vậy, cũng giống như hằng ngàn người khác, giống như mấy anh Đại Hàn nầy đã bị Đại sứ của họ bỏ lại, cả một ông tướng nữa, họ cũng vội vã chạy đến bệnh viện nầy. Nhưng vì người ta thiếu máu để truyền cho bệnh nhân, nên người ta buộc mỗi người  ai cũng phải hiến gần một lít máu mới được vào đây. Gần như nộp thuế bằng máu vậy !

Trong một căn phòng gần trung tâm giải phẫu, tôi đã nhìn thấy một em bé chết. Em được 3 tuổi, bị một mảnh đạn trong đầu. Người ta đắp thây của em lại bằng một cái khăn bàn; như thế là đủ rồi ! Có những người khác tay chân bị cắt cụt. Có một số có cả chân bị xích chiến xa cán nhẹp, người thì tay bị gãy lìa, còn có người thì bị phỏng nặng, cả da họ phồng lên …

Cũng tại bệnh viện Grall, trong nhà xác, có tử thi của một ông tướng Việt Nam Cộng Hòa tự tử bằng thuốc rét nivaquine, đó là ông tướng Phú, Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật (Vùng Cao Nguyên Trung Phần). Ông đã từng là một chiến sĩ xuất sắc ở Diện Biên Phủ, và ông đã không còn như vậy nữa khi ông ta đã nhận bổng lộc của ông Thiệu như mọi người khác.  

Người ta kể lại rằng ông tướng Phú được đưa tới bệnh viện lúc ông đang hấp hối (ông ở ngay trước bệnh viện), và người ta đã cho ông đeo mặt nạ có dưỡng khí. Thình lình dưỡng khí thiếu và người ta đã rút ống dưỡng khí ra. Tự vận bằng thuốc nivaquine không thể chữa khỏi được và dù có rửa sạch bao tử hay làm bất cứ cách nào khác cũng không thể cứu được . Tướng Phú không bao giờ được cho thở dưỡng khí. Rất là vô ích thôi !

Theo tôi biết thì đã có 12 trường hợp tự tử, từ cấp tướng đến cấp tá. Đó là không kể các cấp nhỏ hơn như đại úy và trung úy thiếu úy. Cũng như ở ngay vườn của một sĩ quan ,có môt số sĩ quan Dù, ngồi thành một vòng tròn sát cánh nhau, và người sĩ quan trẻ nhất mở chốt của một xâu lựu đạn để cùng nhau chết. Cũng như có một vị thiếu tá đến tự tử ở ngay nhà ông cậu là ông Trần văn Hương, người thay thế ông Thiệu trong chức vụ Tổng Thống. Chỉ cách có vài giờ sau khi tôi đến đó để phỏng vấn ông Hưong.

Các anh “bộ đội” cắm trại ở ngay bãi cỏ rợp mát trước Dinh Độc Lập, và thản nhiên nhóm bếp nấu cơm như là họ đang ở trong rừng. Họ ngồi xổm trước các bếp làm bằng mấy hòn đá và nhóm lửa bằng mấy cành cây khô. Không có một tiếng động, và màn đêm buông xuống… Đó là một buổi chiều cho những anh chiến binh của Hà Nội..

Một chiến thắng lớn về Quân sự nhưng là một thất bại về ý thức hệ. Bởi vì dân chúng không có nổi dậy như người ta đã tưởng tượng. Mặc dầu có biết bao nhiêu lời kêu gọi, cổ vũ, kể cả những lời đe dọa từ các xướng ngôn viên của đài phát thanh Hà Nội và các đài chi nhánh ở Đà Nẵng , Huế, Kontum và Pleiku, các anh em binh sĩ Miền Nam Việt Nam không có bắn cấp chỉ huy của mình, cũng như không hề quay súng của họ lại để chống Chánh Phủ “ngụy quyền” của ông Thiệu hay ông Hương, hay là Chánh Phủ hiếu chiến của ông tướng Dương văn Minh bao giờ. Trái lại, họ vẫn chiến đấu dù cấp chỉ huy của họ đã bỏ rơi họ và dù họ cảm thấy là mình đã thua.

Một đêm cuối cùng yên lặng và thanh bình. Các anh bộ đội trải dây và gắn các loa phóng thanh.

Tôi không thể tin là Sài Gòn đã vừa bị rơi vào tay cộng sản. Gần như một cơn ác mộng vậy. Ngày mai tôi sẽ thức dậy và coi như đã không có gì xảy ra.

Ông Dương văn Minh sẽ nói cho tôi nghe về những giò lan của ông ta, người ta đang gởi cho ông một giống mới từ Băng Cốc.

Tướng Vanuxem sẽ giải thích cho tôi nghe làm sao để tái chiếm Vùng Cao Nguyên Trung Phần, và linh mục Mauriceau sẽ âu yếm nói với tôi về những người Thượng, trong khi anh Philippe Franchini khẽ nói nhỏ vào tai tôi một cách khâm phục: “Tất cả đều điên hết rồi, các anh Việt Nam nầy, nhưng họ lém lắm ! Anh chưa biết được cách để họ có thể qua mặt chánh quyền mới nầy đâu..”

