Chương 3

Phần 2

 

          Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch tổng tấn công của cộng sản Bắc Việt là cô lập Vùng Cao Nguyên Trung Phần, từ vùng Ban Mê Thuột , sau đó chiếm Kontum và Pleiku. Khi Miền Nam Việt Nam bị cắt đứt thành 2 đoạn rồi thì họ sẽ đánh chiếm Đà Nẵng và Huế. Nhưng chỉ vào khoảng tháng 10. Nếu thành công trong giai đoạn đầu nầy thì các tướng lãnh Hà Nội dự trù sẽ đợi cho đến hết mùa mưa mới tiếp tục bao vây Sài Gòn trong năm tới. Họ chỉ hy vọng chiếm được Sài Gòn vào tháng 5 năm 1976, nếu mọi việc đều diễn tiến tốt đẹp suông sẻ đúng theo kế hoạch đã dự tính.     

     Hồi Tết Mậu Thân 1968, họ đã ước tính tình hình quá lạc quan, nhưng lần nầy thì họ lại ước tính bi quan hơn.

      Ngày 9 tháng 3, Việt Cộng cắt dứt các trục giao thông chính: quốc lộ 19 từ Qui Nhơn đến Pleiku, quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột đến Nha Trang. Trong đêm 9 tháng 3 đến ngày 10 tháng 3 họ tấn công vào Ban mê Thuột. Họ hơn hẳn về quân số: 6 sư đoàn quân Bắc Việt đối với 3 sư đoàn (cho cả vùng Cao Nguyên), và đối với 1 sư đoàn Nam Việt (tại Ban mê Thuột). 

     Chính trong bối cảnh nầy đã xảy ra vụ ám sát anh Paul Léandri, nhân vật số 2 của Thông tấn xã A.F.P tại Sài Gòn .

     Ở Sài Gòn người ta chỉ biết Ban mê Thuột bị Bắc Việt tấn công và chiếm giữ vào ngày 12 tháng 3. Người ta không biết được chi tiết. Anh Léandri cho ra ngay một bản tin như sau:  

“Một vị linh mục Việt Nam là nhân chứng, thấy tận mắt những trận đánh ở Ban mê Thuột đã xác nhận với thông tấn xã A.F.P. ngày thứ tư rằng trận tấn công vào thành phố đêm chúa nhật rạng ngày thứ hai là do người Thượng tự xưng là F.U.L.R.O. (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées : Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Các Dân Tộc bị Áp Bức ) và những đơn vị Việt Cộng thuộc MTGPMN. Vị linh mục đã trốn thoát được khỏi thành phố ngày thứ ba, đã báo là khi các trận đánh bắt đầu hồi 3 giờ sáng, thì dân chúng vẫn tưởng là bọn FULRO gồm toàn người Thượng đã đứng dậy chống chánh quyền địa phương một lần nữa, như vào hai năm trước lá 1963 và 1964 . Nên dân chúng  (70 % là đồng bào Thượng) hoàn toàn không sợ hãi lúc ban đầu. Nhưng đến sáng ra, theo sau các toán nhỏ FULRO là cán binh Việt Cộng có chiến xa yểm trợ . Theo các nhà truyền giáo thì không có bộ đội Bắc Việt, mà hoàn toàn chỉ có FULRO và các trung đoàn địa phương Việt Cộng . Dân chúng bắt đầu muốn chạy vào rừng lân cận. Có một số chạy thoát, và một số bị chết vì bị bắn. Tiếng súng bắn càng ngày càng nhiều do đó nhiều gia đình đóng cửa ở trong nhà dùng bàn ghế làm nơi trú ẩn. Kể từ lúc đó, chiến trận mới thật sự bắt đầu, lúc đó khoảng 10 giờ sáng. Theo lời của vị linh  mục thì các nhà thờ đều bị thiệt hại do đạn đại bác, nhà dân chúng cũng vậy. Trong khi đó thì các vườn cao su ở chung quanh Ban mê Thuột thì vẫn yên tĩnh vì linh mục chạy xuyên qua các vườn cao su để đến một cái đồn gần đó. Và ông xác nhận là trên thực tế thì lúc đó chiến trận chỉ đang xảy ra trong thành phố mà thôi. Ở vùng Cao Nguyên nầy, linh mục nói, chiến thuật của cộng sản là bao vây kinh tế toàn vùng bằng cách phong tỏa hết các trục giao thông chính dẫn vào các thành phố lớn như Kontum, Pleiku để cô lập các thành phố nầy. Vào lúc cuộc tấn công vào thành phố Ban mê Thuột vừa mới bắt đầu, có một số quan sát viên đã đề cao sự hiện diện và sự gia tăng hoạt động của các nhóm võ trang tự xưng là F.U.L.R.O. Phong trào nầy đã ly khai trong 4 năm rồi trước khi trở về với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 tháng giêng năm 1969. Và chánh thức mà nói thì phong trào F.U.L.R.O. nầy không còn nữa. Một bản tuyên bố của chính phủ hồi tháng 11 vừa qua đã cho biết đó chỉ còn là một nhóm cướp bóc nhỏ mà thôi. Dù muốn dù không trong khi chờ đợi các nhân chứng khác thì hình như chắc chắn là những toán võ trang đầu tiên vào thành phố Ban mê Thuột là người thượng. Đó là những toán võ trang đã mở đường cho cộng sản địa phương người Việt Nam .Còn bộ đội Bắc Việt thì theo nhân chứng nầy thật sự không thấy có mặt.”

      Bản tin nầy hoàn toàn không đúng với sự thật, và nó đưa đến cái chết của anh Léandri thuộc thông tấn xã A.F.P. Anh ta sẽ mất mạng, trong cương vị một người rất yêu và tôn trọng sự thật, mất mạng vì những tin tức không đúng sự thật. Anh ta tự hại mình.

Vị linh mục người Việt Nam bị đầu độc vì sự tuyên truyền chống người thượng , mà theo lời của linh mục Blanchetti một trong những người chứng rất hiếm về  sự tuyên truyền ở Cao Nguyên nầy từ tháng 8 năm 1974, vị linh mục Việt Nam nầy đã bịa đặt ra hoàn toàn lịch sử của nhóm F.U.L.R.O. 

