CHƯƠNG SÁU

 

NGÀY  30/4/1075, THỨ TƯ

 

              Giá đồng mỹ kim: Giữa 800 và 1.000 đồng Việt Nam

              Các ngân hàng nào đóng cửa thì sẽ không còn mở cửa lại nữa;  Các hiệu buôn có dịch vụ đổi ngoại tệ thì cũng đã buông rèm xuống hết (không buôn bán ngoại tệ nữa).

 

*

Chiếc trực thăng Chinook bốc ông Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin và các cộng sự viên cuối cùng của ông ta đã đáp xuống chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Blue Ridge ở cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 30 cây số.  Với vẻ mặt ngao ngán , quá mệt mỏi ông Martin từ khước tất cả mọi tuyên bố và rút kín vào phòng của mình. Nhưng dù sao ông ta cũng quên, không mang theo lá cờ Hoa Kỳ  mà ông đã cẩn thận cuộn tròn cất trong một bao nhựa, giống như người đồng nghiệp của ông ở Phnom Penh.

Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông không phải là người bị lôi cuốn theo tấn thảm kịch. Một anh Thủy quân lục chiến được giao trách nhiệm về lá cờ. Nhưng ông Martin đã bỏ quên trong khung bằng bạc một tấm ảnh của ông Nixon và gia đình, có ghi hàng chữ tặng cho ông ta. Chúng tôi đã tìm thấy được tấm ảnh đó.

8 giờ 30 phút sáng:

Những anh binh sĩ Thủy quân lục chiến cuối cùng đã ra đi hồi 8.30 sáng. sau khi đã liệng vào thang máy một trái lựu đạn khói và sau khi đã phá hủy tất cả hệ thống điện tử dùng để đóng mở mọi cánh cửa sắt của tòa đại sứ, biến tòa Đại sứ nầy thành một pháo đài không ai vào được .

Tổng Thống Ford đã lên tiếng tuyên bố như sau:

Cuộc hành quân di tản đã chấm dứt. Tôi có lời khen ngợi các quân nhân đã thực hiện tốt cuộc di tản, cũng như Đại sứ Graham Martin và nhân viên dưới quyền ông đã biết rõ những gì phải làm trong những hoàn cảnh khó khăn đó.

Cuộc hành quân nầy đã chấm dứt một chương của lịch sử Hoa Kỳ . Tôi kêu gọi tất cả các công dân Hoa Kỳ hãy siết chặt hàng ngũ lại, hãy tránh không nên chỉ trích quá khứ, hãy cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến tới các mục tiêu chung của chúng ta và hãy chung sức nhau mà làm việc nhắm vào các nhiệm vụ lớn còn lại mà chúng ta phải thực hiện”

Về phần mình ông Henry Kissinger đã ước tính “đây là một sự thành công. Có 950 người Mỹ cuối cùng đã được di tản trong cuộc hành quân “Option 4” của kế hoạch “Talon Vise” cùng 5.500 người Việt Nam . Ông chỉ muốn nói chừng đó thôi, không hơn.

Sáng hôm nay người ta chỉ còn thấy có 3 tòa đại sứ ngoại quốc còn mở cửa. Đó là các tòa đại sứ Pháp, Bỉ, và Nhật Bản, cộng thêm tòa công sứ của Thụy Sĩ.

Đại tướng Dương văn Minh và các cộng sự viên thân cận nhất của ông ta đã đóng cửa ở luôn trong Dinh Độc Lập, không một lính gác. Thành phố Sài Gòn sẽ cháy hay không đây? ? 

Chuyện hôi của vẫn tiếp tục. Bây giờ là đến lượt tư dinh của ông Graham Martin bị dọn sạch sẽ không còn một món nào, kế đó là tòa đại sứ Anh Quốc. Các nhóm người hôi của có võ trang lần lần đi vào trung tâm thành phố .