Tôi giật mình thức dậy hồi 6 giờ sáng vì những tiếng ồn ào của loa phóng thanh đang cho phổ biến nhạc sol do mì của sao Hỏa Tinh thỉnh thoảng bị các tiếng hô khầu hiệu ngắt khoảng.

Sài Gòn đã thật sự nằm trong tay của những người mặc quân phục màu xanh lá cây rồi ! Các loại nhạc cách mạng nầy là một loại nhạc được pha trộn lộn xộn như rống lên từ nhạc quân hành với nhạc thánh ca, và nhạc dân gian của Liên Xô, được xen kẽ vào các khẩu hiệu với nội dung là trật tự trong lao động và vệ sinh. Mãi đến 23 giờ đêm loại nhạc nầy mới được chấm dứt, làm cho tai của chúng tôi như bị nổ tung, và làm cho chúng tôi muốn điên lên. Còn dữ tợn hơn là tiếng nổ rền của hàng ngàn chiếc xe gắn máy của thành phố Sài Gòn trước đây nữa.

Sự lưu thông đã giảm bớt hẳn đi, xăng dầu đã hiếm hoi rồi và hầu hết các kho xăng đã bị cháy. Chánh quyền mới (chúng tôi không biết gọi tên gì cho phải vì chúng tôi không biết chánh quyền là ai ?) đã cho đóng cửa hết các cây xăng, trừ một cây ở gần Bưu Điện Trung ương, còn đang tiếp tục hoạt động nhưng rất kín đáo.. Nhưng người ta cũng có thể tìm mua xăng với giá chợ đen, sau khi  giá vọt lên tới 2000 đồng một lít thì gía hơi bình lại ở mức 1500 đồng.

Chúng tôi mua 200 lít , dự trữ ngay trong phòng của chúng tôi và chấp nhận sự nguy hiểm là có cháy thì cháy cả khách sạn.

Chúng tôi phải lợi dụng tình trạng còn đang lộn xộn đề đi quay hết trong và ngoài thành phố , bởi vì sự lộn xộn nầy sẽ không lâu đâu. Đó là kinh nghiệm của tôi từ Hà Nội . Cũng chỉ là những ông chủ cũ thôi nhưng họ đã già rồi, nhưng đã không yếu đâu mà còn cứng cỏi thêm ra: những xác ướp. Và họ sẽ mãi mãi làm lại những gì họ đã làm.

Hầu hết các chế độ cộng sản đều kêu gọi trẻ trung hóa, nhưng cấp lãnh đạo luôn luôn là bọn già, như ở Bắc Việt vậy, từ thời Diện Biên Phủ đến bây giờ không thấy xuất hiện một bộ mặt mới nào, nếu tôi không muốn nói là từ năm 1945.

Chúng tôi cố gắng chạy thử ra khỏi thành phố Sài Gòn , nhưng chúng tôi bị chận lại ở một ngã tư đường gần đến xa lộ Biên Hòa . Chúng tôi ở đó gần 2 tiếng đồng hồ, bị kẹt giữa 2 dòng người tản cư, một tốp đang từ Sài Gòn trở về quê nhà và những người dân Sài Gòn đang cố gắng trở về thành phố . Tất cả đều như lẫn lộn : xe trâu và xe vận tải của quân đội , xe cứu thương và xe xích lô máy, xe bị nhóm trẻ trưng dụng, xe bị đánh cắp, và những người dân tản cư với quần áo tả tơi.. và binh sĩ của quân đội nhân dân. Bực tức vì bị kẹt cứng trong dòng người như thế nầy khó mà ra khỏi được , người ta mới bắt đầu hiểu tại sao binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải bị thua vì bị kẹt cứng với dân tản cư từ các thành phố bị cộng sản chiếm. Chúng tôi bị kẹt trong xe như ngồi trong một cái nồi nhưng rồi cũng phải ra được , vui vẻ thôi.

Chúng tôi cãi nhau rất hăng say : ông Tổng Thống Pháp Giscard có lý hay đã sai khi ông yêu cầu tất cả công dân Pháp hãy ở lại tại chỗ ? Ông ta không làm gì khác hơn được . Nước Pháp chúng tôi không có hạm đội , cũng không có không quân đủ để di tản 10.000 người ra khỏi Việt Nam được . Do vậy dù không muốn cũng phải có một hành động hay cử chỉ nào đó để chơi một ván bài bắt buộc . Cũng như người Mỹ, người Pháp chúng tôi bị bất ngờ trước sự bại trận nầy. Cũng như họ, chúng tôi bắt buộc phải tùy cơ ứng biến. Nhưng vì không có một phương tiện nào, chúng tôi đành phải có một vài câu tuyên bố thật kêu mà thật tình nó vô nghĩa.      