      Hoàn toàn không có gì được gọi là một sự giải phóng mà thật sự chính là một hành động tấn công chiếm thành phố . Và cũng không  có một người F.U.L.R.O. nào hết, mà chỉ là những phần tử cộng sản địa phương, nhưng chủ lực là sư đoàn 320 của Bắc Việt, một sư đoàn nổi tiếng ở mặt trận Điện biên Phủ ,với những chiến xa , pháo binh, và vũ khí tối tân của sư đoàn . Độc địa hơn nữa, cũng theo lời của linh mục Blanchetti nầy, tất cả mọi người ai ai cũng biết về trận tấn công sắp xảy ra nầy. Kể cả một cơ quan dân sự vụ người Mỹ, một nhóm quan sát viên nhỏ chuyên cung cấp tin tức cho tòa đại sứ Hoa Kỳ. mà theo từ ngữ quân sự là nhóm tình báo. Có những đồng bào Thượng đã đến báo cho người Mỹ và chánh quyền địa phương là đang có những chuyện gì lạ lạ ở trong rừng. Họ đã thấy được từ hơn 12 cây số những chiến xa lớn đang tiến theo các đường mòn của những người thợ rừng. Và đàng sau các chiến xa là cả một sư đoàn Bắc Việt đang tập trung cho cuộc tấn công. Vị trí của đồng bào Thượng rất là đơn giản. Họ không theo Bắc Việt mà cũng không theo Miền Nam mà chỉ muốn sống chung giữa họ mà thôi. Nhưng ngược lại thật ra cũng có một vài phần tử đã được dùng để dẫn đường cho quân đội Bắc Việt.

       Vào ngày chúa nhật 9 tháng 3, các chiến xa Bắc Việt đã tập trung tại tuyến xuất phát ở cách thành phố chừng vài cây số.Nhưng không thấy ai có phản ứng gì cả. Bất động hay phản bội, hay vô ý thức ?     

       Có 1 trung đoàn bộ binh và một vài tiểu đoàn biệt động quân trấn giữ Ban mê Thuột . Vào hồi 3 giờ sáng, pháo binh Bắc Việt nã liên hồi vào thành phố, kéo dài cho đến 7 giờ sáng. Linh mục Blanchetti là người duy nhất thoát khỏi bàn tay cộng sản . Tối hôm đó ông bận đi làm lễ trong một làng xa..

       Lúc 7 giờ sáng, các chiến xa tiến vào thành phố . Người ta đánh nhau hai tiếng đồng hồ ở phi trường. Hậu cứ của sư đoàn 23 bộ binh bị tràn ngập và giới chánh quyền trong tỉnh bỏ chạy hết, giống như các nơi khác. Họ chỉ ở đó để làm tiền, không phải để chiến đấu, hơn thế nữa là không phải để chết tại đó. Người chỉ huy quân sự Vùng 2 Chiến Thuật là tướng Phú, một quân nhân rất tốt đã có tuổi, bị bỏ rơi vì không phải là người trong tổ chức mưu mô của chánh quyền. Đươc đánh giá là vô hại trên phương diện chánh trị  và là một quân nhân tốt nên người ta mới giao cho ông trấn giữ vùng Cao Nguyên với một quân số quá thiếu. Tướng Phú yếu đuối vì bệnh hoạn nên không lanh trí và không có khả năng chứng tỏ được nét đặc thù của mình. Hai trung đoàn bộ binh có nhiệm vụ phòng thủ Kontum và Pleiku đã được người ta lấy đi và thay thế bằng biệt động quân . Nhưng họ không mang theo các chiến xa và pháo binh của họ vốn là sức mạnh của mình.

      Đổng bào Thượng thì lo chạy vào rừng, đó là nơi ẩn náo cố hữu của họ. Còn dân chúng phần đông là gia đình các quân nhân  thì cũng chạy trốn, gần 25 ngàn phụ nữ và người già đến trà trộn với binh sĩ thuộc sư đoàn 23 bộ binh đang cố tập trung lại bên ngoài Ban mê Thuột, khoảng 30 cây số về phía Tây của thành phố       

      Đây không còn gì gọi là một quân đội nữa, mà là một đàn cừu . Không tìm thấy được một cấp chỉ huy nào trong lúc quân đội Bắc Việt đang bao vây họ. Người ta gọi không quân yểm trợ. Nhưng các phi công đều biết là Bắc Việt có một đội phòng không hùng mạnh ; đại bác 40 ly tự động, súng liên thanh nặng với tốc độ tác xạ nhanh và nhất là hỏa tiễn địa không SAM. Vì thế họ sợ nên thay vì họ yễm trợ trực tiếp ngay chiến trường thì họ lại  bay cao khoảng 3000 bộ để thả bom xuống trúng trật không cần biết, do đó sự yểm trợ của họ không hữu hiệu gì hết.

     Thành phố được các nhóm quân nhân do trực thăng đổ xuống chiếm lại, nhưng rồi sau đó lại bị mất .

Những sự kiện mà anh bạn Paul Léandri đã đem đến quả là rất xa xôi đối với chúng ta nhưng ít nhất anh ta cũng phải được tuyên dương vì đã dám loan tin là tỉnh Ban mê Thuột đã rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.

Hai ngày sau khi bản tin của anh được gởi đi, tức là vào ngày thứ sáu 14 tháng 3, anh Léandri tiếp ngay tại văn phòng của anh, ông thiếu tá Mai, xử lý thường vụ giám đốc sở Nhập Cư, nơi cấp chiếu khán nhập cư, và sau đó là thiếu tá Bắc cùng sở với thiếu tá Mai. Hai người nầy vừa hăm dọa trục xuất anh Léandri vừa muốn biết tên của vị linh mục Việt Nam kia. Đối với họ, không phải chuyện Ban mê Thuột thất thủ là điều quan trọng mà chỉ là chuyện phong trào F.U.L.R.O. đã có tham gia vào cuộc tấn công nầy. Anh Léandri trả lời là anh quá bận chỉ có thể rảnh vào lúc 18 giờ chiều mà thôi.

Và đây là luận điệu chánh thức về cái chết của anh. Luận điệu nầy cũng hoàn toàn không đúng, cũng như bản tin của nhà báo:

      “Vào lúc 18 giờ, anh Léandri rời khỏi văn phòng của thông tấn xã A.F.P. nhưng anh cũng đã rất thận trọng gọi báo cho các đồng nghiệp của mình biết là anh bị đòi tới sở Nhập Cư. Anh có vẻ rất là nóng nảy, bồn chồn. Đã từ lâu rồi ờ Việt Nam anh Léandri đã bị khó chịu về thời tiết và hàng ngàn sự phiền toái dành cho các nhà báo làm việc ở Sài Gòn . Trong lúc anh Léandri vào văn phòng Nhập Cư / Tổng Nha Cảnh sát , thì người tài xế của anh đi tới đi lui cạnh chiếc xe của mình, đậu ngay cửa vào sở.

