CHƯƠNG  MỘT

(tiếp theo)

                                                

          Theo ông Pétrus Trương vĩnh Ký (quyển sách “Những Kỷ Niệm Lịch Sử của Sài Gòn và Những Vùng Ngoại Ô” : diễn văn của ông Pétrus Ký tại Đại Học Thông Dịch Viên 1887) thì cái tên Sài Gòn mà chúng ta đang gọi là tên của thành phố Chợ Lớn , thành phố của người Hoa trong hiện tại. Chữ “Sài” được mượn từ một chữ Tàu, có nghĩa là “Cây”; chữ “Gòn” tiếng Việt Nam có nghĩa là cây gòn. Thoạt đầu lúc người ta mới gọi Sài Gòn thì có rất nhiều cây loại nầy được người Cam Bốt trồng chung quanh các thành cổ bằng đất mà hiện nay người ta vẫn còn thấy được dấu vết gần đình Cây Mai và quanh vùng đó. Do vậy người Cam Bốt đã chỉ rõ cả vùng nầy là Sài Gòn.

        Trước vua Gia Long, Sài Gòn chỉ là một làng thường của người Cam Bốt, có tên gọi là Prei Kor với những rào cây xanh bằng cây “gòn” , nhưng dầu đơn sơ như vậy đây là dinh của một vị vua.

       Năm 1680, có hai vị tướng người Trung Quốc đời nhà Minh không chịu tùng phục người Mãn Châu là kẻ xâm lăng nước Tàu lúc bấy giờ, nên đã cùng với 3000 binh sĩ trốn đi trên 60 thuyền lớn. Họ đến với vua Hiền Vương của Việt Nam (lúc đó còn gọi là An Nam) . Vị vua nầy viết cho họ một lá thư để trao cho quốc vương Cam Bốt, chư hầu của Việt Nam, cho họ được phép ở Nam Kỳ để khai phá đất hoang quá rộng ở đây. Lúc bấy giờ quốc gia  Cam Bốt đang trong thời kỳ suy đồi, được chia ra làm hai vùng, một là ở phía Tây chịu ảnh hưởng của Thái Lan, và một vùng ở phía Đông chịu ảnh hưởng của Việt Nam . Coi như quốc gia nầy sắp bị diệt vong , cuộc xâm lăng của người Pháp đã cứu được quốc gia đó. 

        Đến được Đồng Nai, hai tướng người Tàu chia ra thành hai nhóm, một đi lên Miền Đông ở Biên Hòa và một nhóm xuống Mỹ Tho ở Miền Tây. Vị vua Cam Bốt ở Prei Kor cảm thấy bị đe dọa vì hai nhóm Tầu ở cả hai Miền Đông và Miền Tây, nên viết thư cầu cứu quốc vương Việt Nam .

        Quốc Vương Việt Nam muốn lợi dụng cơ hội để xuống chiếm luôn vùng nầy, nên đã gởi đến một tướng lãnh nào đó có tên là Văn. Vua Cam Bốt ở Sài Gòn chọn con đường tự tử để khỏi phải bị bắt để rồi sẽ bị nhốt vào cũi cho đến chết vì đói, theo phong tục lúc bấy giờ.  

       Sụ can thiệp của triều đình Việt Nam đưa đến một làn sóng di cư của người dân Việt   và nhờ sự giúp đỡ và khuyến khích của chính phủ đã lần lần chiếm hết Miền Nam Việt Nam.

      “ Thật tình mà nói thì trên phương diện hoàn toàn luân lý, người dân Việt vào Nam lúc bấy giờ hầu hết không phải là những người được chọn lọc, mà phần đông là dân bị đày biệt xứ, những người đào ngũ, những người sống lang thang không cửa không nhà, nhưng cũng là những người có cá tính đặc biệt quen với những thiếu thốn, chịu gian khổ, và họ đến nơi định cư với những đức tánh chịu khó, dẻo dai và ham hoạt động  .

       Do vậy, Sài Gòn cũng như cả Miền Nam Việt Nam được thoát thai từ một sự pha trộn giữa người Cam Bốt , những dân bất hảo và phiêu lưu người An Nam thời đó, người Mã Lai, người Nhật và một số lính đánh thuê người Tàu bị đuổi khòi Trung Quốc .

        Sự nổi dậy của người Tây Sơn, dân vùng bình nguyên An Khê, đã làm cho Nguyễn Ánh (về sau trở thành vua Gia Long) phải bỏ chạy. Nhưng may mắn ông lại gặp được một nhân vật đặc biệt là linh mục d’Adran, ông Pierre Pigneau de Béhaine, Khâm Mạng tòa thánh ở Nam Kỳ. Vị giám mục lực lưỡng nầy, người có một dòng máu lạ lùng pha trộn giữa một dũng tướng, một nhà ngoại giao và một nhà truyền giáo, là người bảo trợ cho người mà ông gọi là “một ông vua nhỏ bé, đau khổ của xứ Nam Kỳ”. Qua trung gian của giám mục nầy, Nguyễn Ánh xin được sự trợ giúp của nước Pháp, và ông giao cho Giám mục những gì quý giá nhất của đời ông : đó là hoàng tử Cảnh và ấn tín của nhà vua.

