Chương 3

 

NGÀY CHÚA NHẬT 27 THÁNG 4

Giá đồng đô la : 4000 đồng Việt Nam một đô la

 

3 giờ 30 sáng ngày 27/4/75:

      Tôi giật mình thức dậy vì tiếng rốc kết nổ làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn . Một quả rốc kết rơi rất gần. Tôi thò mũi ra cửa sổ. Tiếng còi hụ của xe chữa lửa và  của xe cứu thương. Xa xa có những cột khói đang lên… Không thể nào ra được, vì còn giờ thiết quân luật. Nhưng cũng không thể nào ngủ lại được.

Con người của ông Thiệu cứ ám ảnh tôi mãi. Tới giờ phút cuối cùng ông cũng chưa hiểu là người Mỹ không còn muốn nghe nói tới ông ta và tới hai chữ Việt Nam nữa.Và ông Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn đã nuôi dưỡng ông trong ảo ảnh của mình, nói trắng ra trong sự điên rồ của ông ta.

      Ông Thiệu đeo cứng vào ý nghĩ đó. Ông ta muốn nhất thiết Quốc Hội Hoa Kỳ phải viện trợ bổ túc cho ông 300 ngàn đô la, trong khi số tiền đó sẽ không thể dùng được vào việc gì cả, thì giở còn đâu nữa mà dùng để mua dụng cụ? Chẳng qua đó chỉ là một cử chỉ mang ý nghĩa là họ chưa có bỏ rơi số phận cũa ông ta, là người ta còn đưa bàn tay ra cho ông nữa để kéo ông ra khỏi vũng sình mà ông đang mắc lầy.

      Dĩ nhiên ở đâu cũng còn có sự tiêu pha lãng phí và tham nhũng. Quân đội của ông Thiệu đã quen với lối sống xa hoa, lãng phí đạn dược, dụng cụ và xăng dầu. Quân đội đó cũng là nạn nhân của người Mỹ vốn để lại cho họ một hạ tầng cơ sở quá nặng nề, các căn cứ quân sự, các phi trường, các kho tàng và cơ xưởng. Chỉ riêng việc bảo quản các cơ sở hạ tầng đó cũng phải tốn kém hằng tỷ rưỡi đô la hàng năm, và tiền viện trợ cho Miền Nam Việt Nam do đó cứ khô cạn dần. Bây giờ thì chỉ còn có 700 triệu hàng năm, trong khi viện trợ của Liên Xô cho Hà Nội cứ tăng lên mãi – trên một tỷ rưỡi đô la cho năm nay.

     Khi ông Thiệu cho lệnh Vùng 2 Chiến Thuật rút đi, ông đã nhìn về Hoa thạnh Đốn . Không phải ông lấy một quyết định quân sự mà ông chơi trò đe dọa chánh trị . Bỏ đi  một phần lãnh thổ của mình, ông tưởng rằng ông có thể bắt chẹt những người đồng minh cũ của ông phải can thiệp mạnh mẽ, phải chiến đấu trở lại bên cạnh ông ta, và phải giữ những lời mà họ đã hứa để cho ông ký vào Hiệp Định Ba Lê. Ông quên rằng người Mỹ đã cho ông biết vào tháng 12 năm 1974 là họ sẽ không làm gì nữa hết khi tỉnh Phước Bình rơi vào tay cộng sản Bắc Việt  và không bao giờ các pháo đài bay B.52 sẽ bỏ bom vào các sư đoàn Bắc Việt nữa. Do có những thỏa thuận như vậy cho nên họ không bao giờ can thiệp vào chuyện quân đội chánh quy Bắc Việt đã chiếm quận lỵ của một tỉnh cũa Miền Nam Việt Nam . Những thỏa thuận đó đã xảy ra vào tháng 10 năm 1972, sau khi Kissinger đã thất bại trong hai ngày để thuyết phục ông Thiệu ký vào Hiệp Định Ba Lê.

Tướng Haig đã có mang đến trao cho ông Thiệu một bức thư (hay 3 bức) của ông Nixon, thừa nhận những sự “thỏa hiệp kín” đó.

     Vậy Đại sứ Graham Martin đã làm trò gì ? Ông đã không có nói cho ông Thiệu và đã thúc đẩy ông cho lệnh rút lui Cao Nguyên hay sao ? Rằng: “Ông hãy  cho Quốc Hội Hoa Kỳ thấy là ông đang sấp sửa mất tất cả. Hãy đánh thức dư luận Hoa Kỳ dậy. Hãy buộc Hoa Kỳ phải giữ lời hứa của ông cựu Tổng Thống của họ.“ d4” Người ta đoan chắc như vậy.