       Vào khoảng từ 19 giờ đến 19 giờ 30 từ văn phòng Nhập Cư đã gọi một loạt điện thoại về Thông tấn xã, để báo tin cho vợ là anh sẽ về trễ, và cho Đại sứ Mérillon ở tòa đại sứ Pháp để báo là anh đang ở sở Nhập Cư, phòng 3018, và báo cho thông tấn xã A.F. P. một lần nữa là anh đang bị giam giữ. Người ta đang đe dọa giữ anh lại suốt đêm để sáng hôm sau trục xuất anh bằng chuyến phi cơ đầu tiên. Tuy nhiên ông De Beauvais, tổng lãnh sự Pháp đã cố gắng thử điện thoại cho sở Nhập Cư, và đã gởi một cộng sự viên của mình là ông Morgan đến ngay tại chỗ. Ông Morgan đã gặp thiếu tá Mai và anh Léandri ở sân của sở Nhập Cư. Anh Léandri phàn nàn là anh đang bị nhốt và anh yêu cầu sự can thiệp tức khắc của ông tổng lãnh sự. Do vậy ông Morgan phải đi tìm ông Beauvais.

      Khoảng hơn 8 giờ thì một nhân viên mặc thường phục gọi anh tài xế Hưng bảo anh nầy dời chiếc xe qua bãi đậu xe bên cạnh, phía trước tổng nha cảnh sát . Phía bên kia đường là Nha Công An, ở đó có các đơn vị cảnh sát dã chiến dĩ nhiên có thành tích không tốt lắm.

       Ông Tổng lãnh sự Pháp đến sở Nhập Cư , lần nầy cùng đi với ông Morgan. Sĩ quan trực báo cho 2 ông biết là ông Léandri đã lên xe của ông và đã đi rồi. Điều nầy hoàn toàn không đúng.

       Khi thấy họ ra dấu với nhau hơi lạ, ông Morgan biết là ông Léandrei không có đi về nhà anh ta mà hình như là  qua bên công an. Ông Tổng lãnh sự và ông Morgan yêu cầu được liên lạc với trung tá Phan Kim hay thiếu tá Mai hay bất cứ với một sĩ quan nào khác ở đây. Vô ích. Về đến tòa lãnh sự quán, ông tổng lảnh sự mới biết là anh Léandri không có về nhà.

     Vào lúc 22 giờ ông tổng lãnh sự được báo là anh Léandri đã bị bắn chết vì đã cố chạy trốn. Và đó là luận cứ chánh thức về cái chết của anh ta : Tất cả đều sai hết:

       Sự thật là : anh Léandri không phải bị bắn chết trên xe của anh. Họ dàn dựng hết sau khi bắn chết anh Léandri. Họ đặt xác chết của anh vào ghế tài xế trong xe của anh và sau đó họ bắn vào xe, nhưng lần nầy họ bắn bằng súng M16. và họ đẩy xe anh húc vào tường.

 

       Cũng vào ngày hôm đó, ông Thiệu sẽ lấy quyết định cho rút hết toàn bộ ra khỏi Cao Nguyên Trung Phần. Người ta kể lại là anh Léandri bị giết vì anh đã được biết trước về kế hoạch lui quân nầy: nhưng đó là hoàn toàn không đúng..

        Người ta còn cho biết là anh đã tiết lộ kế hoạch nầy ra; hoàn toàn sai. Anh có bao giờ ra khỏi Sài Gòn đâu vì anh bận việc túi bụi ở văn phòng của anh. Và anh cũng cố gắng tìm hiểu tin tức tới đâu hay tới đó vậy.

       Cái chết của anh đã làm cho không khí nặng nề thêm với những diễn biến của tình hình kế tiếp.  Tất cả đều phi lý , không hiểu nổi và hết sức điên rồ, và không thể đào đâu ra sự thật được . Chúng tôi sẽ còn gặp lại hai  sĩ quan  cảnh sát nầy là ông Kim và ông Mai và một lần nữa trong những hoàn cảnh hết sức lạ lùng.

       Ngày thứ sáu 14 tháng 3, ông Thiệu về Phan Rang đến thăm ngôi mộ tổ tiên của nhà ông hình như bị sét đánh, và sau đó rời Phan Rang đi ra Cam Ranh, từ đó ông ra lệnh cho tướng Phú đến gặp ông ở đây. Trong lúc ông nầy đang lâm trận và vừa chiếm lại được Ban mê Thuột .

     Không tham khảo ý kiến của bất cứ một người nào, ông cho lệnh rút quân. Nhưng còn có ai nữa đâu mà tham khảo ? Ông đâu còn có Bộ Tham Mưu nào nữa đâu ?, vì trong nhiều năm qua ông trực tiếp chỉ huy các tướng lãnh của ông. Vì tánh đa nghi và cũng vì sợ nữa.  

     Trong hồ sơ của các cố vấn Mỹ, đã có một kế hoạch dự trù rút hết toàn bộ các đơn vị về Nam Kỳ (nguyên tác :Cochinchine), nếu áp lực cộng sản quá mạnh và nếu vì lý do ngân sách hay chiến thuật mà không còn đủ khả năng giữ toàn bộ lãnh thổ. Nhưng kế hoạch  nầy dù sao cũng chỉ còn là một dự án mà thôi.

       Ông Thiệu chỉ lăm lăm lo nhìn về phía Hoa Kỳ và ông không biết những gì đang xảy ra trong đất nước của ông. Ông xa rời tất cả thực tế. Một cuộc rút quân toàn bộ như vậy đòi hỏi cả ngàn sự thận trọng. Phải chuẩn bị thật là tỷ mỷ. Đâu có phải chỉ cho một cái lệnh là đủ mà phải đi vào tất cả các chi tiết. Thí dụ như trước tiên cần phải di tản hết tất cả gia đình của quân nhân các cấp, tiếp theo là các phòng sở để chỉ còn lại toàn là các đơn vị chiến đấu mà thôi. Và các đơn vị nầy cũng phải được rút đi từng chặng, từng tuyến một, rất là thận trọng, theo từng thời khắc biểu.v.v.. Một cuộc hành quân như thế đòi hỏi phải có thì giờ và phương tiện, và nhất là phải giữ độ “mật” cao tối đa, và hoàn toàn, một điều nà người ta quên hết hay không cần biết đến nữa ở Miền Nam Việt Nam, vì coi như tất cả mọi người đều biết, và biết hết mọi việc, hay còn biết hơn thế nữa là khác. Một cuộc rút quân như thế cần phải được thực hiện bằng đường biển, đường bộ và cả bằng đường hàng không, điều nầy đòi hỏi một sự phối hợp thật chặt chẽ của tất cả mọi phương tiện…….

