CHƯƠNG   BỐN

 

THỨ HAI, 28 THÁNG 4

 

Giá đồng đô la : Giấy lớn 100 $  : từ 4500 đến 5000 đồng bạc Việt Nam. Người ta không thể tìm đâu ra vàng, hoặc các loại đá quí. Một số tiệm nữ trang và các người chuyên đổi tiền ở đường Catinat không thấy mở cửa   

*

*     *

      Sáng nay, 28 tháng 4, đối diện với các sư đoàn Bắc Việt không thấy có một đơn vị nào xứng đáng được gọi là thuộc QLVNCH hết, toàn là các toán quân lẻ tẻ còn đang chiến đấu một cách vô vọng, vì danh dự của họ , vì các anh quân nhân nầy không thể và cũng không muốn chấp nhận chế độ độc tài của người cộng sản Bắc Việt.

    Bởi vì sự kiện Miền Nam còn đó. Danh xưng Nam Việt đã có rồi từ thời Pháp thuộc. Đó là Cộng Hòa Nam Việt (nguyên tác : la République de Cochinchine), danh xưng nầy được vững mạnh luôn trong hai chục năm qua, lúc mà Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Nam Bắc, mỗi miền tự phát triển riêng lẽ nhau trên hành tinh của mình, giữa họ lại có một sợi dây mỏng mành, cái gọi là CPLTCHMN  mà người ta chỉ thấy được tại Paris mà thôi.

Cái gọi là CPLTCHMN chỉ là một hư cấu quân sự . Theo giáo điều của cộng sản thì Miền Nam Việt Nam phải tự giải phóng cho mình với lực lượng kháng chiến cơ hữu của họ. Nhờ ân huệ của Trung Ương Đảng ở Hà Nội đã đặt tên cho hư cấu nầy là CPLTCHMN với 24 sư đoàn chánh quy Bắc Việt và một số  dân quân mà 50 % được lấy từ vài vùng khác và 80% gồm toàn là dân ở Miền Bắc . Dĩ nhiên tất cả cấp chỉ huy nhỏ lớn đều là cán bộ đảng người Bắc Việt.   

Trên phương diện chánh trị, cái được gọi là Mặt Trận Quốc Gia vốn trên nguyên tắc được coi là phải tập họp hết các từng lớp dân chúng và mọi xu hướng chánh trị ở Miền Nam Việt Nam, thì chính nó cũng là một hư cấu . Ngoại trừ Nguyễn hữu Thọ ra, người ta không thấy có một người nào trong số các thành viên không phải là đảng viên cộng sản . Họ là cộng sản thực sự, không phải là thơ ký văn phòng, hay là thành viên có thế lực trong  đảng, có nhiều quyền lợi, được coi như thuộc một giai cấp mới, như ở Mạc tư Khoa đâu..  Nhưng họ là cán bộ bộ đội, chỉ sống vì đảng và cho đảng trên hết, trên tất cả mọi tiện nghi, sung túc và gia đình.

Đây là một quân đội của một đảng duy nhất, hay là cả một dân tộc trong bộ quân phục… đã chiến đấu trong 30 năm dài, và hoàn toàn được hướng dẫn nhằm vào mục đích duy nhất của cuộc chiến tranh đó.

Một ông bạn nhà báo người Việt Nam đến giường lôi tôi thức dậy . Anh ta nói :

- “Nếu tôi muốn biết chắc chắn là CPLTCHMN có thật, hay ít nhất là trong mấy năm qua người ta cố giữ bộ mặt của nó như một quốc gia dân chủ có thật, hay nếu chúng ta khôn ngoan muốn biết là chúng ta có hy vọng có được giấy xuất cảnh của nó hay không để sang Pháp, thì …

- Bộ anh muốn ở lại hay sao …?

