NGƯỜI SĨ QUAN HAI LẦN CHẾT

(HAY LÀ CUỘC HÀNH QUÂN THANH TUYỀN)

(tiếp theo)

 

Một lệnh hành quân lừa địch mang tên Thanh Tuyền gồm 4 giai đoạn (Thanh Tuyền 1, 2, 3 và 4) được đại tá Nhẫn thảo ra và trình lên trung tướng Trưởng vào một buổi chiều vắng khách. Trung tướng Trưởng ngồi nghe đại tá Nhẫn trình bày trên một tiếng đồng hồ diển tiến hành quân với một vẻ mặt bình thản như thường lệ mà không hỏi một câu nào. Cuối cùng trung tướng gật đầu và như thế phụ bản G của Lệnh Hành Quân Lam Sơn 72 là kế hoạch hành quân lừa địch mang tên Thanh Tuyền.

       Bây giờ bước qua giai đoạn thực hiện.

       Như đã nói ở trên, lệnh hành quân lừa địch thật đúng là một kịch bản mà đại tá Nhẫn đóng vai ông bầu của một gánh hát kiêm thầy tuồng và kiêm luôn đạo diễn. Có vẻ như là ông ta quá tham lam và ôm đồm quá nhiều. Tuy nhiên biết làm sao hơn với một gánh hát quá nghèo, đi hát đình hát chợ. Chuyện phiền hà nhất là gánh hát của ông ta không có một cô đào hay một anh kép nào, chỉ có một vài người phụ với ông ta để kéo màng và dọn "décor"! Không có thì chạy mượn cho có, thắc mắc làm gì, quá giản dị ! đại tá Nhẫn tự nhủ. Ông ta không có phương tiện cơ hữu, nhưng sau cuộc hành quân nầy ông ta học được một bài học thật quý giá: "phương tiện ở trong đầu".

Và sau đây là diễn tiến của bốn giai đoạn hành quân :

 

                          Cuộc Hành quân Thanh Tuyền 1:

      Mục đích cuộc hành quân nầy là nhằm đưa đến tay tướng Chu huy Mân ( Bắc Việt ) cuốn mật mã mà các toán biệt kích Dù xử dụng để liên lạc với Bộ chỉ Huy của họ. Dĩ nhiên đây là một cuốn mật mã giả, nhưng phải làm sao cho nó như thật.

Đây là màn kịch:

       Một trung úy của Liên Đoàn Biệt kích Dù của đại tá Ba cùng với 3 hạ sĩ quan (1 toán) nhảy xuống một khu vực rừng núi do quân  Bắc Việt kiểm soát. Người sĩ quan bất hạnh nầy vì dù không mở nên chết liền khi chạm đất. Các nhơn viên trong toán thấy người chỉ huy đã chết và hình như địch truy lùng sấp tới, nên cố chạy thoát thân, không kịp cuốn dù lại và chôn như an ninh đã quy định. Họ cũng không lục soát túi áo túi quần của người chỉ huy, vì họ đáp xuống hơi xa, và mò đến nơi người chỉ huy chạm đất là một chuyện quá khó khăn trong rừng già. Họ chỉ nhìn thấy người chỉ huy là một chấm đen từ lúc rời phi cơ và mất hút trong rừng vì dù không mở nên không xuống gần các chiếc dù khác của toán.

     Trong túi áo của viên trung úy được đặt tên là Tự (gần chử Tử là chết) có một cuốn mật mã của các toán tình báo biệt kích xài (Mỹ gọi là one time path. Cuốn mật mã nầy giống như cuốn lịch, có 365 tờ, mỗi ngày xài một tờ. Qua ngày hôm sau bản mật mã của ngày hôm trước phải được đốt bỏ, nếu địch có trám mã được ngày N, mà đây là một chuyện hết sức khó khăn, thì địch chỉ có thể đọc được các diện văn của ngày  N mà thôi, không làm sao đọc điện văn ngày N-1 hay N+1 được.)

     Cuộc hành quân Thanh Tuyền 1 đòi hỏi một trung úy trưởng toán biệt kích chết . Trên thực tế không có người nào hy sinh cả. Người hy sinh là một xác chết của một anh hùng vô danh trong quân đội.

(Sở dĩ đại tá Nhẫn xử dụng một xác chết trong công tác  nầy vì ông ta nhớ trước đó khoảng 10 năm ông có xem được một cuốn phim nói tiếng Pháp , phim"Một con người không bao giờ có thật" (L'homme qui n'a jamais existé). Cuốn phim diễn tả một sự thật 100 % trong thế chiến 2 : cuộc hành quân lừa địch do tình báo Anh dàn dựng. Năm 1943, quân đội Anh và Mỹ sau khi thắng trận ở Bắc Phi, tiêu diệt xong đạo quân Africa corps của tướng Rommel, chuẩn bị một cuộc hành quân đổ bộ lên đảo Sicile để giải phóng nước Ý. Cơ quan C & D của Anh dàn cảnh dể cho quân Đức lầm tưởng điểm đổ bộ là Hy Lạp và đại quân sẽ tập trung về điểm đó. Một xác chết của một người vô danh được xử dụng,  đóng vai một thiếu tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Hoàng Gia Anh. Viên thiếu tá giả nầy ngoài giấy tờ thường lệ trong túi áo, có mang theo một thơ tay của Lord Gort Tổng Tham mưu trưởng gởi cho tướng Eisenhower tư lệnh lực lượng đổ bộ. Lời lẻ trong thư làm cho người đọc tin chắc không thể lầm được điểm đổ bộ tương lai là Hy Lạp, mặc dầu trong thư không nói rõ điểm nầy. Xác chết được đặt trong một cái hộp chứa chất tuyết carbon (neige carbonique) để cho xác chết còn tươi. Ngoài quân phục, trong túi nạn nhân còn có vài món cần dùng xác nhận y đã sống ở Luân Đôn. Trong những món đó có hai vé xem chớp bóng tại một rạp hát ở Luân Đôn, chứng tỏ y đã đi xem chớp bóng với một cô bạn gái mới gần đây thôi. Xác chết được một tìềm thủy đĩnh mang đến Địa Trung Hải ngoài khơi Tây Ban Nha thả xuống biển, ở một địa điểm được nghiên cứu kỹ là dòng nước biển đó sẽ đưa xác nạn nhơn vào bờ biển Tây Ban Nha. Tình báo Anh biết rằng Tây Ban Nha dưới quyền tướng Franco lúc đó tuy đứng trung lập nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ cho một số lớn tình báo viên của Đức Quốc Xã hoạt động trên lãnh thổ mình để thu thập tin tức về Đồng Minh. Đặc biệt trên bờ biển mà xác chết sẽ tấp vào lúc nào cũng có tình báo viên người Tây Ban Nha làm việc cho Đức. Xác chết được bố trí cho đúng với một người đi phi cơ bị tai nạn rớt xuống biển, chui ra được khỏi phi cơ rồi chết ở đó. Đúng như kế hoạch C & D đã dự liệu, xác chết tấp vào bờ biển đã bị một người nào đó lục soát giấy tờ trước và lấy đi bức thơ rồi. Sau đó nhà chức trách Tây Ban Nha mới báo cho Tổng Lãnh Sự Anh ở một thành phố gần đó để đem về chôn bên Anh với tất cả giấy tờ còn lại. Cuộc hành quân lừa địch nầy đã hoàn toàn thành công.)

 

    Chuyện phim nầy đã gợi hứng cho đại tá Nhẫn dàn cảnh cuộc "hành quân Thanh Tuyền 1" . Việc đầu tiên là phải tìm ra một xác mới chết, còn nguyên không có thương tích, khoảng từ 25 đến 30 tuổi. Nói nghe thì rất dễ, nhưng thật sự thì khó kiếm vô cùng, vì đâu có phải là món hàng bán ngoài chợ. Ông nhớ lại là có một người cháu rể tên Pháp là thiếu tá quân y (sau nầy lên trung tá) đang phục vụ tại quân y viện Nguyễn tri Phương tại Huế mà chỉ huy trưởng quân y viện nầy là trung tá Cơ. Đại tá Nhẫn đến gập thiếu tá Pháp, nói sơ qua nhu cầu hành quân, cần một xác chết vừa mới chết, và nhờ Pháp dẫn đến giới thiệu cho trung tá Cơ. Sau khi được giới thiệu (ngay tại văn phòng trung tá Cơ), đại tá Nhẫn đi ngay vào vấn đề :

- " Thưa trung tá, Bộ Tư Lệnh hành quân cần một xác chết còn trẻ, mới vừa chết, thân thể còn nguyên vẹn. Chúng tôi biết nhu cầu nầy rất khó thỏa mãn, nhưng sau khi được thiếu tá Pháp giới thiệu, tôi tin là chỉ có trung tá là người duy nhất tại QK 1 mới có thể thỏa mãn yêu cầu nầy của Bộ Tư Lệnh. Tôi xin nói thêm đây là một đóng góp rất quan trọng cho thắng lợi của bên ta, và ngoài ra đây là một công tác tối mật mà chỉ có trung tá và thiếu tá Pháp biết mà thôi."

Trung tá Cơ nhìn người khách lạ với đôi mắt ngỡ ngàng mà chưa vội trả lời. Có lẽ ông ta bị méo mó nghề nghiệp nên nhìn kỹ viên đại tá nầy xem y có phải là một người đang mắc bệnh tâm thần hay không, mà thiếu tá Pháp gập ở đâu đó nên lôi về đây nhờ chữa giùm. Một lúc sau trung tá Cơ mới trả lời:

- " Các điều kiện về xác chết của đại tá thật là khó. Trẻ thì hầu hết các quân nhân chết tại đây đều trẻ. Có đều họ chết vì thương tích thì không có người nào còn cơ thể lành lặn. May ra hay bất hạnh cho người đó là vì họ chết bệnh, mà trường hợp nầy rất ít. Tôi thấy điều kiện mà đại tá đưa ra quá khó cho chúng tôi, mặc dầu tôi không do dự chút nào khi phải thi hành lệnh của trung tướng Trưởng."

      Đại tá Nhẫn cũng nhận thấy lời lẽ của trung tá Cơ đưa ra rất là hữu lý, nhưng ông ta vẫn cố nài xin cho được:

- " Nếu có một quân nhân nào chết bệnh đúng như nhu cầu thì xin trung tá gọi điện thoại cho tôi lập tức, bất cứ giờ nào, hoặc tốt hơn là bảo thiếu tá Pháp đến gập ngay tôi."

