PHẦN THỨ HAI
----
NHỮNG NGƯỜI TỴ NẠN Ở ĐẢO BIDONG

 12- HÒN ĐẢO ĐẦY RẮN RẾT

 Ngày 28 tháng 4 1979. tại phi trường Roissy- Charles de Gaulle (Pháp)

Kouchner và Sénéchal, hai người vừa mới về tới Paris hai ngày trước , đã có mặt ở phi trường nầy với 2 bà vợ, để tiễn Jean Francois Pinot lên phi cơ. Tôi cũng đang ở đây vừa chờ lên phi cơ, vừa nói chuyện với họ. Anh Pinot, 30 tuổi, nhân viên điện tín, là người sẽ đến làm việc trên con tàu bệnh viện. To con, điềm tĩnh, anh là người đã hy sinh cả một tháng nghỉ hè của mình để đến phục vụ không công ở Pilau Bidong. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của anh ở ngoại quốc. Trong hành lý của anh đã có thêm những món cần dùng khẩn cấp cho toán bác sĩ : dụng cụ mổ xẻ, khử trùng …
Một cái bắt tay cuối cùng với những người ở lại và chúng tôi lên chiếc D.C. 10 của hãng hàng không U.T.A.  bay đi Tân gia Ba (Singapore). Hãng hàng không Pháp nầy cũng tham gia vào công tác nhân đạo của các bác sĩ bằng cách chuyên chở họ và những nhân viên giúp việc cho họ mà không tính tiền.. Tôi chỉ biết anh Pinot đêm qua. Hai anh em chúng tôi đã gặp nhau tại văn phòng của ông Kouchner. Ngồi trên phi cơ chúng tôi bàn cãi với nhau rất là thoải mái trong lúc chúng tôi đang bay qua cả Âu Châu, Á Rậpvà Ấn Độ.
Chuyến bay đến Singapore còn hơi lâu, anh Jean Francois đi ra phía sau cho giãn đôi chân quá dài của anh ta. Đứng yên trên lối đi, anh có vẻ như đang suy nghĩ về những gì anh phải làm trên con tàu bệnh viện . Ông Bernard Kouchner đã có nói với anh rất nhiều về chương trình vô tuyến truyền thanh nầy, cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt. Ngồi gần bên anh, một nhóm người đang bình luận về một bài báo của Barjavel mà họ mới vừa đọc trong tờ báo ngày chúa nhật. Một bài trong đó tác giả muốn yêu cầu người đến tiếp một tay với toán bác sĩ Pháp bên đảo. Họ bàn luận sôi nổi thật to tiếng, múa cả tay. Một người nói:
"- Cái chuyện con tàu đó cho người tỵ nạn hả, đây cũng là một chuyện phải có đóng góp thêm nữa, người ta không biết rồi số tiền đó sẽ đi đâu với mấy người đó.    
- Dù sao đi nữa, một anh khác góp ý, còn có nhiều bài toán ở ngay bên Pháp nầy mà người ta cần phải lo. Chúng ta còn có nhiều người thất nghiệp quá rồi..
     - Tôi tự hỏi không biết con tàu đó có thật hay không nữa ?một người thứ ba xen vào.
Jean Francois,với một giọng bình thản của mình , tham gia  ngay: Anh thấy bực tức vì những lời nói vừa rồi không có ý nghĩa gì hết . Anh sẽ đi đến đó để phục vụ đây. Cũng như các bạn khác đang phục vụ ở đó và còn có những người khác sẽ đi đến đó nữa. Anh không thể chịu được  khi người ta có ý nghi ngờ việc làm đầy thiện ý nầy. Và anh nói thẳng ra không chút nhân nhượng.
Ba phút sau đó, những người kia khui một chai sâm banh và mời anh cùng cạn ly với họ.
*
*      *
Tân gia Ba, 17.30 giờ địa phương.
Dưới biển đầy thuyền, ghe, tam bản. Chúng tôi vừa mới đến  đây, trạm dừng chân ngắn đầu tiên tại Tân gia Ba nầy, một quốc gia cũng đang đếm số người tỵ nạn Việt Nam , nhưng tình trạng của những người này ở đây không thể so sánh được với những người ở các quốc gia kế cận.
Chiếc phi cơ của hảng M.A.S (Malaysian Airline System) chở chúng tôi đi từ Singapore đền Kuala Lumpur, với những nụ cười rạng rỡ của các cô chiêu đãi viên hàng không Mã Lai. Sau đó chúng tôi gặp ông Jean Blattes, phó lãnh sự đặc trách về người tỵ nạn cho nước Pháp. Với nhiệm vụ đặc trách nầy ông không thể bỏ hết công việc thường ngày của tòa lãnh sự được và vì thế ông thường là người sau cùng rời toà đại sứ mỗi ngày. Tuổi trên 30, với bộ tóc hoe vàng, ông tiếp chúng tôi một cách thân mật, không nghi lễ, lại còn giúp giải quyết giùm chúng tôi một vài nhu cầu cá nhân nữa. Vì trước khi rời khỏi nước Pháp, chúng tôi có nghe xì xào là ở Thái lan, chuyện những người đại diện của nước Pháp tiếp đón các người tỵ nạn có nhiều khía cạnh không được tốt đẹp lắm, cho nên tôi muốn xác nhận xem ở đây chuyện đó như thế nào? Như ông Kouchner đã thường nói thì ông Jean Blattes ở đây đúng là một người có văn hóa, nhiệt tình và rất được việc mà những thuyền nhân đang cần.
Có được phép nhập cảnh của chánh phủ Mã Lai xong, chúng tôi tiếp tục bay đến Kuala Trengganu, bên bờ biển phía Đông của Malaisia. Nơi đây, một mảnh đất của người Hồi Giáo, mà cũng là nơi tiếp nhận nhiều thuyền nhân nhất, những người mà chánh phủ cộng sản Việt Nam coi như " rác rưởi cần phải vứt đi, sang vườn của quốc gia láng giềng," như một công chức quan trọng người Mã Lai đã nói. Còn hòn đảo Pulau Bidong thì nằm về phía Bắc của thành phố Kuala Trenganu chừng 50 cây số ngàn.