     Ngày 28 tháng 11 năm 1787, Hiệp Ước Versailles đã được ký kết, theo đó vua Louis XVI cam kết đặt lại ngôi vị quốc vương cho Nam Kỳ, bù lại người Pháp sẽ được tự do buôn bán trên toàn cõi Việt Nam và đặc biệt được quyền xử dụng hải cảng Tourane (Đà Nẵng) . Nhưng hoàn cảnh nội bộ của nước Pháp sau đó đã buộc vua Louis XVI phải quyết định hủy bỏ cuộc viễn chinh.

     Ngày 24 tháng 7 năm 1789, Giám mục Bá Đa Lộc vào Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) với 3 chiến thuyền, trong đó có chiếc Méduse với một đạo quân tình nguyện do chính ông tuyển mộ : 400 người Pháp. Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn, một căn cứ không mấy quan trọng và từ nơi đó ông chờ viện binh của ông.         

     Giám Mục Pigneau de Béhaine sẽ trở thành Bộ trưởng Chiến Tranh và Tổng Trưởng Ngoại Giao của vua Gia Long trong suốt 10 năm liền. Chính ông ta đã chuyển những nhóm người ủng hộ nhà vua thành một quân đội hiện đại, vững mạnh , mà cán bộ chỉ huy thuộc nhóm quân tình nguyện người Pháp 

     Quân Tây Sơn thua và bị đuổi đi, Nguyễn Ánh lấy lại Huế và sau đó Hà Nội (ngày 20 tháng 7 năm 1802) và lên ngôi với danh hiệu là Gia Long. Ông nhận sự tấn phong từ hoàng đế Trung Quốc vẫn luôn luôn với danh nghĩa là bá chủ của An Nam Quốc. Chỉ còn  thiếu có phép lành của người bạn Giám Mục của ông mà thôi.

     Sau đó không bao lâu thì Giám Mục qua đời. Ông được chôn ngay cửa thành phố Sài Gòn , trong một “ngôi mộ nguy nga” . Bây giờ thì chung quanh đó có quá nhiều nhà sùm sụp. Và toàn là kẻm gai chung quanh. Có nhiều binh sĩ đang phòng thủ ở đó sau những bức tường bằng bao cát. Một lần nữa, vị Giám Mục Pigneau de Béhaine nầy lại có mặt ở tiền tuyến..

      Thành Sài Gòn được Ông Olivier, một người Pháp trong hàng ngũ tình nguyện mà Giám Mục Bá Đa Lộc mang sang, đã  đứng ra xây cất theo kiểu Bát Quái dồ, có 8 cừa (8 ô theo thuật bói toán của người Tàu, gồm 4 hướng chánh và 4 hướng phụ), được dựng lên hướng về nhà thờ chánh tòa. Giám mục Pigneau de Béhaine người rất mến thương đại đội binh sĩ của ông nên cất nhà ở ngay tại đó.

      Đã trở thành hoàng đế, vua Gia Long đóng đô ở Huế, để Sài Gòn cho người phụ tá thân tín của ông là Ngài Tả quân Lê văn Duyệt, người sẽ trở thành Tổng Đốc xứ Nam Kỳ.

      Nhờ vào một vài người Pháp mà ông giữ lại bên mình, vua Gia Long  đã tiến hành được một chuyển đổi thật sự cho đất nước. Thật vậy, đi trước Nhật bản gần 60 năm, Ngài đã đoán thấy cái lợi của sự tăng trưởng sức mạnh mà một quốc gia Á Châu có thể có được do sự thu nhận kỹ thuật của phương Tây.

      Vua Gia Long mất vào năm 1820 và người con trai thứ tư của Ngài lên nối ngôi. Cũng giống như những vì vua kế tiếp là Thiệu Trị (1841- 1847) và Tự Đức (1847-1883), vua Minh Mạng tiêm nhiễm văn hóa Trung Hoa. Ông khinh miệt những người Tây  phương mà ông gọi là “ngoại lai” và nghi ngờ các xí nghiệp của họ. Triều đại của 3 vì vua nầy đã đánh dấu một sự phục hồi rõ nét ảnh hưởng văn hóa Khổng Học của Trung Quốc đến trở thành mẫu mực . Trong khi vua Gia Long đã biết được sự cần thiết của một sự hiện đại hóa càng nhanh càng tốt, thì những người kế thừa ông lại tin là có thể bảo vệ nền văn hóa Khổng học của Trung Quốc bằng cách cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.

      Để giữ vương quốc bị “Hán hóa” của mình cách biệt với thế giới bên ngoài, vua Minh Mạng và những vì vua kế tiếp đã truy hại những giáo dân, thuộc “giáo phái nghịch đạo”. Riêng tại Bắc Việt con số bị giết đã lên tới 70.000 trong tổng số 300.000 người. Có những sự bắt bớ toàn bộ, nhà thờ bị đốt, các linh mục truyền giáo bị xử trảm… đã khiến cho hải quân Pháp phải can thiệp , bắn chìm trước càng Đà Nẵng năm 1847 những tam bản và chiến thuyền của Việt Nam

        Những sự truy hại người công giáo vẫn cứ được tiếp tục như thường và một vị cố đạo người Tây ban Nha là Giám mục Diaz đã bị hành quyết. Điều nầy giải thích tại sao một tàu hộ tống và một biệt đội bộ binh tham gia việc chiếm đóng Nam Kỳ và tiến chiếm Sài Gòn .

