NGƯỜI SĨ QUAN HAI LẦN CHẾT

(HAY LÀ CUỘC HÀNH QUÂN THANH TUYỀN)

 

     Đây là một câu chuyện có thực, được kể lại để vinh danh QLVNCH đặc biệt nhất là những sĩ quan Tham Mưu làm việc trong bóng tối đã từng đem hết tim óc ra để phục vụ cho quê hương thân yêu, bất kể giờ giấc, trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Vì một lý do riêng, một số tên tuổi cấp bậc, đơn vị v.v. được thay đổi nhưng không  vì thế mà làm mất đi tính chất xác thực 100% của câu chuyện, do đại tá N… thuật lại, sau khi qua Mỹ theo diện H.O., và hiện đang định cư ở tiểu bang California.

                                                                                                  Dương hiếu Nghĩa

*******

 

Thời gian: năm 1972, mùa hè đỏ lửa.....

Không gian: Vùng I Chiến Thuật...  Việt Nam Cộng Hòa     

        Báo chí, các đài phát thanh trong nước và ngoại quốc liên tục loan tin cuộc tấn công mùa hè của quân đội nhân dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mà thế giới thường gọi tắt là  Bắc Việt , tấn công vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Qua cuộc tấn công nầy cộng sản  muốn trắc nghiệm QLVNCH sau chánh sách Việt Nam Hóa chiến tranh của tân TổngThống Nixon. Họ còn nhắm vào mục tiêu tìm lợi thế chiến trường để có thế thượng phong tối đa trên bàn hội nghị Paris mà Hoa Kỳ và  Bắc Việt đã "mật đàm" từ năm 1968.                               

      Bằng ba mủi dùi hướng vào 3 quân khu 1, 2, và 3 của Miền Nam  Việt Nam,  Bắc Việt mở một cuộc tấn công đại quy mô bằng quân đội chánh quy của họ, một quân đội với đầy đủ vũ khí hiện đại của Liên Xô như thiết giáp, pháo binh tầm xa và hỏa tiễn,  chỉ thiếu có không quân mà thôi. Lực lượng tấn công lớn hơn gấp bội so với lực lượng tấn công Tết Mậu Thân .

      Tình báo Việt Nam cũng  như các quan sát viên quốc tế đã trông đợi cuộc tấn công nầy từ khi Hoa Kỳ công khai tỏ ý định dứt khoát rút ra khỏi cuộc chiến, với mỹ từ Việt Nam Hóa chiến tranh. Đến năm 1972 quân lực Hoa Kỳ không còn tham gia vào các trận đánh bằng bộ binh nữa, chỉ có không quân  và  hải quân Mỹ còn yểm trợ giới hạn cho QLVNCH trên một quy mô nhỏ mà thôi.

 

CHIẾN TRƯỜNG QUÂN KHU I .-

      Chiến trường quân khu I gần giống như hình chữ nhật, bề dài khoảng 300 cây số từ Quảng Trị phía Bắc đến Quảng Ngãi phía Nam, bề ngang trung bình độ 40 cây số ngàn từ rặng Trường Sơn phía Tây đến biển Đông, với độc nhất một con đường tiếp tế chính là quốc lộ số 1.

     Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, từ 1960 cho đến 1965 là lúc Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến, kéo dài cho đến năm 1972, lúc nào Miền Nam Việt Nam cũng bị đặt trong một thế phòng ngự thụ động, với mục tiêu là giữ đất, giữ dân không cho  Bắc Việt và công cụ MTGPMN của họ giành dân lấn đất.

     Trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Quân Khu 1 , Quân Đoàn I có 3 sư doàn (1, 2, và 3) một số chiến đoàn Biệt Động Quân (BĐQ), và 1 lữ đoàn thiết giáp cơ hữu. Khi sự hăm dọa tấn công quy mô của  Bắc Việt càng ngày càng rõ rệt thì Quân Đoàn 1 được tăng phái cho một sư doàn thủy quân lục chiến (lực lượng tổng trừ bị của Tổng Tham Mưu). Lực lượng được bố trí như sau:

        - Mạn Bắc: khu vực bị hăm dọa nặng nhứt, có sư đoàn 3 bộ binh  và sư đoàn thủy quân lục chiến, có tăng phái thêm Biệt Động Quân và thiết giáp loại M41.    

Sư đoàn 3 tân lập, do tướng Vũ văn Giai chỉ huy trấn đóng các tiền đồn do quân đội Hoa Kỳ chuyển lại để bảo vệ tỉnh Quảng Trị , và tuyến Bắc của quân khu. Sư đoàn nầy đa số là tân binh quân dịch, có thêm một số đào binh và quân phạm, từ Bộ Tổng Tham Mưu đưa ra để bổ sung quân số. Đây là sư đoàn yếu nhứt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa , chưa có kinh nghiệm tác chiến, nhưng lại được  giao cho một nhiệm vụ tại một khu vực có thể nói là nóng bỏng nhứt trên chiến trường Miền Nam  Việt Nam nếu quân  Bắc Việt mở cuộc tấn công đại quy mô từ Miền Bắc xuống. Bộ Tư Lệnh sư đoàn được đặt tại thị xã Quảng Trị .

         - Sườn Tây: Ở sườn Tây của quân khu và của thị xã Huế, sư đoàn 1 trấn đóng với nhiệm vụ bảo vệ Huế, chống lại lực lượng  Bắc Việt xuất phát từ thung lũng A Shau tấn công về hướng đông. Sư đoàn 1 được coi là sư đoàn thiện chiến nhất trong các sư đoàn bộ binh.Tư Lệnh sư đoàn là thiếu tướng Phú, người thay thế cho thiếu tướng Ngô quang Trưởng được thăng trung tướng và thuyên chuyển về Miền Nam trong chức vụ Tư Lệnh Quân Khu 4/Quân đoàn IV. Bộ Tư Lệnh sư đoàn đóng ở Dạ Lê, phía Nam Huế.

         - Mạn Nam: Ở mạn Nam, có sư đoàn 2 bộ binh  với nhiệm vụ bảo vệ hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi. Sư đoàn  nầy có giá trị tác chiến trung bình, tư lệnh sư đoàn là  chuẩn tướng Phan hòa Hiệp. Bộ Tư Lệnh đặt tại Chu Lai, Quảng Ngãi.

     Trận chiến mùa hè năm 1972 được diễn ra như là một cuộc chiến tranh quy ước, với hình thức một cuộc chiến tranh cổ điển, do quân đội của  Bắc Việt, một nước láng giềng chủ động tấn công vào Miền Nam, hoàn toàn không còn là một cuộc chiến tranh du kích kéo dài như hằng chục năm trước nữa.

      Lực lượng tấn công gồm hơn một quân đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Chu huy Mân. Cho đến năm 1972, quân đội  Bắc Việt được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ thật đầy đủ các loại vũ khí và chiến cụ tối tân. Họ chỉ kém Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về không quân và  hải quân mà thôi, nhưng bộ binh của họ có 2 loại vũ khí vượt hẳn Miền Nam Việt Nam là đại bác 122 ly của Liên Xô và 130 ly của Trung Quốc với tầm bắn xa là 28 cây số, trong khi pháo 155 ly của Miền Nam chỉ có tầm bắn tối đa là 15 cây số. Về thiết giáp thì chiến xa T 54 của Liên Xô mạnh hơn chiến xa M41 của Hoa Kỳ mà các thiết đoàn kỵ binh Miền Nam đang xử dụng. Tuy nhiên về mặt tác chiến phối hợp giữa bộ binh thiết giáp và  pháo binh , các sĩ quan  Bắc Việt còn tỏ ra rất vụng về, chưa có kinh nghiệm tác chiến hợp đồng binh chủng trong cuộc chiến tranh quy ước nầy.

      Lực lượng  tấn công chia làm hai mũi dùi, điểm và diện:

            - Điểm.- gồm có 2 sư đoàn bộ biinh và tất cả 200 chiến xa tấn công vào tuyến phòng thủ Bắc Quảng Trị  .

            - Diện.- do 1 sư đoàn  bộ binhh tấn công vào sườn Tây Huế.

        Một buổi sáng sớm, vào một ngày trong thượng tuần tháng 5/1972, tức là vài ngày sau khi thành phố Quảng Trị bị thất thủ, trung tướng Ngô quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 / Vùng 4 Chiến Thuật, được Tổng Thống Thiệu gọi về Sài Gòn. Trở về Bộ Tư Lệnh, Trung tướng cho biết là ông được lệnh ra Vùng 1 cấp tốc ngay buổi chiều hôm đó. Giờ khởi hành được dự trù là 4 giờ chiều, phương tiện di chuyển là một vận tải cơ phản lực nhỏ của quân đội Hoa Kỳ. Người thay thế chức vụ Tư Lệnh Vùng 4 là thiếu tướng Nguyễn vĩnh Nghi , Tư Lệnh sư đoàn 21 bộ binh . Lễ bàn giao chức vụ Tư Lệnh Vùng 4/ Quân Đoàn 4 không thể tổ chức được, vì thời gian không cho phép. Quả là một chuyện bất bình thường.