- Dù sao thì tôi cũng sẽ ở lại. Bởi vì tôi không muốn khi đến môt trại tạm cư nào đó tôi sẽ bị người Mỹ xịt thuốc sát trùng D.D.T.vào người tôi,  như những con vật hôi hám, làm như tôi có rận, chí,. hay người tôi hôi hám lắm vậy. Tôi nghe nói hình như họ đã làm như vậy ở Phi luật Tân. Đối với người Mỹ, thì chúng ta không được thơm lắm. Chúng ta có một cái mùi không chịu nổi, một cái mùi mà họ đuổi đi không được, cái mùi thất trận của họ. Tôi sẽ ở lại, mà tôi tin chắc là cái CPLTCHMN đó sẽ không còn nữa, tin chắc là bọn “bộ đội” của Hà Nội sẽ đến chiếm ở đây, tin chắc là chúng tôi sẽ bị họ cai trị, tin chắc là tôi sẽ vào trường trở lại dù là với cái tuổi nầy và sẽ bỏ nghề làm báo nầy của tôi. Vì trong chế độ cộng sản không bao giờ có một anh nhà báo được. Mà chỉ có những anh cán bộ tuyên truyền, chuyên đánh máy lại các chỉ thị hay đường lối của Ủy Ban Trung Ương  đảng mà thôi. Sài Gòn sẽ tụt xuống như một tỉnh lỵ của một tỉnh vậy. Người ta đâu cần xem Sài Gòn là một hải cảng nữa đâu, vì người Mỹ rút đi đã để lại cho chúng ta một hải cảng sâu hơn, là Cam Ranh đó !

Anh ta nhún vai:

-  ‘Muốn trở thành một người lưu vong thì da mình phải thật vàng và phải có nhiều tiền. Tôi không phải là loại người thứ nhất mà lại không bao giờ là loại người thứ hai nữa. Anh biết không, trong các tiệm thuốc Tây còn mở cửa sáng nay, tôi không tìm ra được thuốc ngủ nữa. Dân Sài Gòn đã mua hết cả rồi.

- Chắc Anh thấy là họ ngủ chưa đủ ?

- Họ để dành cho giấc ngủ cuối cùng đó. Trời ơi ! phải chi cái CPLTCHMN nó có thật ! Và nếu người ta ai cũng tin rằng nó có thật !”

 

Cuối cùng rồi thì ông Minh cũng thành lập được Chánh Phủ của ông. Trên căn bản thì tựu trung chỉ có 2 người chính. Người thứ nhất là ông Nguyễn văn Huyền, một người Công Giáo ôn hòa, được dân chúng biết nhiều vì ông rất liêm khiết và có đạo đức vững chắc, ông nầy sẽ giữ vai trò Phó Tổng Thống của chế độ Cộng Hòa. Và người thứ hai là ông Vũ văn Mẫu, một vị thượng nghị sĩ Phật Giáo, sáng lập viên của Mặt Trận Hòa Giải Dân Tộc, tiến sĩ luật, ông nầy sẽ giữ chức vụ Thủ Tướng.  

Nhưng đã quá muộn rồi ! CPLTCHMN vừa mới cho biết từ Ba Lê (vì hình như cái Chánh Phủ nầy đang nằm ở đó) rằng :

"Sau khi tên phản bội Nguyễn văn Thiệu ra đi rồi, thì những người  thay thế cho ông ta, được biết là tập đoàn của Dương văn Minh, Nguyễn văn Huyền và Vũ văn Mẫu vẫn còn ngoan cố muốn tiếp tục chiến đấu nhằm vừa giữ lấy lãnh thổ còn lại vừa đòi hỏi một sự  thương thuyết. Rõ ràng là tập đoàn nầy vẫn còn tiếp tục ngoan cố muốn kéo dài cuộc chiến với hy vọng là giữ mãi sự thống trị của Hoa Kỳ . Nhưng họ không thể dối gạt được ai đâu. Các trận đánh chỉ sẽ được chấm dứt khi nào tất cả binh sĩ của Sài Gòn phải buông súng xuống hết, và tất cả các tàu chiến của Hoa Kỳ phải rời hết khỏi vùng biển của Miền Nam Việt Nam . Hai điều kiện của chúng tôi phải được thi hành thì mới có ngừng bắn. Cho đến bây giờ thì chưa.

Vẫn từ Ba Lê, CPLTCHMN nầy loan báo là “tất cả dân chúng Sài Gòn đều đồng loạt nổi dậy chống chánh quyền và binh sĩ đã vứt bỏ vũ khí của họ  để đầu hàng.”

Tôi là người đang ở tại chỗ nầy, tôi biết rõ là không có chuyện đó. Nhưng mà sự thật của tôi có giá trị gì đối với tất cả những sự tuyên truyền đang được đồng loạt tung ra ở Ba Lê, do tất cả những kẻ khờ khạo theo sự chỉ dẫn để rập khuôn theo, hoặc muốn chạy theo thị hiếu đương thời là lối nhảy đầm theo tiếng đàn của Mạc tư Khoa  ? 

