CHƯƠNG SÁU

 Phần 2

 

Hình như là cả một thế hệ nam giới đã hoàn toàn mất hết, những người đã theo đuổi cuộc chiến chống Mỹ ác liệt, những người đã bị các trận mưa bom của pháo đài bay B.52, những người đã ngã gục vì kiệt sức trên các nẻo của con đường mòn Hồ chí Minh . Những người thuộc thế hệ đó coi như đã bị xóa sổ trên thế gian, xóa sổ trên cõi đời nầy.

Cả một thế hệ đã bị cuộc chiến nuốt chửng ! Những kẻ may mắn còn sống sót thì được trui rèn rất nghiệt ngã, được đúc trong lò luyện kim, được nuôi dưỡng trong sự hận thù với người ngoại quốc... Đó là những người đang dẫn đám trẻ khờ dại kia vào Sài Gòn , bắt họ phải xuyên rừng, bắt họ phải chiến đấu mà không tha thứ một sự mềm yếu nào và đã nhồi nhét cho họ một thời gian ở ven rừng Cam Bốt một tôn giáo mới, một thứ tôn giáo mà giáo chủ không phải là Marx mà là Hồ chí Minh và một mục tiêu là “nướcViệt Nam vĩ đại” bao gồm toàn thể lãnh thổ của nước Đông Pháp cũ khi xưa (Đông Dương).

Các cán bộ đó đã trở nên vô vùng quý giá,  lại không được nhiều , cho nên Bộ Chỉ Huy tối cao đã phải bắt buộc họ không được liều lĩnh hy sinh đời sống của mình và họ luôn luôn được một toán phòng vệ bảo vệ thật kỹ. Họ còn được lệnh phải chạy trốn nữa, nếu họ thấy có nguy cơ bị bắt.

Những người đó, tôi nhận ra họ được ngay với nụ cười lạ đời của họ như một cái mặt nạ đeo trên mặt vậy. Đó mới thật sự là những anh Việt Cộng chính cống (cộng sản Việt Nam), những người lính chiến giỏi nhất của Á Châu, những người mà chỉ có duy nhất hai chữ chiến tranh trong đầu, không gì khác hơn nữa. Họ có một đức tin lạnh giá của những quan tòa dị giáo; họ tin tưởng vào đường lối chánh trị lạ lùng của cộng sản Bắc Việt mà tất cả đều được ghép lại một cách tài tình : một chủ thuyết mác xít của Tây Phương rút gọn lại trong một số giáo điều , một bóng dáng của chủ nghĩa quốc gia hoang tưởng, một tình yêu tổ quốc của giống dân người Việt Nam, cũng giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cuồng nhiệt của các giống dân khác, một sự thực hành về đức hạnh, và khổ hạnh như một tu sĩ…. Và đầy đủ cả tập tục, nghi thức của một đoàn hướng đạo rút ra từ những trại thiếu niên của Đô dốc Decoux, với cái khía cạnh “cách mạng quốc gia” kia: với lửa trại, với hát xướng, với vũ điệu dân gian, với những trò chơi, với sự suy tôn vị lãnh tụ già Hồ chí Minh  mà cuộc đời được thật sự ví như là một vị thánh sống. Chỉ còn thiếu có chút hào quang của những hình ảnh thần thánh của già Hồ mà đi bất cứ nơi nào chúng ta cũng nghe thấy. Nhưng người ta quên mất rằng ông ta chỉ là một người cách mạng dữ tợn, không biết thương xót một ai , và không bao giờ do dự trong việc thủ tiêu tất cả những người đối lập để giữ được sự vẹn toàn cho đảng mình, cũng như trong việc bán hết các đối thủ chánh trị cho cơ quan An Ninh Pháp để cơ quan nầy thủ tiêu họ giùm cho đảng cộng sản ..

Nhưng tinh thần mạnh nhứt thúc đẩy người dân Việt là lòng kiêu hãnh vô bờ bến mà họ dấu không được dưới một sự giả vờ nhún nhường không chịu được ngay cả với những đồng minh của họ: Liên Xô, Hung gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức và nhất là Trung Cộng.