    Cùng đi với trung tướng Trưởng có một bộ tham mưu nhỏ, gồm có: chuẩn tướng Nguyễn văn Hinh, Tư Lệnh phó Vùng 4, đại tá Lê văn Thân, tư lệnh phó sư đoàn 7 bộ binh, đại tá Lê quang Nhẫn, phụ tá đặc biệt Tư Lệnh Vùng, đặc trách phối hợp tình báo, an ninh và chiến dịch Phụng Hoàng.

     Phi cơ đáp xuống sân bay Phú Bài, Huế, sau gần 2 giờ bay. Một chiếc trực thăng bốc tất cả về Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 trong thành nội.

- 8 giờ đêm, một buổi lễ bàn giao chức vụ Tư Lệnh Vùng 1 được cử hành thật đơn sơ tại Phòng Hành Quân /Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, với sự hiện diện của một số sĩ quan cao cấp của Vùng 1/Quân Doàn 1, viên tướng Mỹ cố vấn Quân Đoàn và Bộ Tham Mưu nhỏ của tướng Trưởng, tất cả không quá 10 người. Một sĩ quan  Phòng Tổng Quản Trị đọc công điện của  Tổng Thống chỉ định tướng Trưởng thay thế tướng Hoàng xuân Lãm trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1/ Vùng 1 Chiến Thuật. Hai vị Tư Lệnh nói vài câu vắn tắt, thế là xong buổi lễ bàn giao.

Tối đêm đó, sau bữa cơm, trung tướng Trưởng cho lệnh miệng chỉ định tướng Hinh vào chức vụ Tham Mưu Trưởng BTL Tiền Phương thay thế đại tá Hoàng mạnh Đán trở về chức vụ TMT/Vùng 1 ở Đà Nẳng , đại tá Thân phụ tá hành quân, đại tá Nhẫn phụ tá đặc biệt, trung tá Đức chánh văn phòng như cũ.

      Đại tá Nhẫn với tư cách là phụ tá đặc biệt, phụ trách phối hợp hoạt động tất cả các cơ quan tình báo và an ninh quân sự, dân sự tại Vùng 1. Lần nầy đại tá Nhẫn không phụ trách chiến dịch Phụng Hoàng như ở Vùng 4, trái lại được lãnh một nhiệm vụ mới : đó là Chiến Tranh Ngoại Lệ, gồm một lô những chuyện lẩm cẩm như tổ chức đánh du kích sau hậu tuyến địch, chiến tranh tâm lý, và các đòn "lừa địch", mà trong binh thư Hoa Kỳ  được gọi là Cover and Deception Operation (gọi tắt là C&D Operation).

       Đại tá Nhẫn nghe lệnh mà lầm thầm trong bụng: đây đúng là chiến tranh của người nghệ sĩ. Không có tiếng kèn xung phong, không chứng kiến hàng hàng lớp lớp chiến xa và phi cơ rót cái chết vào đầu địch... ngược lại đó là chiến tranh chất xám, óc sáng tạo là vũ khí để đấu trí với địch trong bóng tối. Ta giỏi thì địch chết, ta dở hơn địch thì ta chết mà không có được một tưởng lục nào. Thật là khó mà cũng thật là thú !

     Sau một đêm ngủ mê man vì quá mệt mỏi, đại tá Nhẫn thức dậy sớm, mượn một chiếc Jeep ra phố để "thăm dân cho biết sự tình". Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi phải báo cáo ngay cho vị tân tư lệnh biết tinh thần binh sĩ, tinh thần dân chúng, và tình hình ngay tại Huế như thế nào.

      Xe ra khỏi thành nội, chạy ra phố chánh dọc theo sông Hương là đường Trần hưng Đạo. Trước đây, đây là phố buôn bán sầm uất nhất của Huế, cùng với chợ Đông Ba. Đại tá Nhẫn đã từng có dịp thăm viếng Huế nhiều lần trước đó, nhưng hôm nay ông ta đang cảm thấy mình đang chạy xe trong một thành phố xa lạ, Huế đẹp, Huế thơ thuở nào hình như đã biến mất rồi. Tiếng đại bác thỉnh thoảng vang lên từ xa xa là âm thanh sống động, còn ở ngay đây có vẻ là đất chết. Lần lần ông ý thức được thực tế phủ phàng, thành phố đáng yêu nầy đang trong cảnh hấp hối. Thật là đáng buồn và đáng sợ làm sao khi đi trong một thành phố như thế ! Nhà nhà đều đóng cửa im lìm, có lẽ với tỷ lệ 98% từ thành nội cho đến ngoại thành. Dân chúng Huế đã quá kinh hoàng với những kỷ niệm đẫm máu hồi Tết Mậu Thân, họ sợ, quá sợ thì đúng hơn. Có thể trong những nhà đang cửa đóng then cài cẩn thận đó cũng còn có người còn ở lại giữ nhà, hoặc chưa kịp chạy đi Đà Nẵng không chừng, vì tai nạn trước mắt là do một số binh sĩ thất trận từ Quảng Trị chạy về biến thành cướp. Ngoài đường thỉnh thoảng cũng có một vài người xuất hiện, không hẳn là binh sĩ vì quân phục không còn vẻ gì là quân phục cả, mà thường dân thì cũng không hẳn là thường dân. Trông dáng điệu họ bơ phờ mệt mỏi, thiểu não, râu không cạo, tóc tai bù xù, quần áo đầy bùn đất. Trong người họ, chỉ còn một chút sống động là đôi mắt, nhưng phần đông mắt họ cũng lờ đờ như chim bị đạn, có khi sáng rực lên đầy vẻ căm hờn (không biết họ căm hờn địch hay căm hờn cấp chỉ huy của họ?), đôi mắt rực lên ánh lửa giết người của bọn cướp. Mà đúng là cướp thật. Đại tá Nhẫn nghe kể chuyện lại là vừa mới hôm qua đây một anh đại úy bị một chú chàng linh chĩa súng vào bụng trấn lột đồng hồ ngay trên Cầu Mới bắt qua sông Hương. Cảnh đó đang được diễn ra dài dài trong thành phố Huế. Hình như không còn quan không còn lính không còn chánh phủ nữa rồi ! mà chỉ còn lại một sự hỗn loạn, vô trật tự, vô kỷ luật trong một thành phố sấp nếm mùi chiến tranh, cái mùi mà dân chúng ở đây đã kinh tởm tột cùng 4 năm trước, khi được quân  Bắc Việt vào đây giải phóng hồi Tết Mậu Thân. Thỉnh thoảng ông mới gặp được một gia đình thường dân nghèo chạy loạn với đôi gióng gánh trên vai gánh đủ các thứ, nào nồi niêu xoong chảo, nào quần áo chăn mền...v.v...Trùm lên bức tranh quái đản đó là khói và lửa từ chợ Đông Ba cuộn cao lên nền trời xanh. Được biết hiện chợ Đông Ba đang cháy mà không một ai buồn chữa lửa, vì đêm trước một toán lính vào cướp các cửa hàng trong chợ, rồi cao hứng phóng lửa đốt luôn chợ cho đã nư giận, mà cũng không biết giận ai, giận cái gì ?  Giận con cá, chém cái thớt !

      Chiến tranh là một trò đời. Khi ta thắng thì không biết bao nhiêu là cảnh vui nhộn, từ vòng hoa tươi thắm của các thiếu nữ duyên dáng, e thẹn choàng lên cổ của các chiến sĩ kiêu hùng, đến cảnh quân dân ôm hôn nhau thắm thiết, hoa giấy hoa tươi thôi thì tung bay rợp trời, rồi thì duyệt binh diễn binh, tiếng xích xe thiết giáp, tiếng rít của phi cơ, tiếng reo hò hân hoan của rừng người, rồi thì tuyên dương công trạng, khao lon v.v...thật là vui tưng bừng náo nhiệt. Nhưng khi phe ta thua, phải bỏ chạy và đich sấp kéo tới, thì ôi thôi thật là kinh hoàng, nhất là kẻ địch là quân xâm lăng  Bắc Việt từng có thành tích giải phóng Huế đúng ngày Tết năm Mậu Thân. Và mới cách đây vài ngày, trên quốc lộ 1 từ Quảng Trị  về Huế, cảnh tàn sát lại được tái diễn với quy mô lớn hơn giữa người Việt có súng và người Việt tay không chạy loạn. Dân chúng Huế lo chạy để tìm sự sống, thật là cảnh người người chạy loạn, nhà nhà chạy loạn, người ta chen nhau chạy, đạp nhau chạy, nên đã có một số xe đã bị lọt xuống hố ở đèo Hải Vân. Một nổi lo sợ không biết do đâu phát ra xâm chiếm mọi người. Ai cũng sợ, lo cho số phận ngày mai của mình, nhà cửa, vợ con sẽ ai còn ai mất, riêng bản thân mình cũng vậy sẽ còn nguyên vẹn hay sẽ mất một bộ phận nào chăng, tay hay chơn....và còn nhiều thứ mất nữa....