Nhưng ở Thương Cảng mới xảy ra nhiều chuyện bi đát. Anh chàng Coutard và nhóm quay phim đã có mặt ngay tại đó, trong lúc tôi đang đánh máy một bài mà không bao giờ đến được tòa soạn mà cũng không bao giờ được đưa lên mặt báo. Tháo chạy trong hoảng loạn kinh hồn, do các binh sĩ vừa bắn vừa tranh nhau lên chiếc tàu cuối cùng. Người ta giật các máy quây phim, các máy ảnh, hay tất cả những gì mà họ có thể nhờ đó thương lượng được dễ dàng. Hàng chùm người đeo vào mạng tàu. Đàn bà và trẻ con thì bị đè nhẹp. Chiếc xe của chúng tôi  có nguy cơ bị đám đông tràn ngập. Có một anh binh sĩ sửa soạn dùng báng súng đập vào kính xe. Chỉ còn đủ thì giờ để chạy đi thôi, nếu chúng tôi không muốn mất hết cả vừa máy móc vừa phim ảnh. Và có thể bị hành hung nữa.

 Các anh Coutard, Mathurin và Merlin trở về nhập bọn với chúng tôi . Chúng tôi gập nhau trong căn phòng cũ cua anh Philippe Franchini, một điểm quan sát thật tốt mà anh Jean Pouget đang ở.

10 giờ 15 sáng.

Tổng Thống Dương văn Minh cho loan báo trên đài phát thanh Sài Gòn lệnh đầu hàng vô điều kiện như sau:

“Đường lối chánh trị mà chúng tôi đang theo đuổi là sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau để tránh đổ máu một cách vô ích. Vì lý do đó, tôi kêu gọi tất cả binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa hãy ngưng ngay sự chiến đấu và hãy bình tĩnh ở yên tại chỗ.      

Tôi cũng kêu gọi những binh sĩ anh em thuộc CPLTCHMN hãy ngưng chiến đấu. Ở đây chúng tôi đang chờ gặp CPLTCHMN để cùng nhau thảo luận về buổi lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, hầu tránh được sự đổ máu vô ích trong dân chúng.”

Tiếp theo đó là một nhật lệnh của tướng Nguyễn hữu Hạnh, thay thế tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Vĩnh Lộc, vừa mới di tản sáng nay.

Các anh em binh sĩ, các Trung đoàn trưởng, các chỉ huy trưởng đơn vị, lực lượng Địa phương quân, lực lượng  Dân Vệ, và Nhân Dân Tự Vệ. Tôi là Tướng Nguyễn hữu Hạnh, Tổng Tham Mưu Phó QLVNCH Tôi kêu gọi các tướng lãnh và anh em binh sĩ mọi cấp hãy triệt để tuân theo lệnh của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa về lệnh ngừng bắn.

Bộ Chỉ Huy quân sự của chúng ta đã sẵn sàng bắt liên lạc với Bộ Chỉ Huy quân sự của CPLTCHMN để thực hiện cuộc ngừng bắn mà không đổ máu.”

Và thình lình, từ điểm quan sát của tôi, tôi thấy một đơn vị Dù tử đường Catinat (Tự Do) đi ngược lên, trong đội hình tác chiến, đi dọc theo hai bờ tường, súng cầm tay chỉ tới trước , trong tư thế hoàn toàn có kỷ luật. Theo lệnh của các sĩ quan họ dừng lại, núp vào các cửa tiệm, sau đó lại tiếp tục tiến tới.

Người ta sẽ đánh nhau trong thành phố Sài Gòn chăng ?  Các anh lính Dù nầy có vẻ cương quyết lắm. Đến ngang khách sạn Continental , họ rẽ về bên phải hướng về chợ Sài Gòn . Thình lình, có một cái lệnh.  Họ biến mất hết hay đúng hơn họ biến dạng hết, để súng xuống tại chỗ, cả nón sắt, túi đeo lưng và ào giáp chống đạn … chỉ còn quần cụt áo thung lá, họ chạy biến đi mất hết, rất là nhanh.

Trong thành phố, hàng ngàn binh sĩ biến thành dân chúng, họ vứt bỏ hết quân trang quân dụng, vũ khí , lựu đạn của họ, cả súng không giật và đạn dược, rồi dùng đủ mọi phương tiện, chân đất, xe đạp, xe honda v.v… chạy dọc theo đường phố, biệt thự.. Như vậy là còn gì quân đội nữa đâu ? một trong những quân đội hùng mạnh nhất , được vũ trang hùng hậu nhất của vùng Đông Nam Á Châu.