Ông Thiệu đã hành động như là không tính gì đến việc mất các tỉnh vậy. Và ông ra lịnh cuộc rút lui đó . Một cuộc rút lui hoàn toàn thật là thảm bại trên phương diện quân sự, không có môt chút lo lắng gì về hậu quả trên địa thế. Chuyện mà ông quan tâm là những phản ứng của Hoa Kỳ. Ông ta không biết là người ta không muốn nghe nói tới nữa về vấn đề “đổ máu” , về “Việt Nam” mà người ta đã ước tính là đã mất rồi; là Ngũ Giác Đài đã bôi tên Việt Nam trong sổ kiểm soát rồi; là người ta đã nghe những tiếng kêu của một dân tộc mà người ta đang bóp cổ rồi; Kêu la đã là vô lễ rồi mà còn ngoan cố đòi viện trợ nữa. Ít nhất ông cũng  phải chứng tỏ được tư thế của mình và đừng nên đến quấy rầy lương tâm tốt của người Mỹ đang trên đà phục hồi lại sau những hậu quả xấu của vụ Watergate. Sau cơ quan điều tra liên bang lại đến lượt cơ quan tình báo trung ương.

       Chính cái hình ảnh nầy của Hoa Kỳ  tới giờ chót Đại sứ Graham Martin cũng không muốn đưa ra cho ông Thiẹu, người mà ông được lệnh phải đẩy ra ngoài. Đối với viên chức ngoại giao loại nhà nghề nầy, nước Việt Nam không phải một nhiệm sở như những nơi khác như Bangkok chẳng hạn, nơi mà ông đã thành công và cũng là nơi mà từ đó ông sang đây. Ông đã chuyển cuộc chiến nầy thành một chuyện thích thú riêng của chính mình. Đây là một sự lựa chọn xấu nhất mà ông có thể làm được trong những hoàn cảnh hiện tại.

       Ông Martin đã thay thế cho ông Ellsworth Bunker sau khi Hiệp Định BaLê được ký kết, với vai trò là một người cha đỡ đầu mà người Tổng Thống của Miền Nam Việt Nam không thể thiếu được .Và ông đã thành công. Quá thành công, tự nhiễm độc mình đồng thời làm cho người mà mình đang che chở cũng bị nhiễm độc luôn.

      Ở vào cái tuổi 62, ông Graham Martin có một dáng đi hùng dũng, người thì mảnh khảnh, gương mặt thì rắn rỏi, kiểu như một con sói già xám khi đi vào cái hoàn cảnh tận thế thì đến lượt nó cũng mất hết lý trí. Thí dụ như ông bướng bỉnh muốn bảo vệ một cây cổ thụ phía sau tòa đại sứ Hoa Kỳ nhưng cái cây nầy nó gây trở ngại cho trực thăng không đáp xuống được. Ông cho người gát giữ cây nầy sợ rằng nhân viên an ninh lợi dụng đêm tối sẽ đốn nó đi. Các anh đặc công bí mật đã thử lơi dụng sự cảnh giác của ông ta và đã đốn nó dưới ánh sáng trăng bằng cưa máy.

Ông ta đã đồng nhất hóa cây đó với nước Việt Nam . Như ông Thiệu với các ngôi mộ của cha mẹ ông ta. Và như vậy mà ông vẫn giữ bề ngoài của một nhà ngoại giao lạnh như tiền, rất thản nhiên, tao nhã. Cũng như ông Thiệu nữa, một con người cố giữ bộ mặt thanh thãn, giấu kín sự điên rồ của mình.Trong lúc Miền Nam Việt Nam đang sụp đổ.

      Những thượng nghị sĩ Mỹ được gởi sang Sài Gòn để điều tra về tình hình đã biết rõ chuyện đó và một người trong số đó ngày 5 tháng 3 đã tuyên bố với Tổng Thống Ford: “Có một chuyện mà tất cả chúng tôi đều đồng ý là ông Đại sứ của chúng ta ở Việt Nam là một tai họa. Ông cố hết sức giữ ý chí của mình, nhưng trên phương diện thể chất ông ở trong tình trạng rất xấu.”  