       Hoàng đế Napoléon III đang cần có một vài chiến thắng quân sự đã lấy cớ vì những sự truy hại đó để can thiệp. Ngày 25 tháng 11 năm 1857, một hạm đội gồm có 14 chiến thuyền dưới quyền chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đã bắn vào các thành lũy của Đà Nẵng và các đại đội đổ bộ của ông ta đã chiếm thành phố và hô vang những khẩu hiệu “Vạn tuế Hoàng Đế Nã phá Luân”

         Ngày 17 tháng 2 năm 1859, đến lượt Sài Gòn bị chiếm. Cuộc tiến chiếm Sài Gòn bắt đầu từ sáng sớm tinh sương và chấm dứt lúc 10 giờ sáng và thành lính do ông Olivier xây cất bị chiếm. Người Pháp và người Tây ban Nha tìm thấy được ờ đó một số vật liệu đáng kể : “200 khẩu đại bác bằng sắt và bằng đồng, 20.000 khẩu súng tay, 8 tấn rưỡi thuốc pháo… một thùng đựng bạc  để đúc tiền trị giá 130.000 quan Pháp và một số lượng gạo đủ nuôi 8.000 người trong một năm. “

     Đô đốc long trọng chiếm thành phố và chỉ định đại tá Jauréguiberry làm tổng trấn. Đô đốc Bonard kế vị đô đốc Rigault de Genouilly với danh xưng là thống đốc toàn quyền xứ Nam Kỳ. Vua Tự Đức đành phải chịu mất cả Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

     “Không thấy có Sài Gòn một thành phố của người An Nam lúc chúng tôi đến đây” Ông Jean Bouchot đã viết như vậy trong Tập San Nghiên Cứu vế Đông Dương “ .

“Trong giới hạn hiện tại của trại binh sĩ Pháp, người ta chỉ có thể nhìn thấy được một số xóm, làng mạc, những vùng dân cư rải rác, hoặc dọc theo hai bờ sông, hoặc trên bờ rạch theo các hàng cây xanh, hoặc trên sườn đồi nhỏ nằm trong vùng bảo vệ của trại lính.”

     Và đây là phần mô tả của ông Léopold Pallu của tạp chí La Barrière năm 1859 :

“ Người khách du lịch lúc đến Sài Gòn thấy được bên bờ phải của con sông một con đường mà hai bên nhà cửa thưa thớt, cách khoảng với nhau, có nhiều khoảng trống lớn.  Hầu hết các căn nhà cây được lợp bằng lá dừa nước. Có một số ít được xây bằng đá, nóc lợp bằng ngói đỏ xem đẹp mắt phần nào. Kế đó là nóc nhà mái cong của một ngôi chùa phối cảnh của con rạch Tàu và hai con kinh nhỏ dùng cho các xuồng ghe nhỏ của người bản xứ. Một hàng hiên không còn thẳng đứng được dùng làm chợ mà nóc của nó lúc nào trông cũng thấy muốn xiêu về bên phải. Hằng ngàn chiếc ghe thuyền chen nhau  đậu vào bờ sông trông như một làng nổi. Người An Nam, người Ấn Độ, Tàu và vài quân nhân người Pháp và Phi Châu qua lại đi tới đi lui, thoạt nhìn tạo nên một cảnh trí lạ  nhưng sau đó thì mắt thấy chán chê ngay. Sau đó thì Sài Gòn không còn có gì để mà xem nữa hay nếu có thì dọc theo con rạch Tàu còn một số nhà khá sạch sẽ được  xây cất bằng đá, trong đó có một ít nhà cũ, còn đứng vững được sau các cuộc nổi dậy vừa qua. Lúc chúng tôi vừa đến chiếm cứ ở đây thì vùng đất thấp hiện tại của Sài Gòn chỉ là một vùng đồng ruộng sình lầy tràn ngập nước khi thủy triều lên. Các quan chức dân sự và quân sự và những người khá giả thì ở trên bình nguyên chạy dài từ thành lính Pháp đến cánh đồng mả, trong khi lớp dân chúng đang cần làm lụng mỗi ngày thì chen chúc nhau ở bên bờ phải của con rạch trong những nhà sàn lợp lá trông như được treo lửng lơ dọc theo hai bên bờ sông như chúng ta còn thấy hiện nay.Vài con đường nhỏ được nâng cao lên khỏi mặt nước nối liền thành phố kỹ nghệ với các khu nhà quý tộc, và ai cũng biết là người An Nam quá quen với chuyện đi dưới ruộng rồi thì việc liên lạc qua lại giữa các khu không có gì gọi là khó khăn hết.” (báo Courrier de Sài Gòn ngày 5 tháng 6 năm 1865)

     Vài năm sau, một người khách du lịch khác đã viết về Sài Gòn như sau :

“Có những lều nhỏ được cất theo kiểu nhà sàn, nối liền nhau bằng những cây tre kết lại với nhau, làm thành khá nhiều khu dân cư. Hai bên bờ có rất nhiều con rạch nhỏ đầy bùn. Đó là nhà ở của dân chúng được xây cất ở nơi mà bây giờ người ta gọi là thành phố Sài Gòn , lúc đô đốc Rigault de Genouilly mang lá cờ tam tài của Pháp đến dựng lên ở cái thành lính đổ nát của người An Nam lúc bấy giờ.”