    

 Sự sợ hãi, sự hỗn loạn và cảnh hãi hùng là một thứ bệnh dịch lây lan ra thật nhanh chóng trong một thành phố đang trong cơn hấp hối, làm tê liệt hết ý chí chiến đấu của những tay được coi là gan lỳ nhất. Trong bầu không khí đó, chỉ cần một tiểu đoàn người gầy nhom, đội nón cối, mang dép râu.... xuất hiện tại Huế, thì có lẽ số phận của Vùng 1/ Quân Đoàn 1, kéo theo sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa , và sụp đổ luôn sự toan tính của cập bài trùng Nixon Kissenger (đang mật đàm với Lê đức Thọ) đang cố tìm một giải pháp rút lui khỏi cuộc chiến trong danh dự, để giữ cái ghế Tổng Thống cho Nixon thêm một nhiệm kỳ nữa. 

     Đại tá Nhẫn cảm thấy có một cái gì nguy hiểm cho bản thân, mặc dầu ông đang đi trong một thành phố mà quân mình vẫn còn làm chủ. Có một cái gì rờn rợn, có lẽ là lo sợ đang xâm chiếm ông ta, khiến ông ta tự nhiên đặt tay lên bá khẩu súng colt. May quá, tại góc đường Phan Bội Châu còn có một chị bán thuốc lá. Ông ta bảo tài xế dừng xe lại mua cho ông một gói thuốc lá thơm. Chị bán thuốc lá vừa thối tiền vừa suýt soa :

- "Ơ kìa, sao giờ nầy mà ông đại tá còn ở đây ? Cháu thấy mấy ông tá chạy về Đà Nẵng hết rồi ."

     Lần nầy thì đại tá Nhẫn cảm thấy hình như bị một cú đập mạnh vào đầu. Cổ họng ông ta khô lại. Tuy nhiên phản ứng tự nhiên của một quân nhân từng gặp nguy hiểm nhiều lần giúp ông ta giữ được bộ mặt bình tĩnh trong lúc tim ông đập mạnh. Với một giọng nói cố giữ vẻ bình tĩnh nên gần như giả tạo, ông ta lớn tiếng bảo chị bán thuốc lá:

- "Nè, chị nói ai chạy ?

- "Cháu chẳng những nghe nói mà còn chính mắt thấy mấy ông lớn chạy về Đà Nẳng. Nghe nói VC gần tới rồi. Chiều nay cháu cũng chạy về Đà Nẳng bằng thuyền của bà con.

- "Nè, chị nhìn đây coi.

Vừa nói ông ta vừa chỉ cho chị bán thuốc lá chiếc huy hiệu Quân Đoàn 4 bên tay áo trái  và nói tiếp:

- "Tôi cho chị biết, tôi là toán quân tiền phong từ Quân Khu 4 ra đây tiếp viện. Quân ta nhiều lắm, đông như kiến, sẽ ra đến Huế vài hôm nữa đây. Có cả nguyên một sư đoàn dù, mấy chục ngàn người. Để rồi chị coi, tụi nầy sẽ làm cỏ VC, đuổi tụi nó về Bắc, lấy lại Quảng Trị chớ làm gì tụi nó đụng tới Huế được. Bà con đừng chạy tốn hao vô ích.”

      Mới vừa tới Huế mà đại tá Nhẫn đã đi một đường chiến tranh tâm lý rồi ! Sau đó ngồi trên xe chạy đi ông ta nghĩ ngay lúc nầy chỉ có các đòn tuyên truyền xám hay là nói láo có vẻ như thật mới làm cho Huế lấy lại tinh thần, bỏ đi cái tâm lý muốn chạy, từ đó mới có thể tái lập được trật tự, mới mong đánh đấm được. Bằng không thì chỉ có giao số phận cho Đấng Tối Cao mà thôi ! Ông ta lái xe ra vườn hoa bên bờ sông Hương, giao xe cho tài xế coi rồi một mình đi xuống bực thạch ngồi nhìn phong cảnh như một người nhàn hạ. Sự thật ông không ngắm cảnh đâu,  ông ta đang để cho tư tưởng đối nghịch đang làm cho ông ta nóng lên được dịu mát bớt lại. Lời nói của chị bán thuốc lá đã làm cho ông ta sợ. Đây là lần thứ nhì trong đời quân nhân của mình, ông ta bị cái sợ nó dằn vật. Lần đầu tiên ông biết sợ khi còn là một thiếu úy mới ra trường lần đầu tiên đụng chạm với thực tế chiến trường. Lần lần cái sợ cũng quen đi và biến mất đi lúc nào không biết. Nhưng lần nầy ông lại cảm thấy sợ thật sự, có lẽ do ngoại cảnh hỗn loạn, tuyệt vọng lớn quá chăng ? Ông ta tự nói : " Bọn nhát chạy hết, hay là tụi nó khôn hơn mình, tại sao mình lại đến ở đây để hứng đạn ? Mình hy sinh ở lại đây  liệu có thay đổi được tình hình chăng ? Nếu bọn  Bắc Việt tiến tới nữa thì mình chạy đi đâu ? Mình là dân Sài Gòn không quen địa hình địa vật ở đây, nếu mình chết thì vợ con mình sẽ ra sao ?"

     Vừa nói lầm thầm vừa phì phà điếu thuốc lá thứ nhì hết hồi nào không hay. Ông đã chứng kiến bao nhiêu cảnh mua quan bán tước và nhiều chuyện nôn mửa khác nữa. Nhưng kiểm điểm lại ông chiến đấu không phải để bảo vệ những thứ bẩn thiểu đó, những chuyện mà ông đã từng phỉ nhổ không tiếc lời với các bạn thân. Nhưng cái gì đã làm cho ông ta đánh nhau chết thôi với bọn VC, đó là cảnh dân Miền Nam không chấp nhận sống cuộc đời nô lệ dưới ách kềm kẹp của cộng sản , hay nói cách khác là ông chiến đấu để cho con người Việt Nam được quyền sống như một con người tự do, cái quyền mà ông ta cho là thiêng liêng nhất trong tất cả các loại nhân quyền. Ông ta còn một tật xấu nữa là ông hay thương người nghèo, nhất là người mua gánh bán bưng, ông cũng không biết tại sao. Ông ta chiến đấu với một hy vọng sau nầy khi hết chiến tranh, cuộc đời bất hạnh của những người nầy sẽ được dễ thở hơn...

     Những tư tưởng vừa mới thoáng  qua trong đầu của đại tá Nhẫn đã nói lên được đúng cái yếu trong con người của mọi quân nhân. Là con người, ai cũng biết sợ trước mọi sự nguy hiểm, ai cũng có phần ích kỷ đem mạng sống của vợ con gia đình mình lên bàn cân để cân với số phận của đất nước dân tộc. Ông ta cũng có tính đến chuyện có thể đào ngũ như bao nhiêu người yếu tinh thần khác, và ông ta có cái cớ là không thể chiến đấu để bảo vệ sự thối nát thêm nữa.

      Đốt điếu thuốc thứ ba, đang rít một hơi dài, bổng ông chợt thấy trên đường một người đàn ông, với một đôi gánh trên vai, cũng đầy ấp các thứ tạp nhạp của một gia đình nghèo (có lẽ là dân Quảng Trị chạy loạn) cùng với hai đứa bé (chắc là con), không thấy mẹ chúng nó, hình như đã chết hay đã lạc nhau trên đường chạy giặc. Bóng người đàn ông và hai đứa trẻ đi thất thểu trên đường, như lời nguyền rủa của Thượng Đế trước cái tâm ác độc của con người. Ánh mắt tuyệt vọng của họ đã ám ảnh đại tá Nhẫn trong bao nhiêu năm dài và có lẽ sẽ còn đeo đuổi  mãi ông ta đến trọn đời. Và cũng đôi mắt tuyệt vọng nầy khiến cho một lằn điện ở đâu đó xẹt nhanh qua óc ông ta. Ba chữ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm thêu trên mũ đại tá của ông ta đã từng ăn sâu vào tiềm thức của ông ta từ ngày rời quân trường, lần nầy không biết vì khói thuốc lá thơm mà ông đang hút, hay vì dáng đi thất thểu của người dân đang chạy loạn... đã làm cho ba chữ đó từ tiềm thức nổi hẳn lên. Ông ta tự thấy xấu hổ với chính mình, khi có những tư tưởng hèn yếu, tội lỗi vừa rồi. Lập tức ông vứt ngay điếu thuốc lá đang hút dở, đứng ngay dậy, lẩm bẩm văng tục :

-"Đ. M. đánh đến chết thôi, hoặc tao chết hoặc mày chết !" (đúng là một quân nhân Miền Nam chính cống !)