Họ đã chiến thắng người Pháp, mà nếu như họ biết nhân nhượng một chút thì họ có thể thương lượng được dễ dàng, để sau đó họ có thể thống nhất lãnh thổ lần lần một cách êm thắm thay vì phải đánh chiếm . Họ tưởng rằng họ đã chiến thắng người Mỹ mà dưới thời của ông Johnson họ có thể thương lượng được . Nhưng trong khi đó thì người Mỹ không bao giờ muốn đeo đuổi cuộc chiến cho đến cùng và họ đã bị lương tâm của họ đầu độc họ rồi. Nhưng mà khi người ta muốn giữ trọn quyền lực với thế giới, thì người ta không cần phải bận tâm ngại ngùng về điều gì hết. Hãy coi gương người Liên Xô thì thấy rõ được điều nầy.

Người cộng sản  Việt Nam đã trở thành một dân tộc xâm lăng, chỉ cần một cái lệnh của các ông chủ đỏ là họ sẽ lăn xả hết mình vào chiến tranh và cho chuyện xâm lược ngay. Có đến 3 triệu người chết vì cái niềm tự hào đó.

Và đây những anh “bộ đội- trẻ con” !

Tôi đi dạo chơi chung với họ. Có nhiều người dân Sài Gòn  đã bắt đầu đến gần họ, lấy làm ngạc nhiên là họ không cắn mổ gì cả, ngạc nhiên vì họ còn quá trẻ và cũng biết cười…. khi họ thoát khỏi tầm giám sát của những cấp trên khắc khổ của họ.

Với các anh Coutard, Merlin, Mathurin và Brigide Friang, với các anh Pouget, Held và F.Debré, với Dreyfus và Caviglion, ngoại trừ một người bị kích thích vì người đó mang băng đỏ và dấu hiệu của CPLTCHMN , chúng tôi đều cảm nhận là dân chúng không được vui gì lắm, tôi có thể nói là người dân Sài Gòn có vẻ phải cam nhận chịu số phận thôi. Có một vài tiếng vổ tay lẻ tẻ và kín đáo, có một vài gói thuốc lá mà người ta chùi cho “bộ đội”, có vài câu hỏi thông thường trong dè dặt mà người ta đưa ra. Ngoài ra không có gì hơn.

“Họ có gia đình ở Miền Nam không nhỉ ?: Đó là câu hỏi mà người ta thường nêu lên. Bằng cách nầy hay cách khác người ta muốn biết về cái CPLTCHMN kia vốn chánh thức đã tiến chiếm Sài Gòn , xin lỗi, đã “giải phóng” Sài Gòn , mà cho đến giờ nầy chẳng thấy có một người lính nào của cái Chánh Phủ đó ở đây.

Có chớ! Có một số đơn vị Miền Nam đến vào lúc xế chiều, không nhiều lắm, nhưng cũng có võ trang, họ đến sau, họ là kháng chiến quân được bộ đội chiến thắng của Hà Nội giao cho nhiệm vụ phụ, không mấy quan trọng, nên họ phải đến sau. Hình như vì thiếu binh sĩ của CPLTCHMN nên người ta phải tạo dựng ra nhóm binh lính nầy vậy.

Tôi đã có nói đến các anh Nhân Dân Tự Vệ mà người ta thấy có mặt trong những ngày cuối cùng . Những anh nầy lẽ ra phải lo giữ an ninh, nhưng họ lại làm ngược lại. Tôi lại thấy họ biến thành kháng chiến quân, đeo băng đỏ trên cánh tay, đi trưng dụng xe và chạy khắp các nẻo đường vắng, hốt hết bọn vô công rồi nghề, với bọn cao bồi vốn đã có nhặt được trên lề đường một vài cây súng M.16, một cây súng lục hay một súng liên thanh và cùng nhau biến thành kháng chiến quân. Những anh kháng chiến quân vào giờ thứ 25 nầy, đảng rất cần. Do đó người ta không khó tính lắm đối với vấn đề tuyển mộ họ. Bất cứ ai cũng được , càng nhiều càng tốt, trong giờ phút nầy.

Người ta cần những người nầy để chứng minh thuyết chính thống của người cộng sản Miền Bắc, cái thuyết được mệnh danh là “giải phóng thành phố Sài Gòn”, để một ngày nào đó người ta có thể xác nhận là tất cả  “nhân dân Sài Gòn” – đó là một công thức- đã đứng lên ( nổi dậy) khi thấy có các đơn vị thuộc quân đội nhân dân Miền Nam Việt Nam sắp đến . Và cũng vì lý do nầy, để cho việc gian lận nầy trở thành một sự thật, dù là có vẻ mơ hồ, người ta bèn cho phép họ vừa phóng nhanh qua các đường phố, vừa bắn chỉ thiên nhiều  loạt súng  và vừa nhận kèn inh ỏi.