Chỉ có người cộng sản là lô gích mà thôi. Sự thật không có vai trò gì ở đây hết. Đó chỉ là một khái niệm của tư bản, một khái niệm của giai cấp.

Sáng nay hình như Sài Gòn rất là yên tĩnh.

Có những toán binh sĩ Dù đến bố trí ở trong thành phố , họ tựa lưng vào các tường, trong các vườn hoa. Không phải những binh sĩ đã thất trận , mà cũng không phải là họ tuyệt vọng. Họ di chuyển như đang tập trận, rất là bình tĩnh. Đôi khi họ cũng cười đùa và trao cho nhau những chai nước ngọt Coca Cola. Tuy nhiên họ cũng không tự dối mình khi nghĩ đến số mệnh của họ, hay nghĩ đến kết quả của trận chiến cuối cùng nầy. Nhưng tôi có cảm tưởng là họ có quyết tâm chiến đấu đến cùng và sẽ tự chôn mình dưới đống gạch vụn của thành phố Sài Gòn.

Và những người đó còn giữ được cấp chỉ huy của họ.

Một trong những cấp chỉ huy đó là đại tá. Ông ta có vẻ mệt mỏi, uể oải và vô vọng. Hồi năm 1971 tôi đã có ăn một cái Tết với ông nầy và một vài người bạn của ông. Lúc đó ông đã biết là ông cùng với đơn vị của mình sắp tham dự vào một cuộc hành quân từ biên giới Lào để cắt ngang đường mòn Hồ chí Minh, và ngay lúc đó ông cũng đã không bao giờ nghĩ tới kết quả đó sẽ ra sao.

Ông ta trao cho tôi một lon bia,  nó còn nóng, người ta có thể cho đó là nước đái của một con lừa nào đó . Tôi hỏi ngay ông ta :

“Sao đây ông bạn ?

- Chúng tôi sẽ chiến đấu  và có lẽ chúng tôi là những người cuối cùng làm cái chuyện đó. Mà nên nhớ rõ là không phải vì ông Thiệu, vì ông Hương, hay vì ông Minh mà chúng tôi sẽ chết đâu nhé. Ông Thiệu đã tiêu rồi, ông Hương chỉ là một chiếc độc bình cũ, còn ông Minh là một người quá nhu nhược cứ ngồi than vãn trong góc nhà của mình, thay vì chiếm lấy chánh quyền và lật đổ ông Thiệu bằng sức mạnh của mình.

 Chúng tôi sẽ chết bởi vì chúng tôi đã tiêm nhiễm được quá nhiều thói quen xấu của sự Tự Do, tinh thần phê phán, và tính độc lập. Tôi thì đã quá già để không còn dính vào những chuyện đó nữa. Chế độ của ông Thiệu là một chế độ độc tài giả hiệu, người ta có thể nói và làm theo ý muốn của mình với điều kiện là phải tôn trọng một vài hình thức bề ngoài. Những kẻ sắp sửa vào đây sẽ cấm chúng tôi suy nghĩ theo ý của mình. Cấm đoán các cô gái, bài bạc, quán nhậu. Thay vào đó sẽ có những buổi tự phê bình và nhảy theo nhạc dân gian (sôl đó mì của Tàu Cộng)

Những con cá lớn đã ra khơi gần hết rồi, bọn còn lại như chúng tôi gồm toàn những con cá nhỏ đều phải chịu vào rọ hết. Như ông Thiệu và 16 tấn hành lý của ông ta ! Người Mỹ đã cung cấp cho ông một phi cơ chở hàng để đưa ông sang Đài Loan, ông ta và tất cả gia đình và dĩ nhiên với tất cả chiến lợi phẩm.

“Tại sao các anh không bắt ông ta sau khi ông ta từ chức về ở ngay trong một biệt thự của Bộ Tổng Tham Mưu và đưa ông ta ra xử bắn ?