      Ông Graham Martin túc trực ở đầu giường của Miền Nam Việt Nam như một bác sĩ biết  người bệnh của mình đã hết cách cứu chữa rồi nhưng ông vẫn cố giữ cho anh ta vững tinh thần bằng cách nhắc đi nhắc lại là anh ta còn có thể lành được bệnh. Vậy mà bây giờ thì người bác sĩ vì cứ nhắc hoài như thế nên ông đã bắt đầu tin rằng sự nối dối của mình là một sự thật.           

     Và khi mà người ta đòi hỏi ông ta phài chuẩn bị sự ra đi của người Mỹ và sự di tản của đồng bào ông thì ông trì hoãn cố làm chậm lại. Ông không muốn rời khỏi người bệnh, và vẫn muốn giữ tất cả nhân viên của mình luôn kế cận bệnh nhân.

      Đây là một ví dụ nữa về trạng thái “mộng du” của ông Martin: Trong khi sự tan vỡ được gần như hoàn toàn rồi, trong khi hàng trăm ngàn người dân tỵ nạn đã trên con đường di tản, ông ta còn gởi về Hoa thạnh Đốn  những bản đỉện tín dài nhằm yêu cầu gởi khẩn cấp sang cho “Miền Nam Việt Nam những chương trình phát triển kinh tế dài hạn”.   

     Là một người mất ngủ, thần kinh bị căng thẳng, lúc nào cũng uống thuốc, ông đã trở thành đa nghi và bí mật, và lánh mặt cả với các cộng sự viên của mình. Ông nói năng và hành động nhân danh của một nước Hoa Kỳ vốn đã không còn ở đây nữa, một quốc gia Hoa Kỳ của ông Nixon, của một sự bảo đảm cho Miền Nam Việt Nam, của một nước Mỹ trước sự kiện Watergate, trước cảnh đại hồng thủy. Giống y như ông Thiệu vài ngày trước khi từ chức, trong bài diễn văn cuối cùng của ông ta về một Miền Nam Việt Nam  thật sự không còn nữa với Hiệp Định Ba Lê, đã  hứa với dân chúng Sài Gòn một thành phố đang bị bao vây là ông sẽ tái chiếm lại hết các tỉnh bị mất.  

     Bây giờ thì chỗ trống đang dành cho tướng Minh Dương. Tôi đã ở ngay nhà ông ta. Ông đang lập chính phủ của mình. Tôi phải đến gặp ông lần nữa hôm nay…. nếu toán chuyên viên quay phim của tôi cuối cùng đến đây được . Ông Minh sẽ sẳn sàng có một lời tuyên bố.

      Tôi được biết là giá đồng mỹ kim hôm nay lên đến 4000 đồng Việt Nam, lúc tôi xuống phòng ăn để dùng điểm tâm

      Ngân hàng Chase Manhattan đã quyết định di tản nhân viên của họ sang Phi luật Tân, nhân viên cấp cao thì đồng ý, cấp nhỏ hơn thì được lãnh một tháng lương và người ta cho họ nghỉ việc. Có tất cả là 43 người. Ban Giám Đốc của Ngân Hàng Bank of America đã rời Sài Gòn , chỉ còn lại quản lý là người Việt Nam .Những người gởi tiền đang yêu cầu được rút tiền ra. Ngân hàng Trung Ương cho biết là ngân hàng bảo đảm sẽ trả tiền mặt, nhưng biện pháp nầy không thể làm mất đi sự hổn loạn. Các ngân hàng của người Mỹ ở Sài Gòn đã cho đóng cửa mà không có báo trước cho khách hàng hay cho các ngân hàng Việt Nam mà họ có liên quan thỏa hiệp. Quyết định bất thần nầy đã làm tăng một cách nguy hiểm đến biến động rút tiền ra. Vào những ngày cuối cùng của tháng 4 /75, những người gởi tiền đã rút ra gần 40 tỷ bạc Việt Nam (khoảng 60 triệu mỹ kim) chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ .

       Tất cả các hãng hàng không xử dụng sân bay Sài Gòn, ngoại trừ các hãng Hàng Không Pháp, và hãng U.T.A. , và Hàng Không Việt Nam… đã hủy bỏ hết các chuyến bay có ghé lại Sài Gòn : Hãng Pan Am và Hàng Không Trung Hoa, Cathay Pacific, Hàng Không Singapore, Thái International…, vì lý do an ninh, họ nói như thế.