     Vào lúc ông Thiệu lấy quyết định nầy, các trục giao thông từ vùng Cao Nguyên dẫn xuống đồng bằng hay xuống bờ biển đều bị cắt đứt hết, như các quốc lộ 17, 21 và cả đường Dalat nữa. Người ta chỉ còn xử dụng  không quân mà thôi, nhưng không quân thì hoàn toàn không đủ cho một cuộc di tản như thế.

      Ông Thiệu ra lệnh cho tướng Phú là phải về vùng duyên hải với tất cả các đơn vị của ông, di tản cả Kontum và Pleiku trong lúc họ đang còn giữ và có thể giữ được mãi mãi, nhất là Pleiku vốn là một căn cứ rất quan trọng.      

      Tướng Phú coi như là một người đã mất hết không còn gì nữa. coi như ông mất hồn, không còn thấy xương sống mình ở đâu nữa. Ông cũng không còn thiết tha gì đến chuyện bàn cãi về cái lệnh trớ trêu nầy, một cái lệnh lui quân chỉ có một mục đích duy nhất là gây sự chú ý cho người Mỹ vốn chẳng cần muốn biết và cũng chẳng còn muốn nghe tới hai chữ Việt Nam nữa . Vì đây chỉ lấy sự rút Cao Nguyên để dọa người Mỹ mà thôi !

        Tướng Phú bắt đầu chuyển bản doanh về Nha Trang và sau đó ông chuyển giao quyền chỉ huy lãnh thổ lại cho một trong những người phụ tá của ông là một ông đại tá biệt động quân , một ông Tất nào đó mà người ta cho thăng cấp chuẩn tướng trong dịp nầy. Chính ông nầy mới lo tổ chức cuộc rút quân.

      Biệt động quân được thành lập cho trận chiến lưu động, cho đặc công, cho đột kích, và ông đại tá nầy chỉ có làm như vậy thôi . Ông không có học tham mưu bao giờ. Ở đây là chỗ cần phải có một ông tướng thật sự, một ông tướng biết tất cả mọi sự tinh tế của loại hành quân nầy. Người ta lại chỉ định một người chỉ huy, nói là có can đảm thì cũng có can đảm thật đấy, nhưng ông không có được một ý kiến nào, một kế hoạch nào để mà thi hành cái lệnh nầy. và ông cũng mù tịt về phương tiện mà ông cần phải có nữa.

      Hiện ò tại Pleiku là thủ đô của vùng Cao Nguyên còn có 5 liên đoàn biệt động quân 1 lữ đoàn thiết giáp  và tất cả cơ giới của sư đoàn 23 bộ binh , tất cả các đơn vị địa phương quân và cả một hệ thống tiếp vận của căn cứ quan trọng nầy vốn là căn cứ của một sư đoàn Không quân nữa. 

     Khi lệnh lui quân được “biết” (khác với ban hành), thì cả cái thế giới tốt đẹp ở đây chạy hết trong một sự vô trật tự quá kinh hồn.. Mạnh ai nấy chạy để tự cứu lấy mình trong khi ngay tại chỗ chưa có một sự đe dọa nào ! Một đoàn gồm nhiều ngàn chiếc xe đổ về quốc lộ 7 về hướng Qui Nhơn, không còn lối chen chơn làm nghẽn hết lối đi về bờ biển. Lẫn lộn hết nào là xe của thường dân, quân xa, xe kéo pháo binh, xe chở heo, gà vịt, xe của người Hoa và xe thiết giáp  , xe của công chức, của cảnh sát , chở gia đình ông bà cha mẹ vợ con và cả một lũ trẻ con nheo nhóc….

    Thật là một cơ hội bằng vàng cho bọn cộng sản Bắc Việt . Các đơn vị của sư đoàn 320 cắt ngay đoàn xe : 3000 chiếc xe và gần như toàn bộ chiến cụ mất hết.. Người ta thấy một lữ đoàn thiết giáp bị dừng ngay trước một con sông nhỏ, nằm cả 2 ngày để chờ các toán công binh có nhiệm vụ bắc một cây cầu. Trong khi ở gần đó có một chỗ cạn qua được mà không một ai chú ý tới. Khi quân cộng sản Bắc Việt tới thì binh sĩ bỏ xe chạy hết, không chiến đấu. Không còn một cái gì nữa của sư đoàn 23 bộ binh vốn coi như bị tan rã hoàn toàn, cả quân đồn trú của Kontum và Pleiku cũng không còn gì. Có đánh nhau đâu mà đã thua rồi !       

      Trước tầm mức của thảm họa, ông Thiệu vẫn đơn phương quyết định là cho rút hết 3 lữ đoàn Dù đang phòng thủ ở Huế về, để tăng cường cho Sài Gòn . Đồng thời ông hô hào là ông vẫn cho trấn giữ cố đô Huế .

       Sau cùng ông lại có một ý kiến : triệt thoái toàn bộ quân đội ra khỏi tỉnh Quảng Trị một tỉnh nằm ngay phía Nam của vĩ tuyến 17, ranh giới giữa hai Miền Nam Bắc. Và ông dùng 1 sư đoàn Thủy quân lục chiến gồm 4 lữ đoàn đó, vốn đang có trách nhiệm phòng thủ Quảng Trị, lui về thay thế cho sư đoàn Dù để phòng thủ cố đô Huế. Nhưng sư đoàn Thủy quân lục chiến đó, thay vì được dùng như một lực lượng lưu động lại bị xé nhỏ ra nằm trấn giữ ở đây đã 3 năm rồi, bất động, không có một cuộc hành quân nào hết . Hậu quả là sư đoàn đã trở nên quá nặng nề : tất cả gia đình binh sĩ được cho đến ở với sư đoàn  và người ta ai cũng biết là gia đình binh sĩ của Việt Nam là cái gì rồi .

     Khi nhận được lệnh di chuyển rời khỏi vùng đang trấn giữ, cả 100 ngàn người trong một sự lộn xộn không tả được đã đi về Huế, các binh sĩ bị dân chúng tràn ngập, lẫn lộn. Cộng sản Bắc Việt vui sướng tha hồ bắn bừa vào đoàn người trên, không tiếc đạn. Chỉ có một số binh sĩ nào đó quá mệt mỏi coi như đã tự cứu được mình là về đến được bờ biển.