     Ông quay về ngay Bộ Tư Lệnh, trình bày tình hình với trung tướng tư lệnh và đề nghị một số biện pháp khẩn cấp để giữ trật tự cho thành phố Huế và giữ tinh thần cho quân nhân các cấp.

     Đài phát thanh, đài truyền hình cũng như những lời chuyền tai nhau giữa quân nhân và dân chúng : "ông tướng Trưởng là người nghiêm khắc nhất về mặt kỷ luật. Đừng có mà giỡn mặt với ông ta. Đã có một số quân nhân vô kỷ luật, đào binh..,dở trò cướp bóc, đã bị bắt và bị bắn tại chỗ. Một số được đưa ra tòa án mặt trận và được đưa ra hành quyết liền sau khi tòa kêu án. Những quân nhân bỏ trốn về Đà Nẵng cũng có một số bị bắn. Đã có nhiều đại đơn vị từ trung ương ra Huế tiếp viện, trong đó có sư đoàn nhảy dù. Quân ta đã bắt đầu phản công."

     Sự thật là từ những ngày đầu khi trung tướng Trưởng đặt chân ra Huế, khi hỗn loạn và cướp bóc nổi lên hoành hành dữ dội, vẫn chưa có một đào binh nào bị bắn, và hình như suốt cuộc chiến cho đến khi lấy lại Quảng Trị  cũng chưa hề có một quân nhân nào bị bắt và bị bắn liền như những lời tuyên truyền xám ở trên.

       Về quân tiếp viện thì chỉ có sư đoàn Dù, nhưng cả tháng sau mới đến được Vùng 1. Tuy nhiên có những tay tỏ vẻ thạo tin tức đã quả quyết có thấy lính dù hiện diện ở Gia Hội, Kim Long v.v...

      Suốt mấy tuần lễ đầu đại tá Nhẫn  đã có ý tung ra đòn "đánh giặc mồm" trong một sự lo âu hồi hộp, không biết chiến tuyến phòng thủ tan vỡ lúc nào không biết, cũng như những chiếc nón cối không biết sẽ xuất hiện trên cầu Tràng Tiền không biết lúc nào !            

     May mắn cho Bộ Tư Lệnh Tiền Phương và tất cả mọi quân nhân , cái xấu không xảy ra. Sư đoàn 1 và sư đoàn thủy quân lục chiến đã gan lỳ chịu đựng được, nhờ sự yểm trợ của không quân và  hải quân Mỹ, của không quân và hải pháo Việt Nam , các đòn tuyên truyền xám trong chiến dịch chiến tranh tâm lý đang bắt đầu có tác dụng, và nhất là ông Nixon nhất định không chịu thương thuyết trên thế yếu. Tâm lý sơ sệt, ý muốn đào thoát về Đà Nẳng ...dần dần bớt đi nhiều. Kỷ luật quân đội một thời bị xem thường, nay đã được quân nhân các cấp tôn trọng. Các binh sĩ rã ngũ từ mặt trận Quảng Trị chạy về đã bằng lòng theo quân cảnh lên xe về Trung Tâm Huấn Luyện Văn Thánh, nơi được tướng Trưởng chọn làm địa điểm tập trung quân nhân các cấp thuộc mọi binh chủng, tái huấn luyện và ghép thành đơn vị tân lập. Triệu chứng rõ nét nhất của sự ổn định được tình hình tại một thành phố sát tiền tuyến là có một số nhà phố bắt đầu mở cửa, và số nầy càng ngày càng tăng thêm lên. Mỗi ngày đại tá Nhẫn mỗi thêm phấn khởi khi báo cáo cho Tư Lệnh : "hôm nay ước lượng ..% nhà phố mở cửa so với ...% ngày hôm qua v.v... Đến khi sư đoàn Dù đến Huế đầy đủ thì mọi sinh hoạt tại đây gần như trở lại bình thường.

(Sau nầy khi qua định cư tại Hoa Kỳ , thấy những nhà "ái quốc ở hải ngoại" hăng tiết vịt đấu võ mồm với nhau, đại tá Nhẫn không ngăn được một câu chửi thề: "Mẹ kiếp, phải các bố đem giùm võ mồm về đấu với cộng sản có phải hay biết bao nhiêu. Đã đem thân ăn nhờ ở đậu nước người vì mất nước, mất nhà mà vẫn chưa biết nhục, vẫn hãnh diện với cái tật chia rẽ, tay nào cũng vỗ ngực xưng ta đây chống cộng, ta đây ái quốc, tất cả những thằng khác đều là cò mồi. Rồi cứ thế lăn xả vào nhau đấu võ mồm, làm trò cười cho cộng sản làm cho người bản xứ phải lẩm bẩm: đám chống cộng nầy đánh nhau quá hăng, thảo nào mà không mất nước.)

      Đại tá Nhẫn lần lượt đến thăm các "thân chủ", những đơn vị trưởng mà ông có nhiệm vụ sẽ phối hợp công tác và nhờ sự giúp đở của họ, vì ông ta thực sự chỉ có 2 bàn tay không và một khẩu súng colt bên hông. Ông ta đi thăm đại tá Châu văn Sánh, chánh sở 1 ANQĐ, đại tá Dư quang Thiệp Giám Đốc Cảnh Sát QK 1, trưởng đoàn công tác của đơn vị tình báo 101 chiến trường tại QK 1, đại tá Lê v Ba Trưởng đoàn công tác của Nha Nghiên Cứu tại QK 1, đại tá Phong trưởng P2/Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, đại tá Phan Phiên, Tham Mưu Phó CTCT, đại tá Hồ văn Kỳ Thuận tư lệnh hải quân Vùng 1 (sau lên Phó đề đốc)....

     Mặt trận được ổn định đã đi lần tới một sự thay đổi tương quan lực lượng khi vị Tư Lệnh có thêm sư đoàn Dù đầy đủ tại Huế, cộng thêm 1 liên đoàn BĐQ, 1 thiết đoàn chiến xa M48 tối tân hơn M41, nhiều tiểu đoàn pháo tự hành 175 ly.

Trên mặt trận phía Tây, các đơn vị sư đoàn 1 lần lượt tái chiếm các vị trí đã mất trước kia sau nhiều trận giao tranh đẫm máu, nổi bật nhứt là trận tái chiếm căn cứ Bastogne. Nhờ chiếm lại được các vị trí nầy mà Bộ Tư Lệnh Tiền Phương không còn bị pháo kích nữa.  

     Trên mặt trận phía Bắc, quân  Bắc Việt đã trở lại thế thủ, và không ảnh cho thấy họ tổ chức các công sự phòng thủ vững chắc tại các vị trí chiếm đóng từ sông Thạch Hãn phía bắc Quảng Trị đến sông Mỹ Chánh phía Nam Quảng Trị . Lực lượng  Bắc Việt được ước lượng 1 quân đoàn  chia làm 2 bộ phận, bộ phận tiền tuyến khoảng 2 sư đoàn (sau một thời gian chiến đấu bị hao hụt lui về tuyến sau để cho 2 sư đoàn khỏe lên thay).

    Trên hai mặt trận chỉ có giao tranh lẻ tẻ của bộ binh hai bên, thường trong nhiệm vụ thám sát. Trận chiến chính yếu thường diễn ra giữa pháo binh của hai bên. Theo sự ước tính của P2 Bộ TL/TP, số đạn pháo hai bên rót vào trận địa của nhau mỗi ngày như sau :

     - phía Việt Nam Cộng Hòa  trungg bình 60.000 quả, gồm đủ loại pháo binh và hải pháo, chưa kể bom của không quân chiến thuật và của phi cơ B 52 của Hoa Kỳ      

     - Phía  Bắc Việt , trung bình kkhoảng 10.000 quả .

Trên một trận địa nhỏ hẹp như khu vực Quảng Trị, hỏa lực pháo binh của đôi bên xử dụng thật là khủng khiếp, không kém một mặt trận nào trong đệ nhị thế chiến.