Bọn cộng sản âm thầm đột nhập vào thành phố , từng nhóm nhỏ. Và họ tản ra theo vết dầu loang. Họ cắm trại trong vườn bách thảo và trên bãi cỏ lớn phía trước Dinh Độc Lập. Họ trám vào chỗ trống mà QLVNCH và những người ra đi đã bỏ lại. Họ vào chiếm các dãy nhà và những biệt thự bỏ trống.

Cuộc sống lần lần được hồi phục. Một vài quán rượu đã mở cửa lại. Gần 3000 gái đẹp đã đi theo bọn Mỹ. Chỉ còn lại gái hạng nhì thôi và một nhóm nhỏ nhân viên đang cố gắng làm sống lại các quán rượu, các tiệm làm tóc mà chủ nhân đã biến mất tự bao giờ. Họ cho hoạt động lại một cách êm thắm, không do lệnh của ai hết, mà chỉ theo lời khuyên của bạn bè, của cha chú… cũng như hồi họ cho đóng cửa vậy. 

Người ta yêu cầu mấy cô gái phải chấm dứt đừng mặc quần “jeans” bó sát hay áo cánh nữa,  mà hãy  trở lại truyền thống phong tục Việt Nam , ăn mặc đoan trang lại .

Thật là rất lạ lùng, đảng cộng sản Việt Nam lại tỏ ra  muốn trở lại những truyền thống, với những khái niệm cũ rích của Khổng phu tử  về gia đình , về sự liêm khiết, về sự kính trọng quá khứ. Lao động, Gia đình , Tổ quốc, tôn sùng ông bà và tôn sùng người vĩ đại nhất  là người mà thành phố Sài Gòn vừa mang tên : đó là Hồ chí Minh .

Nhưng mà ngay bây giờ những lời khuyên đó hình như chỉ rơi vào tai những người điếc. Những người mà người ta đặt cho cái tên là cao bồi, cả trai lẩn gái, đều tiếp tục cuộc biểu diễn của họ trên xe mô tô, vừa chạy vừa trương lá cờ của CPLTCHMN và họ tưởng là họ được phép tất cả.

Người dân Sài Gòn yên tâm lại rất nhanh chóng. Họ nghĩ một cách khờ dại rằng họ có thể “nắm” được những người mới đến cũng như họ đã làm với người Pháp và với người Mỹ. Họ dùng hết tình cảm của mình để đánh giá những người nầy, theo suy diễn của mình để thử đo phản ứng của người ta mà họ hình dung cũng giống như  họ vậy . Nhưng mà đây là những người từ một “xứ lạ” đến, và họ thuộc về một loài người khác , với một nhân tính khác !

Một thí dụ: người dân Sài Gòn đi xuyên qua một hàng "Bộ đội” để xem cái gì sẽ xảy ra. Không có gì xảy ra cả. Và thế là họ khẳng định là các anh nông dân trẻ, nhà quê nầy là những người tử tế có thể dễ chơi được lắm. Thật là bé cái lầm! Vì các chú “bô đội” nầy đã nhận được tiêu lệnh là phải tỏ ra tử tế, khoan dung. Ngày hôm kia, nếu họ nhận được lệnh là phải tàn sát 100.000 người dân của thành phố thì họ cũng đã làm đúng như vậy mà thôi. Thái độ của họ sẽ thay đổi ngay khi đã đến đúng thời điểm của hình phạt , đó là thời điểm phải chuyển đổi một thành phố của tư bản chủ nghĩa thành một thành phố của xã hội chủ nghĩa .

Trật tự và vệ sinh đã bắt đầu ngự trị rồi. Sau những ngày chiến đấu điên cuồng, hôi của và cháy nhà, sau khi cộng sản chiếm xong thành phố , thì Sài Gòn trong cơn mộng du vừa tỉnh dậy, dụi mắt nhìn ra mới thấy được hằng ngàn chú nhỏ thùng thình trong bộ quân phục xanh lá cây, đội nón cối, đi dép râu làm bằng lốp xe cũ. Họ rất gầy, nhưng tươi cười, và họ đi trên đường phố nắm tay nhau như để an tâm trước cảnh lưu thông hỗn loạn, vô chánh phủ  nầy, bất chấp tất cả luật lệ; không một ai nghĩ tới các đám cháy và không còn một anh cảnh sát nào hết. Các xe molotova của quân đội nhân dân có một xu hướng tai hại là cứ chạy bên trái của họ (có lẻ vì niềm tin chánh trị ) hay cứ chạy giữa đường (họ không phải đã chiến thắng sao ?). Đã có nhiều lúc chúng tôi suýt phải bị tai nạn vì mấy chiếc vận tải nầy.