Tại phi trường quá nóng bức, có môt chiếc xe của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (H.C.R.) chờ đón chúng tôi và đưa chúng tôi thẳng đến gặp ông Pierre Van Gounten, người có trách nhiệm của tổ chức nầy trong vùng. Ở đây môt lần nữa tôi lại có niềm vui bất ngờ. Ông ta là một người Thụy Sĩ, chừng 30 tuổi, không thuộc loại công chức hay than van ở hầu hết các văn phòng hành chánh chỉ đòi hỏi có một việc, muốn được yên tịnh.Ông Pierre Van Gouten nầy là loại người có con mắt khắp nơi, thường để ý đến mọi vấn đề , giải quyết hết vấn đề nầy đến vấn đề khác mà không biết mệt mỏi là gì. Để bảovệ những người tỵ nạn một cách hữu hiệu,ông phải có mặt khắp mọi nơi. Cứ như vậy, ông đi khắp nơi,vào ngay trong trại để lo cho những chuyến đi định cư ngoại quốc, chạy ra bãi khi có những thuyền nhân mới đến, vào trở lại văn phòng hành chánh lo các việc thương thảo ..v.v…
Sau đó không lâu tôi và Jean Francois lên một chiếc thuyền máy của Hội Hồng Thập Tự để đi đến Pulau Bidong. Chiếc thuyền máy nầy cũng như các con thuyền khác đang đậu ở bờ biển là những chiếc thuyền mà chánh phủ Mã Lai đã tịch thu của các thuyền nhân giao cho Hội Hồng Thập Tự Mã Lai (M.R.C.S : Malaysian Red Cross Society) xử dụng.
Cùng đi với chúng tôi ,còn có  một sĩ quan cảnh sát gốc người Trung Hoa. Ông nầy sẽ nghỉ hưu trong vài năm nữa.Ông ta định sẽ qua Úc Châu để ở vì ông nghe nói ở đó đời sống dể chịu hơn.Và sẽ hưởng được cảnh nhàn hạ trong những năm cuối đời.
Trước mặt chúng tôi là biển cả, phẳng lặng,trong xanh.Có một số hải đảo nhỏ xa xa tận chân trời. Chỉ có vài cụm mây trên bầu trời. Sau 3 tiếng đồng hồ trên biển chúng tôi thấy Bidong trước mặt lẫn lộn với một số đảo nhỏ khác.  
Được neo chặt, con tàu "Hòn Đảo của Ánh Sáng" hình như rất yên tĩnh vào buổi trưa nầy dù trong 24 giờ nó vẫn phải chịu quay đủ một vòng tròn xoay quanh chiếc neo.
Chúng tôi đáp vào chiếc cầu tàu của hòn đảo, một chiếc cầu rất lớn bằng ván dài trên 100 thước. Nước biển hai bên cầu, nơi trẻ con lội bì bỏm, rất dơ bẩn lều bều quá nhiều đồ phế thải dơ bẩn. Có quá nhiều rác rến quá dơ mà hình như không một ai ghé mắt để ý tới.
Một số cảnh sát ăn mặc tươm tất nhưng chân không đi giày, mang súng săn- loại súng chống quần chúng- đi đến gặp chúng tôi . Họ đưa chúng tôi vào văn phòng để xét giấy phép.
Dọc theo bãi biển mà chúng tôi đi qua, chúng tôi thấy toàn là vỏ tàu hư, mục nát, hình bóng của quá khứ xa xưa nay chỉ còn cái lườn trơ trụi, bập bềnh theo sóng biển. Trên bãi cát thì toàn là vỏ hộp, đồ cặn bã, giấy vụn , giấy bồi, bao bì…  đủ các thứ vật liệu vứt đi không cần thiết cho đời sống của con người được nữa, còn quanh chúng tôi thì những ụ đất vô tổ chức dựa theo cây cối, nhà chòi, biển và núi non, như một tổ kiến đói thiếu đất sốn.
Chúng tôi đi ngang qua một căn nhà đỏ nhỏ thấy toàn là nhang . Có vài người đàn bà đang quì cầu nguyện gì đó. Căn nhà dùng để cầu nguyện chư Phật lụp xụp nầy được dựng lên để kỷ niệm cho một trong những người đã chết tại đây đầu tiên, vì một trái dừa rơi ngay vào đầu. Ở chỗ khác thì người ta cười. Còn tại Bidong thì người ta chỉ nhún vai. Có hàng ngàn cây dừa cao trên đảo, đó là những mối nguy thật sự cho dân chúng nhưng bù lại chúng cũng đem lại nhiều bóng mát cho các trại tỵ nạn.
Thủ tục hành chánh làm xong, chúng tôi lên tàu, vẫn có người sĩ quan cảnh sát bên cạnh, vẫn với nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng rỡ hình như không bao giờ chấm dứt được. Trong buổi cơm chiều, người sĩ quan nầy sẽ ăn chung với ông thuyền trưởng trong văn phòng của ông ta, và sáng hôm sau ông nói với chúng tôi là sau khi uống mấy tuần rượu thì anh sĩ quan Trung Hoa nầy có đề nghị với ông là sẽ dẫn hết đi, cả các bác sĩ nữa qua bên kia biên giới của Thái Lan chơi, ở đó anh ta biết có một nhà thổ đáng được cho cả nhóm vào chơi. Chuyện nầy có thể làm được khi nào nhóm bác sĩ được thay thế. Nhưng ông Radoman khi nhận được đề nghị nầy đã từ chối một cách rất lịch sự. Từ chối nhưng có thể cũng có ít nhiều tiếc rẻ.