      Báo Việt Nam viết:

“Người ta đính chánh rằng Tổng Thống Trần văn Hương, bị áp lực của các Đại sứ Pháp và Hoa Kỳ là ông Mérillon và ông Martin, đã yêu cầu tướng Minh Dương hãy thay ông ta ở  chức vụ nguyên thủ quốc gia” Một sự đính chánh thật là ngớ ngẩn, vì tướng Minh đã xác nhận với tôi rằng ông ta đã lập Chánh Phủ.

      Cuối cùng một biện pháp lớn đã được ban hành: “Các cơ quan công cộng sẽ làm việc ngày 1 tháng 5.” 

      Trên thực tế, thì Chánh Phủ không còn nữa. Cũng không phải một văn phòng nội các  nào xử lý thường vụ nữa . Chẳng có con ma nào hết. Chẳng có một Chánh Phủ nào để cho ông già Hương bám vào nữa hết.

       Ngày hôm qua đây, Tổng Thống Hương còn bắt chơi bài quốc ca khi ông bước vào Thượng Viện. Ông cũng còn được một toán quân danh dự mặc đồ trắng bắt súng chào đúng theo nghi lễ. Nhưng các đơn vị xung kích, mặc áo giáp và đội nón sắt đang nằm ở các vị trí chiến đấu trên các đường lân cận. Sẵn sàng chiến đấu. Quân cộng sản Bắc Việt đang ở trong tầm súng đại bác.

       Hiện tôi đang có bản văn của bài nói chuyện của ông ta.

“ Tôi yêu cầu Thượng Viện giúp tôi chỉ định một nhân vật khả dĩ có thể thương lượng được với phía bên kia.”

      Chỉ còn có tướng Minh mà thôi , nhưng ông Hương lại thích ông Trần văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện hơn, “bởi vì ông nầy là đại diện hợp pháp của nền Cộng Hòa” và chính ông nầy đã ký vào Hiệp Định Ba Lê … và nhất là vì ông chánh trị gia già nầy không bao giờ chịu ủng hộ tướng Minh.

       Mười bốn sư đoàn cộng sản Bắc Việt đang ở ngay cửa của Sài Gòn . Lại đến lượt tướng Trần văn Đôn, người công dân của nước Pháp, cũng đứng vào hàng. Theo ông thì hình như ông đã có đường dây liên lạc được với phía địch.

       Có giá trị gì tướng Minh và cái gọi là lực lượng thứ ba nầy ?, hay cái đường lối thứ ba nầy mà ông ta đang là người cầm cờ đây ?

       Chỉ có vài nhóm có thế lực, nhưng ở Ba Lê thì “lực lượng Việt Nam tự do”, “lực lượng tranh đấu cho Dân chủ và hòa bình” , “lực lượng quốc gia tranh đấu cho hòa bình và trung lập cho Miền Nam Việt Nam”, “Hiệp Hội Phật Giáo Hải Ngoại”, “Phong Trào Hòa Hợp Hòa Giải quốc gia” và “Phong Trào đòi quyền sống cho Phụ Nữ Việt Nam”. Chỉ có chừng vài ngàn người thôi, nhất là các Ban Tham Mưu. Tôi còn quên “Lực lượng Hòa Giải quốc gia” của nghị sĩ Vũ văn Mẫu mà phần lớn các Phật tử đều không muốn tham gia. Hầu hết đều là những nhóm nhỏ và những hội ái hữu người lưu vong.

       Toàn là mộng du và sân khấu bóng hình, đầy chia rẽ và tranh chấp cá nhân, và cạnh tranh rắc rối giữa các nhóm, giữa đạo giáo, đôi khi còn tiền bạc nữa. Và cầm đầu các nhóm nầy là một nhân vật vừa không dám quyết định và can đảm không cầm được dây cương mà hình như còn bị người ta giật dây mình nữa : đó là ông Dương văn Minh, còn được gọi là Minh Dương (hay Minh lớn nữa)