Trung tá Cơ lại nêu lên một khó khăn khác, cũng không kém quan trọng:

- " Còn một chuyện khó khăn khác mà tôi không thể nào giải quyết được.. Trong quân đội ta, người chết bất cứ thuộc cấp bậc nào cũng phải được quân y viện thông báo cho gia đình đến lãnh xác về chôn. Nếu gia đình ở xa thì đại đội chung sự  lãnh việc ma chay. Sau đó còn thủ tục giấy tờ để cho thân nhân lãnh tiền tử tuất. Nếu tôi giao xác cho đại tá thì làm sao giải quyết vấn đề thủ tục ?"

     Đại tá  Nhẫn thấy đây là phút quyết liệt nhứt cần phải đẩy trung tá Cơ vào thái độ dứt khoát. Ông ta nghiêm giọng:

- " Thưa trung tá, tôi biết thủ tục dành cho anh em quân nhân anh hùng vị quốc vong thân. Tôi thành kính nghiêng mình trước mọi anh em quân nhân đã hy sinh cho Tổ Quốc. Tuy nhiên lúc sống đã hy sinh cho đất nước mà nay chết rồi mà còn có cơ hội hy sinh nữa thì tôi nghĩ rằng lý do nầy còn cao quý hơn lý do nào khác kể cả thủ tục giấy tờ. Tôi xin nhắc lại đây là lệnh của trung tướng Trưởng : trung tá phải xoay sở thế nào để thanh thỏa vấn đề thủ tục, vì đây là một công tác rất quan trọng góp phần đắc lực vào chiến thắng sắp tới của quân ta."

     Trung tá Cơ đành phải đồng ý, nhưng chắc chắn là miễn cưỡng, để cho người khách lạ không mời mà đến nầy mau rời khỏi văn phòng của ông ta.

      Đại tá Nhẫn bắt tay từ biệt trung tá Cơ với một lời nhắn nhủ chót:

- " Xin trung tá nhớ cho : đây là một công tác tối mật."

Bước khó khăn thứ nhất của Thanh Tuyền 1 được tạm giải quyết vì coi như sẽ tìm được một diễn viên chính. Bây giờ chỉ còn đi tìm một người phụ tá cho ông để thi hành kế hoạch.

       Đại tá Nhẫn đến gặp đại tá Ba, cho ông nầy biết nội dung kế hoạch, mục tiêu, diễn tiến cuộc hành quân mà khung cảnh chính là những cuộc hành quân của những toán biệt kích của đại tá Ba. Ông nầy rất thông cảm và biệt phái cho đại tá Nhẫn một sĩ quan xuất sắc trong đơn vị của ông ta, làm phụ tá hành quân cho đại tá Nhẫn để thi hành kế hoạch “hành quân Thanh Tuyền 1”.Thật là may mắn cho đại tá Nhẫn. Ông ta có 2 sĩ quan tận tụy lo giải quyết vấn đề tham mưu là đại úy Vị và trung úy Trước. Nay ông lại vớ thêm được một sĩ quan phụ tá quý giá là trung tá Sanh. Tất cả đều là những cộng tác viên tuyệt vời. Ở ngoài  không ai biết là chính họ là những người biến tư tưởng của ông ta thành hành động, những người có công rất lớn trong cuộc chiến bí mật nầy.

     Suốt mấy ngày sau đại tá Nhẫn và trung tá Sanh chúi mũi vào bản đồ, tìm một khu vực thuận lợi nhất cho cuộc hành quân, nghiên cứu không ảnh để tìm khu vực dự trù thả dù (dz, hay là dropping zone). Đây là một khu vực rừng già, có đường mòn Hồ chí Minh chạy ngang qua, nằm ở phía Tây Bắc Huế. Sau khi lựa chọn kỹ càng, cả hai đều đồng ý chọn điểm DZ gần một căn cứ hậu cần của  Bắc Việt . Có những đường mòn cho thấy đó là dấu vết của các toán quân tuần thám xuất phát từ căn cứ đó. Điểm DZ được lựa chọn để chậm lắm là trong vòng 48 tiếng đồng hồ thế nào cũng sẽ có lính tuần thám  Bắc Việt đi qua. Đồng thời với sự lựa chọn DZ, đại tá Nhẫn và trung tá Sanh cũng lo chuẩn bị những phương tiện cần thiết khác để khi có được xác chết là có thể tung cuộc hành quân trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trong danh sách phương tiện đó có hai phi cơ C119 của riêng Nha Nghiên Cứu thường dùng cho công tác thả dù đặc biệt.

      Vào một ngày thật đẹp trời, thiếu tá Pháp đến báo cáo cho biết là "đã có hàng rồi, (trung úy Tự) hiện đang nằm trong hộp lạnh. Đại tá Nhẫn và trung tá Sanh soát lại dụng cụ chuẩn bị : áo quần dù cho trung úy Tự, trong các túi đã có đủ đồ cần dùng mà một biệt kích phải mang theo. Ở túi trên ngực bên trái, có quyển lịch mật mã (được chế biến riêng). Các trang trước ngày N của Thanh Tuyền 1 (ngày trung úy Tự xuống đất) bị lột bỏ. Quyển nầy về hình dáng giống như quyển mà các toán biệt kích đang dùng trong rừng, nhưng những con số thì hoàn toàn khác biệt. Đó là mật mã giả, chỉ có trung úy Tự và bộ Chỉ Huy lực lượng biệt kích liên lạc với nhau mà thôi. Một công điện từ Bộ Chỉ Huy cho lệnh các toán trong rừng ngưng liên lạc, tuyệt đối giữ im lặng truyền tin 1 tuần lể từ ngày N. Biện pháp nầy phòng ngừa trường hợp tình báo kỹ thuật địch bắt được mật điện trao đổi giửa các toán và Bộ Chỉ Huy mà không giải mã được với cuốn lịch trong túi trung úy Tự được thì họ sẽ nghi quyển mật mã tịch thu được là giả. Trong túi của trung úy Tự còn có một bức thư mới nhận được của cô bạn gái do đại tá Nhẫn nhờ một sĩ quan khác không biết tý gì về việc nầy mượn một cô gái quen viết, đại khái thơ kể lại những buổi đi chơi thơ mộng ở lăng Tự Đức trước ngày Bắc Việt tấn công và hy vọng hết giặc hai người sẽ như đôi chim liền cánh, lá liền cành v.v....Ngoài ra đồng xuống dù với trung úy Tự còn có 3 cây nước đá thay thế cho 3 toán viên biệt kích , và một số dù chở lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men, địa đồ....v.v...đúng như thật.

      Ngày N của Thanh Tuyền 1 diễn ra hai ngày sau khi thiếu tá Pháp báo tin có hàng. Ngày đó được diễn ra gần một tháng trước ngày N của cuộc hành quân Lam Sơn 72.

     Vào một buổi chiều, 2 phi cơ C 119 cất cánh từ phi trường Phú Bài. Trước khi cất cánh các phi công đều được cung cấp đầy đủ mọi yếu tố về tốc độ gió, độ thấy, mây v.v...để họ thả dù rơi vào đúng địa điểm ấn định. Giờ cất cánh được tính toán sao cho phi cơ đến trên không phận DZ thì trời vừa sụp tối, để tránh quân  Bắc Việt thấy dù chạy tới phát giác được những cây nước đá, nhưng cũng vừa đủ sáng để phi công thấy được đúng DZ.

     Đại tá Nhẫn, đại tá Ba cùng đi trên chiếc phi cơ thứ nhứt dùng làm Bộ Chỉ Huy hành quân,  phi cơ thứ nhì có trung tá Sanh, 2 phụ tá và một số kiện hàng lĩnh kỉnh của ông ta. Đích thân trung tá Sanh với sự trợ giúp của 2 phụ tá sẽ thi hành việc thả hàng xuống DZ.

     Lúc phi cơ cất cánh, đại tá Nhẫn thở phào nhẹ nhõm. Như thế là màn đầu của kế hoạch hành quân coi như được diễn tiến tốt đẹp. Ông ta khoái trí, nhớ đến một từ ngữ tình báo Pháp có chữ intoxication, tương đương với từ ngữ "dương đông kích Tây" của đông phương. Nghĩa đen của chữ intoxication là đánh thuốc độc. Đại  tá Nhẫn nghĩ :

" Xét ra nhiệm vụ của mình trong cuộc hành quân Lam Sơn 72 đúng là đưa chén thuốc độc cho địch nhấm. Cuộc hành quân Thanh Tuyền 1 nầy mới chỉ trao cho địch nhấm nháp độ ¼ chén thuốc độc mà thôi."

       Đang lúc thích thú suy nghĩ như thế thì phi cơ đã đi vào khu vực của địch lúc nào không hay. Từ dưới đất lóe lên một chấm đỏ giữa đám lá rừng: 1 khẩu phòng không  Bắc Việt nhả đạn. Rồi tiếp theo đó các chấm đỏ càng lúc càng loé lên càng nhiều. Đại tá Nhẫn nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng 10 phút nữa là phi cơ sẽ đến không phận của DZ. Bổng nhiên đại úy phi công trưởng vẻ mặt căng thẳng báo cáo làm đứt ngang giây phút khoan khoái của ông ta: phi cơ bị hỏng một máy, không biết do trục trặc kỹ thuật máy móc hay bị trúng đạn phòng không của Bắc Việt, và phi công xin trở lại Phú Bài. Tình trạng phi cơ có hai máy mà hư hết một thì thật là nguy hiểm, có thể bị rơi bất cứ lúc nào, nhất là đang bị phòng không ở dưới đất tiếp tục bắn lên. Đại tá Nhẫn hỏi phi công xem liệu phi cơ còn đủ sức lết về Phú Bài không. Phi công chỉ trả lời "may ra" và đại tá Nhẫn lấy ngay quyết định cho phi cơ trở lại Phú Bài và ra lịnh cho trung tá Sanh cứ tiếp tục thi hành nhiệm vụ.