Các chú “bộ đội” quyến luyến đặc biệt khu chợ trời vì ở đó có đủ thứ hàng “của đời sống theo lối Mỹ”, hay “sản xuất tại Nhật”, có trái cây đánh cắp từ căn cứ và chợ của quân đội Mỹ, có máy thâu thanh, có máy thâu băng, máy ảnh, hay cả ngàn vật dụng mới lạ chuyên gây thêm khó khăn cho đời sống của con người . Tin tưởng ở bề ngoài ngoan ngoãn thơ ngây, rụt rè của đám bộ đội nầy, các bà bán hàng ngồi chễm chệ như các con gà mái giữa hàng hóa của họ và bắt đầu đem hộp tiền ra buôn bán trở lại. Mấy chú bộ đội từ bưng biền ra thành bị lóe mắt giữa một ngàn lẻ một món hàng của ông hoàng Ali Baba, tranh nhau mua nào là đồng hồ, nào là máy thu thanh và các cây bút máy hạng nhì hay hạng ba bằng tiền cụ Hồ mà giá trị càng xuống khi mà người dân Sài Gòn ngày càng thấy yên tâm trở lại.  

Chúng tôi hỏi họ. Các chú nhỏ trả lời dễ dàng, còn các anh có tuổi thì ít khi lắm, các anh cán bộ mà sự thận trọng đã trở thành bản tính thứ hai của họ rồi. Trong 5 người thì đã có 4 người từ ngoài Bắc vào. Họ rất là sung sướng vì đã thắng trận, nhưng thấy mọi thứ ở đây đều quá ồn ào, cái gì cũng quá đắt và hơi thất vọng vì họ nghĩ lẽ ra người ta phải tiếp đón họ niềm nở hơn mới phải.

Cán bộ thì nói : “Chúng tôi phải sấp xếp lại cho có trật tự mới được” các người nầy không chịu hiểu chúng tôi là những người cách mạng Việt Nam chớ không phải là kẻ chiếm đóng, hay những người được mời , những khách du lịch..”  

Mặt anh ta cau lại nhưng rồi lại giải thích:

“Nhưng rồi đây chúng tôi sẽ giúp họ có một cái nhìn mọi việc đúng đắn hơn , và cởi bỏ hết mọi thói hư tật xấu mà chủ nghĩa thực dân đã để lại cho họ như là : sự dơ bẩn, tính bất lương gian dối, tính ích kỷ, lối sống tha hóa ham tiền, và ăn hối lộ…”

Tất cả các báo chí đều không được phát hành, kể cả tờ “Tin Tức Viễn Đông” ( Courrier d’Extrême Orient). Chỉ duy nhất có một tờ Sài Gòn Giải Phóng, mà tất cả các tít lớn đều chạy bằng chữ đỏ. Hình của Chủ Tịch Hồ chí Minh chiếm hết nửa trang đầu. Người ta đưa ra một diễn dịch quá chính thống, hoàn toàn giả tạo về sự việc tiến chiếm Sài Gòn.

Người ta không biết được cái gì đang xảy ra, ai là chánh quyền , ai chỉ huy, ngay như ông tướng nào đã  chiếm được Sài Gòn cũng không ai biết. Tôi đã quên những kiến thức sơ đẳng của học thuyết Mác xít mà người ta đã cố gắng nhồi nhét cho tôi ở Hà Nội rồi. À đúng rồi, ông tướng đó chỉ có thể là Nhân Dân !

Còn những anh em binh sĩ thuộc quân đội cũ thì sẽ ra sao đây ? -một con số gần 500.000- và tất cả các công chức thuộc chánh quyền cũ nữa ? Có những phi công lái trực thăng và những chuyên viên ngành truyền tin, ít nhất những người đã được biết, thì đã được cho vào “quân đội nhân dân” còn đang thiếu người . Đài phát thanh đã loan báo là kể từ đây các phương tiện sản xuất sẽ là tài sản của nhân dân và nhân dân phải có trách nhiệm. Chưa có một lần nào mà danh từ quốc hữu hóa được dùng đến. Kết quả của sự thuyết giáo đó đôi khi thật là buồn cười. Do đó, ngay tại khách sạn Continental, có vài anh cán bộ đã cho tập hợp tất cả mấy anh bồi lại để nói cho họ biết là : " thời kỳ thực dân đã cáo chung rồi. Bây giờ chánh quyền là nhân dân . Kể từ nay các anh là chủ tập thể của khách sạn nầy, các anh phải lo điều hành nó. Các anh phải chọn lựa ra một ông giám đốc đi.” Các anh bồi vỗ tay, vui sướng, và bàn tính với nhau rồi một người đại diện tuyên bố : Chúng tôi đã quyết định là chọn ông Philippe Franchini làm giám đốc”. Ông Franchini là giám đốc khách sạn Continental và đã đi nghỉ phép bên Pháp 3 tuần lễ nay rồi. Các anh cán bộ rất chán nản nghiêm trọng lắc đầu. Mấy người nầy cần phải được cải tạo mới được Câu trả lời đúng nhất phải là thế này:

“ Chúng tôi rất hãnh diện được sự tin cậy của các ông đối với chúng tôi . Và chúng tôi xin khẩn khoản yêu cầu Ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn- GiaĐịnh vui lòng chỉ định giùm chúng tôi một ông giám đốc”

Ông giám đốc nầy đã có mặt tại chỗ rồi và sẳn sàng nhảy ra ngay thôi !