       Một sĩ quan đã mô tả cho chúng ta bên trong của các nhà đó như sau :

“ Một buổi sáng tôi đã đến thăm một vài căn nhà nhỏ của Sài Gòn, mặc dầu tôi cảm thấy khó chịu khi tôi tiếp xúc với những người có hàm răng đen vì trầu và môi đỏ như máu vì bị chất vôi ăn trầu đốt cháy, và họ hay cắn rận chí của chính họ. Cũng giống những căn nhà ở Đà Nẵng, bàn ghế bên trong rất thô sơ. Trên nền nhà bằng đất họ trải chiếu. Người dân thường ngồi trên chiếu để ăn cơm. Nằm ở cuối nhà là một chiếc giường, với khung cây và cao hơn mặt đất, có chiếu trải ra trên đó. Hai bên vách có treo các thúng rổ đan bằng tre, trong đó là ổ chuột, bồ cạp v.v.. Nhà không có cửa sổ, không có ống khói, chỉ có một cửa trước với một tấm phên dở lên dở xuống bằng một khúc tre…” 

     Ông Jean Bouchot còn viết như sau :

“ Khi quân lính tiến vào, thành phố chỉ có một thành lính, được xử dụng như một trung tâm hành chánh hơn là một căn cứ quân sự, với một trại của mấy ông đồ nho và môt vài khu buôn bán, nhà cửa lụp xụp như người ta thường thấy chung quanh các trại lính người An Nam khác.

       Hầu hết phần đất bây giờ nằm giữa bờ sông, chợ, đường Catinat (Tự Do) và đường Bonard, là khu đất sình lầy, trong đó còn có vài con rạch nhỏ đầy bùn chạy ngang dọc. Như người ta đã nói một cách công bằng, phải tài lắm  mới lắp hết được vùng sình lầy nầy trong một thời gian ngắn kỷ lục, rồi làm cho đất cứng lại, đặt ống cống, xây cất nhà đẹp và các tượng đài kỷ niệm, phóng các con đường và trồng  cây 2 bên, xây các đại lộ, các bồn binh, đặt các ống nước và phông tên nước khắp nơi đề có nước ngọt xử dụng cho đời sống của dân chúng …Nói tóm lại bằng mọi cách tạo ra một thành phố kiểu Âu Châu, duyên dáng, xinh đẹp, tiện nghi cho đời sống, ăn ở, đầy sức sống và mọi sinh hoạt cho 35.000 dân. Công trình nầy chúng tôi phải ghi công cho các đô đốc và vị toàn quyền đầu tiên của chúng tôi một người dân chính, ông Le Myre de Villers. Từ một bãi sình  lầy, ngập nước , bẩn thỉu… nhờ họ đã biến thành một trong  những thành phố đẹp nhất và trong lành nhất ở Viễn Đông.”

       Đô đốc Charner, vừa đặt chân lên bờ đã bắt tay ngay vào việc.Cùng với những người kế vị ông , các đô đốc Bonard, De la Grandière, Rose, Ohier Cornulier-Lucinière, Dupré, Krantz, Duperré, Lafont…. họ cùng nhau xây dựng một thành phố. Nhưng thật đúng là quan niệm của hải quân: những đại lộ thẳng tắp được trồng cây hai bên lề tất cả đều dẫn xuống hải cảng, như đường Catinat (Tự Do). Dĩ nhiên còn có những đường cắt ngang. Các nhà đều được xây cất bằng gạch và sắt, như bệnh viện Grall, được thoát thai từ lối kiến trúc thượng từng như những chiến hạm để cho không khí được lưu thông dễ dàng.

       Cuộc tiến chiếm đã phá hết thành phố Sài Gòn cũ, kế hoạch xây cất thành phố mới được vẽ rộng ra quả là một sự hồi sinh. Phải san bằng vùng bình nguyên quá cao , lấp bằng càc vũng lầy, làm lại các con đường và xây cất nhà cửa trên vùng đất không có chân. Con đường đầu tiên được sửa chữa phục hồi lại là con đường Catinat, dựa trên con đường cũ của người An Nam đi từ con sông đến thành lính cũ. Bên trái con đường nầy từ con sông đi lên, ngay đại lô Charner bây giờ, là con kinh Charner cũng được gọi là con Kinh Lớn, chỉ mới được lắp đi vài năm gần đây thôi. Con kênh nầy vốn giúp cho các thuyền bè chuyên chở đầy ấp hàng hóa, và thực phẩm đưa vào dọc theo hai bên chợ, đã phải bị lấp đi vì tình trạng ao tù nước đọng, quá bẩn dễ sanh bệnh thời khí. Hai bên bờ kinh là hai bến cảng, đó là bến cảng Charner và bến cảng Rigault de Genouilly, thẳng góc với con sông và đến đường Espagne là hết.