11 giờ 30 : 

Đại tá Loan thuộc lực lượng cảnh sát , tự sát ngay tại tượng đài Thủy quân lục chiến trước Quốc Hội. Anh tự bắn vào đầu rồi ngã xuống nằm dài dưới tượng đài, chiếc mũ cát kết với nhành dương liểu màu bạc nằm trên ngực. Như một sự dàn cảnh để cho người ta chụp ảnh vậy. Từ lỗ tai bên trái của anh chảy ra một dòng máu có pha trộn chút óc lỏng. Anh còn thoi thóp thở trong khi phía trên anh có nhiều tiếng sè sè của máy quây phim và tiếng lắc cắc của máy ảnh… Sau đó thì anh tắt thở tại bệnh viện Đồn Đất (Grall).

12 giờ 5 phút:

Một chiếc xe jeep chạy xuống đưòng Catinat, có mang một lá cờ to của Việt Cộng , trong khi chiến xa vào chiếm Dinh Độc Lập. Một trong các chiến xa đã ủi sập cổng sắt và bắn một phát đại bác và vài tràng đại liên. Mười bốn chiếc khác chạy theo sau, pháo tháp mở toang, nghi trang đầy cành lá… Có nhiều binh sĩ mang nón cối lá, mặc quân phục xanh lá cây và mang dép râu Hồ chí Minh, võ trang súng AK-47 của Tàu Cộng, từ trên chiến xa nhảy xuống và chạy vào Dinh Độc Lập.

Trên bao lơn đã có một lá cờ của CPLTCHMN . Thế là Sài Gòn đã bị chiếm và không bị cháy. Tối thiểu phải được như vậy.              

Và đây là bài tường thuật những giờ phút cuối cùng của thành phố Sài Gòn:

Đúng như lời đã kể lại của ông Phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền, Thủ Tướng Chánh Phủ, ông Vũ văn Mẫu, cả hai người đã cùng với Tổng Thống  Dương văn Minh đều vừa là nhân chứng vừa là diễn viên. 

Và sau đây là số phận của Sài Gòn trong vài phút đồng hồ, thời gian giữa 10 giờ 30 phút và 11 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975..

9 giờ sáng:

Ông Dương văn Minh và 2 vị phụ tá Nguyễn văn Huyền và Vũ văn Mẫu,  3 người và chỉ có 3 người thôi, đang ở trong một phòng tiếp khách nhỏ của Dinh Độc Lập. Trên dưới khoảng 50 người đang chờ ngoài hành lang để chứng kiến buổi lễ trình diện thành phần nội các mới. Ai thấy món nào vừa ý mình thì cứ lấy thôi. Cũng vì thế mà giáo sư Vũ văn Mẫu đã dẫn theo một số thư ký của mình.

Không còn một tia hy vọng nào để thương thuyết nữa, ngoài đường phố đã có cả một sự vô trật tự và các đơn vị đầu tiên của cộng sản đã vào thành phố Sài Gòn. Nhưng chỗ nào cũng có những ổ kháng cự , căn bản từ các đơn vị ưu tú, cố bám chặt địa thế, như tại Tân sơn Nhứt đã có một đơn vị Dù vừa mới dùng súng không giật làm nổ tung 5 chiến xa T.54 của Liên Xô.

Cả ba người đang ngồi chờ phái đoàn trở về, phái đoàn thứ hai mà họ đã gởi đến trại Davis để tiếp xúc với cái gọi là CPLTCHMN . Thời gian trôi qua mà chẳng có ai về hết.

Thình lình cửa vụt mở. Cả ba ông đều đứng dậy, tưởng rằng cuối cùng rồi đại diện của quân đội cộng sản cũng đến để ấn định thể thức cho sự đầu hàng. Nhưng không phải,  mà đó chỉ là đại tướng Vanuxem, một người cố vấn được ông Thiệu tin nghe nhiều nhất. Ông được mời đến Sài Gòn và vừa mới đến mấy ngày trước đây thôi, mang đến cho ông Thiệu sự vững tâm do tình bạn thân giữa hai người và đã cố vấn cho ông Thiệu một số vấn đề để cố vực tình hình lên. Nhưng ông Thiệu đã trao quyền lại cho người khác, ông Vanuxem vẫn còn ở lại đây. Ông đang đi dạo lanh quanh Dinh Độc Lập vắng trống, và bước vào đây. Không có một anh lính gát nào cả, tất cả đều vắng tanh. Tướng Minh không  dám mời ông đi ra. Ông Vanuxem đã từng là một cựu sĩ quan trong quân lực Việt Nam , một quân đội mà ông còn giữ mãi một sự triều mến vô hạn. Hay là ông ta tưởng là có thể mình còn được trao cho một nhiệm vụ gì đây ?