Sài Gòn không phải được giải phóng. Sài Gòn cũng không có nổi dậy. Sài Gòn đã bị quân đội ngoại quốc từ Miền Bắc Việt Nam đến xâm chiếm, vi phạm rõ ràng và trắng trợn tất cả những điều khoản của Hiệp Định đã được ký kết tại Ba Lê. Đó là quân đội chánh quy Bắc Việt, đặc biệt được trang bị và võ trang một phần từ Trung Quốc (đang cắn mấy ngón tay) và phần lớn từ Liên Xô (dự trù xài sau nầy để chống lại Trung Quốc), và đó mới chính là sự thật. Chúng tôi là 120 nhà báo có thể chứng minh điều nầy. Cộng sản biết rõ điều nầy. Do đó trong 2 giờ sấp tới, vào lúc đúng 14 giờ trưa người ta đã tìm được cách giam hãm hết chúng tôi ở Sài Gòn , cắt đứt hết mọi đường dây thông tin và phát thanh, cấm không cho chúng tôi gởi  phim ảnh của chúng tôi ra ngoài. Họ khóa hết miệng chúng tôi lại, bắt chúng tôi phải im lặng. Để cho họ có đủ thì giờ loan tin thất thiệt đó ra thế giới bên ngoài.

Cái gọi là quân đội thân Việt Cộng , được huấn luyện trong bưng biền với súng gỗ, mà người ta đã nhiều lần tuyên truyền nhồi nhét bắt chúng tôi phải nghe, cái quân đội đó đang diễn hành trước mặt chúng tôi . Đó là hàng hàng lớp lớp các chiến xa T.54, T.56 của Liên Xô, được trang bị hồng ngoại tuyến để tác xạ về đêm, đó là những xe bọc thép, những thám thính xa, thiết giáp xa, những pháo đội Phòng Không , những đại bác lòng dài được xe có xích kéo. Và tất cả các xe Jeep, xe truyền tin, xe ra-đa lưu động, các dàn hỏa tiển và rốc kết, các súng mọt chê nặng, và hằng ngàn xe vận tải chở đầy cứng binh sĩ võ trang toàn súng tự động loại tối tân hiện đại. Từ khắp các nẻo đường, họ tiến vào thành phố giữa những tiếng nổ của đủ loại máy xe và tiếng xích…

Anh “bộ đội” ơi, anh đến từ đâu vậy ?, anh chui ra từ pháo tháp trên chiến xa của anh, giống như những lính chiến xa Xô Viết đang đàn áp thợ thuyền nổi dậy ở Bá Linh, ở Prague và ở Budapest năm nào ?

-        Từ Hà Nội , từ Hà Nội!!! Tôi đến từ Hà Nội , từ Hà Nội !!

Và anh kia, người tài xế chiếc xe kéo loại nặng, đang kéo khẩu đại bác tầm xa 130 ly lòng dài , hay đang lái chiếc xe vận tải Molotova, và anh đang bố trí khẩu đại bác phòng không  trên bãi cỏ Dinh Độc Lập ? Và anh nầy nữa, anh chàng nghèo khổ đi chân đất, có choàng một tấm khăn rằng quanh cổ kia, anh từ đâu tới vậy ?

-        Từ Hà Nội , từ Hà Nội ! Tôi cũng đến từ Hà Nội , từ Hà Nội!!

Chúng tôi đi trên đại lộ nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn. Khắp nơi chỗ nào cũng có bỏ rải rác nào là xe thiết giáp với pháo tháp mở toang, nào là xe vận tải trống trơn, nào là pháo binh 105 ly… Trẻ nít  lượm súng, bắn chỉ thiên hay lượm áo giáp, nón sắt mặc vào hay đeo nguyên một băng đạn liên thanh quanh người , và đùa nghịch với những trái lựu đạn như những trái banh tơ nít vậy.. Có những đứa lớn tuổi hơn lại mở nắp ca pô xe ra, gỡ lấy nào là bình điện, đồ điện v.v….Nhưng ô kìa, gần 100 ngàn binh sĩ thuộc QLVNCH của Miền Nam Việt Nam đi đâu hết vậy ? Cho đến ngày hôm qua đây các anh còn lo phòng thủ Sài Gòn kia mà ? Bây giờ thì chỉ còn thấy quân phục, đồ trang bị và vũ khí của các anh bỏ vãi ra đầy đường, trên lề đường, dưới cống rảnh? Cả 100 ngàn lính mặc quần cụt đi chân đất không một vũ khí trên mình…. đi đâu ????