     Trên đường về, đại tá Nhẫn ân hận nhũ thầm : "lúc đi đã có tính toán dự trù đủ mọi chuyện, mà quên không dự trù trường hợp xấu nhất là "bản thân bị địch bắt". Lúc bước lên phi cơ mọi người đều có mang dù vì công tác trong vùng địch. Nếu nguy cấp lắm thì nhảy, nhưng trong khu vực rừng già do địch kiểm soát, nếu nhảy xuống may mắn mà không bị vướng trên ngọn cây thì sẽ có nhiều khả năng bị địch bắt. Đại tá Nhẫn ân hận tự nghĩ phải chi mình đem theo một viên cyanure de mercure (thuốc độc) để nuốt vào khi sấp sửa bị địch tóm cổ thì khỏe biết chừng nào. Còn nếu không bị địch bắt thì cũng khó mà về đến tuyến của mình khi bản thân không có trang bị dụng cụ, lương thực để mưu sinh thoát hiểm. Còn một chuyện nữa, mình mà chết hay bị bắt thì toàn bộ kế hoạch hành quân Thanh Tuyền 1,2,3,4 gì cũng đều kể như vứt đi hết. Một công trình sáng tạo với bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mình và của bao nhiêu người khác đều bị vứt vào sọt rác, rồi hình ảnh các chiến sĩ dù và thủy quân lục chiến hàng hàng lớp lớp ngã gục trước hỏa lực dày đặc của địch ....". Những tư tưởng hắc ám đó cứ dày vò đại tá Nhẫn đến khi phi cơ chạm phi đạo Phú Bài. Ở đây phải ngả mũ cúi đầu bái phục tài lái phi cơ của hai viên phi công. Và không lâu sau đó trung tá Sanh báo cáo về bằng mật ngữ: "tất cả diễn tiến tốt đep". Thật hú vía ! Đúng như thầy bói đã nói: Tiền hung hậu kiết, trước dữ sau lành !

     - Hai ngày sau từ Bộ Chỉ Huy của đại tá Ba một công điện được đánh đi, lệnh cho một toán giả gọi là toán Métro di chuyển đến gần quốc lộ 9 để quan sát và báo cáo số lượng địch quân di chuyển từ Khe Sanh về Đông Hà.

    - Ngày kế tiếp lại có 2 công điện khác từ Bộ Chỉ Huy lệnh cho 2 toán giả khác Nina và Tanyo về quan sát sự di chuyển của địch từ Vĩnh Linh về Đông Hà.

    - Một ngày sau đó lại có lệnh điều động 2 toán giả nữa Coca và Tetra về một cao điểm có rừng rậm gần Đông Hà, ở tại chỗ chờ lệnh.

     Tất cả các lệnh nầy đều xử dụng mật mã trong túi trung úy Tự. Hai ngày sau đó một công điện cuối cùng xử dụng cuốn mật mã của trung úy Tự mang theo, cho tất cả các toán biết là : trung úy Tự, toán Lola, đã mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy từ khi nhảy toán, có thể trung úy bị địch bắt với cuốn mật mã. Kể từ giờ nầy vì lý do an ninh lệnh cho các toán xài cuốn mật mã Béta, thay thế cho cuốn Alpha, quyển mật mã dự phòng mà mỗi toán đều có mang theo khi nhảy .

      Sự thật Alpha và Béta đều là chuyện phịa cả. Mỗi toán khi nhảy chỉ mang theo có một cuốn mật mã mà thôi. Họ đã giữ im lặng truyền tin suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 8 thì liên lạc trở lại bình thường.

Với Thanh Tuyền 1, đại tá Nhẫn hy vọng dâng cho tướng Chu Huy Mân ¼ chén thuốc  độc với "địa danh Đông Hà". Cái gì sẽ xảy ra tại Đông Hà ? Nội dung sẽ nằm trong cuộc hành quân Thanh Tuyền 2.

    

                       Cuộc Hành quân Thanh Tuyền 2:

      Đúng theo lời yêu cầu, đại tá Thiệp đã giới thiệu cho đại tá Nhẫn một sĩ quan bên ngành an ninh, đại úy Trương. Đây là một anh chàng bảnh trai có vẻ hào hoa phong nhã, một tay sành sỏi các hộp đêm. Mang một bộ ria Clark Gable, trông anh thật là ngổ. Thật là một con chim lạ, ít có, đại úy Trương lại có một tửu lượng phi thường. Bắt anh ta đóng vai người say nói bậy trước mặt người đẹp chắc không ai hơn.

     Đại tá Nhẫn đã bố trí cho đại úy Trương gặp người đẹp hai lần, lần đầu để biết nhau và lần sau để trở thành đôi bạn tâm tình. Lần thứ ba sấp tới sẽ là màn chánh của kịch bản.

     Trước ngày gặp đó, đại tá Nhẫn đã hội thảo (briefing) với đại úy Trương thật lâu và thật kỹ, từ câu nói, từ cử chỉ khi gập người đẹp. Hội thảo là danh từ tình báo chỉ cho giai đoạn hướng dẫn tình báo viên lần chót trước khi tung người đó đi công tác.                                     

     Và đây là màn kịch :

     Vào một đêm đẹp trời trên sông Hương, trước ngày N của cuộc hành quân Lam Sơn 72 độ nửa tháng. Trăng sáng vằng vặt trải dài trên sông Hương như giải lụa bạc, gió hiu hiu thổi nhẹ như mơn trớn tà áo của các cô gái chèo đò. Trời đẹp quá, một cái đẹp huyền diệu như trong câu chuyện Liễu Trai. Cảnh như thế này mà không xuống đò sóng vai người đẹp để uống cho đến khi đất trời nghiên ngửa thì quả là phí cả cuộc đời....Đã có hẹn trước, đại úy Trương hôm nay tỉa bộ râu mép rất kỹ, bộ đồ rằn ri thẳng nếp, đến rất đúng giờ hẹn, 8 giờ. Người đẹp đã chờ sẵn dưới đò. Dưới ánh trăng người đẹp đêm nay lại càng đẹp hơn, quyến rũ hơn những lần trước. Thật là đôi trai tài gái sắc. Chỉ tiếc là Ông Trời trớ trêu bắt họ ở hai bên chiến tuyến và lãnh những nhiệm vụ quỷ quái trong đó con tim không có đất đứng. Nếu không có những khắc nghiệt của chiến tranh thì cặp nầy làm vợ chồng ở ngoài đời hoặc cùng đóng một phim tình cảm thì hay biết mấy, thơ mộng biết mấy !

     Một bữa tiệc tuy không thịnh soạn nhưng cũng đủ các món nhậu nổi tiếng của đất thần kinh, như món gỏi cầu kỳ có tên là "dấm ruốt", một chai Johnny walker từ một câu lạc bộ Mỹ nào đó đã chễm chệ trên bàn ăn. Người đẹp gắp thức ăn vào chén cho đại úy Trương đầy tình tứ không thua một người vợ hiền nào khác. Gặp thức ăn ngon, lại được người đẹp chuốc cho rượu ngon, chẳng mấy chốc mà chai rượu đã vơi đi một nửa, trong lúc người lái đò cho thuyền chầm chậm trôi về thượng nguồn, về hướng chùa Thiên Mụ.

- " Ngọc ơi, người đẹp của lòng anh, bữa tiệc nầy làm cho anh nhớ hoài, anh ước gì trong cuộc đời cô đơn của anh sẽ có em chen vào để mang lại cho anh một chút ấm áp gia đình, đó là giấc mơ lớn nhứt của anh."

- " Thôi đi anh, Ngọc nũng nịu trả lời, ông tướng Sài gòn đừng có mà hứa nhăng hứa cuội nữa ông tướng ơi ! Ra đây ông nào cũng nói với chúng em là mồ côi vợ nhưng ông nào cũng đã có một lô bà ở Sai gon. Khổ một nỗi là tụi em lại dễ tin mới là chết chứ !"

- " Họ khác, anh khác em ơi, không lẽ anh lại phải thề với em, mà thôi, dẹp chuyện đó qua một bên đi. Ngày nào mà em thành bà đại úy Trương thì anh sẽ cắn em một cái về lời buộc tội của em tối nay, chịu không cưng ?"

Đại úy Trương nốc một hơi cạn ly rượu, lấy khăn tay quẹt môi rồi bổng nhiên tắc lưỡi, có vẻ hơi buồn. Người đẹp vội hỏi liến:

- " Sao đang vui anh lại có vẻ buồn như thế, em hổng chịu đâu !"

- "Không nói dấu gì em, từ ngày biết nhau đến nay, xa em một ngày sao anh thấy thời gian dài quá, dài bằng cả năm. Sau bữa nay, anh phải xa em hơi lâu, về Sài gòn công tác độ nửa tháng. Buồn quá, thời gian xa em dài như vậy anh chịu hết nổi. Em là con quỷ yêu đương của anh. Ngày xưa khi chưa biết em, anh như con bướm trong tình trường, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Bây giờ xa em một ngày chịu không nổi, có lẽ anh bị quả báo."

     Người đẹp rót một ly rượu mới, châm thêm soda bỏ thêm vài cục nước đá, lắc lắc rồi âu yếm đưa ly rượu cho đại úy Trương.   

" Uống đi anh. Có chuyện gì mà anh phải về Sài Gòn lâu vậy ? Lần nầy anh đừng hòng gạt em nữa đâu, em không tin đâu. Đây là mặt trận, lính dù mấy anh đánh ở đây, chớ có công tác gì mà phải về Sài Gòn ? mà cả nửa tháng lận? Chắc anh về với người đẹp nào ở Sài Gòn quá, bộ em không biết sao ?"

- " Khổ quá ! chưa gì đã dở trò ghen tuông rồi. Đáng lẽ anh không được quyến nói gì đến công tác với người khác, vì quy luật an ninh cấm. Nhưng thôi, em có phải là người khác đâu, anh với em là một chớ còn gì nữa ?" đại úy Trương vừa nói vừa ra điệu bộ...làm cho người đẹp đỏ mặt lên, rồi anh ta lại nói tiếp:

- " Thôi, tôi phải nói cho người đẹp hay ghen biết. Anh về Sài Gòn để thúc đẩy các ông quan bàn giấy ở Bộ Tư Lệnh tiếp vận cung cấp số dù cho đầy đủ cho toàn thể sư đoàn trong thời gian ngắn nhứt, anh sợ nửa tháng còn không kịp nữa đó."