Đài Phát Thanh Giải Phóng đã loan báo những lời tuyên bố rất là mâu thuẫn với nhau

Thí dụ như: " Đường lối chánh trị đối ngoại mà chế độ mới sẽ áp dụng là : Hòa bình và không liên kết, và chế độ sẳn sàng đón nhận mọi sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh tế của bất cứ quốc gia nào miễn là sự giúp đở đó không có điều kiện chánh trị kèm theo; Đời sống và tài sản của những người thuộc quốc tịch nước ngoài sẽ được bảo vệ.”

Nhưng cùng lúc đó, người ta cho ra một sắc lệnh cho phép Chánh Phủ mới quản lý tất cả tài sản mà nhân dân Việt Nam bị cướp giật. (nhưng cái gọi là Chánh Phủ mới hay chánh quyền mới đó hiện ở đâu ? nó là ai ? phải Ủy Ban Quân Quản hay không ? hay cái CPLTCHMN ? hay Ủy Ban Trung Ương ở Hà Nội?)

Đất đai  mà các nhà trồng tỉa cây cao su đang khai thác có phải là đã cướp giật của nhân dân Việt Nam hay không ? Và hãng sản xuất rượu Bia (Brasseries d’Indochine) và những nhà máy mà hãng đã xây cất thì sao ?

Tôi sang gặp tướng Dương văn Minh. Ông ấy vẫn chưa về nhà. Đàn cá đang bơi trong hồ. Đó là những con cá chép to lớn của vùng nhiệt đới mà người ta đã nhúng vào màu đỏ và màu xanh lá cây. Các giò lan vẫn được treo trong những chậu . Anh tài xế giải thích cho chúng tôi  là anh ta được một cú điện thoại của bà đại tướng cho anh biết là họ vẫn được đối xử tử tế và không bao lâu nữa sẽ về nhà. 

Ngày 3 tháng 5:

Chúng tôi chạy đi lên Hố Nai, vùng đất gần Biên Hòa , nơi định cư của những người công giáo Bắc Việt sau khi họ bỏ chạy vào Nam, chạy trốn theo các cha xứ, mang theo chuông của các nhà thờ của họ. Chính ở đây các nhân dân tự vệ trong làng đã chiến đấu tới cùng, và tiếp tục chiến đấu sau khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút ra khỏi đây. Chính trong một của những pha chiến đấu ác liệt nầy mà anh Christian Hoche  của tờ Figaro và anh Michel Laurent của tờ Gamma đã bị mất tích.

Dọc theo đường, nhà thờ nào cũng nguy nga đồ sộ mà không đúng kiểu cách, cố bắt chước kiểu nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, cũng gạch đỏ, cũng mái kẽm, hay có nơi mái kiểu vừa công giáo vừa phật giáo . Có một lầu chuông của một cái nhà thờ bị thiệt hại nặng vì miểng trái phá, chắc ở đây chạm súng nặng lắm. Tôi cho xe ngừng lại, bước xuống xe và dẫn theo anh thông dịch viên tôi xin gặp cha xứ. Một người đàn bà khoảng 40 tuổi dắt chúng tôi đến gặp cha. Tôi hỏi bà:

“Ở đây ra sao bà ? 

Bà cuối đầu xuống trả lời:

“Con trai tôi và 17 đứa bạn của nó bị xử bắn. Tôi vừa chôn cất chúng nó xong trở về đây.

- Chuyện gì đã xảy ra?

- Chúng nó là nhân dân tự vệ. Bọn nó chiến đấu đến cùng , leo lên lầu chuông bắn xuống. Và người ta xử tử chúng nó .”

Ông cha xứ ngồi trên một băng gỗ, bất động, hai tay tréo lại đặt trên áo dòng. Gian phòng hơi rộng, có lẽ đây là một phòng họp. Hình các thánh được treo trên tường, cả tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh..

Cha xứ khoảng 50 tuổi hay 60 gì đó. Ông đến đây từ xứ Phát Diệm với con chiên cùa ông.

Tôi hỏi ông nhưng ông nhờ thông dịch viên nói lại vì ông nói ông không biết tiếng Pháp. Người giữ ông ngồi riêng, góc bên kia, tay chống lên cây súng, anh ta không phải là lính chánh quy, mà anh mặc quần áo đen của thân binh.

-“ Tất cả đều tốt hết phải không cha ?

- Ờ, cũng được .

Tôi nhấn mạnh: Bình thường rồi chứ ?

- Phải

- Tôi có thể phỏng vấn Cha được chứ ? Có quay phim.  

- Không được đâu, không thể được đâu.

Nhưng vừa khi đó người gác không biết vì lẽ gì, lại bước ra ngoài, để xem việc gì đó đã xảy ra bên ngoài. Cha liền nói bằng tiếng Pháp rất trôi chảy :

- “Trường hợp của chúng tôi thật là rất khó khăn. Tai họa chụp vào đầu chúng tôi  Anh hãy nói với các bạn người Pháp của chúng tôi là hãy cầu nguyện cho chúng tôi :chúng tôi rất cần. Giã biệt.”