Chiếc tàu chở đầy cứng dân tỵ nạn hồi sáng nay muốn ra khơi, bây giiờ vẫn còn tại chỗ tại bến tàu. Nhưng không còn một ai trên tàu, tất cả đều biến mất hết….

Các ông cảnh sát đều bận vì những “ủy ban” địa phương được thành lập phần lớn do bọn trẻ vừa muốn làm ra vẻ quan trọng nhưng lại hình như vừa muốn vui chơi. Chợ lớn rất là yên tịnh. Không có cờ xí, chưa có treo lên thôi. Người Tàu ở đây hay có tính thận trọng. Họ không biết phải treo cờ đỏ sao vàng của Hà Nội hay là phải treo cờ của CPLTCHMN ? Bỏ tiền ra may một lá cờ rồi lại phải nhanh chóng bỏ đi, thay vào một lá cờ khác à ? Đâu có phí tiền như vậy được .

Chỗ nào cũng thấy vật liệu bỏ đầy cả và dân chúng kéo ra đầy đường. Một sự ồn ào khác lạ trái với một sự trống vắng và lo âu trong các khu phố đẹp của Sài Gòn.

Ở tại Phú Thọ có một không khí của hội chợ, người ta vui đùa thật sự, và họ thở phào nhẹ nhõm. Hầu hết dân chúng đều ra đường. và người ta hôi của, người ta vận chuyển các bao gạo, bao bột mì, đồ hộp, rượu huýt ky, rượu chát, rượu sâm banh, các thùng  bia và cô ca, Người ta dọn sạch các tiệm đã bỏ đi. Ủy ban địa phương với vài anh trẻ mang băng đỏ trên tay, vai đeo một cây súng M.16 có cột trên đầu miếng vải đỏ.. đang cố gắng lập lại trật tự và ngăn chặn không cho lưu đi các túi hàng từ các kho….

Trên con đường dọc theo trường đua ngựa, có một chiến xa  M.48 bị phá hủy và trước mặt nó là một chiến xa T.56 của Liên Xô. Hai chiếc bắn nhau trong tầm súng thật gần. Một cuộc đọ sức với nhau rất lạ lùng sáng nay. Hai xác chiến xa còn đang cháy. Bên trong các tử thi đã thành than.

Và đây là các binh sĩ đi bộ vừa ló dạng, đi thành hàng dài với lối đi như bay trên đất. Những anh “bộ đội “ nầy đã được huấn luyện đi bộ 50 cây số mỗi ngày với tất cả đồ trang bị trên vai. Các anh vô sản của cuộc chiến nầy đấy . Nhưng họ vẫn không biết mệt.

Tại Tân sơn Nhứt, các tử thi mà chúng tôi thấy hôm qua chưa được mang đi và đã bắt đầu có mùi rồi. Nhưng các đám cháy thì đã được dập tắt.

Gần Lăng Cha Cả, một ngôi mộ của ông Pigneau de Béhaine, người đỡ đầu và là bạn của vua Gia Long, các anh lính Dù đã đánh một trận cuối cùng . Họ đánh nhau đến 11 giờ 30 cho đến khi các cấp chỉ huy của họ trở về sau khi gặp Tổng Thống Dương văn Minh ở bãi cỏ Dinh Độc Lập, và thuyết phục binh sĩ của mình…..ngưng chiến đấu. Họ đã dùng súng không giật hạ 5 chiến xa T.54 của Liên Xô, loại chiến xa hạng nặng 50 tấn, hiện còn đang cháy . Có một chiếc vừa nổ với tất cả đạn dược bên trong . Chúng tôi chỉ có đủ thì giờ ngừng xe lại mà thôi.

Các anh lính Dù không có để lại trận địa bất cứ một thứ gì : không có người chết, người bị thương, cả vũ khí và đồ trang bị cũng không có.

Chúng tôi thử cố vào phi trường. Nhưng “bộ đội” có súng đã gác kỷ rồi, hình như có một “cán bộ” chỉ huy là dân sự. Chúng tôi đến nói chuyện với anh ta. Nhưng với một giọng chắc nịt, anh ta từ chối bảo rằng “bọn Mỹ trước khi đi đã gài mìn tất cả các đường bay, tất cả nhà cửa, và thật là nguy hiểm cho các anh. Dân chúng Việt Nam rất là lo cho vấn đề an ninh của khách người nước ngoài của mình Anh ta nói thêm: Vậy các anh hãy trở lại vài ngày nữa đi nhé.”