     Người đẹp hình như sáng mắt lên, nàng muốn mở miệng hỏi nữa nhưng nghĩ sao lại thôi. Nàng tiếp tục châm rượu cho chàng đại úy si tình, chai rượu đã gần cạn. Đại úy Trương lè nhè hai câu thơ Đường trong bài Lương Châu Tử :

                   Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

                   Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi.

Lại thêm một ly rượu nữa, đại úy Trương gục đầu bên vai người đẹp. Hình như ông ta quá say rồi. Bổng nhiên anh ta ụa một tiếng lớn rồi phun vọt đồ ăn trong bụng ra, cũng may mà không trúng người đẹp. Đây là giai đoạn mà dân nhậu gọi là ‘phun kiếm" hay là "cho chó ăn chè". Cô nàng dìu đại úy Trương nằm xuống chiếu hoa, anh ta gần như không còn biết gì nữa, lấy khăn ướt lau miệng cho anh ta, và kê đầu lên gối như một người vợ hiền.

     Đêm đó, trong cơn bão tố ái tình, nếu có người thứ ba nào rón rén rình thì từ những câu không đầu không đuôi...mà chịu khó ráp lại thì sẽ thành một câu có đầu có đuôi đàng hoàng: Tụi anh nguyên cả sư đoàn sẽ nhảy xuống Đông Hà, tụi anh sẽ bắt tay với thằng thủy quân lục chiến từ Cửa Việt đi lên. Tụi anh sẽ giần thằng cộng sản nát như tương tàu. Em tin đi, sấp hết chiến tranh rồi..Anh yêu em, anh cưới em, anh sẽ....anh sẽ...."

     Và đến đây chỉ còn nghe tiếng thở hổn hển của đôi tình nhân đang yêu nhau...

Ngày hôm sau, khi nghe đại úy Trương báo cáo công tác hoàn tất,  đại tá Nhẫn bổng dưng thấy lòng mình se lại, thấy mình đã quá tàn nhẫn đối với người sĩ quan nầy. Anh ta còn trẻ, anh ta lăn mình vào lửa đạn không biết chết sống lúc nào, anh ta có quyền hưởng lạc thú ở đời, thế mà mình nỡ lợi dụng anh ta trong trò yêu đương. Xét cho cùng thì ai cũng có tội lỗi, nhứt là những kẻ đã mang chiến tranh vào Miền Nam, kẻ đã đẩy Người Việt giết Người Việt không gớm tay.

     Sau khi đại úy Trương báo cáo, đại tá Nhẫn điện thoại cho chỉ huy trưởng của anh ta để yêu cầu cấp cho anh ta một sự vụ lệnh về Sài Gòn công tác trong thời gian nửa tháng cho đúng như thực. Đây là đề phòng đồng bọn của người đẹp phối kiểm lời ông ta nói lúc say.

      Như thế là hai địa danh Đông Hà và Cửa Việt đã được chuyển cho cấp chỉ huy  Bắc Việt ở bên kia, kèm theo một vài chi tiết để cho họ không lầm lẫn về ý định tương lai của vị tư lệnh chiến trường Miền Nam.

     Sau đó,  đại tá Nhẫn bắt tay vào việc đạo diễn 2 màn Thanh Tuyền 3 và Thanh Tuyền 4.

 

                           Cuộc hành quân Thanh Tuyền 3.

    Thanh Tuyền 3 là một cuộc hành quân nhảy dù giả vào Đông Hà.

    - Một loạt công điện giả trao đổi giữa Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận Vùng I và Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận Trung Ương về chuyện cho di chuyển số dù và quân trang quân dụng cần thiết khác cho một cuộc hành quân nhảy dù đại quy mô. Đại tá Nhẫn hy vọng tai mắt của địch ở nhiều cơ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ đánh hơi được chuyện nầy. Ngoài ra còn xin quân trang quân dụng cần thiết cho một cuộc hành quân đổ bộ cho một sư đoàn thủy quân lục chiến nữa. 

     - Về phía Mỹ, đại tá Nhẫn đã được Hạm đội 7 biệt phái một đại tá sĩ quan liên lạc đến để tiếp nhận nhu cầu của đại tá Nhẫn về  hải quân và không quân vì phía Việt Nam không đủ sức đảm nhận. Sự yểm trợ của Mỹ cho đại tá  Nhẫn trong Thanh Tuyền 3 và 4 hết sức quý giá.  Thông thường, muốn mở một cuộc hành quân nhảy dù hay đổ bộ từ vùng biển, không quân và  hải quân phải oanh kích trước từ nhiều ngày các đường di chuyển vào khu vực mục tiêu, các khu phòng thủ trong khu vực, và cách ly khu vực mục tiêu với khu vực chung quanh trong mục đích tạo sự an toàn tối đa cho quân nhảy dù hay cho thủy quân lục chiến khi đổ bộ xuống khu vực mục tiêu. (trong thế chiến 2, những cuộc oanh kích và hải pháo vào khu vực Normandie, giúp cho quân đồng minh đổ bộ từ dưới biển lên, và oanh kích khu vực Bastogne ở Bỉ để dọn bãi cho một cuộc hành quân nhảy dù lớn nhất của Mỹ khi trận chiến sấp kết thúc: đó là mẫu yểm trợ của không quân và  hải quân cho loại hành quân đặc biệt đó). Đối với một chuyên viên quân báo, khi nghiên cứu kỹ các khu vực bị oanh kích hay pháo kích như thế, người ta sẽ ước tính được phần nào khu vực mục tiêu. Tại chiến trường Quảng Trị , tuy không thể yểm trợ quy mô như trong thế chiến 2, nhưng không quân và  hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ sẽ cho  Bắc Việt thấy được là sẽ có một cái gì xảy ra trong khu vực Đông Hà và Cửa Việt trong tương lai.

     - Mặt khác, sự chuẩn bị ráo riết của hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến để tham dự trận chiến trong những ngày sắp tới, phần lớn đã giúp cho kế hoạch của đại tá Nhẫn. Sự chuẩn bị nầy không thể nào qua được con mắt quan sát của tình báo viên cộng sản trong các  hàng quán chung quanh khu vực đóng quân của các đơn vị, cũng như trong nội bộ các đơn vị. (người ta không quên đây là một cuộc nội chiến, người của 2 bên có mặt khắp nơi). Lần nầy đại tá Nhẫn lại đưa ra miếng đòn cũ là tuyên truyền xám. Ông ta được các cơ quan tình báo và an ninh bạn tổ chức một số "cò mồi" trong hai đơn vị dù và thủy quân lục chiến. Những tay "cò mồi" nầy làm ra vẻ thông thạo tin tức, rỉ tai với bạn đồng đội sự chuẩn bị trong sư đoàn dù là chuẩn bị nhảy lớn, mặc dù chưa nói rõ là ở đâu. Trong sư đoàn thủy quân lục chiến cũng có một trò rỉ tai, nói về một cuộc đổ bộ của toàn thể sư đoàn, nhưng cũng chưa biết ở đâu. Thông thường một người biết chuyện bí mật không dằn được, muốn cho người khác biết để tỏ ra ta đây  là người biết nhiều chuyện. Dĩ nhiên khi rỉ tai y không quên thêm vào câu đây là tối mật, chỉ có anh là người tôi tin cậy nên mới nói cho biết thôi. Loại bí mật nầy người Pháp gọi là secret de Polichinelle, nó lan rộng một cách tự nhiên. Đại tá Nhẫn lấy làm hứng thú mà cho địch nếm mùi hư hư thực thực, một tình trạng mà họ không hề lâm vào, nhờ gài tình báo ở khắp mọi nơi, mọi cấp. Như trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971,  kế hoạch hành quân của ta đã lọt vào tay địch khi quân ta chưa đến trận địa. Biết bao nhiêu xương máu của các chiến sĩ anh hùng đã được tiết kiệm nếu lúc đó người ta biết áp dụng một nguyên tắc sơ đẳng trong hành quân tấn công: là Hư Thực hay là Lừa Địch.

     - Để thực hiện Thanh Tuyền 3, một ngày nào đó trong tháng 7, trước ngày N của Lam Sơn 72 độ một tuần, đại tá Nhẫn xin đại tá Báo cho mượn một tiểu đoàn dù trong vòng một ngày, trước ngày N của Lam Sơn 72 bốn hôm. Đại tá Báo tuy có nhiều cảm tình với đại tá Nhẫn nhưng ông ta cho biết kế hoạch hành quân tấn công là một bộ máy đồng bộ nhịp nhàng, Nay rứt ra một bánh xe, mặc dầu trong thời gian ngắn 24 tiếng vẫn là một chuyện rắc rối cho công tác tham mưu. Sau cùng rồi ông ta cũng cho mượn 1 đại đội dù trang bị đầy đủ đồ nhảy trong vòng 24 tiếng.          

     Đại đội nầy sẽ trình diện đại tá Nhẫn chiều ngày N-4 tại sân bay Phú Bài. Trước đó đại tá Nhẫn đã có xin sư đoàn 1 không quân của đại tá Khang 4 chiếc phi cơ vận tải, đủ để chở 1 đại đội dù với đầy đủ quân trang quân dụng. Phi cơ sẽ có mặt tại Phú Bài sáng sớm ngày N-3.

     Y hẹn, đại đội dù đã đến sân bay buổi chiều ngày N-4. Toàn thể quân nhân đại đội nầy đều bị cấm trại. Tuy nhiên sự di chuyển 1 đại đội dù với y phục tác chiến, dù đeo ở lưng, từ căn cứ đại đội đến Phú Bài chắc chắn khó thoát khỏi con mắt tình báo của địch. Đêm đó, đại úy đại đội trưởng và thiếu tá chỉ huy  phi đội đã được đại tá Nhẫn thuyết trình cho biết đây là một nhiệm vụ đặc biệt tối mật của tư lệnh quân đoàn, chỉ có 2 người trong dơn vị biết mà thôi . Mọi sự sơ suất để lộ mật sau nầy thì 2 người sẽ chịu trách nhiệm với trung tướng Trưởng. 

     - Phần đại đội trưởng dù sẽ phải thuyết trình cho các trung đội trưởng biết là đại đội  có nhiệm vụ tiên phong nhảy xuống một khu vực gần Đông Hà, đại đội sẽ phải thiết lập một bãi đáp an toàn để cho đại bộ phận sư đoàn nhảy xuống sau đó. Mỗi trung đội được phát một địa đồ bãi đáp và nhận nhiệm vụ riêng cho từng trung đội. Sau buổi thuyết trình nầy, đại đội trưởng sẽ thuyết trình lại với các trung  đội trưởng,và trước khi lên phi cơ các trung đội trưởng sẽ nói sơ nhiệm vụ của trung đội cho các đội viên.