- Bởi vì ông ta không bao giờ ở trong biệt thự đó tại Tân sơn Nhứt . Không biết ông đã ở đâu cả. Chúng tôi không bao giờ biết gì hết. Và chuyện đưa ông ra xử bắn đó không có ích lợi gì cả, chúng ta chỉ tạo thêm sự hoảng loạn và làm cho tình hình thêm rối rắm thêm mà thôi. Bọn cộng sản đã uênh oang công bố là quân đội Miền Nam Việt Nam đã nổi dậy, chạy theo cách mạng , đã bắn các tướng lãnh, và Miền Nam Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng mình chớ nào có bị quân đội nước ngoài xâm chiếm đâu. Như vậy là mình vô tình tuyên truyền giùm cho bọn cộng sản mà thôi. Cho nên nhờ vậy mà ông Thiệu đã thoát chết !

 “ Anh xem những binh sĩ của CPLTCHMN như là những người ngoại quốc ?

- Làm gì có cái gọi là CPLTCHMN ? Cũng không có Việt Cộng nữa. Toàn là bộ đội chánh quy của Bắc Việt . Những người mà người ta gọi là Việt Cộng là con cái của những người từ Miền Nam tập kết ra Miền Bắc hồi năm 1954 với gia đình của họ và được sanh đẻ ở Miền Bắc . Còn bọn Việt Cộng chánh thức thì hầu như bị chết hết trong các trận tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968. Những anh còn lại thì bị các cuộc hành quân trong chiến dịch Phượng Hoàng thanh toán hết. Người ta loại họ rất nhiều . Trong hiện tại thì chỉ còn có bộ đội của Hà Nội mà thôi, họ được cả Liên Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc, Ba Lan Hung gia Lợi và Đông Đức giúp viện trợ, còn chúng tôi những binh sĩ sau cùng của Sài Gòn thì lại bị Hoa Kỳ bỏ rơi !

“ Anh nghĩ gì về ông Minh Dương, người vừa được trao cho chánh quyền ?    

“Trước kia ông là một quân nhân tốt, nhưng ông ta là một người không bao giờ biết giữ được chánh quyền. Năm1963, ông ở đó được 3 tháng, nhưng ông không làm được gì hết. Năm 1964, ông trở lại chánh quyền lần nữa, nhưng lần nầy ông không còn có một tý quyền hành nào và ở đó 6 tháng để khai mạc các cuộc triển lãm chơi thôi.. Năm 1971, ông ra tranh cử với ông Thiệu, nhưng giớ chót lại rút lui, trước ngày bầu cử.

Không biết lần nầy ông sẽ ở lại chánh quyền bao lâu ? Đến chiếu nay hay đến ngày mai ? Chúng tôi vừa nghe xong đài Hà Nội lúc nãy. Bọn cộng sản nhắc đi nhắc lại không ngớt là chúng không muốn ông Minh. Họ tố cáo ông ta là dân hiếu chiến khi ông phản đối Hoa Kỳ lúc người Mỹ ngưng ném bom ở Miền Bắc. Họ không muốn ai hết, họ chỉ muốn chiếm thành phố Sài Gòn bằng vũ lực thôi.

Uống với tôi một lon bia nữa đi ông nhà báo ơi. Người Mỹ sản xuất bia ngon thật, nhưng họ không muốn thành lập cho chúng tôi một quân đội cho ra hồn, vì họ không thích chúng tôi , họ không hiểu chúng tôi và họ chọn cấp chỉ huy của chúng tôi không phải từ người có tài có đức mà từ những người biết nói tiếng Anh và được huấn luyện bên Mỹ . Trường hợp của cá nhân tôi, nếu tôi không xuất thân từ những quân trường bên Pháp thì tôi đã lên tướng từ lâu rồi. Và tôi cũng đã được nằm trong danh sách, tôi cũng đã  có một chỗ trên phi cơ Mỹ để vọt đi rồi .

Cách đây 4 năm, khi chúng ta gặp nhau, thì tôi đã là trung tá rồi. Tôi đâu có nghĩ không chiến đấu một ngày nào đâu ?

Chúng tôi thật là không đáng phải thua trận nầy. Nhưng mà không tránh được sự thất bại vì chúng tôi không bao giờ biết chiến đấu lẻ loi, vì có ai dạy cho chúng tôi như vậy đâu ?”

Mưa to quá, gần như bầu trời bị bể ra vậy.