Một điều mà không một nhà báo nào dám nghĩ tới là ông tướng Vanuxem sẽ đuơng nhiên chứng kiến những giờ phút cuối cùng  của chính phủ mới nầy, cái chính phủ mà có nhiều kẻ xấu miệng đã nói rằng nó được thành lập ở Ba Lê và được ông Mérillon chủ tọa tại Sài Gòn. Nhưng chính ông Vanuxem, sáng nay lại đích thân chủ tọa dưới danh nghĩa của nước Pháp.

Trên một góc bàn, ông Vụ văn Mẫu đang soạn gấp một bản tuyên bố kêu gọi ngừng bắn. Sau đó ông cùng tướng Dương văn Minh lên xe đến đài phát thanh, trên đường đi xe lại gặp một ông tướng về hưu đang đi tìm ông Tổng Tham Mưu Trưởng Vĩnh Lộc, người vừa rời khỏi Tổng Tham Mưu sáng nay. Còn ông Phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền thì lui vào nhà nguyện để ông nguyện cầu.

Cả 3 người đều biết rằng cộng sản đang sẵn sàng để san bằng thành phố Sài Gòn nếu các điểm kháng cự không chịu im ngay tiếng súng, mà chính bọn cộng sản cũng đang muốn như vậy. Người Miền Bắc rất sợ thành phố nầy; họ thích được thấy thành phố nầy bị tan hoang, và quỳ gối xuống để tùng phục họ.   

Tướng Vanuxem thả bộ về khách sạn của ông, vừa đi vừa nghĩ một vài hành động có tánh cách chiến lược về quân sự và về chánh trị.

Khi hai ông Minh và Mẫu về đến Dinh Độc Lập thì họ đã thấy có mấy chiếc chiến xa ở bãi cỏ rồi. Không phải chiến xa cộng sản mà 3 người đang chờ đợi mà là 3 chiếc M.48 của QLVNCH, có mấy chàng sĩ quan trẻ vừa nhảy lên chạy vào đó. Đây là những người không  muốn đầu hàng cộng sản . Họ muốn tiếp tục chiến đấu vì danh dự và cũng vì họ từ chối không nhận cộng sản  Dù có bị chôn vùi dưới đống gạch vụn của thành phố Sài Gòn thì điều đó cũng không  làm họ quan tâm.

Tổng Thống Dương văn Minh phải tốn vài phút để thuyết phục họ. Các khẩu đại bác 130 ly và rốc kết 122 ly đã được bố trí chung quanh thành phố rồi. Ông Vũ văn Mẫu sau nầy đã có nói cho tôi biết là không phải hăm dọa mà là chuyện thật. Ông ta bị giữ lại trong Dinh Độc Lập với Dương văn Minh suốt 48 tiếng đồng hồ và một trong các sĩ quan Bắc Việt với cấp bậc tướng hay tá gì đó ông không biết, đã nói với ông rằng :

Chúng tôi đã được lệnh bắt đầu pháo vào Sài Gòn vào lúc 11 giờ trưa nếu thấy các ổ kháng cự chưa chịu ngưng tiếng súng. Thành phố được chia ra làm 30 ô vuông, mỗi ô như vậy sẽ lãnh 100 quả rốc kết và 3000 quả pháo 130 ly. Sau đó chúng tôi sẽ mở đợt xung phong vào thành phố . Chúng tôi biết là sẽ phải chiến đấu cực kỳ khó khăn trong đường phố, và còn một số đơn vị đã hạ quyết tâm kháng cự đến cùng. Chúng tôi ước tính là phải mất đến 7 ngày chiến đấu gay go, từ hôm nay 30/4 cho đến 7 tháng 5, và ngày 7 tháng 5 là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là chúng tôi phải làm chủ thành phố Sài Gòn . Chừng đó phải chấm dứt mọi ổ kháng cự. "

Ông Vũ văn Mẫu còn nói tiếp :

“Ông Minh và bản thân tôi đều biết là những cuộc kháng cự đó đều vô ích, chỉ có thiệt hại cho dân chúng , có thể có từ 250.000 đến 300.000 người chết và thành phố Sài Gòn sẽ bị tan nát vì các đám cháy mà không ai ngăn chận được . Có nhiều khu nhà bằng cây ván, còn cảnh sát cũng như các nhân viên an ninh đều mất dạng hết.”