Đô đốc Bonard cho xây cất ngoài vòng thành một căn nhà rất đẹp bằng cây ván, mua ở Tân gia Ba, tạm dùng làm dinh toàn quyền. (tất cả các đô đốc vẫn tiếp tục ở dưới tàu của họ neo trên sông Sài Gòn vừa để cho mát mẻ mà cũng vừa để được lãnh tiền lương hải hành và 12 phần lương thực mà họ vẫn có quyền được hưởng.) Cột cờ đươc dựng lên phía trước mặt tiền nhìn về con sông Sài Gòn. Đây cũng là nơi dẫn đến hệ thống điện tín nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn , Biên Hòa , Bà Rịa, và Vũng Tàu. Điện tín tư vẫn có như ở bên Pháp.

Trại lính của tiểu đoàn binh sĩ bản xứ trên đồi trông thật ngoạn mục. Gần đó, bên trong trại cũ của những nhà nho cũng được thấy dựng lên một số trại gia binh. Các nhà kho và cơ xưởng của hải quân và của pháo binh thì nằm ở giữa con sông và các công trình mới, ở đó người ta đã tiến hành lấp con rạch nhỏ. Bên cạnh đó là trường dạy các thông dịch viên, một bệnh viện mới và một số nhà đẹp của các bà sơ của dòng Saint Enfance…

       Ở đâu cũng có trồng cây cỏ xanh um. Nhà thờ được cất xong năm 1885. Phải tốn hết 2.059.257 quan Pháp. Người ta rất hãnh diện. Cũng như với nhà hát lớn, vườn bách thảo và nhà vòm của nó dành để chơi nhạc, khách sạn và các nhà bưu điện, câu lạc bộ sĩ quan và khách sạn của vị Phó toàn quyền. Về vật liệu, luôn luôn là gạch và sắt.

      Bình luận gia của tờ “Tạp Chí Đông Dương” (1898) đã bay bướm kết thúc một bài  hay tuyệt, mô tả như sau:

“ Các anh không được nói về Sài Gòn một cách hời hợt nữa, các anh phải hiển nhiên công nhận thành phố nầy không phải là một tác phẩm giả tạo, một ý thích bất thường của một vài ông đô đốc hay của một ông toàn quyền dân sự, sau cùng các anh sẽ đoán ra tại sao bao nhiêu người Pháp và công chức, kiều dân, bộ binh và lính thủy đã thương yêu xứ Nam Kỳ lắm lúc tha thiết đến có thể chết vì nó, tại sao họ muốn nó phải có một tầm quan trọng, và không bao giờ nghi ngờ về tương lai của nó. Nếu các anh hiểu được chuyện đó các anh sẽ phải ngã mũ chào Sài Gòn , thủ đô của Nam Kỳ, ở đó suốt 35 năm không gián đoạn lá cờ của nước Pháp hãnh diện tung bay…”  

     Sài Gòn sẽ trở thành một trong những thành phố dễ thương nhất của Viễn Đông. Đời sống ở đây rất êm dịu, nhất là cho những người Âu Châu. Các thương buôn đến từ Pháp và hợp tác với người Hoa để giữ độc quyền về lúa gạo và mua bán đất đai. nhưng chỉ trong thành phố thôi. Người Việt Nam vẫn còn là chủ của những đồng ruộng lớn ở Miền Tây.

Từ năm 1880, ở Sài Gòn đã có một hội đồng thành phố nơi đó các công chức và kiều dân Pháp làm luật hơn là những người Việt Nam mà trước đó họ cần phải xin được vào quốc tịch Pháp.. 

Ba sở công cộng đã  được thành lập: sở thuốc phiện, sở rượu và sờ muối. Một người du lịch vào thăm sở thuốc phiện và mê say 3 bộ máy cân tự động do một công chức chánh ngạch của quan thuế , ông Deyne, sáng chế ra giúp có thể cân được 10.000 hộp thuốc phiện trong một ngày.

“ Vào ngày mà chúng tôi đến viếng nhà máy chế tạo thì cái kho chứa cây thẩu để cho lên men  đang có đến 34.570 kí lô thuốc phiện đang lên men mà giá tại xưởng là 13 hay 14 $ một kílô. Cái kho chứa võ cây thẩu có những bình chứa hình xi-lanh, có hình dáng như các hộp sữa đặc . Mỗi bình chứa độ 100 gờ ram vỏ cây thẩu và bán ra thị trường với giá là 1 đồng bạc một hộp. Vỏ cây hay đúng hơn là lá cây thẩu ép lại, chưa nấu, do công nhân và các thợ đốn cây làm ra. Họ nhai các vỏ cây nầy như ăn trầu vậy. Vỏ và lá cây thẩu có một số lượng rất ít mót-phin và dược chất khác từ thuốc phiện. Sở nầy cung cấp  cho Bắc Việt và Trung Việt từ khi hai nơi nầy bị cấm trổng cây thẩu.”

     Hải cảng Sài Gòn  được trang bị lại. Một đường xe lửa được thiết lập để nối liền thủ đô Miền Nam với Hà Nội ở Bắc Việt .