      Một anh trung úy đã thuật lại với tôi câu chuyện của anh ta : " ông tướng thì bay đi trước rồi, kế đó là các đại tá cũng bằng trực thăng. Bây giờ thỉ còn lại các đại úy và trung úy và các binh sĩ vốn phải lo cho gia đình họ nên không còn ai chỉ huy họ được nữa…

      Tất cả tỉnh đều chạy hết về phía Nam. Có khoảng nửa triệu người trên đường. Người ta chết vì đói, vì khát. Cướp bóc và hiếp dâm.. người nào có được khẩu súng trong tay thì dùng nó để vạch lối mà đi. Tất cả đều nhằm tiến tới Đà Nẵng .

      Người ta muốn giải thích trong các trại cộng sản cuộc chạy trốn của cả dân chúng vì họ sợ bom đạn. Mà ai có thể bỏ bom ? Người Mỹ chăng ? Không có vấn đề đó . Người Miền Nam chăng ? Cũng không, vì Không quân của họ đang trên đường tan rã rồi. Tất cả dân chúng trốn chạy vì quá sợ người Miền Bắc và Việt Cộng vì vẫn còn hình ảnh quá kinh khủng từ năm 1971 trong các cuộc tàn sát họ không một chút nương tay, trên cái gọi là “đại lộ kinh hoàng”….

      Dòng người tỵ nạn càng ngày càng đông càng lớn ra như một dòng sông bị lũ lụt, kéo theo tất cả mọi thứ trên đường đi qua. kể cả các đơn vị nào còn có ý muốn ở lại để lo phòng chống ….

       Ngày 26 tháng 3, quốc lộ 1. một quốc lộ huyết mạch chính dọc theo bờ biển bị cắt đứt. Cố đô Huế không đánh mà bị thất thủ, một thành phố đã có nhiều ngàn người chết vào năm 1968.

       Cuộc rút lui đã biến thành một cuộc tháo chạy toàn diện, mạnh ai nấy chạy. Thành phố Đà Nẵng với trên 391 ngàn dân lại có thêm nửa triệu người tỵ nạn nữa .

       Ngày 28, bọn cộng sản Bắc Việt cho người mang cờ Phật Giáo đi đầu tràn vào căn cứ. Trong một tiếng đồng hồ, người ta không thấy có một sự chiến đấu nào để chống giữ căn cứ Không quân lớn nhất vào thời người Mỹ còn ở đây. Lực lượng Không quân đã đi hết trong cơn tai biến nầy, để lại tại chỗ tất cả dụng cụ và một số phi cơ đáng kể.

       Hiện tượng hoảng sợ được thể hiện rõ nét đến cái độ mà bọn cộng sản Bắc Việt với súng đeo trên vai,  đã vào chiếm các căn cứ vốn được phòng thủ thật chặt chẽ như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, những căn cứ đã có phương tiên tiếp vận, lương thực, súng ống đạn dược và quân số đầy đủ để trấn giữ ít nhất trong thời gian một năm, dù có bị lực lượng hùng mạnh cách mấy bao vây. Và hơn thế nữa các căn cứ nầy lại do lực lượng ưu tú nhất của quân đội Miền Nam trấn giữ, như sư đoàn 1 bộ binh chẳng hạn.   

      Cuộc di tản của Đà Nẵng bằng không lực Hoa Kỳ và các chuyến bay sau cùng của những chiếc phi cơ, và trực thăng đã cho thấy được những cảnh tượng thật hãi hùng . Như có những chùm người đeo các bánh xe của chiếc phi cơ đang cất cánh, những bàn tay mà người ta phải dùng đến báng súng để đập nát ra họ mới chịu buông , và những thây của trẻ nít đầy máu… Bởi vì cộng sản Bắc Việt đang bắn vào các đoàn người tỵ nạn bằng đủ mọi loại đạn kề cả đại bác… để gây thêm kinh hoàng và hỗn loạn.

     Ông Thiệu mất hết sự bình tĩnh. Ông gởi từ Sài Gòn ra Nha Trang một lữ đoàn Dù để tăng cường phòng thủ thành phố nầy, nhưng rồi ông quên khuấy đi mất trong lúc lữ đoàn nầy đang phản công rất có kết quả. Lữ đoàn vì thế mất hết phân nửa quân số. Nha Trang mất ngày 4 tháng 4

    Và lúc đó ông quyết định giữ chặt lấy Phan Rang và căn cứ lớn nhất ở đó. Ông lại mất hết một lữ đoàn Dù nữa ở đây.

     Bộ Tham Mưu Bắc Việt đầu tiên bị sửng sốt về chuyện tan rã nhanh chóng của quân đội Miền Nam nên họ thay đổi ngay ý định . Họ quyết định phải dứt điểm bằng một phát súng ân huệ cuối cùng . Họ bỏ hết kế hoạch từ trước và điều động vào Miền Nam tất cả các sư đoàn trừ bị, chỉ để lại Hà Nội một sư đoàn duy nhất. Tất cả đều đổ xô vào ngay Miền Nam.

      Phan Rang mất ngày 16 tháng 4. Phan Thiết ngày 20 tháng 4 và Hàm Tân ngày 22 tháng 4. Nhưng tại Xuân Lộc thì cộng sản bị sư đoàn 18 bộ binh chận đứng. Họ kiên trì tấn công quyết liệt để nhổ cho bằng được cái chốt nầy, vốn là lực lượng phòng thủ cuối cùng của Sài Gòn . Nhưng vô hiệu. Do đó họ quyết định phải đánh bọc sườn, đi vòng. Và lúc bấy giờ lực lượng Miền Nam mới xử dụng loại bom đạc biệt C.B.U., một loại bom hút hết dưỡng khí, làm cho lực lượng tấn công của cộng sản Bắc Việt chết hàng loạt cả ngàn người.    

      Lực lượng cộng sản  Bắc Việt hiện có khoảng 120,000 bộ đội chánh quy để thực hiện cuộc tấn công vào thủ đô của Miền Nam trong số nầy có một số sư đoàn chưa bao giờ tham chiến, tất cả 90 % và 95 % đều là người Việt Nam từ Miền Bắc vào.

     

     Nguyên nhân của cuộc bại trận nầy là do : thiếu sự chỉ huy trong quân đội và phải nói thêm là từ quân nhân cho đến dân chúng đều quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài quá lâu không kết thúc mà họ phải đơn độc gánh vác một mình, không có sự hỗ trợ của đồng minh Hoa Kỳ vốn đã bỏ rơi họ, trong khi đó thì phía cộng sản Bắc Việt thì luôn luôn có sự tăng cường tiếp tay không ngừng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa  anh em .