Lợi dụng uy tín của một cựu chỉ huy và của một trong những sáng lập viên của QLVNCH, với một giọng nói thẳng thắng của một người cha đang giảng về luân lý cho mấy người con hiếu chiến của mình, tướng Minh giải thích với các sĩ quan thiết giáp trẻ mà lòng can đảm của họ làm cho ông cảm phục, rằng họ không làm gì hơn được đâu mà chỉ làm tăng thêm  nổi đau khổ cho đất nước của họ mà thôi. Họ được bao nhiệu ? Phần còn lại của lữ đoàn Dù và thiết giáp nhiều nhất là 2.000 người .Mà trước mặt họ là 15 sư đoàn : trên 100.000 người  cộng với các trung đoàn pháo binh, hỏa tiễn, phòng không v.v.. Và họ đang sẵn sàng chờ lệnh xung phong, chỉ với một ước mơ là tiến vào cái thành phố nầy, cái thành phố luôn luôn chống đối lại họ, luôn luôn từ khước họ, với biểu tượng của tất cả chủ nghĩa thực dân và của chủ nghĩa đế quốc. Để mà trừng phạt thành phố  nầy và san bằng thành phố nầy .Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu là chúng ta rơi đúng vào ý muốn của họ ngay.

Các sĩ quan nầy hiểu và trở về đơn vị của họ để thuyết phục đơn vị của mình nên chấm dứt cuộc chiến đấu.. Nhưng rồi cũng có một số người chạy về Miền Tây để tiếp tục kháng chiến ở đó.

Kẻ chiến thắng có thể tiến vào Sài Gòn được rồi….

Nhưng ai là người đã cứu sống được thành phố Sài Gòn? Không phải Kissinger mà cũng không phải Graham Martin khi họ vận động cho ông Thiệu rời khỏi Sài Gòn . Cũng không phải ông Sauvagnargues hay ông Mérillon khi họ vận động để cho ông Trần văn Hương chịu rời khỏi ghế Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa . Mà chính là tướng Dương văn Minh. Ông ta đã cứu thành phố Sài Gòn bởi vì ông không phải là một chánh trị gia trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông ta , bởi vì đối với các sĩ quan trẻ ông là biểu tượng của một cái gì cao quí, của một cái gì liêm chính, một người không bao giờ hiểu nhiều về những sự tế nhị của chánh trị quốc gia hay chánh trị quốc tế, mà là một người mà trong giờ phút quyết định nầy có thể có được lòng tin của những người trẻ tuổi trên dưới 20 sẳn sàng chết cho đất nước . Bọn trẻ nầy đã khinh bỉ , và gạt ngoài tai tất cả những lời của các nhà ngoại giao hay chánh trị gia vốn chỉ ru ngủ được mấy ông già, những người vô liêm sỉ và những người chỉ chờ nước đục để thả câu.

12 giờ 5 phút:

Vào đúng 12 giờ 5 phút có một xe Jeep, phất phơ lá cờ giải phóng chạy xuống đường Tự Do. Các chiến xa có xe vận tải Molotova chở đầy cứng bộ đội chạy theo sau, đã vào chiếm Dinh Độc Lập. Năm chục nhân sĩ hay thơ ký đến Dinh để chứng kiến buỗi lễ ra mắt của chính phủ hay để tham gia chính phủ đều phải đứng dậy, hai tay đưa tay lên trời, dưới họng súng tiểu liên của “bộ đội”; Hai ông Dương văn Minh và Vũ văn Mẫu thì bị kè lên xe Jeep, dưới sự canh giữ sát sao của mấy anh “bộ đội”. Họ đi đến đài phát thanh có hộ tống chặt chẽ, để kêu gọi lần chót các binh sĩ nào còn chiến đấu hãy buông súng xuống. Bởi vì người ta vẫn còn đánh nhau ở Tân sơn Nhứt, ở Gia Định, chung quanh một vài trại lính, gần Tổng Nha Cảnh sát , và ngay trên đường Pasteur vẫn còn một nhóm nhỏ đang cố chống cự .