     Dưới sự lãnh đạo của ông Paul Doumer, một nước Đông Dương thuộc Pháp được hình thành. Mặc dầu có một số chống phá của người quốc gia nhất là ở Bắc Việt, sự tăng trưởng của một vài hội kín ở Trung Việt và sự ra đời của một vài giáo phái ở Nam Việt nhưng thuộc địa vẫn tiếp tục phát triển. Phần lớn dân chúng dưới trào của ông Albert Sarraut, đã chọn nước Pháp.

Trong thời kỳ Thế chiến 1914-1918, cả Đông Dương chỉ có 2.500 vệ binh Đông Dương mà không có xảy ra một biến loạn nào, trong lúc có gần 100.000 người Việt sang tác chiến và làm việc tại Pháp.           

     Nam Kỳ có một quy chế cùa một lãnh thổ Pháp, và Sài Gòn có một sự quyến rũ như một thành phố của một tỉnh được chuyển đến vùng nhiệt đới..

      Các buổi khiêu vũ, các chợ hoa, các cuộc triển lãm, các chầu kịch nghệ…đã làm cho người ta quên hết những hiểm họa đang đe dọa Đông Dương và đặc biêt hơn hết là Sài Gòn .

    Đảng cộng sản của Hồ chí Minh và đàng Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng nhái theo đàng Kou ming Tang của Trung Quốc xúi người ta đình công và biểu tình đã bị thẳng tay dập tắt. Có ai lo lắng cho Sài Gòn, ngoài một số chuyên viên mật thám ?

     Lạ lùng thay, vào năm 1939, khi chiến tranh bùng nổ, toàn cõi Đông Dương thật là yên tịnh. Mà đây cũng là một thời kỳ phồn thịnh nhất ờ đó. Giá gạo và cao su đang lên, con đường hỏa xa xuyên việt đã thực hiện xong, nối liền Sài Gòn với Hà Nội trong 50 giờ. Những kẻ gây rối được đưa vào nhà tù.

     Người dân bản xứ và kiều dân Pháp sống gần nhau hơn bao giờ hết.Người ta qua lại tiếp đãi nhau. Cả một thế hệ người Việt được đào tạo về văn hóa và tư tưởng của Pháp.

      Nước Pháp thất trận năm 1940. Đông Dương bị cắt đứt liên lạc với nước Pháp và suốt 5 năm như vậy. Ngày 18 tháng 6, Nhật bản gởi tối hậu thư cho tướng Catroux, buộc ông nầy phải đóng cửa biên giới Việt Hoa trong vòng 24 tiếng đồng hồ, và để cho giới chức Nhật được quyền kiểm soát biên giới nầy.

     Trên thực tế không có quân và cũng không có không quân, mà đã có kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ nhưng vô hiệu , toàn quyền Catroux đành phải nhượng bộ. Đô đốc Decoux thay thế ông ta và còn phải buông bỏ một vài chỗ nữa : phi trường Hà Nội , phi trường Lào Kay và cả cảng Hải Phòng, để chỉ đổi lấy một sự công nhận chủ quyền Pháp trên lãnh thổ Đông Dương một cách mơ hồ.

      Hiến Binh Nhật, (Kempétai) được dùng để xúi dục dân chúng chống lại người Pháp, họ xử dụng các giáo phái chánh trị - tôn giáo ở Miền Nam như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hão và những nhóm quốc gia nhỏ. Nhưng Đồng Minh thì vẫn tiếp tục không nhận sự giúp đỡ của họ.

     Đô dốc Decoux và nhóm người của ông cưỡng lại từng bước một, báo cho chính phủ Vichy nhưng sống hoàn toàn tự túc, không có viện trợ, không có lệnh lạc gì cả, vô phương tìm được một sự ủng hộ của một nhóm dân chúng Việt Nam  nào ngoài các nhóm cộng sản , quốc gia và nhóm cộng tác với Nhật Bản.

     Ngày 9 tháng 3 năm 1945, là ngày của bạo lực. Lực lượng của  Mikado tấn công bất thần. Quân đội Pháp bị triệt tiêu, bị cầm tù ờ Sài Gòn, bị sát hại ở Lạng Sơn. Không còn chánh quyền nữa. Người Nhật biết mình sấp sửa thua nên trước khi thất trận họ muốn lôi kéo cả vùng Đông Nam Á vào cuộc chiến chống người da trắng.

      Người Pháp ở Sài Gòn sắp biết những giờ phút khó khăn. Họ bị tập trung vào một số khu vực. Đã quen với lối sống tự do thoải mái, họ gặp lại nhau người nầy nhìn người khác, suốt thời gian không một người giúp việc nên họ thấy khó mà sống khổ như vậy được.

       Hà Nội và Huế đã rơi vào tay của Việt Minh cộng sản vào lúc Nhật đầu hàng. Bảo Đại cũng thoái vị chạy theo Việt Minh. Tại Sài Gòn Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất được người Nhật dựng lên nhưng đã nhanh chóng bị cộng sản chế ngự. Cờ đỏ tung bay từ biên giới Trung Quốc  đến mũi Cà Mau .

     Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội Hồ chí Minh tuyên bố độc lập trên toàn cõi Việt Nam và nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam ra đời. Tại Ba Lê, người ta không biết những gì đã xảy ra và người ta đề ra  những kế hoạch trên cung trăng.   

     Nếu Việt Minh  nắm chặt được Miền Bắc, thì ở Miền Nam lại hoàn toàn khác hẳn.