      Năm nay ông 59 tuổi. Đối với người Việt Nam thì ông quá lớn con, do đó có tên là Minh Lớn. Ông chơi quần vợt giỏi và biết giữ sức khoẻ cho mình. Ông trồng hoa lan. Ông là một trong những chuyên viên nổi tiếng về hoa lan và ông cũng nuôi các loại cá lạ trong các hồ kiếng hoàn chỉnh. Ông thuộc loại giai cấp tiểu tư sản thân Pháp và nói tiếng Pháp của tỉnh Mỹ Tho, đối với Sài Gòn Mỹ Tho là một tỉnh “Pháp” hơn các tỉnh khác của Việt Nam. Ông gia nhập quân đội Pháp vào năm 1940, thiếu úy năm 1942, thời Diện Biên Phủ ông là trung tá. Ông sang học và đậu bằng Tham Mưu Cao Cấp ở Ba Lê. Vinh thăng thiếu tướng năm 1955 và là Tổng Tham Mưu Trưởng năm 1959. Người ta thấy ông là một quân nhân tốt vì ông không có làm chánh trị . Cũng có thể là ông không làm chánh trị nhiều vì ông không vào đảng Cần Lao, vốn là đảng duy nhất của chế độ, trong đó người ta mua quan bán chức. Đồng thời ông cũng rất là bình dân. Vào năm 1962, ông Diệm cho ông ra rìa và cho ông một chức vụ gần như danh dự là cố vấn quân sự của Phủ Tổng Thống nên ông có nhiều thì giờ rổi rảnh. Người ta thấy ông luôn luôn có mặt mỗi buỗi sáng ở sân quần vợt của Câu lạc Bộ Thể Thao, và hay chơi với những tay vợt hay của tòa đại sứ Hoa Kỳ. Do đó người ta đã quyết định dùng ông để lật đổ chế độ. Nhưng ông là một người tôn trọng pháp luật nên người ta phải thúc đẩy ông.      

     Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuối cùng ông là người đứng đầu các tướng lãnh lật đổ ông Diệm và cũng hơi lạ là ông đã trở thành Chủ tịch của Hội Đồng Quân nhân Cách mạng và sau đó là Nguyên thủ Quốc gia .

      Tôi gặp ông rất lâu lúc đó. Ông mong muốn có hòa bình, mà không phải bất cứ hòa bình kiểu nào, và triệt để không nhận mình là trung lập. Ông ta nói với tôi ngay tại văn phòng của ông ờ Tổng Tham Mưu :

“Phải có môt cuộc đảo chánh, hay là chúng tôi sẽ mất hết…Làm sao mấy ông muốn là chúng tôi đi tới hòa bình được, khi chúng tôi phải thỏa hiệp với Miền Bắc lúc chúng tôi đang ở thế yếu ? Đó là chúng tôi tự hiến mình cho cọp ăn. Trung lập hả ? nó không có nghĩa gì hết, và cái đó không bao giờ là một vị thế tốt để nói chuyện với cộng sản”.

      Nhưng mà mặc dầu vậy, đối với dân chúng ông ta vẫn được xem như một biểu tượng của hòa bình . Đâu đâu cũng hoan hô ông. Và nhiệt liệt.

      Ngày 31 tháng giêng năm 1964, người Mỹ lấy làm tức tối đã buộc tội ông là muốn thương thuyết với Bắc Việt , một chuyện hoàn toàn sai. Và họ đã dùng một anh hề lật đổ ông, đó là tướng Nguyễn Khánh.

      Vào cuối tháng 10  ông coi như bị lưu đày sang Thái Lan,  lãnh lương đại sứ nhưng không có một nhiệm vụ gì hết. Ông ở đó 4 năm, dùng thì giờ đọc sách nhiều hơn là tiếp khách, buồn lắm.

       Cuối cùng vào tháng 10 năm 1968, ông Thiệu cho ông trở về nước  và đề nghị ông làm cố vấn của Phủ Tổng Thống. Ông tự biết mình không thể làm được nên từ chối. Và từ đó ông không làm chánh trị và trở thành một người phong lưu, một người hiền triết mà người ta tôn sùng như một ông phổng.

     Cuối cùng vào năm 1971, ông lại lên tiếng và sau nhiều lần do dự, ông đứng ra tranh cử với ông Thiệu vào chức vụ Tổng Thống. Nhưng chỉ để rút lui sau đó, lấy cớ là những trò bầu cử nầy chẳng qua chỉ là một màn kịch mà thôi. Âu cũng là một chuyện thường tình ở Việt Nam cũng như ở khắp Đông Nam Á . Thái độ ngập ngừng do dự nầy của tướng Minh là một điệu nhạc “valse” của ông ta, 3 bước tới, ba bước lui.

      Ông Thiệu đắc cử và ông Minh trở về với vườn hoa lan và hồ nuôi cá của ông. Qua tiếp xúc ông tìm lại bạn bè cũ trong quân đội , vì cuối cùng ông cũng hiểu là không có họ ông không làm gì được cả. Nhưng ông cũng chỉ có lời nói suông còn ông Thiệu thì là tiền ! Mà là tiền mặt nữa !.