13 giờ:

Tất cả coi như đã chấm dứt. Ông Minh đã được đưa về lại Dinh Độc Lập và bị cầm giữ trong phòng riêng. Ông ước tính rằng ông đã làm xong nhiệm vụ của mình.

Vài phút trước khi các chiến xa Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập, sau khi ông kêu gọi ngừng bắn và sau khi đòi hỏi binh sĩ của mình hãy buông súng xuống, thì ông có tuyên bố với một trong những nhà báo cuối cùng mà ông đã gặp. Đó là anh Arnaud của hảng A.F.P. như sau :

“Tôi chờ đợi họ, hôm nay hay ngày mai (điều nầy chứng tỏ là ông bị cắt đứt không có một chút tin tức nào hay bất cứ một sự liên lạc nào với “những người bên kia”). Đúng vậy, tôi phải làm chuyện nầy.Tôi phải cứu sinh mạng họ, sinh mạng của những người Việt Nam , và sinh mạng của người Pháp nữa. Anh hãy nói lại với Đại sứ Pháp là anh đã  gặp tôi ở đây.” 

Cuộc trao đổi chớp nhoáng nầy xảy ra giữa lúc mà các sĩ quan thiết giáp trở về đơn vị của họ và các chiến xa cộng sản tiến vào Dinh Độc Lập.

Tất cả những người mà tôi đã phỏng vấn sau đó lúc ông Dương văn Minh đang có mặt cùng với các cộng sự viên thân cận của ông, phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền, Thủ Tướng Vũ văn Mẫu, tất cả đều xác nhận với tôi là các sĩ quan và bộ đội cộng sản đã tiến vào Dinh Độc Lập trước tiên để bắt giữ tất cả làm tù binh.. là những người Bắc Việt .

Các thành viên của chính phủ lúc đó đang họp trong văn phòng làm việc của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa . Cái gọi là CPLTCHMN chỉ có đại diện duy nhất trong lúc đó là lá cờ lớn xanh đỏ có ngôi sao vàng ở giữa mà một anh bộ đội Bắc Việt mang lá cờ đó treo lên ở ngoài bao lơn thay thế cho lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa .

Đi sau các chiến xa tiến trước tiên vào sân của Dinh Độc Lập là bộ binh trên xe vận tải của Liên Xô hay của Trung Quốc. Các xe nầy giống nhau hết và phải đến gần dòm vào đầu xe mới phân biệt được, vì xe của Trung Quốc có viết hàng chữ Tàu. Các anh “bộ đội nhảy xuống xe, súng chỉ thẳng trước mặt, xong họ ngồi xuống bải cỏ có bóng mát và nhờ cơn mưa còn ướt đất.

Chúng tôi vào lẩn lộn với họ. Có người thì cười với chúng tôi, có người thì có vẻ như hăm dọa, có người thì để cho chúng tôi chụp ảnh, có người thì từ chối không cho. Họ chưa được tiêu lệnh nào cả nên không biết phải đối xử với chúng tôi như thế nào.

Tôi hết sức ngạc nhiên về tuổi quá trẻ của họ, khoảng 16 hay 17, 18 tuổi, và cũng ngạc nhiên không ít về độ gầy của họ, sự mệt mỏi lộ hẳn ra trên mặt của họ và họ có một cái lối đi như phất phới trong bộ quân phục màu xanh lá cây rộng thùng thình của họ. Với cái nón cối trên đầu họ giống như những đứa trẻ trong ca đoàn nào đó vậy. Họ cười tươi lắm nhưng họ có trong tay vũ khí rất là nguy hiểm: súng AK.47 của Tàu hay súng trường Kalachnikov của Liên Xô, súng không giật với các quả đạn B.40 mang quanh thắt lưng với một xâu lựu đạn tròn.

Cấp chỉ huy của họ đều thuộc một thế hệ khác, của lớp trên 40 tuổi, với gương mặt khắc khổ vì chiến tranh, với những vết nhăn vì năm tháng chiến đấu trong rừng. Họ mới thật sự là những người lính khắc khổ kiểu thầy tu, những cán bộ chỉ huy biết kèm và biết biến những thanh thiếu niên trẻ người non dạ nầy thành một bọn người cuồng tín.

                       (Xin xem tiếp Chương Sáu / Phần 2) 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 6 - phần 2

1