Tôi nhảy lên một chiếc tắc xi, một chiếc xe 4 ngựa gần hư nát hết rồi, còn ông đại tá của tôi thì bất chấp mưa gió chầm chậm đi về chiếc xe Jeep của mình, ở đó có máy truyền tin đang làm việc.

Tất cả các tiệm buôn đều đóng cửa, tất cả quán rượu đều trống vắng, và các cô gái rảnh rỗi ra trước cửa ngồi hút thuốc phì phà chờ đón theo thông lệ một vài người khách vốn không ai đến được nữa. Đó là những cô không mấy đẹp: hình như những cô “số một”, nếu dùng đúng từ của họ, thì đã được các chàng trai người Mỹ bảo trợ cho họ đi hết rồi.

Tôi đi lang thang trước vài quán rượu hay quán ăn của người Pháp còn chưa đóng cửa.Tiệm Ramuntcho, tiệm Valinco và l’Aterbéa. Các tiệm nầy rất là đắt khách lúc các quân nhân Mỹ còn ở đây, và cũng gặp không ít khó khăn sau khi họ rút đi hết về nước . Vì các sĩ quan Việt Nam có một cái tật xấu là sau khi ăn uống no say rồi thì lại không chịu trả tiền và các anh cảnh sát muốn bảo vệ chủ quán thì lại đòi tiền huê hồng.

Anh Dominique, chủ tiệm Valinco, có một giọng nói đặt sệt của người dân đảo Corse làm cho người ta có cảm tưởng là anh ta cố muốn học nói tiếng đó, đã giải thích cho tôi lý do thất bại của quân đội Miền Nam theo ý của anh như sau:

“Toàn là những người không đứng đắn. Các tướng lãnh đó, họ chỉ thích ăn chơi thôi. Họ vào đây ăn uống thoải mái, toàn là đồ mắc tiền, và vợ con họ, đào của họ thì ôi thôi hột xoàn là hột xoàn. Không thể tin được và toàn là thứ thiệt không nghen, không phải đồ giả đâu. Tiền ở đâu ra ? Nhưng đến lúc phải đánh nhau thì họ đều chuồn hết. Như thỏ vậy, đi theo phi cơ của Hoa Kỳ , bỏ lính tráng của họ lại làm sao làm !”        

Tôi gặp bà Lyne Galant, chủ tiệm bán hoa ở đường Tự Do, bà nầy đã đến vài ngày ở Sài Gòn vào tháng 12 năm 1929, vào “thời kỳ vàng son của xứ thuộc địa Nam Kỳ” như Bà đã nói, và bà từ đó không rời khỏi đây nữa . Bà đã có vé máy bay được giữ chỗ trước , và cũng đã có giấy xuất cảnh rồi và một giấy chứng nhận không thiếu thuế nữa. Rất là đầy đủ .Nhưng vào giờ chót bà già đẹp lão nầy lại quyết định ở lại .

“Không được đâu ông bạn ơi, tôi không thể bỏ họ mà đi như vậy được đâu, không thể bỏ những người đã làm cho tôi suốt gần 30 năm dài, coi như họ đã trở thành người trong gia đình của tôi vậy. Trong những giây phút khó khăn mà chúng tôi sẽ gặp phải, tôi muốn ở lại gần bên họ. Sau đó rồi tôi hãy đi,tôi sẽ cho họ hết cái kho hàng của tôi để họ muốn làm gì thì họ làm theo ý thích của họ. Vì tôi nghĩ là những người chủ mới của thành phố Sài Gòn  nầy không nỡ làm gì đối với những người bán hoa nầy đâu, nhưng mà họ cũng không thể cho những người nầy đi theo tôi !.”

Tôi cũng được gặp ông Foynet, một chuyên viên về trang trí có bộ râu luôn luôn đươc chải chuốt và anh Dixon, một người Pháp kỳ cựu nhất chủ một văn phòng quảng cáo. Ông nầy đã gặp mọi chuyện phiền toái vì lẽ người ta cho ông là một người Mỹ với cái tên của ông ta có một âm thanh như Mỹ vậy, lại còn có nhiều người còn gọi ông là Nixon nữa mới hại. Vào năm 1945 ông đã bị người Nhật bắt một lần rồi. Tất cả họ đều nói là họ không mong muốn gì hết. Tuy nhiên họ sẽ ở lại đến cùng, cho đến lúc nào người ta đuổi họ thì họ mới đi. Bởi vì họ nói Sài Gòn là thành phố của họ.