     Trong khi quân đội đang trên con đường bị tan rã thì ông Thiệu lại biến mất. Ông trốn tránh, và người ta còn tự hỏi không biết có phải ông ta đã tự sát rồi hay sao ? Rồi bất thình lình ông lại tái xuất hiện trên truyền hình ngày 4 tháng 4 như một bóng ma. Với một giọng đơn điệu, với một gương mặt không thấy có một vẻ gì tuyệt vọng hay hoảng hốt, ông tuyên bố là ông đã quyết định giữ chặt phần lãnh thổ còn lại của nước Việt Nam, và ông còn hy vọng là một ngày nào đó ông sẽ chiếm lại các tỉnh bị mất nữa. Ông đính chánh là không có một  thỏa hiệp ngầm nào giữa chính phủ của ông với kẻ thù cộng sản Miền Bắc , và cũng không có một cuộc dàn xếp nào giữa các siêu cường để dâng miền Cao Nguyên cho cộng sản . Thái độ lạ lùng của ông một lúc nào đó đã làm cho ai cũng tin . Ông tái xác nhận sự quyết tâm của ông là không bao giờ chấp nhận một chính phủ liên hiệp với cộng sản .

      Trước sự thảm bại hoàn toàn, ông từ chối không công nhận Hiệp Định Ba Lê mà ông đã ký, một Hiệp Định mà bên nào cũng vi phạm, nhất là phía Bắc Việt vì họ đã lợi dụng các điều khoản trong đó để mang toàn bộ quân đội xuống Miền Nam gồm trên 20 sư đoàn chánh quy, 600 chiến xa và hàng ngàn khẩu đại bác đủ loại.

       Nhưng cộng sản nhờ sự tuyên truyền, qua các bạn bè xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, đã có thể tự biến họ từ những kẻ xăm lược thành những nạn nhân và viện dẫn những nguyên tắc thánh thiện của pháp lý, trong lúc họ chẳng có thực hiện bao giờ. 

     Ông Thiệu bướng bỉnh trong cơn mộng du của ông ta. Ông nhắc đi nhắc lại rằng: "một ngày nào đó chúng ta sẽ chiếm lại lãnh thổ của chúng ta đã mất, dù chuyện đó có phải tốn nhiều năm nữa.”

      Ông ta giải thích về cuộc thảm bại. Dĩ nhiên là ông ta không có dự phần trong đó.Tất cả là do tinh thần chủ bại, do sự thiếu can đảm và thiếu quyết tâm của một vài cấp chỉ huy đơn vị.

- “Những sự bất lực đó sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và các đơn vị đã chiến đấu anh dũng sẽ được tưởng thưởng thật xứng đáng…”

Ông vua thì không có gì, và không ai dám nói gì với vua hết.

Và ông lại tiếp tục:

-“Để chiến đấu, chúng ta có quân số cần thiết. Chúng ta đang tái tổ chức một số đơn vị. Chúng ta đang thành lập một số đơn vị khác lớn hơn. Chúng ta có viện trợ quân sự quan trọng .”   

      Ông Thiệu luôn luôn tin vào một sự can thiệp của Hoa Kỳ và tin là Tổng Thống Ford phải giữ lời mật ước của Nixon. Ông nói:

- “ Dân chúng Hoa Kỳ và Quốc Hội Hoa Kỳ phải thực hiện những gì cần phải làm để dân chúng Việt Nam không nghĩ rằng các người đồng minh của họ đã bỏ rơi họ.”

      Và bất thình lình ông nói toẹt ra ý nghĩ thầm kín của ông, đó là sự bí mật về sự rút lui bõ vùng Cao Nguyên Trung Phần.

- “Với số tiền 700 triệu đô la mà chúng ta có trong hiện tại, ít hơn phân nửa số tiền dự trù mà Hoa Kỳ đã từng hứa viện trợ cho chúng ta, Miền Nam Việt Nam chỉ có thể phòng thủ một nửa lãnh thổ của họ mà thôi. Tôi hy vọng rằng trong tương lai người Mỹ sẽ phải sáng suốt hơn…” 

      Thật đúng là chuyện ngã giá của những người lái buôn, nhưng được người ta nói với những người không còn tha thiết gì đến sự mua bán nữa :

- “ Nầy mấy ông Hoa thạnh Đốn ơi ! nếu mấy ông cho tôi 1 tỷ rưỡi thì tôi giữ cho các ông cả Miền Nam Việt Nam nguyên vẹn, còn với 700 ngàn đô thì tôi chỉ có thể giữ cho mấy ông một nửa mà thôi !”

      Vào ngày chúa nhật 27 tháng 4, các tin tức đến với chúng tôi càng lúc càng xấu. Các cuộc tấn công của quân đội cộng sản Bắc Việt không gặp một sự kháng cự nào ra hồn hết. Sư đoàn 18 bộ binh giữ Xuân Lộc nay đã phải rút đi và hoàn toàn gần như tan rã. Cả sư đoàn 5 cũng vậy. Để phòng thủ Thủ Đô, chỉ còn có một sư đoàn duy nhất và vài binh đoàn Dù và vài nhóm thân binh công giáo của Hố Nai mà thôi.

       Chúng tôi biết được sự mất tích của anh Hoche và Laurent. Một trong hai người đó đã bị thương, người ta tin là anh Hoche, còn anh Laurent thì có đến giúp bạn mình ngay lúc đó, rồi mất tích luôn. Họ không về được xe của mình trong khi toán truyền hình của anh Moscardo thì đã cố rút về được dưói làn mưa đạn.

       Ngồi ở bàn bên cạnh, là những anh sen đầm đang ăn uống thật ngon. Họ mời chúng tôi tôi uống sâm banh coi như để mầng cuộc hội ngộ với chúng tôi .. Họ sống hạnh phúc quá, có sức khỏe tốt, được thấy họ ở đây là một chuyện không có gì lạ. Họ là mục tiêu mà hàng trăm cô gái Việt Nam đang nhắm vào để cưới nhau và để cho họ được rời khỏi Việt Nam.