Tôi đi ra ngoài. Toán quay phim của chúng tôi đang gặp một vài khó khăn. Có nhiều người có võ trang và đang có vẻ khá bất bình đã chận xe chúng tôi lại. Bà đi với chúng tôi giải thích với họ chúng tôi là người Pháp - điều mà họ không cần biết- và chúng tôi không có ý định quay phim, nhưng vì chúng tôi từ Biên Hòa về, đi lạc đường. Chúng tôi chuồn nhanh, không hỏi gì thêm hết.

Nếu anh Hoche và anh Laurent mà gặp phải những kẻ hăng say như quỷ ám nầy thì tôi nghĩ tội nghiệp cho họ quá.

Trên con đường đi về, chúng tôi được cho chứng kiến một vài cảnh làm chúng tôi rợn cả người, lạnh cả xuơng sống ! Chúng tôi đi qua mấy người tù tay bị trói gô mà mấy anh “áo đen” nầy dùng mũi súng liên thanh của họ đẩy người ta đi tới. Tới chỗ chết hay là tới nhà tù đây ?

Chúng tôi nghe tiếng rú lên của một người đàn bà đang bị người ta bắt và tôi còn thấy được hình ảnh của chị ta đang vùng vẫy tóc xõa ra hết và cố chạy thoát khỏi bọn lính  đang lôi chị ra khỏi nhà.

Ở Sài Gòn thì mọi chuyện còn khá tử tế, còn ở đây thì không .

Biên Hòa: có nhiều biểu ngữ và nhiều loa phóng thanh, có một nhóm người đang chăm chú lo về công tác thông tin của họ, những “cán bộ” đang cố gằng hò hét trong loa phóng thanh để nói về cuộc cách mạng cho đám trẻ, mũi dài ra, mặt lộ vẻ hối hận, đeo băng tay đỏ, đang kéo lê chân đi diễn hành. Thật chẳng vui vẻ chút nào !

Khi về đến khách sạn, chúng tôi được biết là người ta vừa tìm thấy hai ngôi mộ của anh Hoche và Laurent trên con đường đi Xuân Lộc . Hai anh được những người dân quê  chôn cất. Người ta đã khui một ngôi mộ lên : Thật có anh Laurent nằm trong đó. Khỏi cấn phải nói gì thêm. Đó là ý nghĩ của ông lãnh sự, người đã phải gặp đủ mọi loại khó khăn mới đến được tận nơi . Những anh bạn xấu số ! Tôi nhớ tới anh Hoche, nhớ tóc nâu của anh ta, dợn sóng và nhất là nụ cười của anh, và nhớ tới anh Laurent với những điếu xi gà mà anh vừa ăn sáng vừa hút.. Họ đã ở trong khu ngay lúc mà các nhân dân tự vệ công giáo đang chiến đấu với quân đội chánh quy cộng sản Bắc Việt. Có thể cộng sản đã tưởng lầm họ là nhân dân tự vệ công giáo ? Hay họ bị cộng sản hạ sát vì họ là người da trắng, là nhà báo ?

Các chú “bộ đội” đã kiểm xét trong tất cả các dãy nhà của tòa Đại sứ  Pháp, bất chấp mọi luật lệ quốc tế. Ông Đại sứ không có một lời chống đối không như đồng nghiệp người Bỉ của ông ta . Với sự từ chối của ông Đại sứ Bỉ, “bộ đội” phải bỏ cuộc khám xét. Đây là lệnh từ Paris ? hay là sự mềm yếu  khó hiểu của người đại diện của chúng tôi ? hay là một sự chấm dứt của vài thủ tục ngoại giao đã bị bỏ xó ?

Chúng tôi đến thăm trường trung học Marie Curie, nơi đang có cuộc thi sát hạch tú tài . Một em gái rất cảm động rút một tờ giấy. Em muốn đề tài nầy ?  Đó là lịch sử của nước Tàu, một nước láng giềng lớn nhất và mạnh nhất đang ảnh hưởng mạnh tới tiến trình hình thành một  nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo kiểu sô viết.

Em sẽ đậu, em rất cảm động, nhưng ít nhất em cũng nên biết là mảnh bằng nầy không giúp em được gì hết, vì nó sẽ không có một chút giá trị nào cũng như những gì xuất xứ từ  phương Tây.

Ở ban Khoa Học, có nhiều cô sinh viên cầm nắm lá dừa trong tay làm bộ quét các đường đi. Một cô trong đám nầy nói:

- “Tôi xin ông có chụp hình tôi thì hãy chụp từ phía sau lưng. Đừng cho các bạn tôi ở Paris nhận ra tôi.”

Ông chủ nhiệm khoa nầy , giáo sư Trung Ngam, đề nghị tôi gập ông hiệu trưởng mới, vừa từ Hà Nội đến. Đó là một anh “bộ đội” như những người khác : cũng nón cối, cũng quân phục xanh lá cây, cũng mang dép râu, nhưng có đeo túi dết bên hông, với nụ cười khiêm tốn. Mà đôi mắt thì sáng ngời đầy kiêu căng.