Ở Miền Nam Việt Nam còn có 12 ngàn người Pháp. Bức màn sắt đã rơi xuống đối với người Pháp ở Dalat, ở Đà Nẵng và ở các đồn điền cao su trên vùng Cao Nguyên. Người ta không có tin tức gì về họ, nhất là những nhà truyền giáo. Có một số bị mất tích, những người khác thì bị giữ làm tù binh.

Những người Pháp chánh gốc thì còn lại một số ít. Thông thường thì họ là những người công chức. Phần lớn họ là giáo chức, trong một cái cộng đồng hay cà khịa với nhau. Họ chỉ trích, rình rập nhau, ganh tỵ nhau, và dòm ngó lẫn nhau. Theo sát quyền hạn của mình, họ giữ chặt quyền lợi của họ, họ đến đây chỉ vì đồng tiền, họ theo dõi giá hối đoái hằng ngày còn nhanh hơn nhân viên ngân hàng, họ là bạn hàng quen thuộc của chợ trời dù họ là người ngoại quốc đối với xứ nầy và đối xử quá tệ đối với kẻ ăn người làm của mình. Có thể xem như họ ở về phía cánh tả, ít nhất trong lối sống của họ, tất cả đều trái ngược với lối xử sự cũa người thường. Cho thấy một hình ảnh quá tồi của nước Pháp. 

Trái lại, các bác sĩ của bệnh viện Đồn Đất (Grall) đã lấy lại uy tín cho nước Pháp bằng công việc của họ, bằng sự tận tâm của họ, sự bất vụ lợi của họ, với gương mặt luôn luôn tươi cười và vui vẻ, ngược lại với tất cả những gì mà ở những người khác là nhỏ nhoi, bủn xỉn và thảm hại. Họ làm việc luôn tay, tận tụy không biết mệt, dù bị làn sóng người tỵ nạn tràn ngập, với những người bị thương, và những người bệnh. Họ chấp nhận kéo dài thêm thời gian lưu trú và phục vụ ở đây, họ bỏ hết thời gian nghỉ phép của mình, vì Miền Nam Việt Nam đang cần họ. Và họ cũng là quân nhân !

Kế đó phải nói đến những nhà trồng tỉa. hầu hết đều làm việc trong các đồn điền cao su ở Miền Nam Việt Nam , họ biết rành đất nước nầy và nói cả tiếng Việt Nam .Họ được các xí nghiệp lớn mướn, luôn luôn đối diện với hàng ngàn khó khăn từ khi bọn cộng sản đến đóng quân ở các đồn điền. Nhưng họ vẫn chịu đựng được . Khác hẳn với những người mà tôi được biết lúc tôi đến đây mấy lần trước, họ đã bỏ hẳn thói làm sang của những người “quý phái da trắng”, vốn thường làm cho họ khó chịu. Biết rằng mình sẽ bị đuổi khỏi nơi đây, tự nhiên họ cảm thấy họ quá yêu mến đất nước nầy và những người Việt Nam mà họ đã cùng chung sống và gần gủi nhau trong những lúc khó khăn .

        Vô cùng đau khổ và không được ai ngó ngàn tới là những nhà trồng tỉa loại nhỏ, họ trồng trà và cà phê ở vùng Di Linh, chỉ sống và làm bạn với đồng bào Thượng. Bị phân tán ra vì gió thời cuộc, nhà cửa sự nghiệp tiêu tan hết vì trận tấn công Ban Mê Thuột vừa qua, như ông Mercurio, một nhân vật đã đi vào truyền thuyết, hay những người bị trói gô hai ngày vào các gốc cây, và bỏ mặc trong rừng.

 Và sau đó là những nhà truyền giáo, vốn đã có quyết định ở lại tại chỗ, nên đã cùng tham gia vào các cuộc tản cư tỵ nạn của dân chúng, đôi khi họ chết vì quá mệt mỏi, và cùng chịu cảnh bom đạn với các tín đồ của mình, hoặc phải lên rừng ở với đồng bào Thượng của mình.