       Tôi gặp ông Minh lại rất thường, ông giải thích với tôi là ông rất chán ghét chánh trị, nhất là các quân nhân hay chen vào làm chánh trị, ông chỉ muốn giúp đất nước của mình mà thôi và khi nào người ta cần đến ông là ông sẽ có mặt ngay. Là một quan sát viên tỉnh táo, nhưng ông vẫn là một người hoạt động với tính không dứt khoát. Nay thì ông theo ý kiến của những người nầy, mai thì ông lại theo lời khuyên của những người khác. Người ta tưởng rằng ông sắp nói hay sắp làm một chuyện gì đó; nhưng ông tự khép kín trong một sự yên lặng khó hiểu.

       Cuối cùng giờ của ông ta cũng đã điểm. Ông biết lần nầy chỉ có một mình ông là có thể  không phải cứu Miền Nam Việt Nam mà là ngăn cản được chuyện tàn phá thành phố Sài Gòn. Bởi vì Miền Nam Việt Nam hiện chỉ là một thành phố  với gần 4 triệu dân cùng  một số lớn người dân tỵ nạn mà người ta ngăn cản không cho vào, và các bộ đội cộng sản Bắc Việt thì không còn có cách gì chống lại họ được nữa.

       Tôi đang đọc tờ “Tin Tức Viễn Đông”, một trong những cách giải trí nhất của tôi. Lẫn lộn trong nhiều chuyện đính chánh và tin đồn thất thiệt, tôi khám phá ra một bài được đóng khung của ông Gustave Lê văn Hổ như sau :

“Những ngày gần đây, nhiều tin đồn quá đáng có thể làm tổn hại đến thanh danh và danh dự của gia đình chúng tôi , liên quan đến những cuộc cướp bóc ở quán Auberge des Roches Noires ở Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Các nguồn tin nầy được  cố ý tung ra do những người xấu miệng. Để trả lời cho những chuyện ngồi lê đôi mách vốn chỉ là những chuyện bẩn thỉu không đàng hoàng đó, nhân danh gia đình chúng tôi, tôi cực lực đính chánh và tuyên bố là không có một vụ cướp trộm nào đã xảy ra ở đây hết. Hiện chúng tôi đang sống như hầu hết anh chị em ở đây trong an ninh hoàn toàn. Mặc dầu những chuyện phá phách như đã nói ở trên, quán chúng tôi vẫn tiếp tục mở cửa và tiếp khách như trong thời gian qua. Vốn là người quân tử, chúng tôi tha thứ hết các luận cứ sai trái đã được đưa ra trong một thời điểm lệch lạc và yêu cầu  tác giả của việc đó hãy có một chút lương tri và chính trực để rút các lời nói láo xược được tung ra nhằm làm mất thanh danh  gia đình chúng tôi và phá hại cuộc buôn bán của chúng tôi.”

                                       Ký tên : Lê văn Hổ Gustave, chủ quán “Đá đen”. Vũng Tàu.    

    Đây cũng là một trong nhiều chuyện lộn xộn kiểu Việt Nam mà chúng ta cũng nên tìm hiểu bên trong nó là cái gì.

    Xa xa một chút còn có vài hàng như sau :

Sáu mươi mốt người đã được di tản khỏi Sài Gòn đi Tân gia Ba sau khi tòa Đại sứ Anh ở Miền Nam Việt Nam tạm đóng cửa”

      Và sau hết là Tử vi cho ngày chúa nhật:

“ Hãy lên một chương trình và cứ theo đó mà làm. Anh sẽ đi vào một sự lầm lẫn nếu anh nghe quá nhiều người hoặc anh mong muốn làm gấp. Một thay đổi nhỏ ra ngoài nề nếp cũ sẽ có lợi. Đời sống vật chất của anh: anh sẽ ngạc nhiên đôi chút, hoàn cảnh không được rõ lắm. Anh dự trù có những chuyện thay đổi nhưng anh không chắc chắn về hình thức thay đổi. Đường lối chánh trị đúng nhất là cứ sống ngày qua ngày thôi. Đời sống xã hội của anh : anh cố gắng thay đổi chỗ ở. Đừng làm chuyện đó trước lễ Giáng Sinh. Anh phải tổ chức lại đời sống gia đình của mình. Nếu anh chưa cưới vợ, thì hãy sống độc thân một năm nữa.Thật là một điều không hợp lý để kết bạn vĩnh viễn ngay bây giờ. Có một chút căng thẳng trên cương vị cá nhân. Anh có một bài toán phải giải quyết, anh sẽ có giải đáp trước ngày lễ Giáng sinh. Tất cả sẽ được giải quyết nếu anh bình tĩnh và có quyết tâm.”