     - Phần phi đội trưởng thì đường bay của phi đội được ấn định như sau:

Phi cơ cất cánh đúng 7 giờ sáng, hướng về Bắc, gần chạm tuyến thì đổi hướng về Đông ra biển, sau đó bay trong khu vực bạn để được  an toàn. Thời gian ở trên không bằng thời gian bay từ Phú Bài đi Đông Hà đi và về. Khi bay được nửa thời gian (tức là nếu bay thực thì phi đội đang ở trên không phận Đông Hà), thì đại đội trưởng nhờ phi đội trưởng đánh về căn cứ một công điện do đại tá Nhẫn soạn sẵn và trao cho đại đội trưởng. Nội dung công điện như sau: "Đã đến không phận mục tiêu Stop Gió quá lớn không thể nhảy được Stop Xin cho trở về tạm nghỉ đợi thời tiết tốt Stop Hết". Căn cứ sẽ trả lời "Chấp Thuận" và phi cơ quay trở về.

     Sau khi đáp xuống Phú Bài, đại đội trưởng tập hợp các trung đội trưởng lại, cho biết "hôm nay thời tiết xấu quá không nhảy được, tạm trở về căn cứ chờ", và ra lịnh cho binh sĩ "tuyệt đối giữ kín nhiệm vụ đã đươợc trung đội trưởng phổ biến trước khi bay".

    Lần này, lạy Trời cho họ ít kín miệng hơn!     

 

                          Cuộc hành quân Thanh Tuyền 4.

     Trước ngày đại đội dù nói trên lên phi cơ, đại tá Nhẫn đến gặp đại tá Chương, Tham Mưu Trưởng sư đoàn thủy quân lục chiến để mượn 1 tiểu đoàn trong 2 ngày và trả lại 48 giờ trước ngày N. Đại tá Nhẫn đã trình bày như lúc mượn 1 đại đội của đại tá Báo bên sư đoàn dù, nhưng lần nầy đại tá Nhẫn không được đón tiếp nồng hậu như bên Dù. Có lẽ hôm nay ông ta thuyết trình dở nên khi ông ta đưa ra lý lẽ nào ra cũng bị đại tá Chương bác. Cũng chỉ có một lý do như đại tá Báo đã đưa ra hôm trước thôi. Hết thuyết trình rồi đi tới màn năn nỉ, nhưng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng đại tá Nhẫn đành đứng dậy từ giã chủ nhà với một bộ mặt tiu nghỉu của một kẻ đi mượn tiền bị ông chủ từ chối mặc dù đã nói đến khô cả cổ. Trên đường về, đại tá Nhẫn lầm bầm : "Thật khổ cho thân ông bầu gánh như mình, muốn hát mà không có được một anh kép hay một cô đào, toàn là đi mượn, phiền toái làm sao !" Ông ta trách đại tá Chương ích kỷ nhưng sau cùng ông ta thấy đại tá Chương có lý, nếu mình ở vào địa vị của ông ta chắc mình cũng phải làm như vậy thôi.   Đang than thở một mình trên xe, đột nhiên đại tá Nhẫn vỗ đùi một cái bép làm chú tài xế giựt mình. Một ý nghĩ hay hay vừa thoáng qua trong óc. Ông ta tự nói một mình : - "Sao mình ngu thế ? Để mất thời gian năn nỉ đại tá Chương, thủy quân lục chiến cũng rằn ri, biệt động quân cũng rằn ri, cả hai đều đội mũ sắt ra trận. Đây là ta đóng kịch, cần gì thủy quân lục chiến thật, mình cứ mượn một tiểu đoàn BĐQ rồi cứ phao tin ra rằng tiểu đoàn nầy là tiểu đoàn thủy quân lục chiến bận đồ BĐQ để đánh lạc hướng địch, hư hư thực thực mà ! "                

     Sở dĩ đại tá Nhẫn nghĩ đến mượn BĐQ vì chỉ huy trưởng BĐQ/QK1 là đại tá Khái, bạn cùng khóa Thủ Đức với ông ta. Trong loại chiến tranh ngoại lệ nầy, ngoài cây súng lục cá nhơn ra trong tay không có một tấc sắt, không một tên quân, nên ông ta phải đánh giặc bằng bộ óc và cái mồm. Phương tiện gì cũng phải đi mượn của người thành ra ông ta lại kiêm luôn nghề ngoại giao. Nơi nào cần nói cứng thì nói cứng, nơi nào xử dụng sự quen biết thì xử dụng sự quen biết. Ông ta tự nhủ rằng mình lo chuyện chung chớ đâu phải lo chuyện nhà mình đâu mà ngại. Nghĩ như thế là ông ta chạy thẳng đến Bộ chỉ huy BĐQ, may quá đại tá Khái đang ở nhà.

"Kìa, cơn gió nào đưa cậu đến đây vậy ? mọi người phải làm việc hộc máu mồm để chuẩn bị cho màn hát tới, chỉ có cậu là có vẻ nhàn nhã. Một thằng đệ tử của tớ đã nói nó thấy cậu sáng nào cũng ngồi nhăm nhi cà phê ở nhà thủy tạ, có khi cậu ở đó đến trưa, hẹn đào ở đó hả ? Sung sướng nhỉ ?" đại tá Khái thân mật hỏi.           

 Đại tá Nhẫn làm mặt nghiêm trả lời ;

"Đào kép ở đâu mà hẹn. Này cho toa biết moa được ông tướng gởi đến gặp toa có chút chuyện đấy."

   

 Ở QĐ1 tất cả sĩ quan đều ngán sự nghiêm khắc, kỹ luật của trung tướng Trưởng. Khi nghe ông ta hỏi thăm thì ai cũng ngán. Đại tá Khái đã từng khổ với ông ta vì một số BĐQ từ Quảng Trị chạy về Huế cướp bóc phá phách. Lần nầy ông ta lại nghi một vụ kỷ luật nào đó nữa trong BĐQ. Với một vẻ mặt hơi bối rối, đại tá Khái vồn vập hỏi:

- " Chuyện lành hay dử ?"

 Nghe giọng hỏi, đại tá Nhẫn biết thóp ngay tâm trạng của ông bạn đồng khóa, nên với giọng nghiêm khắc từ đầu ông nói;

- "Trung tướng Trưởng bảo toa cho moa mượn một tiểu đoàn để thi hành một công tác đặc biệt của ông ta. Sau 48 tiếng đồng hồ moa sẽ hoàn trả lại cho toa, cam kết không có một thằng mũ nâu nào bị mất một sợi lông chưn. Chuyện chỉ dản dị có vậy thôi. Toa nên nhớ là ổng chiếu cố đến toa nên bảo moa đến đây mượn toa đó. Ở quân đoàn nầy có khối thằng muốn cho moa mượn mà moa có thèm mượn đâu"

Vừa nói ông vừa nghĩ thầm mới có vài ngày chiến tranh ngoại lệ mà bây giờ mình nói láo trơn tru như "vẹm" !

     Đại tá  Khái cũng ở trong tình trạng như đại tá Báo, hay đại tá Chương, nên ngồi thừ ra có vẻ khó nghĩ .

     Thừa thế xông lên, đại tá Nhẫn cầm mũ đứng lên nói:

- "Thôi để moa về báo cáo với ông Trưởng là toa "very sorry" không thể chìu ý ổng được."

 Đại tá Khái bước tới ấn vai đại tá Nhẫn ngồi xuống nói:

- "Thôi thằng ông mãnh, tớ thừa biết không có ông tướng nào mượn hết, chỉ có cậu vẽ chuyện ra thôi, nhưng tớ mà không cho cậu mượn thì sau nầy biết chuyện anh em khóa 2 Thủ Đức sẽ chửi tớ. Hãy cho tớ biết mượn ngày nào, đi đâu, ai lo chở chuyên, ai lo ăn uống và ngày này trở về trại ?"

     Đại tá Nhẫn thuyết cho đại tá Khái biết sơ về mục tiêu và diẽn tiến của Thanh Tuyền 4, sau đó ông nói thêm;

- "Toa bảo tiểu đoàn trưởng đến gập moa gấp tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương. Moa sẽ thuyết trình nhiệm vụ chi tiết cho hắn. Chuyên chở ăn uống moa lo hết. Ngày N-4 đại đội quân vận của quân đoàn sẽ đến trại bốc mấy đứa con của toa. Nhớ giờ bốc là tụi nó phải sẵn sàng trong tư thế tác chiến, từ quần áo đến vũ khí. Trước khi chia tay cho phép moa cám ơn lòng hào hiệp của toa đối với anh em. Moa căn dặn toa lần nữa đây là công tác tối mật, toa và đàn em phải triệt để thi hành, thằng nào bép xép bị cắt lưỡi ráng chịu."

    

Mọi cuộc hành quân thiệt hay giả đều đòi hỏi phương tiện và một công tác thiết kế chính xác và tỷ mỷ. Đó là tàu chuyên chở, tàu đổ bộ, yểm trợ phi pháo và không yểm. Những thứ nầy  hải quân Vùng 1 của đại tá Thuận không có khả năng cung cấp, nhất là trong thời gian quá ngắn. Cũng may là có  hải quân Hoa Kỳ, có lẽ do có lệnh từ Hoa thạnh Đốn nên sẵn sàng cung cấp những gì đại tá Nhẫn yêu cầu. Sau một buổi họp với đại tá đại diện Đệ Thất hạm đội, đại tá Nhẫn và Mỹ thỏa thuận như sau:

"Cuộc hành quân sẽ do Mỹ điều khiển từ A đến Z với phương tiện của hạm đội Mỹ.   

       -Tiểu đoàn đổ bộ sẽ lên tàu ở bến tàu Mỹ Thủy nằm về phía Đông thành phố Huế khoảng 10 cây số, vào buổi chiều ngày N-4. Trước khi lên tàu, tiểu đoàn sẽ dàn binh tại cầu tàu cho đại tá Nhẫn và một ông tướng Mỹ duyệt binh, một số phóng viên  truyền hình Mỹ và Tây Phương sẽ được phép quay phim cuộc duyệt binh nầy.     