Chuyện láo khoét rõ ràng, vì 3 giờ sau đó là có một chiếc phi cơ đáp xuống đầu tiên từ Hà Nội .

Chúng tôi quay xe về lại Sài Gòn giữa cả một làn sóng người, binh sĩ, thường dân , và những người dân tản cư chen chúc nhau đầy đường.  Chúng tôi gặp 6 chiến xa Mỹ, đúng là theo đội hình tác chiến, đậu cách khoảng đều nhau theo hình răng sấu, đại bác chĩa về phía trước, do binh sĩ thiết giáp Việt Nam Cộng Hòa bỏ lại trên đường. Xe chúng tôi phải vòng qua vòng lại tránh nhiều loại chướng ngại vật trên đường : ngựa sắt kẽm gai, hàng rào cản xi măng, đá v.v.. Nếu tướng Minh không can thiệp thì giờ nầy chắc chắn vẫn còn đánh nhau dài dài ở đây và chắc chắn sẽ có nhiều đổ nát . Có một ngôi chùa đầy người trong đó. Miếng vườn và sân chùa được biến thành một trạm du khách trên 100 người. Người thì mắc võng, người thì cắm lều, và người khác nữa thì đang làm bếp…

Dân chúng Sài Gòn hình như không cần biết gì tới sự có mặt của các anh “bộ đội” đang hoàn toàn lạc lõng giữa sự lưu thông quá lộn xộn nầy. Không một hành vi chống đối. Hình như họ đã quen với sự hiện diện của những người mới đến nầy, vốn tỏ ra quá rụt rè, quá kín đáo . Chiến cuộc vừa mới được chấm dứt vài giờ thôi mà họ đã đối xử với người ta rất bình thường, và có vẻ như chê bai cái dáng điệu ngơ ngáo, cục mịch của người ta rồi.. Cũng chỉ là những người chủ mới mà họ phải chịu khó làm quen và nếu có thể được thì cứ lợi dụng thôi. Các chú “bộ đội” tỏ ra không thích cái lối đối xử đó. Ý họ muốn là phải có những sự hoan hô, những vòng hoa tiếp đón, chớ không muốn thấy sự im lìm khinh khỉnh như thế nầy.

Thất là lạ cho người dân Sài Gòn ! vừa quá lo sợ đó lại nhanh chóng yên tâm ! Thấy không ai bị bắt, không ai bị xử bắn, họ tìm ngay lại được sự bình thản, vô tư lự và đã tự hỏi làm sao để “xoay” bọn người mới tới nầy đây”. Có lo âu là đằng khác, vì hình như cũng không có gì để mà moi được ở bọn lính nghèo nàn đi chân đất nầy. Nhưng lần nầy thì họ đã lầm rồi. Khi mà chế độ cảnh sát hiện diện khắp mọi nơi và biến sự tố giác thành một bổn phận của mọi người đối với đất nước thì mọi đức tánh dựa trên chế độ đó sẽ thắng được mọi tật xấu.

Chúng tôi đi ngang qua Câu lạc Bộ thể thao , một trung tâm không nhỏ của người Pháp ở Sài Gòn . Nhưng nó đã bị chiếm đóng rồi. Vào câu lạc bộ đua ngựa thì lại bị bà giữ cửa đòi chúng tôi phải xuất trình thẻ hội viên. Chúng tôi cố giải thích cho bà biết là tình thế đã thay đổi rồi, nhưng bà cũng cứ khăng khăng. Chúng tôi cứ nói đủ thứ chuyện và đi qua cửa rào và nhìn thấy trong quầy rượu tất cả nhân viên đang ngồi trước các máy khâu, đang may cờ Việt Cộng .

Rất bình thản, một vài con ngựa đang ăn trên bãi cỏ. Bên cạnh chuồng, có một anh nài đang chải lông cho ngựa .

Ở trường trung học Marie Curie, một tấm bảng cho biết là vì thời cuộc nên phần thi hạch miệng của đệ nhị cấp (tú tài phần 2) được dời lại ngày 3 tháng 5.

Có một số cờ đã bắt đầu được treo lên ngoài cửa sổ.. Vì quá vội vàng nên có một số thay vì màu xanh lơ và đỏ thì lại là xanh lá cây và đỏ.