Trên tàu, người ta xếp chúng tôi vào khu của các bác sĩ, nơi mà tiện nghi được hạn chế cho nhu cầu vừa phải thôi. Hai anh Patrick và Éric có thuật lại cho chúng tôi nghe chi tiết những chuyệc gì đã xảy ra từ lúc các anh đến đây. Sau đó chúng tôi được quyền xuống thăm dưới tầng hầm và những tiện nghi được sấp xếp ở dưới đó. Trời nóng bức ghê quá. Hầu hết các máy điều hòa không khí đều ngưng, không hoạt  động nữa. Những vật liệu thay thế cho các máy điện vẫn chưa đến kịp được . Bệnh viện có cả một rừng quạt bằng giấy bồi ở tất cả mọi hướng. Các bệnh nhân nhìn chúng tôi cười. Rải rác khắp nơi là các thùng thuốc đã được khui ra hết rồi và anh Guylaine đang dọn xếp lại vả dán nhãn lên từng thùng; các tủ bằng thiếc thì đầy cứng. Trời bắt đầu tối và có một sự yên tĩnh ở đây.
Anh Jean-Francois bắt đầu làm việc ngay.  Nhìn vào cái hốc nơi đó anh phải trải qua mấy trăm giờ sắp tới, anh cũng phải nhún vai cam chịu thôi. Ở đây trời còn nóng hơn chỗ khác nữa, gần 50 độ, một không khí nóng ngộp của lò hấp gần như không chịu nổi. Anh nhìn các máy móc, nhìn qua các sản phẩm và bắt đầu làm việc thử. Tất cả đều chạy tốt. Nhưng tất cả đều không chạy nữa vào hôm sau . Nước rò rỉ và có thêm nhiều vấn đề về độ nghiên qua nghiên lại của con tàu. Anh Jerry cũng đến sửa chữa nhưng cằn nhằn không được vui vẻ lắm. Dù sao cũng phải tốn nhiều ngày và vô số công việc để tất cả đều trở lại bình thường đâu vào đấy.
Chúng tôi trở lên bon sau khi nhìn qua phòng các bệnh nhân bị cách ly vì bệnh truyền nhiểm, nhất là bệnh lao, dù giữa hai giường chỉ  đơn sơ có một tấm vải bạt mỏng mành..
Trong bữa cơm, tôi làm quen với Cô Jeanne, 40 tuổi, vốn là một bà sơ công giáo Việt Nam khi xưa, đã trở thành một nữ y tá, hiện có một nhiệm vụ trên con tàu với một sự hy sinh và một gương mặt khắc khổ mệt mỏi.
Ngoài ra còn có Duyên, Lưu và Đông. Cô Duyên được 21 tuổi, với một gương mặt xinh xinh như búp bế và một mái tóc đen dài. Tên của Cô có nghĩa là đẹp duyên dáng thường làm cho người  ta ưa thích. Cô đã cùng với gia đình trốn đi khỏi nước Việt Nam cách đây 3 tháng, vì thế Cô phải bỏ học lúc Cô đang học năm thứ hai y khoa. Cô vẫn còn run sợ khi nhắc lại câu chuyện vượt biển của mình. Nhưng Cô không có bị bọn cướp tấn công, điều mà làm cho Cô kinh hoàng nhất là những vụ hãm hiếp. Bây giờ trên tàu, người cựu học sinh trường Marie Curie ở Sài Gòn đang được xử dụng như thông dịch viên và nữ y tá. Một tính độ lượng ngay trong công tác phục vụ những người khác. Anh Lưu, có nghĩa là "láu lỉnh", được 23 tuổi. Anh quen biết với Cô Duyên nầy vì cùng học một trường và cùng khoa với cô ta. Tình cờ hai người gặp lại nhau tại Bidong, cũng là tốt mà cũng là điều không hay. Cha anh và hết phân nửa gia đình anh vẫn còn trong nhà tù ở Việt Nam chỉ vì tội muốn trốn đi khỏi nước Việt Nam . Mẹ anh phải chịu hy sinh để cho anh được ra đi một mình mà không có mang theo một thứ gì hết. Khi đến Bidong anh viết thư về cho mẹ nhưng không hề biết thơ đó có đến tay bà hay không . Để làm cho mẹ yên tâm về số phận của mình, anh chỉ nói bóng là "Pierre đã hết bịnh". Và từ ngày rời khỏi Việt Nam anh không biết số phận của gia đình anh ra sao hết. Còn về phần anh Đông, nghe còn thê thảm hơn nữa. Anh được xem là "người đem lại phước lành" của con tàu bệnh viện nầy. Em bé 10 tuổi nầy đã đặt tất cả niềm hy vọng của mình vào mọi người trên con tàu nầy. Em bé nầy cũng chạy khỏi nước Việt Nam cùng với gia đình nhưng lại rớt lại ở Bidong nầy. Cả cha mẹ và các anh các chị của em đã được phái đoàn Úc Châu đưa về Úc. Nhưng em lại bị từ chối.Vì em có bệnh ngay ở trên mặt. Vì thế coi như sống mồ côi tại đây một mình. Vì quyết định của phái đoàn Úc, em xem con tàu nầy là tổ ấm của mình. Patrick và Guylaine dạy tiếng Pháp cho em từng chữ một và nâng niu em. Duyên coi như chị bạn lớn của em và em nghe mà không hiểu Radoman nói gì trong lúc Radoman vừa nói vừa xoa đầu em: " Em đừng lo nghe Đông, không ai bỏ em đâu nghen". Sau nầy em bé bập bẹ vừa nói với tôi vừa chỉ cho tôi vài ánh lửa lập lòe trên đảo : "Bidong, không tốt, không tốt". Em sẽ ra sao khi con tàu nầy rời khỏi nơi đây ? Mọi người đều muốn tránh câu hỏi nầy và tìm đủ mọi cách để làm sao cho phái đoàn Úc chấp nhận đưa em về đoàn tụ với gia đình em bên đó.