     Về phần đại tá  Nhẫn, ông ta rất bận rộn với một cuộc chiến tranh không quy ước bên lề cuộc chiếc quy ước. Ông ta nhờ ông tỉnh trưởng Quảng Trị, đại tá Phan bá Hòa, giới thiệu để ông ta tuyển mộ một số dân vệ tỉnh Quảng Trị chạy thoát về Huế. Những chiến sĩ tình nguyện nầy được huấn luyện đánh du kích, được võ trang nhẹ nhàng, sau đó thâm nhập trở lại Quảng Trị (vùng bị  Bắc Việt chiếm đóng) để khuấy rối hậu phương địch.. Ông còn vươn cánh tay chiến tranh ngoại lệ ra tận  đường mòn Hồ chí Minh, phía sườn Tây của chiến trường với các toán biệt kích dù của đại tá Ba (người ngoài cuộc không hiểu rành tổ chức chiến đấu bí mật nầy thường gọi chung một danh từ là biệt kích dù). Đây là những con người can trường được huấn luyện đặc biệt, và trang bị đặc biệt. Họ hoạt động từng toán 4 đến 5 người, do một sĩ quan cấp úy chỉ huy. Họ được đưa vào hậu tuyến địch bằng cách nhảy dù hay xâm nhập bằng trực thăng khi địa hình cho phép. Nhiệm vụ của họ là quan sát các đơn vị địch, các cơ sở hậu cần, các trạm...và báo cáo ngay về Bộ Chỉ Huy từ đó Quân Đoàn mới có đủ yếu tố chính xác cho phi cơ oanh kích. Nơi nào trong tầm pháo binh thì pháo binh tiêu diệt. Họ còn có nhiệm vụ phá hoại các cơ sở chỉ huy, các kho hậu cần lương thực và đạn dược, hoặc gài mìn trên các trục giao thông của địch. Sự thiết kế để mở một cuộc hành quân biệt kích như vậy rất là phức tạp, từ việc nghiên cứu không ảnh, địa hình, bãi đáp, cách thức xâm nhập, hệ thống liên lạc, cho đến xuất thoát v.v... 

     Về phần kỹ thuật thiết kế hành quân, đại tá Ba và bộ tham mưu của ông ta đảm trách.. Khu vực hoạt động, nhiệm vụ riêng biệt, và phối hợp với các đơn vị bạn, đại tá Nhẫn ấn định theo nhu cầu chiến trường của Bộ Tư Lệnh. Ngoài những toán đang hoạt động thực sự đại tá Nhẫn còn có 5 toán giả để chơi trò hư thực với địch. Những toán giả nầy cũng vẫn liên lạc với Bộ Chỉ Huy để thỉnh thoảng báo cáo và nhận lệnh. Đại tá Nhẫn được tình báo bạn cho biết là  Bắc Việt có một toán tình báo kỹ thuật do Tiệp Khắc giúp đỡ để yểm trợ cho chiến trường Trị Thiên. Nhiệm vụ của toán nầy là tìm vị trí của các đài phát thanh vô tuyến và giải mã các công điện mật. Họ đúng là đồng nghiệp của P7 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Đại tá Nhẫn cũng có tung các toán biệt kích người nhái của Liên Đoàn người nhái thuộc hải quân để thu thập tin tức và phá hoại. Công tác của các toán người nhái nầy được trung tướng Truởng đánh giá rất cao.

     Về phương diện làm việc, đại tá Nhẫn có một bộ tham mưu nhỏ gồm có 2 sĩ quan do sở 1 ANQĐ biệt phái (đại úy Vị và thiếu úy Trước), và 4 hạ sĩ quan do phòng ANQĐ của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương lựa lọc và thanh thỏa an ninh. Thật may cho đại tá Nhẫn, 2  sĩ quan biệt phái tuy mới lần đầu làm việc với ông ta nhưng đã tỏ ra là những cộng sự viên đắc lực, tận tâm với công việc được giao phó, làm việc thật hăng say quên mình  dù là trong một bầu không khí chiến tranh , không kể giờ giấc có việc cần làm là phải làm. Bộ tham mưu chiến tranh ngoại lệ nầy rất ít người đến mức không ai ngờ được là một công cụ hết sức hữu hiệu giúp cho đại tá Nhẫn điều hành những mặt trận khác nhau của trận chiến tranh kỳ cục nầy.

       Giờ giấc làm việc của đại tá Nhẫn cũng kỳ cục như công việc của ông ta. mỗi buổi sáng sau khi nghe thuyết trình về tình hình địch bạn trong 24 giờ qua vừa xong là ông đi thăm và làm việc với các "thân chủ" khác nhau ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Người ngoài cuộc có lẽ sẽ lấy làm lạ tại sao lại có một ông đại tá của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương không có việc làm, chạy rong chơi ngoài đường như thế nầy. Buổi chiều ông ta ngồi ở bàn giấy kế bên bàn làm việc của chánh văn phòng trong một gian phòng lớn vùa là văn phòng trung tướng Tư Lệnh, vừa là phòng khách (phòng chờ đợi). Khách đến thăm trung tướng Trưởng gồm có đủ hạng người, đa số là các đơn vị trưởng. Ngoài ra còn có các phóng viên báo chí, truyền thanh truyền hình quốc tế và trong nước. Thỉnh thoảng lại có những nhân vật cao cấp trong chánh phủ, các chánh trị gia và các đoàn thể dân chúng đi ủy lạo binh sĩ. Khi ngồi chờ đến lượt trung tướng tiếp mình, có lẽ họ ngạc nhiên khi thấy trong phòng còn có một ông đại tá quá rỗi việc ngay tại Bộ Tư Lệnh, nơi mà mọi người đang làm việc túi bụi. Trước mặt đại tá nầy có một chồng báo, ông ta ngồi đọc báo một cách an nhiên tự tại, thỉnh thoảng ông ta lại phì phà vài hơi thuốc. Ít có ai lại chuyện vãn với ông ta, trông ông ta như mấy người vô sự ăn không ngồi rồi vào công viên ngồi trên băng đá đọc báo thưởng hoa...

Người nào có làm việc trong Bộ Tư Lệnh dưới quyền trung tướng Trưởng thì mới biết trung tướng nghiêm khắc đến mức nào đối với thuộc cấp trong giờ làm việc. Đừng nói chi ngồi đọc báo, chỉ có ngồi tụm lại với nhau đấu láo vài câu cho đầu óc thư giản đôi chút khi làm việc quá nhiều cũng ít có sĩ quan tham mưu nào dám, trong bầu không khí "làm việc quên mình" tại Bộ Tư Lệnh/ Tiền Phương. Ở dâu mà lại có một nhân vật quá nhàn hạ như ông đại tá nầy ? đúng là một con chim lạ lạc vào không khí chiến tranh tại đây ! Mà đúng là đang có chiến tranh thật, vì thỉnh thoảng pháo tầm xa của  Bắc Việt từ phía Tây của thành phố Huế rót vào Bộ Tư Lệnh, và các đợt pháo kích nầy kéo dài cả tháng trước khi các vị trí pháo binh  Bắc Việt bị sư đoàn 1 tái chiếm lại. Nhờ phước lành của Ơn Trên , các sĩ quan pháo binh  Bắc Việt  có lẽ chính cống là bần cố nông chưa biết tính toán nên cứ bắn hoài mà không bao giờ trúng được tòa nhà lầu cao và lớn nhứt trong khu vực, nơi mà Bộ Tư Lệnh Tiền Phương đang đóng quân.

       Nhân vật nhàn hạ nầy là đại tá Nhẫn, được trung tướng Trưởng giao thêm cho một nhiệm vụ đặc biệt. Buổi chiều, ông ta phải đọc một núi báo và tin tức của các hãng thông tấn quốc tế, các đài phát thanh, kể cả bản kiểm thính đài Hà Nội và đài của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...để làm một bản tóm lược tổng kết tình hình chiến lược và thuyết trình cho vị Tư Lệnh sau khi hết khách.

    Trong chiến tranh, khi yếu thì ta phòng thủ, khi mạnh thì ta tấn công. Quân đoàn 1 hiện đang có thế mạnh đối với quân  Bắc Việt. Nhu cầu chánh trị của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu là phải tái chiếm Quảng Trị , trùng hợp với mục tiêu của Tổng Thống Nixon về vấn đề Việt Nam trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc nhiệm kỳ 2.

Tái chiếm Quảng Trị tất nhiên phải đổ nhiều máu, có thể là rất nhiều máu của binh sĩ Bắc Việt cũng như Miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ đã yểm trợ mạnh mẽ bằng phương tiện không quân và  hải quân để cho QLVNCH củng cố lại tuyến phòng thủ sau khi sư đoàn 3 tan rã và một phần lãnh thổ Quảng Trị bị chiếm. Quân  Bắc Việt hiện đang xây dựng các hệ thống phòng thủ mạnh mẽ chứng tỏ họ có ý định ở lại Quảng Trị vĩnh viễn. Do vậy, việc tái chiếm Quảng Trị là một ám ảnh của quân nhân các cấp ở quân đoàn, vì quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nói chung dù ở bất cứ đơn vị nào, bất cứ ở đâu và vào thời đại nào cũng chỉ có chung một tâm trạng: là không chấp nhận thua, mà rủi có lỡ bị thua thì phải phục thù nếu có cơ hội. Cơ hội ở đây là ý muốn của cấp lãnh đạo chánh trị, nhứt là về phía Hoa Kỳ họ sẽ yểm trợ tối đa về không quân và  hải quân cũng như tiếp vận. Cơ hội ở đây cũng là tình trạng tương quan lực lượng mà lợi thế nghiêng về phía Miền Nam.

Từ đó: sự tái chiếm Quảng Trị đã được quyết định.