     - Tiểu hạm đội gồm có các tàu chuyên chở và một số khu trục hạm sẽ di chuyển đến ngoài khơi Cửa Việt và dừng lại cách bờ độ 5 cây số. Ở đấy đợi trời sáng (tức là sáng ngày N-3. Sáng hôm nay cũng là ngày đại đội dù cất cánh từ sân bay Phú Bài. Thời gian 3 ngày trước ngày tấn công là thời gian được tính toán đủ để cho tình báo viên Bắc Việt trà trộn bên khu vực của ta thông báo tin tức đến tướng Chu huy Mân, và cũng đủ cho tướng nầy rút bớt quân từ tiền tuyến Quảng Trị nếu ông ta chịu nhấp chén thuốc độc mà bao nhiêu người của Miền Nam đã góp công dâng cho ông ta.

       - Tiểu đoàn sẽ cho các trung đội xuống các xuồng đổ bộ từ trong bụng thuyền mẹ chạy ra phía sau lái, không leo thang dây xuống xuồng đổ bộ như lúc xưa. Trước đó từ trên 10 khu trục hạm các dàn hải pháo sẽ pháo lên các đường tiến sát dẫn đến bải đổ bộ và các công sự phòng thủ trên bờ. Khi hải pháo ngưng thì phi cơ khu trục oanh tạc tiếp theo. Các xuồng đổ bộ chạy vào bờ dưới sự yểm trợ của trực thăng võ trang. Còn cách bờ 200 thước thì các xuồng sẽ quay mũi trở về tàu mẹ.

       - Khi lên tàu, tiểu đoàn trưởng sẽ được thuyết trình chi tiết về những phần vụ mà tiểu đoàn phải làm.

      - Phía Mỹ sẽ cung cấp bữa ăn chiều khi lên tàu ở Mỹ Thủy và các bữa ăn kế tiếp cho đến khi trở về đến bến Mỹ Thủy.

     Đại tá Nhẫn hẹn gập lại thiếu tá Kha, tiểu đoàn trưởng BĐQ sau buổi họp với Mỹ. Khi gặp thiếu tá Kha, ông ta nói ngay:

- "Đây là một cuộc thực tập rút kinh nghiệm để vài hôm sau sẽ có một cuộc đổ bộ lớn quy mô hơn. Thiếu tá đã từng biết danh từ "plastron" khi di tập tác chiến ở quân trường rồi phải không? Đơn vị của thiếu tá sẽ làm plastron trong trận diễn tập nầy."  

     Sau đó ông ta thuyết trình về diễn tiến cuộc hành quân. Chót hết ông ta lưu ý thiếu tá tiểu đoàn trưởng về những điểm sau đây :

     (1)- không bao giờ được nói cho thuộc cấp trong tiểu đoàn rằng đây là một cuộc diễn tập. Vì nếu nói trước thì binh sĩ sẽ lơ là trong vai plastron của mình. Chỉ nói ý nghĩa cuộc thực tập sau khi tiểu đoàn trở về tàu mẹ mà thôi.

     (2)- tuyệt đối phải giử kỷ luật và vệ sinh trên tàu Mỹ. Nên nhớ là tư cách binh sĩ nói lên giá trị của quân đội ta trước mắt người ngoại quốc.

     (3)- Phải thi hành đúng đắn lệnh của chỉ huy trưởng hành quân là một sĩ quan Mỹ.

     Sau hết ông ta hỏi thiếu tá Kha có gì thắc mắc không. Thiếu tá Kha nói liền:

- "Thưa đại tá, tuy là thực tập nhưng đây là một cuộc hành quân đổ bộ. Đơn vị tôi chưa bao giờ được huấn luyện về đổ bộ, sợ sẽ có sai sót ở điểm này."

     Đại tá Nhẫn trả lời:

" Khi xưa trong một cuộc hành quân đổ bộ, chỉ riêng việc di chuyển từ tàu mẹ xuống xuồng đổ bộ cũng đã là một vấn đề lớn rồi, nhứt là khi biển không êm. Phải leo xuống bằng thang dây trong cái rập rình giữa thuyền mẹ và thuyền con, lực lượng đổ bộ dù đã có được huấn luyện kỹ rồi mà vẫn còn bị thiệt hại một số người gãy tay gãy chân. Ở đây không có vấn đề đó vì các anh lên xuồng đổ bộ theo thứ tự từ trung đội ngay trong lòng tàu mẹ. Tàu mẹ này sau đó sẽ hạ cửa phía sau lái xuống, xuồng đổ bộ sẽ chạy ra biển. Dễ dàng thôi. Ngoài chuyện đó ra không còn đòi hỏi ở các anh điều gì khác. Mấy anh chỉ là khán giả ngồi ở hàng ghế đầu để xem một màn chớp bóng thú vị, thế thôi. "

      Chiều ngày N-4, tại bến tàu Mỹ Thủy, màn duyệt binh được diễn ra hoàn hảo. Các phóng viên báo chí, truyền thanh truyền hình thi nhau chụp hình và quay phim. Viên đại tá Mỹ bày ra trò diễn binh này thật là tinh quái. Là một sĩ quan của một nước dân chủ như Hoa Kỳ, ông ta nhiều lúc bị khốn khổ với đám phóng viên chiến trường. Hôm nay ông lai mượn họ chuyển tin miển phí đến tướng Chu huy Mân, tư lệnh lực lượng phía bên kia.

     Đại tá Nhẫn lên một chiếc dương vận hạm của  hải quân Việt Nam, trên đó có đại tá Thuận Tư Lệnh hải quân Vùng 1 và đại tá tham mưu trưởng của ông ta. Sau gần một tháng mất ăn mất ngủ, tinh thần luôn bị căng thẳng, chuyến đi nầy thật là một chuyến du ngoạn vô cùng thú vị trên biển. Đại tá Nhẫn bây giờ là một khán giả thư nhàn, nhìn đào kép diễn màn chót của vở tuồng mà ông ta đã khổ công soạn thảo và làm đạo diễn. Đây là một ¼ chén thuốc độc mà ông hy vọng tặng cho tướng Chu huy Mân.

     Sáng hôm nay, ở ngoài khơi Cửa Việt trời sao mà đẹp quá ! Trời trong, gió nhẹ, sóng chỉ lăn tăn, thật là lý tưởng cho một cuộc đổ bộ. Đại tá Nhẫn đang thưởng thức tách cà phê của  hải quân Việt Nam trong phòng sĩ quan, bổng nghe tiếng đại bác nổ, đạn bay vèo vèo trên đầu. Ông ta lật đật chạy lên phòng chỉ huy, nơi đây đã có mặt hạm trưởng, đại tá Thuận và TMT của ông, đại tá Thuận trao cho ông ta một ống dòm và chỉ vào bờ. Mười chiếc khu trục hạm đã đồng loạt cho hải pháo nhả đạn vào các điểm đã được ấn định trước. Phải nhìn nhận về mặt hành quân đổ bộ người Mỹ là sư ! Các quân chủng phối hợp hết sừc nhịp nhàng như một dàn nhạc hòa tấu dưới chiếc đũa điêu luyện của một nhạc trưởng. Khi hải pháo vừa im thì các chiến đấu cơ không biết xuất phát từ đâu, rít lên âm thanh ghê rợn của bộ máy mang đến sự chết chóc, chúi mũi xuống mục tiêu rồi cất đầu vọt lên kéo theo một tiếng ầm vang dội kèm theo một cột khói đen ngụm. Không rõ là mấy chục chiếc. Ở phía xa hơn trong đất liền, hình như cũng có mấy chiếc B52 tham dự vào trò chơi chết người nầy với nhiều tiếng nổ liên tục thành một dây dài. Cuộc nhào lộn xem thật hết sức ngoạn mục và thú vị gấp mười lần hơn truyền hình hay chớp bóng, vì đây là một cuộc đánh bom thật, máy bay thật. Nhưng chỉ oái oăm là ở chỗ những cái thật đó phục vụ cho một câu chuyện giả tưởng.!! Lạy trời cho đừng có một thường dân vô tội nào dưới cơn lửa đạn kinh khủng nầy. Các phi cơ trút hết bom bay vọt ra biển.

     Lúc đó các chiếc tàu mẹ hạ cửa sau lái ra, từ đó các xuồng đổ bộ chở đầy thủy quân lục chiến giả từ từ chạy ra biển. Chắc các bạn mũ nâu lúc nầy thần kinh bị căng thẳng ghê gớm lắm. Có quân nhân nào mà thần kinh không căng trong giờ phút xuồng đổ bộ sắp cập vào bờ địch, trên đó có đủ thứ chết chóc đang chờ mình   

      Đúng lúc nầy thật là kỳ diệu, một lô trực thăng võ trang từ ngoài khơi bay vào, một số bay là là trên đầu các xuồng đổ bộ, số còn lại bay thẳng vào đất liền bắn hỏa tiển vào các mục tiêu dọc theo bờ biển có tiếng đại liên từ trên bắn xuống phụ họa thêm.

     Đúng theo kế hoạch, còn cách bờ khoản 200 thước thì các xuồng đổ bộ quay về tàu mẹ. Màn kịch chót nầy tuy ngắn nhưng đầy trò chơi chết chóc, tuy nhiên không có một tai nạn nào xảy ra, không có một thương binh hay một người nào chết cả. Một điểm son cho  hải quân và không quân Mỹ !!

     Trên đường về bến Mỹ Thủy đầu óc đại tá Nhẫn không còn thanh thản như lúc đi. Một câu hỏi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu ông ta: "Mình đã phí bao nhiêu là tâm lực, mình đã vận dụng bao nhiêu con người tài giỏi, bao nhiêu phương tiện vào cuộc hành quân lừa địch, mà chúng có bị lừa hay không đây ?"

     Tàu cập bến Mỹ Thủy vào buổi chiều. Ông ta đến ngay Bộ Tư Lệnh báo cáo hai cuộc hành quân Thanh Tuyền 3 và 4 với trung tướng Trưởng.

     Sáng hôm sau, tức là vào ngày N-2, trong buổi thuyết trình tình hình địch trong vòng 24 giờ qua của Phòng 2 Bộ Tư Lệnh/Hành Quân, đại tá Nhẫn hình như nghe được man mán một câu: "không ảnh và không thám cho thấy địch rút bớt lực lượng ở tiền tuyến Quảng Trị . Lực lượng rút đi ước lượng độ 1 sư đoàn."