Và còn quá nhiều những em khác như Đông chỉ có một mình và không có gì trong tay thì sẽ ra sao trong cái địa ngục Bidong nầy ? Trên đảo nầy những trẻ em dưới 3 tuổi thường được các bà  đi cùng một chiếc tàu đến đây nhận  làm con nuôi. Các em khác tập họp nhau lại thành nhóm trẻ mồ côi, những đứa lớn trông coi những đứa nhỏ với tinh thần anh em trong cơn hoạn nạn. Chúng cùng lênh đênh với nhau không cần biết gì hết, cùng ngủ với nhau trong chòi của chúng, chơi giỡn với nhau mà không có một món đồ chơi, và làm quen với sự nghèo đói, rất tự nhiên như các trẻ khác có đầy đủ sự phồn vinh. Ủy ban có làm thống kê các trẻ con loại nầy và lo cho số phận của chúng đến đâu hay đến đó với phương tiện mà ủy ban sẵn có.
Còn sẽ ra sao một em bé gái 8 tuổi nầy với đôi mắt đen láy và to gần hết gương mặt mà không bao giờ có được một nụ cười đây? Cô em nầy sẽ  đến đây trong vài ngày nữa với một cậu em của Cô vừa mới được 3 tuổi lúc nào cũng đeo cứng Cô. Mẹ của 2 em bé nầy bị giết ở Việt Nam , người cha mang các em đi qua đây đã chết vì quá đuối sức trên tàu. Anh Werner nuôi 2 em nầy trong ca bin của mình như một con gà mái nuôi con thật sự vậy. Với một bề ngoài cục mịch anh thủy thủ nầy lại có một cái tâm hết sức nhân từ…nếu có thể được thì anh có thể giữ chúng nó lại. Nhưng anh cũng biết là luật pháp không cho phép anh làm như vậy. Anh đã từng nói với thuyền trưởng:
- "Tôi hả, khi chúng ta rời khỏi nơi đây, tôi sẽ uống cho say đến chết. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được "
Nằm dài trên giường, tôi không sao ngủ được đêm nay , đêm đầu tiên tôi ở trên con tàu bệnh viên. Tôi bước xuống, ra bon tàu. Lưu và Cô Duyên vẫn còn thức canh chừng dù là đêm đã về khuya rồi. Hai em đang chờ. Nếu có một chiếc thuyền tỵ nạn nào đến, thì các em muốn bảo cho thuyền đó nên cặp vào con tàu bệnh viện. Các em chỉ mong sao cứu được các thuyền nhân khỏi Bidong, vô tâm đến như vậy vì các em không biết được trên các em còn có luật lệ ngăn cấm không cho con tàu bệnh viện đón nhận thật sự bất cứ một thuyền nhân nào.
Chúng tôi  nói chuyện cho đến sáng sớm hôm sau. Hằng ngàn câu chuyện, mà nhất là về hy vọng làm sao hai cô cậu nầy đến được nước Pháp và làm được gì ở đó. Cả hai  đều muốn tiếp tục theo học ngành y khoa, dù cả hai cũng đều biết là phải học lại từ đầu rồi. Nhưng chuyện đi thì thật là rất khó khăn. Cả hai đều chưa chánh thức ghi được tên mình vào danh sách tỵ nạn trên đảo nầy và vẫn còn được coi là "di cư bất hợp pháp" điều nầy cả hai người cùng có thể bị vất ra biển trở lại lúc nào không biết.
Trưa ngày hôm sau, tôi đi theo Eric Cheysson ra lãnh sự quán trên đảo. Chúng tôi xuống chiếc tàu "con thoi" do một cậu trai lái được cập sát con tàu bệnh viện. Lên khỏi cầu tàu chúng tôi phải qua một bót kiểm soát để ký tên vào cuốn sổ ra vào.Từ đó chúng tôi rời khỏi bãi biển đi thẳng vào trại tỵ nạn. Trước mặt chúng tôi là "con đường chánh", con đường mà những người trên tàu phải đi qua vào ngày đầu tiên để vào bệnh xá trung ương và khu hành chánh, được coi là nơi làm việc của ủy ban. Phải bước qua một tấm ván bắt xuyên qua một vũng nước xanh dơ bẩn thì mới tới con đường thẳng nằm giữa những túp lều ngổn ngang đây đó các thùng gổ, các thùng thực phẩm, thùng nước ..

      Đến khu hành chánh nằm ở cuối đường, có một cái sân đất và 2 dãy nhà gỗ, một vài lều vải tất cả nằm trong một cái hàng rào thô sơ. Có một sự hoạt động thật là náo nhiệt trong đó. Các bạn đàn ông cũng như đàn bà làm việc ở đây đều ngồi trên ghế băng xếp quanh các bàn khập khểnh, chỉ có một bàn máy đánh chữ, ghi danh các thuyền nhân đến và đi, làm đủ loại danh sách, thống kê, và giải quyết các vấn đề hằng ngày. Phòng làm việc chánh (trung ương) nằm ở một trong hai căn nhà vòm nhỏ, đúng là một tổ ong ồn ào. Những người làm việc ở đây thiếu tất cả mọi phương tiện, dụng cụ: như vở học trò,bút chì, các mảnh giấy đủ loại. Thế mà ở đây coi như là một nơi làm việc hữu hiệu không tưởng tượng được . Không có đến một loại bàn ghế văn phòng nào hết, toàn là dụng cụ thô sơ, tủ thì không có cửa, chỉ có một tấm màn che bằng vải hay ni lông thôi nhưng chứa đầy đủ tất cả mọi loại hồ sơ.