     Vào một ngày trong tháng 7, một phiên họp tối cao và tối mật được diễn ra tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương dưới sự chủ tọa của trung tướng Trưởng. Tham dự có trung tướng Lâm quang Thịnh, tư lệnh phó, thiếu tướng Hoàng Lâm, tân Tham Mưu trưởng thay thế tướng Nguyễn duy Hinh được chỉ định trong chức vụ tư lệnh sư đoàn 3 tân lập hiện đang được tái huấn luyện và trang bị tại một căn cứ cạnh Đà Nẵng. Về đơn vị trưởng thì có tướng Lê quang Lưởng tư lệnh sư đoàn Dù, tướng Bùi thế Lân tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến, các tư lệnh sư đoàn 1, lữ đoàn thiết giáp, tư lệnh Biệt Động Quân, tư lệnh không quân , tư lệnh  hải quân, các trưởng phòng 1,2,3,4, và CHT Bộ chỉ huy Tiếp Vận Vùng 1.

     Sau khi P2 trình bày tình hình địch, P1 tình hình quân số, P4 về tình hình tiếp vận...   trung tướng Trưởng cho biết ông quyết định tấn công tái chiếm lại Quảng Trị  và  khu vực lãnh thổ Quảng Trị chạy dài đến sông Thạch Hãn là giới tuyến của cuộc tấn công. Ý định điều quân của trung tướng là xử dụng 2 sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến được tăng phái thiết giáp  pháo binh và Biệt Động Quân bố trí làm 2 mũi dùi tiến song song từ Nam lên Bắc, Thủy Quân Lục Chiến bên phải (Đông), Dù bên trái (Tây). Mục tiêu là Tỉnh lỵ Quảng Trị . Giới hạn tấn công là sông Thạch Hãn. Tuyến xuất phát là sông Mỹ Chánh . Ngày N sẽ cho biết sau trong lệnh hành quân. Cuộc hành quân nầy được mang tên là "Lam Sơn 72". Đến đây ông ngừng lại một phút rồi tiếp :

- "Trong cuộc hành quân nầy, sự bảo mật tuyệt đối là một điều tối cần thiết, là một trong những yếu tố để thắng địch. Để phụ vào yếu tố bảo mật nầy mà các đơn vị trưởng cho triệt để áp dụng trong các đơn vị cơ hữu của mình, còn cần phải làm cho địch hiểu lầm về ý định điều quân của ta, nghĩa là phải dùng "đòn dương đông kích tây". Trong ý định đó, đại tá Nhẫn được chỉ định mở cuộc hành quân lừa địch . Kế hoạch hành quân lừa địch nầy được gọi là "Phụ Bản G" của LHQ/Lam Sơn 72, không phổ biến cho bất kỳ giới chức nào.  Đại tá Nhẫn sẽ chỉ trình bày riêng cho tôi, Tư Lệnh Hành Quân, càng sớm càng tốt. Khi cần sự yểm trợ của các đơn vị, đại tá Nhẫn chỉ trình bày bằng miệng (không bằng công văn) với các đơn vị trưởng mà thôi."

Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến trên chiến trường Việt Nam một Lệnh Hành Quân (LHQ) lại có thêm một phụ bản gọi là "phụ bản G không phổ biến". Đây là kế hoạch hành quân lừa địch. (thông thường một LHQ có 3 phụ bản, phụ bản 1 của Phòng 2 là tình hình địch, phụ bản 2 của Phòng 4 là kế hoạch tiếp vận, phụ bản 3 của phòng truyền tin là đặc lệnh truyền tin.) Như thường lệ, trung tướng Trưởng giao nhiệm vụ mà ít khi nào ông hỏi người trách nhiệm có đủ phương tiện hay không.

     Sau buổi họp, đại tá Nhẫn ngồi thừ lại luôn trong phòng họp, đầu nghĩ vẫn vơ:

-" Lừa địch, C & D, dương Đông kích Tây? Quái thật ! Ngày xưa thì Tôn Võ Tử, ngày nay thì các lý thuyết gia quân sự, tại sao các ngài lại bày trò chơi chữ cho khổ thân con thế nầy ! Lừa địch ! nguyên tắc nghe hay đấy, nhưng lừa cách nào bây giờ đây? Mà địch ở đây là cộng sản, một thằng chuyên môn lừa đảo, ăn gian nói dối. Trong môn lừa đảo, phải nhìn nhận nó là sư ! Nó đã lừa gạt dân tộc Việt Nam và cả thế giới, để từ con số 0 mà tạo ra cơ nghiệp ngày nay. Lừa gạt thằng cộng sản không khác gì mình đi gạ một thằng chuyên môn tráo bài ba lá đánh bạc với mình để mình ăn gian nó ! Mẹ kiếp đúng số mình là số con rệp, lúc nào cũng được giao cho những nhiệm vụ kỳ cục nhất trong cuộc chiến nầy.... Mình cũng đã trổ tài lừa đảo khi mới đến đây để trấn an dân chúng và giữ vững tinh thần ba quân. Nhưng ngón tuyên truyền xám đó nhắm vào phe ta, làm gì gạt được thằng cộng sản trong trận tấn công nầy! Khổ thật !"

      Đại tá Nhẫn rời phòng họp, ra thẳng nhà thủy tạ bên bờ sông Hương, gọi một tách café. Nhà thủy tạ nầy là câu lạc bộ bơi lội khi trước (club nautique). Sau khi tạm đóng cửa trong những ngày hỗn loạn, Câu lạc bộ mở cửa lại. Nếu là du khách hay người rỗi rảnh công việc buổi sáng đẹp trời mà ra nhà thủy tạ nhâm nhi một tách cà phê nhìn sông Hương lững lờ trước mắt, xa xa nhìn rặng núi xanh chen chúc in hình lên nền trời xanh phía Tây Huế, thì thật là thú vị vì đó là những người biết thưởng thức thiên nhiên.

Hôm nay cũng giòng sông lững lờ đó, cũng những rặng núi xanh đó, mà đại tá Nhẫn hình như không ý thức được sự hiện diện của thiên nhiên hữu tình đó. Đầu óc ông ta quay cuồng với hai chữ "làm sao ?". Ông ta nghĩ phải chi hồi nãy trung tướng Trưởng nói thêm một câu như thế nầy : "Nhiệm vụ của đại tá Nhẫn thật đặc biệt mà cũng thật khó khăn. Tôi mong toàn thể đơn vị trưởng vì ích lợi chung nên triệt để giúp đỡ đại tá  Nhẫn khi ông ta cần.", thì như vậy phải dễ dàng cho mình biết bao nhiêu. Ông ta ao ước phải chi người ta giao cho mình 1 trung đoàn thiện chiến  để đánh nhau thì thú biết mấy, vì không phải nhức óc như hiện tại. Nếu lừa địch thành công thì đỡ tốn xương máu cho anh em Dù và TQLC . Nhưng dễ gì thành công trong hoàn cảnh chiến trường như vầy với phương tiện cơ hữu mình đang có trong tay như bây giờ. Bao nhiêu cái "phải chi" sau khi diễn qua óc để cuối cùng cái chất nghệ sĩ sẽ giúp đại tá Nhẫn thấy được chút ánh sáng, dù là lờ mờ....

Nhớ lại lúc học Chỉ Huy Tham Mưu cao cấp, nơi người ta dạy về chiến thuật, và Cao Đẳng Quốc Phòng nơi người ta dạy về chiến lược, đại tá Nhẫn thường tranh luận với các bạn đồng khóa về quan niệm tiến bộ kỹ thuật nhứt là môn điện tử, ảnh hưởng đến chiến thuật chiến lược như thế nào . Ông cho rằng tiến bộ kỹ thuật sẽ làm đảo lộn các nguyên tắc chiến tranh. Lại có người cực đoan hơn cho rằng chiến thuật chiến lược là những quan điểm cổ lỗ sĩ trong chiến tranh cổ điển. Họ nghĩ rằng với sự tiến  bộ của môn điện tử áp dụng vào các hệ thống phóng hỏa lực vào mục tiêu địch thì không cần đến chiến thuật chiến lược nữa. Bất cứ thằng ngốc nào cũng có thể chỉ huy được, chỉ cần dám thò tay nhấn nút là đủ. Đại tá  Nhẫn thì nghĩ khác. Các tiến bộ kỹ thuật điện tử trong các loại vũ khí và quân dụng chỉ giúp cho ngưòi cầm quân biết vị trí địch rõ ràng hơn, hỏa lực sẽ chính xác và nhanh hơn. Những tiến bộ nầy chỉ ảnh hưởng đến chiến thuật tức là sự đụng độ giữa hai lực lượng thù địch trên chiến trường, rút ngắn được thời gian tác chiến, tiết kiệm được xương máu, từ đó rút ngắn được thời gian chiến tranh, nếu biết khai thác về chiến lược.. Tiến bộ kỹ thuật ít ảnh hưởng đến chiến lược và những  nguyên tắc chiến tranh. Ta hãy nhìn quân đội Mỹ đánh nhau với cộng sản  Bắc Việt. Trên thế giới nầy chưa có quân đội nào được trang bị máy móc tối tân bằng quân đội Mỹ trong việc dò tìm vị trí địch, sự chính xác của  pháo binh trên bộ, dưới biển và của trái bom của không quân . Thế mà Mỹ có thắng được  Bắc Việt đâu ? Chỉ vì lỗi lầm chiến lược chớ về kỹ thuật điện tử của chiến cụ có nước nào qua nổi Hoa Kỳ đâu ? Như thế thì phải trở lại vấn đề chiến lược.  Trước hết chiến lược là một nghệ thuật, nghệ thuật làm sao mạnh hơn địch trong lúc ta yếu hơn địch, cả ở thế thủ lẩn thế công, như danh tướng Nã phá Luân đã nói. Mà đã nói nghệ thuật thì phải nói đến người nghệ sĩ, dầu đó là nghệ thuật đánh nhau. Và khi đã nói đến nghệ sĩ thì phải nói đến sự sáng tạo của chất xám.