      Anh Christian Hoche của tờ Figaro và Michel Laurent, nhiếp ảnh viên của thông tấn xã Gamma đến ngồi cùng bàn với chúng tôi . Họ còn trẻ, đầy lòng hăng hái. Họ cười khi nghe tôi đọc mục tử vi.

      Cùng với toán của anh Moscardo thuộc đài truyền hình, họ sẽ đi xem chuyện gì đã xảy ra trên đường đi tử Xuân Lộc đến Trảng Bom. Tôi vẫn còn ngồi chờ toán của chúng tôi . Nếu họ tới thì có lẽ chúng tôi sẽ cũng đi theo hướng đó, vì theo một số tin tức thì cộng sản Bắc Việt đang đánh nhau quyết liệt với anh em tự vệ công giáo.

       Mặt ông thiếu tá có nhiệm vụ cùng đi theo họ thấy tái xanh. Bọn cộng sản  Bắc Việt sau hai ngày nghỉ, đã lại tiếp tục mở lại các cuộc tấn công.

       Chúng tôi tưởng rằng Miền Nam Việt Nam còn có 4 sư đoàn chánh quy, một sư đoàn biệt động quân , một sư đoàn Dù và một lữ đoàn thiết giáp . Tất cả khoảng 100 ngàn người phải đối diện với 15 sư đoàn cộng sản đang bao vây Sài Gòn từ ngày 18 tháng 4, cộng với các trung đoàn pháo binh. Nếu tính theo số người thì 100 ngàn người của Miền Nam Việt Nam phải đương đầu với 120 ngàn quân Bắc Việt đang vây hãm họ, Nhìn thoáng qua thì thật tình không tương xứng chút nào. Nhưng quân đội Miền Nam Việt Nam thì đang trong tình trạng lộn xộn, mất tinh thần và được bị mất đi một số cấp chỉ huy và vũ khí nặng.

       Hai anh bạn Hoche và Laurent thuộc toán của anh Moscardo và ông thiếu tá đi trên hai chiếc xe La Dalat, nhỏ hẹp, chỉ có 2 mã lực.

       Tôi và anh Coutard đi xuống bến tàu. Một quả rốc kết 122 ly rơi vào khách sạn Majestic, vốn đã có sân thượng bị phá hư. Tôi được biết là tướng Vanuxem, bạn và cố vấn của ông Thiệu đã ở đó và đang đi tìm một khách sạn khác.

        Ba trái rốc kết khác đã rơi xuống sau nhà ga xe lửa trung ương, làm cháy cả khu vực nầy. Có tất cả 10 người tử thương. Người ta còn nghe nhiều  tiếng gầm của đại bác ở xa xa . Pháo binh 155 ly của Mỹ bắn trả lại đại bác 130 ly của Liên Xô.

     Chúng tôi ăn trưa tại Bến Nhà Rồng. Ăn cua rang muối. Chúng tôi đang tìm hiểu xem có một sự bí mật nào mà quân đội của Miền Nam Việt Nam một quân đội hùng mạnh nhất, được trang bị tốt nhất ở Đông Nam Á nầy, lại có một quân chủng Không Quân hùng mạnh… lại bị ngã gục chỉ trong một tháng . Bây giờ họ chỉ còn gom lại để phòng thủ vùng ngoại ô của Sài Gòn  sau khi bị mất gần hết lãnh thổ của mình ngoại trừ một vài tỉnh ở phía Nam, mà không biết giờ nào cũng phải mất nốt .

Và đây là những sự kiện và những con số :

     Ngày 9 tháng 3, sau một thời kỳ tạm lắng chừng 3 tháng, trong lúc chiến dịch tổng tấn công mang tên là chiến dịch Hồ chí Minh mới bắt đầu, thì đây là lực lượng của 2 Bên. Họ suýt soát gần ngang nhau.

   - Miền Nam Việt Nam có khoản 270.000 quân chánh quy, 300.000 địa phương quân, 200.000 dân quân tự vệ (không có giá trị bao nhiêu). Ngoài ra về Không Quân họ có 60.000 (phi công và nhân viên kỹ thuật), và về Hải Quân 40.000. Có cả thảy là 6 sư đoàn Không Quân với cả ngàn phi cơ, trong đó có khoảng 370 loại tiềm kích và bỏ bom, nhưng vì thiếu chăm sóc nên khoảng trên một phần ba đang chờ được sửa chữa.    