Nhân vật được biết tới trong số nầy có Đức Giám Mục Seltz, chỉ với sự có mặt và lòng can đảm của mình, ông nầy đã ngăn chận được sự di tản của thành phố Kon Tum không cho biến thành một thảm họa như cuộc di tản ở Pleiku .  Người ta không có tin tức gì về những người nầy. Không biết họ đã chết, bị bắt làm tù binh hay là con tin ?

Trong tất cả những người Pháp nầy, người ta thấy đủ hạng người hết: từ những người sống lạc loài trôi giạt đến những người rất đứng đắn, đàng hoàng. đôi khi cũng có những người khác thường như ông Mouton, một người lạc quan bất trị, đã từng bị đuổi khỏi Đà Nẵng rồi, nhưng lại bán hết tài sản bên Pháp để dựng lên một quán ăn hay quán trọ gì đó ở Vũng Tàu.

Còn có những người lai, những người “bất hạnh giữa hai giống dân”, như một anh thường nói với tôi, những người mà Việt Nam chối bỏ không nhận là Tổ Quốc của họ nữa từ khi người Pháp rời khỏi đất nước nầy, những người mà nước Pháp chỉ thấy đẹp khi họ nhìn từ đằng xa mà thôi dù họ có tên là Dupont hay Martin cũng vậy..  Bởi vì ở đó đời sống quá khó khăn và họ nghĩ rằng bà hoàng hậu xa xôi đó chỉ có thể là một bà mẹ ghẻ mà thôi. Đông nhất là những người Việt Nam mà cha mẹ họ đã nhận được quốc tịch Pháp như một ân huệ hay một phần thưởng, có khi còn được mua cho được vui lòng là khác nữa. Họ sẽ làm gì được ở Pháp ? Họ sẽ mở ra quán ăn Việt Nam nữa để sẽ bị thua lỗ chăng ? Nhưng người ta có cho họ rời khỏi Việt Nam chăng ? Những người Bắc, những người quốc gia bị nghi ngờ đó, những người thường có tính phân biệt chủng tộc và hay cố chấp đó, họ đừng bao giờ hy vọng là quốc tịch Pháp của họ được công nhận. 

Điều rất dễ cho Tổng Thống Pháp là ông ta sẽ yêu cầu họ hãy ở lại Việt Nam để duy trì sự có mật của người Pháp ở đây. Tôi còn nhớ rõ việc gì đã xảy ra ở Hà Nội . Ở Sài Gòn tôi nghĩ là cũng sẽ như vậy thôi. Trong một vài tháng nữa, chắc chắn nước Pháp sẽ không còn gì ở đó nữa ngoại trừ một ông tổng lãnh sự. Các trường trung học sẽ bị đóng cửa như họ đã làm ở Hà Nội , cùng các bệnh viện và các cơ quan truyền giáo, cũng như các khách sạn, các tiệm ăn có mùi rượu, mùi tỏi và mùi trứng rán cà chua... Các cơ quan truyền giáo là phải bị thanh toán đầu tiên vì ý thức hệ cộng sản không thể tha thứ cho ai truyền rao đạo nào khác ngoài lý thuyết của họ, không bao giờ chấp nhận bất cứ ông thầy giảng đạo nào ngoài những ủy viên chánh trị của họ.

Bảy ngàn người Pháp -Việt có nguy cơ sẽ trả giá đằt cho sự tự do của họ vỉ đường lối chánh trị đối ngoại đầy viễn tưởng của ông Tổng Thống Giscard d’Estaing .

Tôi đã thấy họ, những người Pháp bị che kín mắt đứng chật cửa tòa tổng lãnh sự, trình các giấy thông hành mà hầu hết đều quá hạn, họ chỉ đòi hỏi phải được bảo đảm là chúng phải được chuyển tới tòa đại sứ Pháp, vì không bao giờ họ được tiếp ở đây cả. 

Toàn là một bọn người đau khổ ! Họ không hề biết được là các cơ quan kia được thành lập không phải để che chở cho những người Pháp cùng khổ nầy, mà chỉ để giúp cho những người trẻ năng động hay những người vô tích sự mà lại có tính hay phô trương, được hưởng những ngày vui thích ở ngoại quốc, được vui chơi phè phỡn ở các chợ phiên cho thỏa tính kiêu căng của họ đồng thời lại được cảm giác như có thi hành một nhiệm vụ chánh trị nào đó vậy.

                                 (đón xem tiếp Chương 4 phần 2)

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 4 - phần 2

1