      Lúc còn ở trong phòng họp thì đại tá Nhẫn có ý nghĩ trách trung tướng Trưởng giao nhiệm vụ mà không nói đến phương tiện. Bây giờ ông vỡ lẽ ra là ông đã trách lầm vị chỉ huy của mình. Trong chiến thuật dương đông kích tây, phương tiện ở trong đầu mình. Tất cả là do mình phải biết vận dụng  phương tiện đó hay không. Mà vận dụng phương tiện trong đầu là sáng tạo, không ngớt sáng tạo, chớ còn gì nữa ?

    Đại tá  Nhẫn khoan khoái rời nhà thủy tạ và đến gập đại tá Thiệp, Cảnh Sát. Hôm qua đại tá Thiệp có báo cáo cho biết là một nhân viên đặc biệt của ông ta mới phát giác được một ổ tình báo của  Bắc Việt tại Huế, dưới ngụy tích là một con đò trên sông Hương chở khách đi tìm hoa. Dưới đò có một cô con gái độ 30 tuổi, người Quảng Trị , có sắc đẹp khêu gợi, là nhân viên của tổ tình báo nầy. Đã có vài khách tìm hoa là sĩ quan, qua những màn ái ân nẩy lửa trên sông Hương đã vô tình tiết lộ cho người đẹp nhiều tin tức quý giá rồi. Đại tá Thiệp vốn là đàn em của đại tá Nhẫn nên có lối nói chuyện thật thân mật với thượng cấp cũ. Sau khi kể cho đại tá Nhẫn nghe câu chuyện cô lái đò, đại tá Thiệp đặt ngay câu hỏi :

- "Sao anh Năm, chừng nào anh cho lệnh hốt ổ đây ?"

- "Chú thấy bắt nó có lợi hay là nuôi nó có lợi ?" đại tá Nhẫn nhìn thẳng vào mắt đại tá Thiệp hỏi lại. 

Ngừng lại một chút, đại tá Nhẫn tiếp :

-"Tôi đang có một liều thuốc độc muốn chuyển đến cho cha con nó. Tôi tin ở nội công của chú trong nghề nầy cũng thâm hậu lắm rồi nên muốn giao cho chú làm công việc khó khăn nầy. Chú phải nhớ đây là công tác "tối mật" nhé. Và đây là những việc chú phải làm:

  - thứ nhứt: cho canh chừng thường trực mục tiêu. Nhớ lựa nhân viên cho kỹ trong công tác canh chừng nầy. Không cho bất kỳ cơ quan an ninh nào bắt (Cảnh Sát, An Ninh Quân Đội ...), nếu họ phát giác được mục tiêu nầy. Nói là lệnh của tôi bảo phải nuôi.

  - thứ hai: hãy tìm một sĩ quan người Nam, bảnh trai, đặc biệt là nhậu không say, đóng vai một đại úy Dù hào hoa để bắt bồ với người đẹp. Đưa người sĩ quan nầy đến gặp tôi liền nếu chú tìm được và sau khi thanh thỏa an ninh rồi."

      Từ giã đại tá Thiệp, đại tá Nhẫn đi vào văn phòng nói với trung tá Đức chánh văn phòng nhờ trình lại với trung tướng tư lệnh là ông ta sẽ vắng mặt 1 tuần lễ, đi công tác. Luôn 3 ngày sau, ngày nào đại tá Nhẫn cũng ra nhà thủy tạ uống cà phê. Ông ta ngồi lại rất lâu, có khi đến trưa rồi kêu luôn một dĩa cơm ăn luôn tại đó. Bình thường ông ta hút thuốc rất điều độ, 3 điếu một ngày sau mỗi bữa ăn. Nhưng những lúc bắt bộ óc phải làm việc với một tốc độ cao thì ông ta hút hết điếu nầy sang điếu khác. Có khi vừa mới châm điếu thuốc, vừa mới rít có một hơi rồi sự suy nghĩ làm ông ta quên, liệng điếu thuốc mới đốt. Ông ta cười các bác sĩ nghiên cứu tác hại của thuốc, khuyên bỏ thuốc vì nó có hại cho sức khỏe. Đồng ý điểm đó, nhưng các vị nầy quên khía cạnh lợi của nó đối với nghệ sĩ. Các vị hãy nghe bài thơ "Chiều" của thi sĩ Hồ Dzếnh được phổ nhạc tuyệt vời, trong đó có khói thuốc. Đối với người khác thì không biết sao, nhưng đối với con người nửa lính nửa nghệ sĩ như cá nhơn ông thì khói thuốc là chất kích thích cho hoạt động trí não. Có lẽ nhờ nó mà bao nhiêu cảm hứng, ý kiến hay tuyệt vời từ chất xám quyện lại với khói thuốc để sau cùng biến thành tư tưởng có mạch lạc, có hệ thống. Tuy nhiên lần nầy hình như khói thuốc mất công dụng. Luôn trong 3 ngày, ông đã đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc mà những câu hỏi hóc búa từng làm cho ông ta nhức óc vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

    - Câu hỏi đầu tiên: "Địch biết ý định tấn công của ta hay không ?"

    - Câu trả lời là: "Tình báo ccộng sản chỉ cần đọc các bản điện báo (télégramme de  presse) hằng ngày của thông tín viên quốc tế tại Việt Nam , các lời tuyên bố của các giới chức cao cấp Việt Mỹ thì sẽ thấy ý định đó rõ như ban ngày."

Kết luận: không thể dấu được.

     - Câu hỏi thứ nhì: "Mục tiêu tấn công?"

     - Câu trả lời: " Tại quân khuu 1, trong tình thế hiện tại, không có mục tiêu tấn công nào có giá trị chiến lược hơn Quảng Trị , có nghĩa là có tác động đến tình hình chánh trị. Với cách bố trí quân hiện tại thì bất cứ một anh sĩ quan tham mưu bạch diện thư sinh nào cũng thấy mục tiêu hợp lý nhất nằm trong hai chữ Quảng Trị. Không thế nào gạt được địch về mục tiêu tấn công, ví dụ làm cho họ tin rằng tấn công sẽ hướng mủi dùi về sườn Tây, tuyến của sư đoàn 1, hoặc về hướng Nam tuyến của sư đoàn 2."

     Trong điểm nầy đại tá Nhẫn thấy các bạn đồng nghiệp phụ trách C&D trong quân đội Đồng Minh hồi thế chiến 2 đã may mắn hơn ông nhiều. Họ có nhiều điểm làm cho quân Đức phân vân không biết Đồng Minh sẽ đổ bộ ở đâu để giải phóng Âu Châu: phía Nam Âu Châu trong khu vực Ba nhĩ Cán (Balkan)? hay phía Bắc Âu Châu trên bờ biển Pháp đối diện với đảo quốc Anh ? Nếu quân Đức tin là phía Bắc thì họ còn phân vân giữa bờ biển Normandie hay Pas de Calais gần trung tâm Berlin hơn? Những người phụ trách chiến dịch "dương Đông kích Tây" trong cuộc đổ bộ Normandie có rộng không gian điều động hơn đại tá Nhẫn nhiều. Cuộc hành quân Pole Nord đã thành công gạt được Hitler tin rằng điểm đổ bộ chánh là Pas de Calais. Normandie chỉ là hư chiêu mà thôi ! Tuy nhiên cuộc hành quân nầy đã phải hy sinh một số kháng chiến quân Hòa Lan để cho địch tin.

     Suy nghĩ nát nước rồi, đại tá Nhẫn đành phải chấp nhận là không thể che dấu được mục tiêu tấn công.

     - Câu hỏi thứ ba: " Lực lượng tấn công ?"