     Ngay tại Sài Gòn tình trạng hỗn loạn đang tiến mạnh . Trộm cướp từ Khánh Hội, Chợ Lớn, Đakao, tràn lan ra khắp nơi ở Đô thành. Ở các cửa ngõ vào thành phố bên kia sông Sài Gòn , các tay cướp Bình Xuyên bắt đầu ra trấn đóng các căn cứ để từ đó họ tung ra làm ăn ở ven đô. Sự sôi động đang tăng dần. Các nhóm trốt-kít, cộng sản, Cao đài đều tung ra hoạt động, trong lúc chung quanh các trại lính Nhật, chuyện buôn bán vũ khí đang phát triển mạnh.

Bọn cộng sản không kiểm soát nổi dân chúng . Quân đội Anh đến nhận sự đầu hàng của người Nhật phải duy trì trật tự . Họ dùng lại những binh sĩ Nhật  vốn một lòng với những đám nổi dậy.

Ngày 2 tháng 9, có một người truyền giáo bị ám sát trên sân nhà thờ, một nhóm người do các tay cầm đầu xúi dục đã cướp phá gia cư của người Pháp. Hàng trăm người trong cộng đồng Âu Châu bị bắt đi. Có một số người chết và bị thương….

     Khoản 2000 binh sĩ Pháp - trong đó có 1400 tù binh chiến tranh được tái võ trang- chỉ trấn giữ thành lính Pháp (11 ème R.I.C), nơi đó có một số ngườiViệt Nam thân Pháp tỵ nạn. Quân đội Anh có khoản 1800 lính Anh  và Ấn.

     Ngày 24 tháng 9, có hơn chục người Pháp bị ám sát trong khu vực hải cảng và ngày 25 trong cư xá Hérault ngay giữa khu người Âu Châu có một trăm người da trắng và lai gồm cả nam nữ và trẻ con bị tàn sát trong những điều kiện đặc biệt hết sức dã man. Một trăm năm chục người khác bị bắt cóc và giữ làm con tin. Tất cả đã đượcxảy ra trong vòng hai tiếng đồng hồ trong sự kinh hoàng và hổn loạn.

     Bọn cộng sản vì sợ bị cho là có liên lạc dính líu với chánh quyền mới của người Pháp nên thẳng tay giết chóc không biết gớm tay. Họ còn làm hăng say hơn những người cuồng tín thuộc các giáo phái và bọn cướp bóc vùng Dakao để người Âu Châu không thể biết họ là ai. Do đó lúc bấy giờ thật rất khó mà thương lượng được với họ . Sau 80 năm bị đô hộ rất thanh bình và không biết gì là lo âu , bây giờ Sài Gòn lại có một bộ mặt khác, một bộ mặt thật hãi hùng. Từ đâu mà Sài Gòn lại có bộ mặt nầy ? Từ những cuộc biến loạn có nguồn gốc của nó ?

      Ngày 6 tháng 10, chiến xa của tướng Leclerc đổ bộ từ sông Sài Gòn  chạy ngược lên đường Catinat (Tự Do) trong cơn bão, mưa như trút nước . Như thế là cuộc chiến đầu tiên ở Đông Dương vừa bắt đầu…. Thành phố Sài Gòn được bình định nhanh chóng, và từ thời điểm nầy Sài Gòn  sẽ được đứng ngoài các trận chiến. Trừ hai trường hợp, là trận tấn công các giáo phái vào năm 1955 của chánh quyền, và trận tổng công kích Tết Mậu Thân    năm 1968 của cộng sản . Nhưng Sài Gòn sẽ lợi dụng cuộc chiến nầy, một cuộc chiến dài bất tận trong suốt 30 năm mà không biết ngượng ngùng và cũng không giữ ý tứ chút nào.

 

       Ngày thứ sáu 25 tháng 4 năm 1975 nầy, trên sân thượng của khách sạn Continental… tôi ngồi uống rượu với một vài nhà báo . Họ đến đây để chứng kiến những ngày cuối cùng của Sài Gòn ,.Những anh bạn cũ không còn ở đây nữa : các anh Bodard, Clos Ullman và tất cả các anh khác, những  người mà người ta gọi là các nhà báo gốc Á Châu. Anh Schoendorffer đã viết xong một quyền sách rồi nên  không thể đến, anh Bernard Fall thì đã đi đong vì đã đạp phải một quả mìn của Việt Cộng   … . 

      Chung quanh chúng tôi như thường lệ vẫn có bọn giả trang, bọn gái điếm, bọn ăn xin, và bọn tàn tật không biết thật hay giả, cụt tay cụt chân…..Và bọn trẻ con cứ như đàn ruồi mà chẳng một ai đưổi được. Gái cũng như trai, họ cứ như rình rập mình, và sẳn sàng trao cho mình những gì mình muốn, bất cứ loại nào mà mình thấy cần, từ ma túy đến gái… . Và lúc nào cũng có thể chôm cái ví của mình nữa , nếu chúng nó có cơ hội.

      Bên kia đường là các quầy nhỏ của những người bán thuốc lá. Tất cả đều rất yên tĩnh! Vậy thì chiến tranh nó ở đâu ?