       Còn những tin khác nữa. Quận Long Thành đang bị phào kích rất nặng.Trường thiết giáp ở đó đang bị tấn công, Người ta còn đang đánh nhau ở Trãng Bom, và quốc lộ 4 ở Miền Tây thì đã bị cắt đứt nhiều đoạn

      Chiếc phi cơ của Hàng Không Việt Nam vẫn chưa đáp xuống Tân sơn Nhứt . Viên phi công là người Đài loan có vẻ sợ.

       Tôi đi một vòng xem chợ Sài Gòn . Trái cây  chất từng chồng cao ngất…tôi còn tìm được mấy quả táo.. nhưng không có gì đến từ Dalat. Không có dâu tây và không có sà lách. Tất cả đều có vẻ yên tĩnh. thanh bình ! SaiGon có nhiều mùi, mùi các hoa tươi ngọt ngào, mùi lá bạc hà xanh, trộn lẫn với mùi cá, thịt và nước dùng nấu phở….Rồi lại có tiếng cắt cụp của chú tàu bán mì….Rồi các cô gái lái xe gắn máy trang điểm như các búp bê với đôi tay đeo găng trắng, quần lụa đen ống rộng và áo khoác trắng. với thân hình thon trẻ, mũi nhỏ đẹp và mắt nhìn tận đâu đâu. Và những anh chàng cao bồi mặc quần gin, tóc để dài… Hàng trái cây thì có bưởi, cam, thơm khóm.. đủ màu sắc, Các bó rau muống xanh tươi, nằm lẩn lộn với các loại trái cây thơm ngon.. làm cho tôi thấy mến Sài Gòn quá đi thôi!

        Bầu trời mây kéo đen kịt. Chúng ta đang ở vào mùa mưa, không khí hơi nóng ẩm…

Quốc Hội đang nhóm họp từ ban sáng.Sau mười giờ thảo luận, Quốc Hội đã bỏ phiếu cho một quyết định gồm 2 điểm: tái xác nhận sự tín nhiệm đối với Tổng Thống Trần văn Hương, và mời ông chỉ định một “nhân vật nào đó, nếu nhu cầu đòi hỏi, để thay thế Tổng Thống  với nhiệm vụ đem lại hòa bình trong danh dự với đầy đủ phẩm cách và sự chuẩn y của Quốc Hội” 

        Luôn luôn là kiểu cách của một ông Pétain !

Cái “nhân vật nào đó” không ai khác hơn là ông tướng Dương văn Minh. Ngoài ông ta ra không còn có người nào khác nữa. Danh dự và phẩm cách không đặt thành vấn đề , bọn cộng sản đã ở ngay cửa thành phố rồi. Và họ đang muốn trừng trị thành phố rồi . Điều cần nhất là phải làm cho nhanh, Nhưng làm thế nào cho các ông “độc bình” nầy hiểu rõ đây?

        Các vị tướng lãnh đã báo cáo rõ tình hình rồi. Có tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng  và tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc Phòng và ông Tổng Trấn Sài Gòn và tướng cảnh sát trưởng Nguyễn khắc Bình.

      Họ nói rằng đã mất tất cả rồi, rằng các đơn vị cuối cùng đã bị bao vây và đang tự giải tán, rằng phải thương thuyết với bất cứ giá nào, và phải càng sớm càng tốt.

      Nhưng mà Quốc Hội vừa không muốn ông tướng Minh Dương. mà cũng vừa không thể từ bỏ ông nầy được. Ông ta không phải là người của họ . Và rồi tất cả đều đua nhau thề phải trung thành với những nguyên tắc căn bản, với nền Cộng Hòa và với Hiến Pháp.

      Ông Trần văn Đôn lại một lần nữa phải can thiệp. Con người sanh đẻ ở thành phố Bordeau của nước Pháp nầy muốn giữ vai trò phát ngôn viên của nước Pháp và bênh vực đường lối chánh trị của ông Mérillon, Đại sứ Pháp, người mà ông ta đã liên lạc mật thiết từ lâu.. Và ông thuyết phục được Quốc Hội , họ bỏ phiếu thuận cho quyết nghị trao toàn quyền hành lại cho ông Dương văn Minh. Ông Trần văn Hương mệt mỏi chống gậy bước ra khỏi ghế ngồi và rời khỏi phòng họp. Mắt nhắm mắt mở ông vấp một nấc thang,,,  

      Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vẫn nằm ngoài khơi, dọc theo bờ biển của Việt Nam. Có nhiều tiểu đoàn Thủy quân lục chiến nằm trên tàu , lúc nào cũng sẳn sàng đổ bộ để yểm trợ cho cuộc hành quân di tản 2000 người Mỹ và 100.000 người Việt Nam đang sẵn sàng đi theo họ.

      Nhưng quân cộng sản Bắc Việt đang ở ngay cửa ngõ của Vũng Tàu từ khi Hàm Tân bị thất thủ.

       Tôi không thấy rõ ràng lắm việc Bắc Việt chấp thuận sẽ thương thuyết với ông Dương văn Minh. Họ đã rơi hẳn mặt nạ của họ và không còn nghĩ gì tới Hiệp Định Ba Lê nữa, một Hiệp Định mà họ đã biết lợi dụng một cách tuyệt diệu để chuẩn bị cuộc tổng tấn công vào Miền Nam Việt Nam của họ.  Nếu ông Minh đã nắm được quyền hành tám ngày trước, lúc mà họ chưa cảm thấy là họ đã hoàn toàn thắng trận, lúc mà lực lượng của Miền Nam Việt Nam vẫn còn giữ vững được Xuân Lộc ,  thì có thể cộng sản Bắc Việt chấp nhận có một cuộc dàn xếp nào đó. Nhưng đến bây giờ thì họ không thấy cấn có việc đó nữa rồi. Họ đã thấy thành phố Sài Gòn đã nằm trong tay của họ rồi. Họ chỉ còn có chiếm lấy thôi và họ sẽ không lo âu gì nữa để mà phải  thương lượng hay có phép của bất cứ một người nào nữa cả.

     Ông Minh về nhà của ông ta với nghị sĩ Vũ văn Mẫu, một người nhỏ thó nhưng rất lanh lợi, tiến sĩ luật của trường đại học Ba Lê. Ông chọn người để thành lập chính phủ của mình. Giờ của ông đã điểm. Nhưng quá trễ cho ông ta, cho cả nước Việt Nam và cho cả nước Pháp.vốn rất hy vọng được đóng vai trò trung gian hòa giải xuyên qua tướng Minh.