 

    Ngày N mở màn.

    Chưa bao giờ trên đất nước Việt Nam suốt 50 năm chiến tranh trên một chiến trường nhỏ hẹp mà có một trận chiến dữ dội như thế. Với số lượng hỏa lực của đại bác dưới đất, của hải pháo dưới tàu bắn lên, với số bom từ phi cơ trút xuống...vào một khu vực nhỏ hẹp như tỉnh lỵ Quảng Trị , tánh chất ác liệt của trận đánh không thua một trận ác liệt nào trong thế chiến 2 cả, chỉ có quy mô nhỏ hơn mà thôi. Nhiều đêm trong giấc mơ, đại tá  Nhẫn không biết những chuyện mình đã làm có làm giảm bớt đi sự thiệt hại cho các đơn vị bạn hay không? Thật là tội nghiệp cho thắc mắc của một người lương thiện ! Tuy nhiên một bản điện báo của một thông tín viên chiến trường Tây Phương (không nhớ tên và quốc tịch) đánh đi sau  khi QLVNCH của chúng ta tái chiếm xong Quảng Trị có một câu làm cho đại tá Nhẫn bớt thắc mắc : 
Đây là lần đầu tiên một viên tướng Việt Nam (chỉ trung tướng Trưởng) biết xử dụng đòn C & D trong cuộc chiến tại Việt Nam và đòn đó đã tỏ ra có hiệu quả."

     Sau khi quân ta tái chiếm xong Quảng Trị , một ngày nào đó trong tháng 9, có một buổi lễ nhỏ gắn huy chương cho một người sắp rời Bộ Tư Lệnh Tiền Phương. Buổi lễ diễn ra tại phòng hành quân của Bộ Tư Lệnh. Chỉ có mặt Tư Lệnh, Tư Lệnh phó, Tham Mưu Trưởng và các trưởng phòng thuộc Bộ Tham Mưu. Có buổi lễ nầy vì đại tá Nhẫn sẽ rời Bộ Tư Lệnh Tiền Phương để lãnh một nhiệm vụ khác trong QK 1. Chiến tranh ngoại lệ với lối đánh nghệ sĩ của viên đại tá nầy không còn cần thiết nữa, sau khi mặt trận được ổn định tại tuyến Thạch Hãn.

     Một sĩ quan Phòng Tổng Quản Trị đọc bản tuyên dương công trạng trước Quân Đoàn số 201 do trung tướng Ngô quang Trưởng thừa lệnh đại tướng Cao văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH ký ngày 15/9/72. Trong bản tuyên dương có một câu: "sĩ quan cấp tá ưu hạng, giàu kinh nghiệm chuyên môn và chiến trường. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 72 tại Quảng Trị , với chức vụ phụ tá đặc biệt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương, đại tá Nhẫn luôn luôn biểu dương tinh thần phục vụ cao để khắc phục mọi gian lao để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó một cách tốt đẹp (1) ". Sau đó trung tướng Trưởng gắn vào ngực đại tá Nhẫn anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng, bắt tay ông ta và ngỏ lời cám ơn về sự đóng góp của ông ta vào chiến thắng của cuộc hành quân Lam Sơn 72.

     Trước khi rời Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, một viên tướng Mỹ hình như mãn nhiệm kỳ cố vấn cho tư lệnh QĐ I, sắp về Mỹ, đến gặp đại tá Nhẫn lúc ông nầy giử nhiệm vụ mới tại Đà Nẵng. Viên tướng bắt tay đại tá Nhẫn với lời chúc tụng nồng nhiệt về cuộc hành quân Thanh Tuyền. Ông ta xin đại tá Nhẫn vui lòng cho ông một bản sao phụ bản G của cuộc hành quân Lam Sơn 72, tức là Hành Quân Thanh Tuyền để đem về Mỹ cho các quân trường nghiên cứu.

                                                      *******

     Trên đây là câu chuyện của một người say kể cho một người say khác nghe, trong một căn phòng nhỏ ấm cúng, một đêm mùa đông, ngoài trời tuyết phủ trắng xóa, tại một tiểu bang Đông Bắc nước Mỹ. Tôi là bạn thâm giao của đại tá Nhẫn từ lúc biết nhau ở Miền Nam Việt Nam . Chúng tôi không gặp nhau từ lúc đại tá Nhẫn đổi ra Vùng 1 Chiến Thuật, năm 1972. Đến nay, gần ¼ thế kỷ, chúng tôi mới tình cờ gặp lại nhau ở hải ngoại. Một bữa cơm thân mật là một truyền thống của đôi bạn xưa. Trong bữa cơm tay đôi nầy tôi đã chứng kiến lần đầu tiên đại tá Nhẫn đã phá lệ xưa.

      - Phá lệ thứ nhất.- ông ta chịu uống rượu mạnh mà lại uống nhiều nữa. Nói rằng để chìu bạn. Ông ta không biết chữ nho nhiều nhưng lại có cái tật thích ngâm nga thơ Đường. Lần nầy thấy tôi đem chai Hennessy để trên bàn, với giọng châm biếm quen thuộc ông ta cất lên: " Tửu phùng tri kỷ tam bôi thiểu".

      - Phá lệ thư hai.- ông ta nói nhiều, suốt bữa cơm, ngày xưa ông ta là một người ít nói. Cũng con người nầy, với nét mặt vóc giáng y như cũ, chỉ già hơn đôi chút thôi với nếp nhăn trên trán và mái tóc bạc. Tuy nhiên trong ánh mắt của con người yêu đời ngày xưa ẩn chứa một nỗi buồn khó tả. Cũng giọng nói pha trò vui nhộn khi có tiệc giữa bạn thân, nhưng những câu pha trò ngày nay nhuốm một hơi hướng cay đắng thế nào. Trước mắt tôi là một con người mà cuộc đời binh nghiệp đã trải qua quá nhiều sóng gió và chắc là cũng đã nếm quá nhiều mùi đau khổ vật chất lẫn tinh thần trong 20 năm nay.

     Khi nghe đại tá Nhẫn kể dứt câu chuyện, tôi không dằn được câu hỏi có lẽ làm phật lòng ông ta:

- "Chuyện anh kể nghe thú vị lắm, ly kỳ lắm. Nhưng mà này ông bạn già của tôi ơi, tôi có cảm giác nghe một câu chuyện trong tiểu thuyết loại Z.28 tại Saigon trước 1975. Giữa chúng mình, anh cứ nói thực đi, đây là câu chuyện phịa cho bữa nhậu có ý nhị hay là chuyện này thực sự là một chuyện có thực ?

     Trầm ngâm một phút, đại tá Nhẫn như có vẻ tìm ý hay tìm chữ, sau đó mới chậm rải trả lời:

- "Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi của anh, tôi xin nói một vấn đề riêng của tôi. Tôi là một người biết suy nghĩ nhưng không có khả năng viết lách. Sẵn bữa nay gặp anh, tôi xin nhờ ngòi bút của anh nói lên sự tri ân của riêng tôi đối với tất cả chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa , quân dân cán chính đã hợp tác với tôi để hoàn thành tốt đẹp vở kịch nầy. Đây chỉ là một màn kịch không hơn không kém. Tôi cũng nhờ anh tri ân các bạn Mỹ trong  hải quân và không quân đã triệt để giúp tôi. Dù hậu ý của chánh phủ của họ thế nào chăng nữa thì đây là một hành động sát cánh lần chót của những chiến hữu Mỹ Việt trong trận chiến bất hạnh nầy. Tôi cũng nhờ anh nói lên sự ăn năn và cầu xin tha thứ đối với gia đình của những người anh hùng vô danh trong QLVNCH. Gia đình của những người nầy không có được một nấm mồ của người thân để mà thấp cho họ một nén hương tưởng niệm."

     Tôi tiếp tục hỏi lại :

- "Thế còn câu trả lời cho câu hỏi của tôi ?"

- " Có thực hay không chỉ có người trong cuộc mới biết được mà thôi. Vì đây là một cuộc chiến, hay nói nôm na một cuộc đấu trí trong bí mật. Ngay như đại tá Dương phụ trách viết quân sử của QLVNCH tại Bộ TTM ông ta cũng chưa bao giờ nghe nói một cuộc hành quân nào mang tên Thanh Tuyền trong Lam Sơn 72 tái chiếm Quảng Trị năm 1972 cả.

     Tôi là người viết kịch bản nên tôi biết toàn bộ, những người khác chỉ biết một phần. Anh đã nghe rồi, kịch bản nầy gồm có 4 màn riêng biệt với diễn viên riêng biệt, nhưng nhắm vào một mục tiêu chung.

      Theo chỗ tôi biết, trong màn một, người bác sĩ giúp tôi xin xác chết tại bệnh viện Nguyển tri Phương, y sĩ trung tá Pháp hiện đang định cư ở Connecticut. Người phụ tá quý báu của tôi, người đã tự tay đẩy xác chết xuống khu vực địch, trung tá Phan trọng Sanh, không biết trôi giạt nơi đâu. Ông nầy là em ruột của Trung tướng Phan trọng Chinh (hiện đang cư ngụ tại vùng Wash. DC).

      Trong màn hai, thật là đau lòng khi tôi được biết hai vai chánh đều chết cả rồi, đại tá Dương quang Thiệp thì chết trong trại tù Bắc Việt, anh đại úy đẹp trai thì bị bắn chết trong một trận vượt ngục.

       Trong màn ba, đại tá Báo đã tử thương vì trực thăng rơi tại mặt trận Quảng Trị và vị sĩ quan đại đội trưởng Dù không biết còn sống hay chết.

       Trong màn bốn, nhơn chứng rất nhiều. Đại tá Khái cùng thiếu tá tiểu đoàn trưởng BĐQ không biết thất lạc nơi đâu (chỉ biết đại tá Khái có đi tù vùng Yên Bái từ 1976). Hai vị sĩ quan đứng bên cạnh tôi nhìn cuộc diễn tiến cuộc đổ bộ giả hiện còn sống, Phó đề đốc Hồ văn Kỳ Thuận hiện đang định cư ở một tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ, vị TMT của ông ta đang định cư ở Nam Cali. Ngoài ra trong văn khố của Đệ Thất Hạm Đội thế nào cũng có Lệnh Hành Quân vào Cửa Việt ngày hôm đó. Nhiều sĩ quan Mỹ thuộc  hải quân và không quân có tham gia hành quân hôm đó, cũng như vị tướng Mỹ xin tôi Lệnh Hành Quân Thanh Tuyền sau đó,  chắc còn sống  và đang sống một cuộc sống êm đềm của một cựu quân nhân về hưu ở đâu đó trên nước Mỹ nầy.