Phòng chữa bệnh trung ương nằm dựa lưng vào hàng rào phía ngoài. Ba vị bác sĩ làm việc sau một cái bàn nhỏ. Căn phòng nhỏ bằng ván nầy được lợp tôn dợn sóng nên luôn luôn giữ hơi nóng. Chỉ có một tủ lạnh duy nhất của trại được để trong một góc phòng. Trên vách có treo một tấm bản đồ của Hoa Kỳ, "vùng đất hứa". Éric Cheyssen có được  3 người Việt Nam phụ giúp đang tuyển lựa nhanh những bệnh nhân nào mà tình trạng cần phải được nhập viện thì mới đưa họ xuống con tàu. Trong số nầy có một em bé còn bú , một tháng rưỡi tuổi, ốm tong ốm teo. Em bé nầy dù có được mọi thứ săn sóc cũng đã qua đời ngày hôm sau.  
Tôi ở lại trên đảo để đi quan sát các căn trại tỵ nạn. Ủy ban chỉ định cho một thông dịch viên đi theo tôi và chúng tôi bắt đâu đi xem cái chợ dọc theo bãi cát chánh. Ở đó là một sự ngạc nhiên bất ngờ. Tôi chỉ được biết sau nầy thôi là ở Bidong người ta phải cẩn thận không nên tin vào những cái vỏ bên ngoài. Chợ có nhiều sạp hàng nhỏ, ở đó người ta thấy nào là đồng hồ, rau cải, trái cây đủ loại như nho, bôm, lê, các loại dầu thơm rẻ tiền, thịt, cá, bàn chải dùng để chải đầu, dụng cụ, áo quần, kiếng soi mặt, kẹo, bánh tây, hộp nước uống Coca Cola, Seven-Up, thuốc trừ muỗi….  Hình như người ta có thể tìm thấy đủ thứ các loại mặt hàng thượng vàng hạ cám… Nhưng cái chợ bé nhỏ nầy do các người buôn lậu cung cấp hàng chỉ là để lừa thiên hạ thôi. Tất cả đều đắt kinh khủng,  chỉ có một thiểu số dân tỵ nạn  nào còn giữ được một ít tiền đem theo mới có thể lợi dụng được một vài món hàng từ ngoài biển mang tới. Còn thì tất cả những người khác chỉ biết nhìn và ước mơ thôi.
Đi xa hơn chút nữa chúng tôi lọt sâu vào một mê hồn trận không tên, toàn là đường mòn ngoằn nghoèo đầy rác rến, lều trại loạn xạ khập khểnh dựng lên vô tổ chức quanh các thân cây, các hốc, các mỏm  đá, khắp nơi đầy rẩy các giếng đào bừa bãi tìm nước xài nước uống (vì quá thiếu), đầy trẻ con chạy tung tăng vọc cát vọc bùn lầy ồn ào với tiếng la tiếng hét gào. Đâu đâu củng rải rác đầy những vũng nước ứ động hôi hám ghê tởm đầy ruồi nhặng côn trùng bu quanh.Trong  các lều sàn xiêu vẹo ngổn ngang đầy cả triệu loại vật dụng chấp vá hổn tạp, coi như gia tài duy nhất của mình, các ông thì nằm chồng  chất lên các vạt tre ngủ hay trên võng buồn bã kẽo kẹt đưa qua đưa lại nhìn ra ngoài với đôi mắt mệt mỏi. Ở đây không có sự khốn cùng nào được bộc lộ ra ngoài. Mọi người đều cố gắng giữ tư cách của mình. Không một ai chìa tay ra để xin xỏ gì hết.
Tôi bước đi theo các con đường dơ dáy ngoằn nghoèo dẫn đến khắp mọi nơi. Đến đâu cũng thấy toàn người là người tua tủa ra từ mọi hướng như vòi bạch tuộc hay  râu sứa biển vậy. Trong những tháng đầu tiên ở trại tỵ nạn từ  tháng 7 đến tháng 12 năm 1978, ủy ban đã định vị rất rõ ràng các khu nằm trải ra trong phần đầt bằng phẳng của hòn đảo và đã cố thử đề ra một kế hoạch chỉnh trang  lại bằng cách gom các thuyền nhân lại, nhưng lại có quá nhiều vấn đề , vì các gia đình đi rải rác phân tán trên nhiều tàu thuyền khác nhau . Bây giờ, gần như hằng ngày đều có cả trăm thuyền nhân  đến, các trại lấn dần ra khắp nơi gậm nhấm gần hết đồi núi, chiếm luôn lên các đỉnh , do đó ủy ban phải bỏ hết ý định quy hoạch tổ chức thành làng tỵ nạn. Cả cánh rừng  cũng vậy, cây  càng ngày càng bị đốn đi đến độ chỉ còn lại đất đá trơ trụi nhanh chóng. Vì cây là vật liệu chánh, Hội Hồng Thập Tự không có gì gọi là vật liệu xây cất để cấp phát cho ai cả .
Tôi lại tiếp tục đi từ điểm nầy đến điểm khác, leo dốc xuống đồi chen lấn giữa đám người lúc nào và ở đâu cũng đông nghẹt dù ở các hang hốc nhỏ hẹp cũng vậy. Không có một chỗ nào nghỉ ngơi coi như là vắng vẻ được. Đã không có cửa ra vào, lại không có cửa sổ, không có tường vách gì cả. Ai đứng ngồi hay làm gì bất cứ ở đâu cũng nằm dưới con mắt của người khác hết, từ những chuyện ăn, ngủ, hay đi tiêu, tiểu tiện cũng vậy cả… rất tự nhiên. Không có cách gì gọi là cách ly riêng lẽ được hết. Thật là một cuộc sống đúng hết nghĩa của hai chữ công cộng. Một cảm giác thật lá quá tồi tệ khi cá nhân con người không còn giữ được một sự kín đáo riêng lẻ nào cho mình được nữa  hết.