Ông giáo sư trưởng phân khoa thông dịch lại mấy câu hỏi của tôi và những câu trả lời của vị đồng nghiệp người Miền Bắc của ông.   Ông nầy tên là Hao, là một nhà hóa-sinh học, đã được đi học bên Tàu.

“Vâng, còn nhiều giáo sư nữa sấp từ Hà Nội đến đây. Có thể chu kỳ học sẽ được thay đổi để phù hợp với nhu cầu thật tế của đất nước .”

Phía trên của giáo sư Hao có treo một tấm biểu ngữ lớn “Không gì quí hơn Độc Lập và Tự Do”

Người ta mời chúng tôi đến quan sát các sinh viên trong nếp sinh hoạt mới của họ. Họ ngồi hay đứng thành từng vòng tròn lớn và vừa vỗ tay nhịp mạnh theo nhạc yêu nước, vừa lập lại các khẩu hiệu, hay chơi trò đuổi bắt chấp chữ , người ta gọi đó là “sinh hoạt văn hóa”…. 

Các sinh viên đến ghi tên học, được chia ra thành từng nhóm. Nhóm thì lo về điều hành lưu thông, nhóm thì lo quét dọn sạch sẽ một khu vực nào đó, nhóm thì lo về trật tự trong trường đại học.

Khoa Luật và Văn chương thì bị đóng cửa vĩnh viễn. Người ta cho các phân khoa đó là vô ích. Thay vào đó là phân khoa thông dịch. Ở phân khoa nầy người ta sẽ dạy tiếng Nga, tiếng Tàu và tiếng Anh. Ở ban Y Khoa thì tiếng Pháp bị cấm, và các sinh viên bác sĩ nội trú đang bị bối rối khi phải thực hiện các phiếu ghi bệnh bằng tiếng Việt, mà thông thường phải ghi bằng tiếng Pháp.

Còn có nhiều sinh viên khác phải mang theo loa phóng thanh, đi với “cán bộ” để hô hào phản đối văn hóa và nhạc “của nước ngoài”, tức là theo Tây Phương. Họ còn mặc quần “Jeans” bó sát và mang giầy bốt theo kiểu cao bồi Texas, trong khi trên các vỉa hè, người ta đã bày bán dép râu làm bằng lốp xe cũ và quần áo pi ja ma đen rồi.

Người ta cho đốt một số tạp chí “khiêu dâm” như Play Boy. Loại nầy cháy cũng khó lắm vì chúng được in trên giấy láng. Nghe đồn rằng người ta sẽ cho đốt hết tất cả  các cuốn sách nào không được viết bằng tiếng Việt, và tác giả không phải là người Việt Nam . 

Các cuốn sách tiếng Pháp của chúng tôi rồi sẽ bị đốt cháy cùng với sách của ông Hemingway và của Steinbeck. Và có người đã đề nghị với chúng tôi bán hạ giá các loại sách nầy ngay trên sân thượng của khách sạn  Continental.

Về sau nầy, lâu lắm về sau, Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn Gia Định mới đính chánh lại, sau khi hàng chục ngàn cuốn sách, hình ảnh và phim đã bị thiêu hủy.

-“Ủy Ban chỉ cho lệnh ngăn chặn mọi cuộc mua bán sách đồi trụy và phản động”

Và luôn luôn có tiếng ồn ào của một chợ phiên hạng bét, của nhạc thánh ca với nhạc nhân gian xô viết.

Khách sạn Continental bị một số người nhỏ thó mặc quân phục xanh lá cây tràn ngập. Họ đến từ Hà Nội và vào chiếm hết cả một tầng lầu. Đây là những người hơi đặc biệt, những nhân viên của Kho bạc, một loại người làm được mọi việc, chuyên nhúng tay vào bất cứ chuyện công hay chuyện tư, những ông cuồng tín về công tác kiểm kê.. Tuổi trung bình: khoảng 40.

Giống như trong tiểu thuyết của ông Kafka, tất cả các công ty ở Sài Gòn đều được phân loại và được xếp vào một số danh mục được đánh dấu bằng chữ K :

K1 : là các sở trồng tỉa; K2: thuế vụ và tài chánh; K3: ngân hàng; K4: ngoại thương;

K5: kỹ nghệ máy móc; K6: Chuyên chở; K7 :Công chánh; K8: Xăng dầu;

K9: Kỹ nghệ nặng; K10: Nông nghiệp…..

Và người ta hỏi nhau : “Anh ở K mấy đó? Mấy con “ếch” ở trong K của anh có đến gặp anh hay không ?Anh ở K5 bởi vì anh điều khiển một nhà máy, mà anh ở trong K8 là vì ngoài sân của nhà máy anh có một cây xăng. Ráng mà ở trong K8 nghe, hình như ở đó khá hơn.”