      Vậy ông Minh là ai ? Tại sao ông phải bỏ cả cuộc đời của mình để chờ để đợi ? Ông đâu có phải là lãnh tụ của nhóm trung lập được mệnh danh là “lực lượng thứ ba” đâu ? Đây chỉ là một biểu tượng, một cây cờ được xếp lại và được cất kỹ từ lâu rồi trong kẹt tủ. Ông Minh đã là một ông Néguib, chớ chưa từng là một ông Nasser bao giờ. Người ta chỉ có xài ông thôi. Ông không mấy tha thiết với chánh quyền , ông thấy chán mau lắm và không chịu bám lấy nó. Ông bị vứt ra ngoài do một thằng nhỏ ngu si nào đó như tướng Khánh chẳng hạn. Cũng không cần tự bảo vệ, điều mà ông có thể làm được dễ dàng. Ông cũng dễ thương, thanh liêm, bất cần, nhưng ông không có một nghị lực nào. Người lên tiếng sau cùng lúc nào cũng có lý. Ông thương đất nước của ông thật, nhưng quá yếu mềm. Ông quá thận trọng; vì lười biếng , ông sợ phải nói chuyện, vì ông thật tình không biết gì để nói. Quanh ông có quá nhiều cố vấn nhưng họ chỉ lo cho phần của họ mà thôi. Ông muốn làm một ông De Gaulle, nhưng ông bao giờ cũng chỉ là môt ông Giraud mà thôi, và đó là một điều rất đáng tiếc. Ông là một Phật tử nhưng chỉ là dửng dưng thôi chớ không tin tưởng lắm. Người ta kể lại là ông đã có những sự liên lạc xã giao với Bắc Việt, nhưng ông chỉ có một người em của ông là ông Dương văn Nhựt đã phục vụ trong hàng ngũ của quân đội Bắc Việt . Về bản chất ông là một người chống cộng, nhưng theo lề lối của ông, không có gì quá mức, vì sự quá mức sẽ làm cho ông khó chịu.

      Vào hai năm 1955 và 1956, ông đứng bên cạnh ông Diệm trong tư cách hợp hiến chớ không phải vì cảm tình cá nhân.. Chính ông là người lãnh đạo quân đội chống lại các giáo phái bởi vì ông muốn chỉ có môt quân đội duy nhất ở Miền Nam Việt Nam . Là một quân nhân tốt do Pháp đào tạo nên ông bất mãn khi thấy các giáo phái được có quân đội riêng của họ. Tôi còn nhớ rõ cuộc bàn cãi giữa tôi và ông ta khi ông nói với tôi : "Thật là một điều kỳ lạ, tại sao nước Pháp lại đi ủng hộ các giáo phái . Trong nước thì chỉ nên có một quân đội mà thôi, nhiều hơn thì sẽ mất trật tự ngay. Đó là điều mà các huấn luyện viên người Pháp đã dạy tôi như thế.”

       Từ năm 1957 ông đã là một trong những tướng ba sao đầu tiên của nước Việt Nam. Trong quân đội ông là người rất bình dân vì khía cạnh tốt bụng của ông, và lòng tử tế của ông. Ông là người liêm khiết và đó là điều rất hiếm trong quân đội Miền Nam Việt Nam .

       Ngày 11 tháng 11 năm 1960, ông không tham gia vào cuộc hành quân đảo chánh chống lại ông Diệm. Người ta nói là ông chờ giờ của ông.

       Ba năm sau, ông cầm đầu cuộc đảo chánh và lật đổ chế độ vì có người thúc đẩy sau lưng ông. Ông rất thương những người cùng tham gia vào việc nầy với ông, toàn là bè bạn của ông, và ông đi theo họ. Người ta bầu ông lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng và ông trở thành nguyên thủ quốc gia . Nhưng ngày 31 tháng giêng năm 1964 người ta lại lật ông xuống. Như vậy là ông chỉ nắm chánh quyền được có 2 tháng.

      Tôi đã gặp ông rất lâu trong lúc đó. Tôi đã hỏi ông :

-        “Nhưng cuối cùng, ông có ý định làm gì, và ông sẽ làm gì . “

-        Tôi cũng không biết nữa, ông trả lời không do dự.

-        Ông có muốn tiếp tục cuộc chiến đấu chống bọn cộng sản không ?

-        Dĩ nhiên là muốn, phải tiếp tục chứ. Không ai có thể chịu được là Miền Nam Việt Nam sẽ trở thành cộng sản .

-        Nhưng mà ông làm cách nào để điều khiển cuộc chiến ?

-        Tôi sẽ nói cho các sĩ quan của tôi là hãy chiến đấu tốt, và họ sẽ làm như vậy vì họ thương tôi và họ tin tôi.

 

Đã gần đến giờ giới nghiêm, Tôi chầm chậm đi về khách sạn, và gặp nhiều toán người còn đi dạo mát.

Tại khách sạn Continental, chúng tôi gặp lại ông thiếu tá, người đã chứng kiến được lúc anh Laurent và anh Hoche bị bắt. Ông không biết là hai người còn sống hay đã chết. Ông nghĩ rằng họ đã bị bắt làm tù binh. Không thể nào đi lên vùng Hố Nai được vì vùng nầy đã bị cộng sản Bắc Việt tràn ngập rồi.

       Ông cũng cho chúng tôi biết là các khẩu đại bác 130 ly của cộng sản Bắc Việt đã được bố trí sẳn sàng chỉ cách trung tâm thành phố chừng 15 cây số thôi. Tầm tác xạ của loại pháo nầy là 25 cây số. Ông ta tin rằng họ sẽ pháo vào Sài Gòn trong đêm nay. Điện nước có nguy cơ bị cắt, do đó tôi dự trù phải có một số đèn cầy.

      Trước khi đi ngủ, tôi lướt qua một lượt tin tức qua báo chí Việt Nam được dịch ra Pháp văn. Báo Tiền Tuyến chạy một bản tin trên 8 cột, tôi phải dụi mắt mãi mới đọc được :

“ Tướng Nguyễn cao Kỳ đã tuyên bố trong một cuộc mết tinh quy tụ gần 10 ngàn người: “Nước Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ đầu hàng với bọn cộng sản Bắc Việt chừng nào mà quân đội chúng ta hãy còn đây và vẫn còn sự ủng hộ của dân chúng. Lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn mạnh và sẽ mang lại cho đất nước một nền hòa bình trong danh dự “

Còn tờ Chính Luận thì cho biết là : “Không có thương thuyết, vì đó chỉ  là một sự đầu hàng.”                                        

      Đêm nay có lẽ sẽ dài…….

____________

 

(Xin đón xem tiếp Chương 4 : THỨ HAI 24 THÁNG 4)

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 4

1