Trên con đường tôi đang đi, có hằng trăm bàn tay nhẹ nhàng níu tôi lại để trao cho tôi những lá thư kêu cứu đến bạn bè, cha mẹ anh em cho đến kẻ sơ giao chưa từng biết ở nước ngoài. Người ta viết ngoằn nghoèo vội vàng những tín hiệu hay những lời van xin tuyệt vọng trên những mảnh giấy đủ loại, gởi cho bất cứ người nào mà họ nhớ ra đâu đó … một người Pháp, một người Mỹ hay một người Việt Nam nào đó mà  tình cờ được gặp ở đâu đó ở Sài Gòn hay ở bất cứ ở đau mà họ còn nhớ tên….Tất cả những lời kêu cứu đó, hằng ngàn loại… ai đi viếng trại nầy cũng nhận được. Đối với thuyền nhân, đây là phương tiện mà họ xem là chắc chắn nhất để truyền tin tức giùm được ra bên ngoài, vì trong trại tỵ nạn, người ta cấm nhặt viết thư về Việt Nam , Cam bốt hay Lào. Còn đến các nơi khác thì phải viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung Hoa và bao thơ không được dán lại để phải qua khâu kiểm duyệt. Những bức thư nầy không thấy có một bức  nào đến được tay người nhận hết và ngược lại từ ngoại quốc cũng không có thư nào đến cho bất cứ người dân tỵ nạn nào cả. Do vậy mà các nhà báo, các bác sĩ và các viên chức thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn đều biến thành người đưa thư không lương cho hằng chục ngàn người đang chờ và đang hy vọng… Bởi vì đối với thuyền nhân họ phài hứng chịu hết mọi thứ. Và nhất là những sự đau khổ về tinh thần..Đây là những đau khổ khó chịu đựng nhất cho thuyền nhân, một dấu ấn bi thảm nhất của trại tỵ nạn. Có rất nhiều gia đình bị phân ly, bị xé tan vụn ra hết. Có nhiều người phải trốn chạy khỏi Việt Nam, bỏ lại bên đó hết cha mẹ mà họ vẫn chưa biết rõ được số phận của chính mình rồi đây sẽ ra sao nữa. Có những người trốn chạy  cùng với các con của họ trên cùng một chiếc tàu, còn vợ và các đứa con khác thì trên một chiếc tàu khác, đi sau, mà cho đến nay họ vẫn chưa biết được số phận của những người thân thương của họ hiện giờ ra sao. Có những người  được một quốc gia nào đó nhận cho đi định cư còn gia đình vợ con thì lại được cho đi định cư ở một quốc gia khác. Và luôn luôn ai cũng thấp thỏm lo sợ triền miên, lo sợ kinh khủng,  không  biết mình và gia đình mình có được quốc gia nào nhận cho đi định cư hay từ chối không cho đi đây ? nhận cho được cùng đi một nơi hay bị xé lẻ ra đây ?
Tôi lại tiếp tục đi quan sát những chuyện não lòng không bao giờ dứt của thuyền nhân trong trại. chung quanh các giếng không có xây bờ, những lổ đào đơn sơ xuống bải cát, các bà  và các trẻ con xếp thành hàng dài nối đuôi nhau trên các vũng nước, trong khi những người khác, kéo lên từng gàu nước quí báu phát cho từng người mệt nghỉ . Người ta tính ra có đến hơn 100 giếng trên đảo nầy rồi. Khi mà nước được phân phối một cách gắt gao như vậy thì giếng phải được đào khắp mọi nơi. Ngay ở giữa nhà cũng phải đào để khỏi phải đi xa. Nhưng bắt đầu từ đầu tháng năm, các giếng ở phía trên phần đất cao trên đảo đã coi như bị khô cạn, và các giếng ở dưới phần đất thấp thì thường là ô uế hay bị các cống rảnh làm vẩn đục.
Tôi đi chầm chậm qua các con đường mê đạo hư  nát của trại. Khắp mọi nơi, dưới các lều trại, trong các con hẻm  ngoằn nghoèo, cả đàn ông, đàn bà đều bận bịu với công việc để giúp cho họ sống còn ở đây. Nhiều người dùng thì giờ cả ngày để chẻ cây ra thành từng mảnh vụn để bán cho người ta nấu bếp.  Người khác lại đốn cây trong rừng về dựng nhà không mệt mỏi cho những người mới tới để kiếm chút thù lao. cũng có một số khác tự biến mình thành lao công gánh nước cho những ai có tiền mướn họ. Vài người thợ làm bánh mì tìm cách xây lò tạm  ngoài trời. Với các khẩu phần bột mì mua lại được của những người được Hội Hồng Thập Tự cấp phát đặc biệt, họ làm bánh mì nho nhỏ rất khéo cho các trẻ con đem đi bán trong  trại. Lại có những thợ cắt tóc dựng lều cắt tóc cho bà con, và cũng có các tay thợ sửa đồng hồ cho những ai còn giữ được chưa bị cướp lấy mất. Rồi cũng  có dân chài lưới đi đánh bắt cá ngoài biển về bán. Cũng có mấy người biết châm cứu cất trại tiếp tục trị bệnh, hành nghề… Các anh bán hủ tiếu, phở ngoài chợ, vẫn tìm cách nấu bán cho mọi người như thuở nào ở đường phố Sài Gòn , cũng có những người khác mở quán nhỏ bán càfé, chỉ khác nhau với những khúc cây cắt ngang làm bàn và làm băng ngồi. Đúng là một xã hội mới được tạo ra ở ngay Bidong nầy, với những người tỵ nạn giàu nghèo có đủ mặt. Nhưng giàu và nghèo có khác gì nhau đâu với những bộ quần áo dơ bẩn rách nát, cũng một màu đau khổ như nhau, và thật ra người ta chỉ sống với quần cụt và ở trần. Chỉ có mấy bà là thường giữ cái quần đen truyền thống mà thôi. Người ta khó mà phân biệt được một bác sĩ với một anh thợ, hay một ông kỹ sư với anh đánh cá, hay một giáo sư với anh nông dân. Cái cảnh đau khổ làm cho họ sống chung với nhau trong cùng những  hoàn cảnh giống nhau và cùng một niềm hy vọng như nhau. Sự may rủi, sự tình cờ và các tên cướp đã tạo ra những người mới giàu, nghèo, khác hẳn trước kia hết. Phải đi sâu vào từng người mới thấy được sự  biến dạng nầy. 