Thái độ lạ lùng của mấy người dân sao Hỏa từ Hà Nội vào làm cho đôi khi người ta nghĩ tới thái độ của bọn người chuyên môn làm cái gì ngược đời hết. Để miễn trách cho họ, chúng ta phải công nhận là họ hoàn toàn bất ngờ, không được chuẩn bị trước về một chiến thắng như vậy, và chuyện ứng biến không phải là chuyện của các ông Mác xít trong phạm vi văn phòng.

Và vì thế mà tất cả các ngân hàng đều bị đóng cửa và ngân khoản của các xí nghiệp lớn đều bị niêm phong, vì thế mà không ai có thể trả lương được cho thợ thầy hết.

Đầu tiên chúng tôi  tưởng rẳng đây là một quỷ kế để bắt buộc những người thặng dư của thành phố phải trở về đồng quê của mình. Một loại hành động như ở Phnom Penh, nhưng nhẹ nhàng hơn. Người ta làm cạn nguồn tài chánh để đi đến một sự tiết kiệm lương thực.

 Thật sự không có gì cả. Các ngân hàng ở Sài Gòn  đều xài máy điện toán IBM và không có một người dân sao Hỏa nào biết cho  máy chạy đừng nói chi biết dùng. Trừ phi các máy nầy  đã bị phá.

Người ta đã cho vào Sài Gòn tất cả những kế toán viên dùng được . Những người nầy sao chép được chính xác các phiếu có đục lỗ của sổ kế toán lớn, như người ta đã làm hồi thời của Ngân Hàng Đông Dương vậy. Công việc nầy đòi hỏi phải làm cả tháng, rồi sau đó người ta mới cho mở cửa lại vì không có vấn đề đổi tiền. Nhưng vì không một người nào được lãnh lương, nên chuyện trộm cắp càng ngày càng nhiều lên. Tôi cũng là nạn nhân bị trộm ngay trong phòng của tôi. Các cựu binh sĩ thuộc quân đội cũ của Việt Nam Cộng Hòa  không còn có gì để nuôi sống họ. Có xử bắn vài tên trộm tại nghĩa trang Pháp ở Tân sơn Nhứt trước mặt gia đình họ và cả ngàn người xem cũng không đi đến đâu hết.

Một anh lính Thủy quân lục chiến đã tự thiêu trước  tượng đài chiến sĩ đã bị phá sập, tay còn nắm một mẫu giấy có ghi hàng chữ : “Tôi đói”.

Chúng tôi cả trăm nhà báo chen chúc nhau ở trong 3 khách sạn và tìm kiếm một cách vô vọng xem cái CPLTCHMN nó đang ở đâu. Nhưng người ta không  ngớt nói tới nó, mà nó không bao giờ xuất hiện.

Chỉ có Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn Gia Định là có mặt, do tướng Trần văn Trà chỉ huy, một ông già khó chơi đã từng chiến đấu từ năm 1945. Ngoài ra không còn có ai nữa hết.

Nguyễn hữu Thọ ? Bà Nguyễn thị Bình ? Không biết.

Ngày 7 tháng 5 :

Tướng Trà họp báo tại Dinh Độc Lập, nơi ông đang ở. Ông cho chúng tôi biết là Sài Gòn vốn là sào huyệt của chủ nghĩa thực dân từ 117 năm  nay mới được giải phóng. Ông xác nhận rất nhiều lần trước mọi người chúng tôi là những nhân chứng của sự việc, rằng thành phố Sài Gòn đã tự giải phóng mình và để tưởng thưởng thành phố  nầy , kể từ nay thành phố sẽ mang tên Hồ chí Minh.

Thật là một chuyện buồn cười ? Ngay tại Hà Nội vào năm 1962, để phản đối chuyện tham nhũng ở Sài Gòn do quân nhân Mỹ mang vào, người ta đã quyết định là thành phố nầy phải được đổi tên và sẽ mang tên Hồ chí Minh . Nhưng mà ông lãnh tụ cộng sản già nầy, khác hẳn Staline hay là Tito, lại không thích tôn sùng cá nhân. Ông đã ngăn cản không cho công khai hóa một quyết định như thế, vốn sẽ làm trò cười cho cả thiên hạ khắp thế giới trong thời kỳ đó.  

Ngày 7 tháng 5, một tuần lễ sau khi đánh chiếm được Sài Gòn tướng Trà  không chút do dự lên án Hoa Kỳ là đã vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris, và tôi nghĩ đây là lần thứ 600 rồi chớ không ít. Còn có những tàu chiến ở ngoài khơi, trong vùng biển của nước Việt Nam . Ông ta xác nhận là từ các mỏm núi Lạng Sơn đến mũi Cà Mau không còn một người Việt Nam nào mà không được giải phóng khỏi bọn đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền Việt Nam phản động. Ông nói thêm:

“Chỉ có bọn đế quốc Hoa Kỳ là chiến bại, và toàn thể nhân dân Việt Nam ta đã chiến thắng. Do vậy tất cả người nào mà trong huyết quản còn dòng máu Việt Nam thì có quyền hãnh diện về chiến thắng nầy.”

                       (xin đón đọc Chương Bảy / Phần 2 )

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 7 - phần 2

1