     - "Ở điểm nầy, cũng chỉ cẺn đọc báo cũng biết tại quân khu 1 chỉ có 2 đơn vị có khả năng tấn công và cũng là hai đơn vị thiện chiến nhất của Miền Nam là sư đoàn Dù và sư đoàn thủy quân lục chiến , cộng thêm BĐQ không hơn 1 lữ đoàn, và 1 trung đoàn chiến xa M 48. Các sư đoàn cơ hữu của quân khu 1 hiện đang kẹt cứng: sư đoàn 2 kẹt với mặt trận Quảng Ngãi, sư đoàn 1 kẹt ngay ở sườn Tây Huế, sư đoàn 3 đang tái thành lập tại Đà Nẳng chưa hoàn tất."

     Kết luận là không thể dấu được tầm vóc của cú đấm tấn công.

     - Câu hỏi thứ tư là "thời gian tấn công" hay là ngày N của cuộc hành quân "Lam Sơn  72".

     - "Hiện giờ thì chưa ấn định dứt khoát, nhưng có thể che dấu được nếu áp dụng triệt để các quy luật an ninh tài liệu và an ninh công tác, cộng thêm với công tác "lừa địch".

     Sau khi suy nghĩ nát nước về tất cả mọi vấn đề được đặt ra trong hành quân lừa địch nầy, đại tá Nhẫn đành ngao ngán tạm kết luận:

- "Đứng về phía địch mà nhận xét, thì ý định tấn công, mục tiêu tấn công, lực lượng tấn công, đã rõ như ban ngày, không thể nào lừa được những điểm nầy. Về thời điểm tấn công, nếu bảo mật giỏi thì cũng có thể dấu được ngày N là ngày nào. Còn trong khoảng thời gian nào thì không thể nào che dấu được, vì công tác chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn không thể nào dấu được tai mắt của địch ở chung quanh các đơn vị lớn của ta."

       Sau ngày đầu thoáng thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm, đại tá Nhẫn lại thấy mình bị lâm vào một mê hồn trận không có lối thoát.  Đúng là một bài toán không có đáp số, hay là mình còn ngu muội không tìm được đáp số ?  Đại tá Nhẫn lầm bầm một mình sau khi rời nhà thủy tạ với dáng điệu khổ não của một anh chàng thua bạc.

     Qua ngày thứ tư,  đại tá Nhẫn không ra nhà thủy tạ uống cà phê nữa. Ông bảo tài xế đưa ông lên chùa Thiên Mụ. Con người thất vọng cuộc đời đen bạc nầy định đi quy y sao đây ? Nếu thế thì quá tiếc, vì tuồng hát mới hát sơ màn đầu mà đã kéo màn lại với chữ "vãng hát" to trên màn nhung hay sao ? Khán giả đã mua vé rồi , đời nào chịu như vậy ? Ông bầu gánh là  đại tá Nhẫn cũng đâu chịu như vậy ? Không,  đại tá Nhẫn không phải là hạng người bỏ cuộc dễ dàng như vậy đâu. Hôm nay ông ta lên đây là ông ta hy vọng dấn mình vào khung cảnh thoát tục của chùa, quên hết những suy nghĩ trong mấy ngày qua, hy vọng đầu óc sẽ minh mẫn hơn may ra có được những tia sáng huyền diệu nào từ vô thức dấy lên. Có thể là trực giác một đôi khi bén nhạy của ông ta sẽ hướng dẫn hành động có vẻ lẩn thẩn như vậy chăng ?

        Đến chùa  đại tá Nhẫn xin phép vị trụ trì cho lên chánh điện lễ Phật. Ông ta dâng hương, quỳ lạy với tất cả lòng thành khẩn trước tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Bồ Tát từ bi tha thứ cho kẻ phàm tục mê muội đã phạm bao nhiêu lỗi lầm trong cõi trần tục nầy, nay biết ăn năn hối ngộ đến vọng bái Bồ Tát để xin chút tình thương bao la của Người. Sau đó ông ta ra vườn hoa ngắm cảnh. Không khí thanh bình, thanh tịnh nơi đây đã giúp cho  đại tá Nhẫn dễ chịu hơn. Đâu đây tiếng líu lo của những con chim uyên làm cho ông ta cãm thấy cất đi được quả tạ to lớn đang đè nặng lên óc ông ta từ mấy ngày qua.. Từ vườn hoa ông ta xem bảo tháp, nhìn kỹ tượng hai ông thiện ông ác trước cửa rồi đi ra trước cổng chùa ngồi xem sông Hương êm đềm lượn quanh dưới chân đồi. Không còn thời gian, không gian nữa, cũng không còn cái thế gian với chiến tranh và tội ác.... không còn một lo nghĩ gì nữa....Đúng là thoát tục !

     Cảnh thiên thai trong tâm kéo dài không biết bao lâu, bổng nhiên nhiều tiếng đại bác phía lăng Gia Long đưa đại tá Nhẫn về với thực tại. Lần nầy tự nhiên ông ta nhìn thấy một giải pháp cho những vấn nạn đã từng hành hạ tâm thức ông trong mấy ngày qua...không biết giải pháp nầy đúng hay sai, hay dở thế nào, nhưng ít ra đây cũng là một giải pháp. Lần nầy, với cái đầu thư thả, ông ta nghĩ mình không thể lừa thằng địch về mục tiêu tấn công và lực lượng tấn công, nhưng tại sao ta không lừa nó về ý định điều quân ? Bên mình tấn công trực diện với hai sư đoàn làm hai mũi dùi tiến song song từ Nam lên Bắc. Ý định điều quân nầy quá giản dị, quá cổ điển, thiếu sự sáng tạo . Nhưng phải tấn công như vậy vì phương tiện tấn công quá eo hẹp, chỉ có vỏn vẹn 2 sư đoàn , nếu có 4 sư đoàn thì  đại tá Nhẫn đã đề nghị với trung tướng Trưởng một đòn tấn công khác mà ông cho rằng lợi hại hơn vì đặt địch vào thế bị tấn công gọng kềm. Ta sẽ tấn công với 2 sư đoàn bộ binh song song từ Nam lên Bắc, với mục tiêu là tỉnh lỵ Quảng Trị như kế hoạch cũ. Tuy nhiên mũi tấn công nầy chỉ là nỗ lực phụ, tức là diện. Nỗ lực chính hay là điểm sẽ là mủi tấn công từ hậu tuyến địch từ Bắc xuống Nam, ép lực lượng phòng thủ  Bắc Việt giữa hai gọng kềm từ phía Nam lên và từ phía Bắc xuống. Mũi tấn công nầy do sư đoàn Dù nhảy xuống khu vực Đông Hà, chiếm ngã ba chiến lược nầy để ngăn chặn con đường tiếp viện và tiếp liệu từ lãnh thổ  Bắc Việt xuống mặt trận Quảng Trị. Sau đó sẽ phối hợp với sư đoàn thủy quân lục chiến tiến công từ phía Bắc xuống tỉnh lỵ Quảng Trị , cùng với cánh quân từ phía Nam lên khép quân phòng thủ  Bắc Việt ước lượng trên một quân đoàn vào một cái rọ mà không có tiếp liệu hay viện binh, vì con đường tiếp tế tiếp viện đã bị sư đoàn Dù cắt đứt. Sư đoàn thủy quân lục chiến sẽ đổ bộ lên Cửa Việt, một hải cảng nhỏ nằm ngang với Đông Hà trên bờ biển phía Đông, và 2 sư đoàn Dù và thủy quân lục chiến có giá trị chiến đấu ngang với 4 sư đoàn  Bắc Việt . Trong khi đó không quân và hải pháo, kể luôn B52 sẽ có mục tiêu để tiêu diệt, điều mà suốt 7 năm chiến tranh các phương tiện không và  hải quân nầy chưa có dịp. Tiếc rằng một cuộc hành quân có vẻ lý tưởng như thế chỉ nằm trong tưởng tượng. Nhưng  đại tá Nhẫn suy luận rằng trong kế hoạch lừa địch ta sẽ cố làm sao cho địch tin rằng bên mình sẽ điều quân như thế, và bắt họ phải rút quân về phòng thủ tuyến Đông Hà-Cửa Việt , làm giảm bớt lực lượng phòng thủ tại tỉnh lỵ Quảng Trị , tức là giảm bớt gánh nặng cho 2 sư đoàn Dù và thủy quân lục chiến trong những ngày đầu của cuộc tấn công. Đến khi địch biết mình đã bị lừa thì có trở lộn lại mặt trận tỉnh lỵ Quảng Trị họ cũng đã phải bị mất một thời gian quá quý báu và sẽ bị thiệt hại nặng nề vì hải pháo và không quân đập vào các trục di chuyển. Rất bằng lòng về kế hoạch hành quân lừa địch nầy,  đại tá Nhẫn về ngay nhà, lên giường đánh một giấc dài.... 

                                                                   

                                                                                                                 (còn tiếp)   


   Trở về trang đầu           (tiếp theo)

1