Cùng với người thông dịch tôi đến một bãi cát thứ hai sau khi qua một ngọn đồi nhỏ. Cũng một quang cảnh như vậy thôi. Trẻ em chạy lăng xăng nô đùa với nhau trên cát, hoặc ra hơi xa tắm biển. Ở đây cũng còn cạn, ra xa 100 thước còn đứng dưới nước được .
Chúng tôi đi vào một trong  những khu được coi là nổi tiếng nhất của đảo Bidong. Một quán càfé nhỏ có những Cô gái trẻ đến hát mỗi buổi chiều, những Cô nầy không bao giờ lỡ chân bước qua quán xá bên bờ bên trái của hòn đảo. Có bàn và băng ngồi đóng bằng ván tuy là thô sơ nhưng có được một tấm bạt che mưa che nắng. Lại có một bàn nhỏ ở một góc nhà để tính tiền, trên đó có nhiều hộp  nước coca và hơn thế nữa ở một góc nhà lại có một máy ra diô- cát sét mua lại của bọn buôn lậu Mã Lai. Suốt ngày dài trong khi chờ đêm đến hay các Cô ca sĩ tới , ông chủ quán  cho hát lại những bản nhạc Việt Nam thâu được trong băng mà ông giữ chặt không bao giờ rời. Sau khi con tàu bệnh viện đến đảo, các bác sĩ đã có đến đây một buổi tối để giải trí và để biết qua Bidong hơn là nghe các bệnh nhân của mình thuật lại. Hình như cảnh sát không cho các bệnh nhân đến đây.
Chúng tôi lại đi lên một con đường khác, Ở đó tôi thấy một vài căn nhà mà lối trang trí khác hẳn với tất cả những nhà lụp xụp của các nơi khác trên đảo. Có một cái nhà được trang trí như một cây thông Giáng Sinh làm bằng các bao thuốc lá đủ hiệu  hết.. Giống như các tràng hoa dài nhờ gió đưa qua đưa lại làm đẹp mặt tiền nhà. Xa  xa lại có một căn nhà cao trên nóc lại có một số cành cây mà lá được tỉa và đan lại như nhiều lượn sóng biển. Một căn nhà khác thì lại có một mảnh vườn nhỏ như tấm khăn trên đó có trồng vài ngọn rau , có 4 cọc có căng dây tượng trưng làm rào ở trên.
Tôi lại tiếp tục đi viếng một vùng cao hơn, một vùng duy nhất ở trên đảo Đồi nầy nằm ở một góc cuối bãi và nhìn ra biển, đối diện với con tàu bệnh viện.  Trước hết là có một cái chùa Phật Giáo nho nhỏ xây cất và trang trí rất khéo. Có một vị sư đang trụ trì, ở đó đang có nhiều phật tử quanh ông với nhang đèn và một số lễ vật trên bàn thờ. Ở Bidong nầy có lẽ "ngọn đồi tôn giáo" nầy là nơi mà các thuyền nhân có thể tìm được chút ít thanh thản nào đó mà thôi. Đây là "ngọn đồi hy vọng" của thuyền nhân. Hy vọng và uớc mơ là sẽ được ra đi một ngày nào đó !. Bên cạnh chùa là một nhà thờ Tin Lành, cũng rất là giản dị, và phía sau là nhà thờ công giáo, cũng xây cất bằng cây đan như lưới. Nóc thì cũng bằng cây tròn được lợp kín bằng mấy tấm bạt  ny lông. Bên trong các em nhỏ đang lập lại các bài hát êm dịu dưới sự chỉ dẫn của một anh bạn trẻ. Trên ngọn đồi cao nầy có được nhiều cây cao có bóng mát, lại có một luồng gió mát mẻ rất dễ chịu. Ở đây không có đám đông dân chúng nào, và những ai có mặt ở đây đều đi đứng rất trầm tĩnh và chậm rải. Các nơi tôn nghiêm nầy được xây dựng lên do sự đóng góp và công lao của các tín đồ và do ủy ban phụ trách giúp đỡ.
Trên triền đồi thoai thoải nầy lại có vài phòng học được dựng lên với những phương tiện tạm bợ như cột, cây tròn, nylông và tôn. Hằng trăm trẻ em ngồi chùm nhum  với nhau lại đứa nầy sát đứa kia, đang chăm chú học tiếng Pháp và tiếng Anh do những anh  chị em thiện nguyện chỉ dạy. Nói được các loại sinh ngữ nầy là một nhu cầu cần thiết để có hy vọng có thể được rời khỏi Bidong nầy. Vì không có đủ chỗ nên các tốp học sinh phải tuần tự thay phiên nhau đến học và họ lại tìm thấy được ở đây chút ít những gì như là một đời sống bình thường. Cũng như bất cứ ở chỗ khác, họ tìm được lại nụ cười khi người ta nhìn họ học và tỏ ra không đến nổi nào gọi là nghèo lắm.
Dưới chân đồi thì lại chỉ có cát và sỏi. Chúng tôi lại đi qua những vũng lầy tối tăm ngoài trời, bước qua những tấm ván lót bừa bãi trên các vũng nước , đi vòng qua một chiếc tàu đánh cá bằng sắt duy nhất nằm mắc cạn  trên bãi cát trong đó có vài gia đình đang dùng làm nơi tạm trú… sau đó cuối cùng chúng tôi trở lại cái đập chắn sóng nơi mấy anh cảnh sát đang ngồi vừa gọi là canh gát vừa lim dim đôi mắt ngủ gà ngủ gật ở đó.