     Ngoài những nhơn vật kể trên, 2 sĩ quan cộng tác viên trong bộ tham mưu nhỏ của tôi, những người có công rất lớn trong hành quân Thanh Tuyền là đại úy Vị và trung úy Trước hiện đang định cư tại Nam Cali.. Trung úy Trước là người tự tay đánh lệnh hành quân Thanh Tuyền, đã tuyệt đối tôn trọng lệnh bảo mật cho đến ngày hôm nay. Anh cứ tìm những nhơn chứng tôi vừa kể tên ở trên thì sẽ biết câu chuyện trong bữa tiệc hôm nay là thật hay là giả."

     Tôi liên tưởng đến các bí mật trong đệ nhị thế chiến được phanh phui khi chiến tranh chấm dứt, qua một thời gian nào đó thì các hồ sơ mật sẽ được giải tỏa, nên tôi hỏi thêm:

- " Có khi nào anh nghe phía Bắc Việt đề cập đến vụ nầy không ?"

- Nếu hỏi như thế thì có khác nào anh hỏi một tay thầy tráo bài ba lá ngoài chợ Hàm Nghi Saigon một câu như sau : nè người anh em, hình như ngày hôm qua người anh em đã bị thua trút túi trong canh bạc bịp ở Cầu Ông Lãnh phải không ? Người cộng sản bị bịp cú nầy thế nào họ cũng giử kín, đời nào họ xì ra sự thực. Chắc chắn những tài liệu loại nầy nếu có, đều đã bị thủ tiêu từ khuya, đỉnh cao trí tuệ của loài người mà anh! Câu hỏi của anh làm tôi liên tưởng tới một câu hỏi tương tự mới xảy ra gần đây thôi đã làm hao tổn không ít giấy mực của báo chí trên thế giới. Một vị tai to mặt lớn trong nội các của Tổng Thống Johnson, người đã lãnh đạo và điều khiển luôn cuộc chiến tại Việt Nam trong một thời gian khá lâu, đã khổ công tìm gặp tướng Võ nguyên Giáp tại Hà Nội chỉ để được hỏi một câu :   -" Này, trong đêm oan nghiệt tháng 8 năm 1964 đó, tàu chiến của các hạ có bắn vào tàu Maddox của tại hạ không ? Phe tại hạ cứ đề quyết các hạ đã cho lệnh bắn nên vị chưởng môn của tại hạ mới nổi trận lôi đình cho phi cơ oanh tạc lung tung gây thành chiến tranh Việt Mỹ. Bây giờ trước khi đi về chầu ông bà, tại hạ vẫn còn ấm ức nếu không được nghe câu trả lời đích xác từ miệng các hạ."

     Sẵn đây, trong hơi men tối nay, tôi muốn bàn thêm vài câu theo thông lệ của Mao tôn Cương :

      Hình chụp ngài Mac Namara tươi cười bắt tay ngài Võ nguyên Giáp lon lá đầy ngực cũng tươi cười không kém, tại Hà Nội ngày 9/11/1995. Nhìn tấm hình chụp, tôi tự hỏi sao ông tướng họ Võ đã trên 80 tuổi rồi , lẽ ra phải có dáng dấp phúc hậu mới phải (vì người già nào cũng có vẻ phúc hậu nhiều hay ít thôi), đằng nầy ngài đại tướng vẫn còn nguyên đôi mắt xảo trá, gian ác của ông tổng trưởng nội vụ của già Hồ năm 1946 lúc ngài lạnh lùng cho lệnh đàn em trói gô nhà văn Khái Hưng vất xuống sông và làm cỏ sạch bách bọn quốc gia phản động. Đi hỏi một sự thật với một người như thế, ngài Mc. có vẻ giống như một nhà báo Mỹ, nhờ một phép lạ nào đó tìm gặp được Hitler đang vui thú cảnh già tại một nông trại hẻo lánh ở A Căn Đình. Nhà báo Mỹ đó mừng quá chỉ hỏi một câu cho đáng đồng tiền bát gạo:

- "Nè ông bạn vàng Hitler ơi, trong cái đêm mùa thu năm 1939 đó, trên biên giới Đức Ba Lan, lính Ba Lan thực hay là bọn mật vụ của ông bạn đã giả làm lính Ba Lan kéo qua biên giới tấn công một đài phát thanh Đức ở ngay sát biên giới vài cây số? Cuộc tấn công đó đã làm cho ông bạn nổi trận lôi đình cho rằng Ba Lan hỗn láo dám vuốt râu hùm nên ông bạn cho xua quân đánh chiếm Ba Lan gây thành thế chiến thứ hai..(2)

     Thông thường các nhà khoa bảng hay chánh khứa hay ngây thơ cụ, nhưng khi người ta đẩy sự ngây thơ đó đến mức lố bịch thì thối quá không ngửi nổi, giống như một màn diễu vô duyên đến nỗi khán giả phải bịt mũi kêu lên "thối quá" thay vì cười thoải mái.

     Ở trên cõi đời ô trọc nầy, tôi thấy chỉ có 2 giai cấp. (xin lỗi cụ Marx cho tôi chen tý vào bảo vật "giai cấp" của cụ). Giai cấp thứ nhất gồm có những người phi thường trong tư cách sống. Những hạng người nầy rất ít nhưng họ đã giúp cho loài người  tiến bộ. Còn giai cấp thứ hai gồm tất cả những người còn lại của nhơn loại. Những người nầy tư cách rất tầm thường, ích kỷ, tham lam và nịnh bợ. Ông Tàu ngày xưa cũng đã phê cho 2 giai cấp nầy những nhãn hiệu hơi nặng. Người phi thường thì được gọi là "trượng phu", người tầm thường được gọi là "thất phu". Trên đời nầy, anh thất phu nào cũng phù thịnh chớ không phù suy. Khi chúng ta thua trận, đám tầm thường nói trên khoa bảng có, doanh nhân có, học giả có...đã không tiếc lời sỉ vả chế độ, chánh phủ, và quân đội Miền Nam. Đối với quân đội, họ không ngần ngại, không tiếc lời tặng cho không biết bao nhiêu là mỹ từ, nào là nhát như thỏ, chưa đánh đã bỏ chạy, không dám đánh giặc mà chỉ biết đớp hít, tham nhũng v.v.. Đã đành quân đội nào trên thế giới cũng phải có một vài phần tử xấu, nhát gan, đào binh, trốn lính, bán nước...nhưng đừng vì những trường hợp lẻ tẻ của một thiểu số xấu mà đại thể hóa gán cho một quân đội đã hy sinh trên dưới 30 vạn tử sĩ, hơn nửa triệu thương binh, thì hành động đó đúng là quá thối không chịu được. Ngược lại nếu Việt Nam Cộng Hòa đã thắng trận thì tôi đoan chắc với anh là câu chuyện tôi vừa kể cho anh nghe đây người ta vẫn cho là thật, dù tôi đã phịa ra thực sự. Rồi người ta sẽ năn nỉ tác giả viết ra thành sách, chắc chắn sẽ là cuốn sách best seller, sẽ là kịch bản của những hãng phim lớn những màn ảnh nhỏ để họ hốt bạc. Rũi ro thay QLVNCH ở trong cảnh thua trận (tôi xin nhấn mạnh lại là chỉ tạm thua một trận chiến thôi), thì những gì xuất phát từ một quân nhân của đạo quân thua trận đó đều đương nhiên bị đánh giá là chuyện bá láp tào lao ! Đây là quy luật sống của thế giới văn minh ! xin anh nhớ kỹ cho.

     Tôi bật mí chuyện bí mật nầy ra không hề có ý định thanh minh hay thanh nga gì với đám người tầm thường nói trên. Chúng mình thua trận, mất tất cả, nhưng có một cái chúng ta chưa hề mất từ ngày dân Việt Nam ta lập quốc: đó là sự "hãnh diện dân tộc". Sự hãnh diện đó không cho phép tôi đi tranh cải với đám người phù thạnh không phù suy đó.

     Tôi chỉ muốn cho thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại nầy, những người sẽ nắm vận mạng đất nước trong tương lai biết rằng thế hệ cha anh của họ đã chiến đấu thế nào cho hai chữ "tự do" cho dân tộc. Họ chiến đấu không phải vì những danh từ trừu tượng đao to búa lớn như tổ quốc, yêu nước, độc lập tự do hạnh phúc, dân chủ v.v... mà họ chiến đấu cho những gì thiết thực hơn, thấy được sờ được. Đó là làm sao cho con người Việt Nam được sống xứng đáng với thân phận một con người, chớ không phải kiếp sống của một con thú bị nhốt trong chuồng (dù cái chuồng đó làm bằng vàng ròng), không còn một tự do tối thiểu nào kể cả tự do ăn, tự do ngủ. Đó là làm sao để trên đất nước Việt Nam thân yêu không còn có cảnh thằng mạnh hiếp thằng yếu, thằng giàu hiếp thằng nghèo, thằng làm hộc máu mồm mà không đủ cơm ăn cho được no, không có đủ quần áo mặc cho được ấm, làm sao không còn thấy cảnh một con người gánh một gánh nặng trên vai, đôi mắt tuyệt vọng thất thểu không biết đi về đâu với đàn con nheo nhóc như nai vàng ngơ ngác, không hiểu tại sao con người mang tên xả hội chủ nghĩa mà lại hung dữ quá, ác quá như thế nầy....

     Tôi muốn cho loài người gọi là văn minh biết rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất trên thế giới, vì chưa có một dân tộc nào chịu quá nhiều đau khổ như dân tộc nầy. Tuy nhiên đừng ai đem thảm họa chiến tranh tròng lên đầu họ. Khi bị bắt buộc phải chiến đấu thì dân Việt Nam cũng biết chiến đấu và cũng dám chiến đấu vậy. Mong các ông thích phù thịnh không phù suy nhớ cho như thế."

       Tiệc rượu chấm dứt ở đây.

                                                      Viết xong một ngày tháng 3/96 trên đất Hoa Kỳ

                                                                                             Việt Điểu.