      Điều thiệt thòi lớn nhất của quân đội nầy là : không có một trừ bị nào, tất cả các đơn vị đều bị dàn ra hết trên trận địa.

   -Bên phía cộng sản Bắc Việt , họ có 24 sư đoàn , mỗi sư đoàn từ 6000 đến 8000 binh sĩ (các sư đoàn của Miền Nam Việt Nam trên nguyên tắc có 12.000 người) và 55 trung đoàn chiến xa biệt lập, pháo binh và hỏa tiễn tùy theo sơ đồ căn bản của quân đội sô viết. Không có Không Quân.

     Tóm lại, quân đội Miền Nam dàn ra 270.000 binh sĩ đối diện với 230.000 quân Bắc Việt và Việt Cộng .

      Các đơn vị xung kích của Miền Nam trên hẳn các đơn vị của Miền Bắc ; bộ binh thì hơi kém hơn về phẩm nhưng họ có vũ khí tốt hơn. Dụng cụ cũng tốt . Các chiến xa sô viết tốt hơn chiến xa của Hoa Kỳ nhưng về phần còn lại, hai bên đều ngang nhau, để bù lại việc chiến xa Miền Nam kém hơn thì họ lại có một lực lượng Không Quân hùng mạnh và một số lớn trực thăng.

      Vào lúc khởi đầu tấn bi kịch thì quả là hai bên ngang nhau. Cũng không hẳn là như vậy. Bộ chỉ huy tối cao của Miền Nam Việt Nam không có ai hết trong khi phía địch thì trái lại, các cấp chỉ huy là những tay thiện chiến hiểu biết rành rẽ những lời giáo huấn của Clausewitz, của Mao trạch Đông và của bậc Thầy của ông nầy là Tôn Tử. Họ có một quá khứ, một kinh nghiệm lâu năm về chiến tranh và một Tổng tư Lệnh có uy tín là Võ nguyên Giáp, mặc dù ông nầy đau yếu và mệt mỏi nhưng luôn luôn vẫn là nguồn khích lệ của quân đội .

     Ở Miền Nam không có Bộ Tham Mưu. Ông Thiệu đã bỏ nó đi rồi, vì sợ bị tạo phản.Việc thăng thưởng của hàng tướng lãnh được thi hành vì lợi lộc, hay vì tiền bạc. Đâu đâu cũng có gia đình trị. Chiến lược của ông Thiệu rất là giản dị : Giữ tất cả lãnh thổ để không cho CPLTCHMN có mảnh đất nào từ đó thành lập được chính phủ. Một chiến lược như vậy phải hao tốn rất nhiều binh sĩ.

      Lực lượng địa phương quân ở Miền Nam không có phẩm lượng tốt để giữ vai trò đó, và các Tư Lệnh Khu hay ở địa phương thường dùng lực lượng địa phương quân  để chiếm đất, nên vì đó mà họ không có lực lượng trừ bị. Các đơn vị chánh quy thì được dùng vào nhữngviệc lớn hơn và được xử dụng như sen đầm. Họ giữ cầu, giữ đường, và các đèo, các thành phố . Trái lại quân Bắc Việt có thể vận hành theo ý muốn và tập trung lại rất dể dàng.Chỗ nào quân cộng sản cũng tấn công, còn quân Miền Nam thì phải ở thế phòng thủ .

      Từ năm 1972, quân đội Miền Nam đóng ở các căn cứ và không nhúc nhích, cả Thủy quân lục chiến và biệt động quân cũng vậy. Chỉ trừ các đơn vị Dù, còn các đơn vị khác thì ở tình trạng không hoạt động. Họ đóng quân luôn trong 3 tháng không thay đổi vị trí. Cả gia đình họ đến, vợ con và cả ông bà nữa.

     Trong một quân đội đi giật lùi đầy thành lũy như thế, người ta dùng thì giờ lo chăn nuôi, họ nuôi heo, nuôi gà vịt, hoặc lo trồng trọt, buôn bán, gát qua một bên mọi hoạt động quân sự được xem là khổ cực: thao dượt, tu bổ thành lũy… Làm như người Mỹ vẫn còn ở đó sẳn sàng can thiệp nếu có gì quá xấu xảy ra.

 

                                    (Xin đón xem Chương  Ba - Phần 2 )

 


   Trở về trang Mục Lục        Chương 3 - phần 2

1