Thế là chúng tôi được tận dụng được một buổi trưa lúc chúng tôi đang đứng  ở cầu tàu, chờ chiếc tàu con thoi đến đưa chúng tôi về con tàu bệnh viện. Thình lình có nhiều tiếng la trên bãi và sau đó chừng vài giây là cả đám đông dân chúng chạy ùa xuống bãi cát và chỉ dừng lại ở mí nước. Hằng ngàn cánh tay hướng ra biển và lúc bấy giờ tôi mới thấy một chiếc tàu chở người tỵ nạn đang lắc lư chạy vào đảo . Phía sau lưng tôi, cảnh sát cũng chạy lại, vừa chạy vừa la hét in ỏi. Một toán khác thì dùng một hàng rào chắn bằng cây , chắn ngang bến tàu và sẳn sàng trong tư thế đón rước lô "tù tỵ nạn" tương lai của họ.
Chiếc tàu đến sát bãi từ từ. Lưu đến gần  tôi lúc nào không biết. Nó nói ngay với tôi:
             - "Anh đứng yên giùm ở đây đừng có đi nghen. Anh là người ngoại quốc duy nhất có mặt ở đây. Nhờ anh có mặt ở đây, các cảnh sát họ không dám ăn cắp hay đánh đập những người mới đến "
Tôi hứa với Lưu là tôi sẽ đứng ở đây, và sau đó chiếc tàu "thuyền nhân tỵ nạn" cập  vào cầu tàu quá mạnh. Hằng trăm người đau khổ đang bị dồn ép trong tàu nhảy bừa lên cầu ván, ôm theo ba lô và túi hành lý của họ. Ngay tức khắc bọn lính Mã Lai đẩy họ về phía trước không khoan nhượng. Các bà thì rên rỉ, trẻ con thì khóc lóc. Tất cả đều có vẻ mệt lả người , dơ dáy và đói khát. Một bà lớn tuổi, rất đứng đắn, đứng gần bên tôi, lập đi lập lại mãi: "Tôi quá mệt, tôi quá mệt rồi.". Một tình trạng vô trật tự không tả được đang diễn ra trên cầu tàu, ở đó có đủ thứ, nào nồi niêu soong chảo, nào chậu, nào là thùng giấy, nào bi đông đựng nước. Mấy anh cảnh sát xuống lục lọi khắp nơi trên tàu, vốn quá dơ bẩn, không biết để tìm những gì mà họ muốn. Thỉnh thoảng họ lại nhìn tôi. Rồi họ bắt những người tỵ nạn quỳ xuống, tất cả thành hai hàng dọc theo cầu tàu, như những tù binh. Dĩ nhiên các thuyền nhân đều ngoan ngoãn tuân lệnh, có mấy người chấp hai tay sau ót như là một thói quen tự bao giờ.
Cuộc khám xét bắt đầu, không một ai qua khỏi, Khám xét một cách nhục nhã và thật tỷ mỉ, tất cả những gì được coi và được dùng như vũ khí đều bị tịch thu. Cảnh sát đều biết rằng trại tỵ nạn nầy có quá nhiều người, quả thật như một nồi nước đang sôi, do vậy họ cũng phải cẩn thận. Lần lượt từng người một, các thuyền nhân được tập hợp lại trên bãi cát để được kiểm tra phần lý lịch. Có thể may ra trong vài giờ nữa họ mới được cho ăn uống.     
Chiếc tàu nầy là chiếc thứ nhất trong một nhóm 3 chiếc đã rời khỏi Việt Nam trong vài ngày qua. Họ đã bị bọn cướp  biển chận cướp ngày hôm qua, nhưng may mắn họ đã trốn thoát được . Nhưng họ không có tin tức gì của 2 chiếc tàu kia. Tôi nghĩ rằng nếu hai chiếc tàu kia là hai tàu gì đó của Pháp hay của Hoa Kỳ  thì chắc chắn sẽ có một sự chuẩn bị để đi tìm kiếm ngay.
Tại bót kiểm soát có một sự náo nhiệt hơi bất thường.Tôi tiến tới đó để xem coi cái gì đã xảy ra. Một người đàn ông và một người đàn bà đang khóc lóc ở đó, bên cạnh có hai bao lớn đựng bình điện xe hơi. Lưu cho tôi biết là có một người nào đó trên tàu đã nói là các bình điện đó đựng 3000 lượng vàng do vậy bọn lính Mã Lai bu chung quanh như những con ruồi điên. Lưu và một người nữa có trách nhiệm trong ủy ban của đảo, một lần nữa yêu cầu tôi hãy ở lại, vì họ sợ là số vàng kia sẽ bị cảnh sát giữ lại.
Nhưng, nếu tôi dính vào vấn đề nầy, tôi sẽ đụng chạm rất nặng với họ .Có thể đi đến cấm chỉ tôi không cho tôi ở trên đảo đến 2 ngày. Vị thuyền trưởng, với tài ngoại giao của ông ta, có thể dàn xếp nội vụ được và chúng tôi sau nầy mới biết được là số 3000 lượng vàng đó trị giá gần 3 triệu quan Pháp nặng, không hơn không kém chỉ là kết quả của sự làm tiền của người chủ tàu qua nhiều chuyến chuyên chở người tỵ nạn đến Mã Lai mà thôi. Đối với ông ta đây là chuyến chót nên ông ta có ý định mang số vàng nầy đi lập nghiệp ở Úc Châu. Nhưng các thuyền nhân buộc ông ta phải ghé lại Bidong vì ai cũng sợ là đi nữa sẽ không đến đâu hết. Và cho đến giờ nầy người ta không biết số 3000 lượng vàng đó vốn là vàng bóc lột của thuyền nhân nó đã  ra sao rồi.

Xin đón xem tiếp Chương 13 :
"DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI CỦA THIÊN ĐƯỜNG"

 



Trở về trang đầu          Đón coi trang sau
1