Có nhiều xe có gắn loa chạy khắp các nẻo đường, ngừng ở ngã tư và cất tiếng lên, toàn giọng mũi, lập đi lập lại liên tục với một giọng rặt ròng của người Miền Bắc :

“Lực lượng  vũ trang của MTGPQG đã làm chủ được thành phố Sài Gòn. Hãy đừng lo sợ. Các người sẽ được đối xử đàng hoàng nếu biết giữ trật tự và kỷ luật.”

Dưới cơn mưa tầm tã, một người đàn ông mặc quần cụt băng qua đường rất thản nhiên vừa đi vừa mỉm cười : đó là một anh lính của Việt Nam Cộng Hòa .

Đài phát thanh Sài Gòn đã đổi thành đài phát thanh Giải Phóng. Một nữ xướng ngôn viên cho chúng tôi biết là hàng vạn dân Sài Gòn mừng rỡ đang đi ngược lên đường Tự Do (nơi chúng tôi đang ở)  phất cờ và biểu ngữ. Thật sự chỉ có 3 anh cùng khổ dơ dáy nào đó và 4 anh tóc ngắn bị một anh “cán bộ” dẫn đi, vừa đi vừa nói nhăng nói cuội qua cái loa cầm tay của anh ta.

Và xướng ngôn viên lại tiếp tục nói:

Tất cả đều đoàn kết để làm một cuộc cách mạng trong thành phố Hồ chí Minh mà sự nổi dậy để đồng loạt đấu tranh chống lại bọn bù nhìn Mỹ Ngụy đã  đạt được một chiến thắng hào hùng..”

Sau đó đài phát thanh loan báo, phổ biến 10 điểm trong chương trình của CPLTCHMN với sự mong muốn được thấy dân chúng Miền Nam Việt Nam tuân hành:

1)- Tất cả các cơ quan hiện hữu đều phải thi hành chánh sách của Chánh Phủ cách mạng . Các hệ thống hành chánh cũ dều được bải bỏ. Tất cả các đảng phái phản động và các tổ chức khác nhằm phục vụ cho đế quốc và ngụy quyền đều phải được giải tán.

2)- Nam nữ đều được bình quyền, tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng.

3)- Cấm mọi hoạt động nhằm gieo rắc sự chia rẽ ; Hãy đoàn kết nhằm xây dựng vùng giải phóng và làm lại cuộc đời mới.

4)- Quyền làm việc được bảo đảm và bắt buộc cho tất cả, nhằm ủng hộ cuộc cách mạng .

5)- Tất cả tài sản thuộc ngụy quyền  đều được CPLTCHMN quản lý.

6)- Săn sóc trẻ mồ côi và người tàn tật là bổn phận của mọi người đối với đất nước .

7)- Khuyến khích giới nông dân để họ tăng gia sản xuất.

8)-  Các cơ sở văn hóa, các bệnh viện, trường học thuộc người nước ngoài đều phải tiếp tục hoạt động để phục vụ dân chúng. Các nhân tài có ích lợi cho việc xây dựng đất nước đều được trọng dụng.

9)- Các quân nhân đã rời khỏi hàng ngũ địch đều được đối xử khoan hồng.

10)- Ngoại trừ những người chống đối cách mạng sẽ bị trừng phạt, những người nước ngoài và tài sản của họ sẽ được bảo đảm.

Trụ sở Quốc Hội ở Nhà Hát Tây đã được “các Ủy Ban Địa Phương” chiếm đóng . Các anh “bộ đội” thay thế cảnh sát. Các biểu ngữ mới thay hết các biểu ngữ cũ. Nhưng còn quá nhiều người ăn xin, các cô gái ăn sương, những trẻ đánh giày, những người giả trang những người trung gian môi giới, và trẻ con vẩn còn lảng vảng trước khách sạn Continental. 

Thiết quân luật. Chúng tôi ăn tối ở khách sạn Caravelle. Từ trên sân thượng, chúng tôi nhìn thấy kho đạn nổ và có những cột khói bốc lên về hướng Chợ Lớn.

Sài Gòn từ đây sẽ mang tên Hồ chí Minh .Cờ giải phóng của CPLTCHMN và chỉ có một lá cờ duy nhứt nầy được treo trên khách sạn Continental. Những người chủ mới của thành phố đã buộc người ta phải bỏ lá cờ Pháp xuống.

**

                      ( Xin đón xem tiếp Chương Bảy : Ngày 1 Tháng 5 )

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 7

1