     Nhưng ở Tân sơn Nhứt , các xe ca đầy ấp người đang đổ người Mỹ và người Việt Nam xuống sân nhựa. Không đi qua hàng rào quan thuế hay an ninh, cảnh sát , họ chạy ùa vào các chiếc phi cơ Galaxy khổng lồ sẵn sàng cất cánh ngay sau đó; thường vào ban đêm…

      Từ hai đến ba ngàn người dân tỵ nạn định tràn qua lực lượng an ninh cảnh sát của phi trường để vào một trong các chiếc phi cơ nầy . Hoa Kỳ dự trù di tản 130.000 người Việt Nam mà họ nghĩ là họ có bổn phận vì “nghĩa vụ tinh thần”, trong số đó có khoảng 50.000 người được xếp vào  loại “có nguy cơ cao” sẽ nguy hiểm đến tánh mạng nếu họ còn ở lại Miền Nam Việt Nam, như là các nhân vật chánh trị , các nhân viên tình báo, cảnh sát và những người hồi chánh. Khoản 30.000 đã được di tản xong. Cho tới ngày hôm qua người Mỹ tin là họ còn được một tuần lễ nữa cho vấn đề di tản bằng cả phi cơ vận tải C.130 và những chiếc C.141. Nhưng các tin tức quân sự hình như rất xấu. Chốt Xuân Lộc vẫn còn, nhưng sư đoàn 18 bộ binh có nhiệm vụ phòng thủ tại đây đã bị bọc hậu nên phải rút về Trảng Bôm nằm ở giữa  Xuân Lộc và Sài Gòn . Tỉnh Hàm Tân bị mất làm cho hải cảng Vũng Tàu (cap Saint Jacques) bị trống, hải cảng nầy ở cách  thủ đô 65 cây số có thể giúp di tản một lượng người đông đảo hơn. Hoa Kỳ do đó có dự trù cho đổ bộ vài ngàn thủy quân lục chiến để giữ hành lang giữa Sài Gòn và Vũng Tàu. Nhưng đã quá muộn. Căn cứ Không Quân Biên Hòa đã bị pháo binh nặng của cộng sản bắn vào… 

      Nếu Biên Hòa mất – và có ai cản được chuyện đó – thì Miền Nam Việt Nam chỉ còn có mỗi một phi cảng duy nhất là Tân sơn Nhứt . Chỉ cần vài quả rốc kết cũng đủ để vô hiệu hóa phi cảng nấy.

     Hai ngân hàng Chase Manhattan và First National City vừa cho đóng cửa. Hầu hết các hãng hàng không không còn bảo đảm một chuyến bay nào nữa ngoại trừ 3 hãng: Hàng Không Pháp Air France, hãng UTA, và hãng Air Việt Nam . Lý do là : các chuyến bay C.130 và C.141 của Hoa Kỳ đã có bị địch bắn lên.

     Ông Trần văn Hương, một ông già suy yếu đáng kính, người đã thay thế tướng Nguyễn văn Thiệu, đã tiếp xúc hết người nầy đến người khác, từ Đại sứ Pháp, Đại sứ Hoa Kỳ, đến vài nhân vật địa phương mà tên tuổi gần như đã bị chìm trong quên lãng.  Ông nghiên cứu tình hình. Rất là chăm chỉ. Ông đã có một vài biện pháp quan trọng. Phải chăng ông đã thay thế một tướng lãnh bằng một đại tá ở chức vụ Đô Trưởng Sài Gòn ?

      Tôi thật sự đã ngửi được ngày cuối cùng của thành phố Sài Gòn và tôi không thể tin được đó là sự thật. Đã nhiều lần rồi Sài Gòn đã được cứu thoát như một phép lạ vậy. Nhưng lần nầy, người ta thấy khó mà chuyện đó có thể xảy ra. Cả 4 sư đoàn có nhiệm vụ phòng thủ thành phố trên thực tế đã bị cô lập.

      Thiết quân luật vào 8 giờ chiều. Chúng tôi ăn tối tại khu vườn phía sau khách sạn. Một trái hỏa châu đang lơ lửng bay trên không dưới chiếc dù của nó..Từ căn phòng của tôi nhìn xuống tôi thấy con đường vắng hoe. Không có một bóng người, cà một đội tuần tiễu cũng không có. Có một vài tiếng súng trong đêm tối nhưng xa xa ..Tôi hy vọng ngày mai hai bạn Merlin và Mathurin sẽ tới, đó là một người quay phim và một người thu âm thuộc toán của chúng tôi . Có lẽ họ phải lấy chuyến bay từ trạm Bangkok. Họ đã thử vào Cam Bốt qua ngả Lào nhưng không được.

      Có nhiều chuyện lạ lắm đã xảy ra ở Phnom Penh.. Cái được gọi là “giải phóng” thành phố  bắt đầu bằng một buổi lễ và đã chấm dứt bằng những cuộc tàn sát ghê rợn và một sự xua đuổi dân chúng hàng loạt…. ra khỏi thủ đô.

      Chúng tôi có phải chứng kiến một cảnh “giải phóng” như vậy ở Sài Gòn hay không đây ????

 

*****************

Xin đón xem tiếp CHƯƠNG HAI

 


   Trở về trang Mục Lục     Chương 2

-->

1