PHẦN THỨ HAI
----
NHỮNG NGƯỜI TỴ NẠN Ở ĐẢO BIDONG

11.- CON TÀU TRẮNG

    Sáng ngày 19 tháng Tư năm 1979, chiếc "Hòn Đảo của Ánh Sáng" bỏ neo cách hòn đảo Pulau Bidong 300 thước. Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng con tàu nầy đã xuất hiện trước mắt những người đã làm tất cả mọi điều cần thiết trong đời mình để có mặt ở đây, cùng với con tàu hàng ở mãi từ phương trời nào đó của thế giới, được biến cải thành con tàu bệnh viện. Nó xuất hiện rất bình dị ở hòn đảo của thiên đường, trước một bãi cát trắng dài với một cánh rừng dừa và một mỏm núi tròn không cao lắm và một phần của vách núi chồm xuống biển. Thật khó mà nhận ra các lều trong rừng cây xanh biếc, chỉ thấy xác của nhiều tàu thuyền nằm ngổn ngang trên bãi… chứng thực rằng sự vắng lặng và êm ả của vùng hẻo lánh nầy đã mất hẳn từ lâu rồi.
Mọi người trên tàu lúc bấy giờ đều có thể thấy một cái gì đó khác thường. Khi con tàu vừa đến đây, vùng cát trắng trên bãi trong một lúc đã biến thành đen kịt, với một số người lúc nhúc bất động nhìn con tàu bệnh viện bỏ neo cập bến. Các vị bác sĩ và nhà báo cùng với vị thuyền trưởng Herbelin đã được đón tiếp bằng cả một sự  hoan hô nồng nhiệt của đám đông từ lâu chờ đợi con tàu câp bến trong im lặng.Vì những người tỵ nạn nầy không tin là có con tàu huyền diệu nầy, không tin ở sự kỳ vọng nầy đến từ phương Đông, không tin ở tình đồng loại nầy mà không bao giờ họ dám nghĩ đến, nói chi đến đòi hỏi. Đã có quá nhiều yêu cầu bị chìm trong quên lãng rồi và thêm một lần nữa cũng không làm cho người ta ngạc nhiên. Có nhiều người tin rằng đã thấy chiếc tàu nầy qua lại ở ngoài khơi, không thấy ngừng như những con tàu hàng khác trong biển Nam Hải mà họ đã van xin nhưng vô ích thôi. Rồi hôm nay, "nó đây rồi !", dù là có 5 ngày hơi trễ,nhưng nó đã có mặt ở đây rồi, trong im lặng ngay trước hải đảo nầy, vừa thân tình vừa làm cho mọi người an tâm.
Có được bao nhiêu người tỵ nạn trên bãi cát nầy đã đón mừng con "tàu của ánh sáng" nầy? Không có một người nào có thể đoán được hết. Có thể là phân nửa của số 30,000 người trong các trại, một làn sóng người thật sự đã vẫy tay, la hét lên vì mừng rỡ hứng thú. Cả một khối người cùng chung một cảm tưởng nóng bỏng trong lòng đã đón mừng các vị bác sĩ như một ngày lễ hội. Cuối cùng rồi họ mới chợt thấy là mình không còn cô đơn, không còn bị bỏ rơi giữa biển cả và trong sự thờ ơ quên lãng. Giờ đây cả thế giới đều biết là họ đang ở đây và đang sống khổ sở nơi đây. Có những con người họ chưa từng biết mặt, ở cách đây hằng vạn vạn dậm, vẫn nghĩ tới nỗi thất vọng của họ và đã đến tận đây để cứu giúp họ. Và một ít người thôi đang đổ bộ lên đây thật ra chỉ là những sứ giả thôi.  
Những người từ trên con tàu bước xuống đang tiến lên giữa những tiếng hoan hô nồng nhiệt. Nước mắt đã chảy xuống hai bên má của ông Guylaine Martin; một trong những anh quay phim đã chùi nước mắt, một sự xúc động được chia xẻ giữa hai nhóm người đang gặp nhau bất thần trên bãi cát.
Bác sĩ Đông, một trong những người có trách nhiệm trong ủy ban tỵ nạn trên đảo, đã đón tiếp nhóm người trên tàu và hướng dẫn họ xuyên qua biển người đến trung tâm thông tin,  một căn chòi cất bằng ván, và đây là nơi dành cho buổi họp đầu tiên cho công việc sắp tới.  Ông bắt đầu sơ lược qua về tình hình, sau đó đại diện cho những người dân Việt Nam tỵ nạn, tỏ lời cám ơn nước Pháp "đã trở lại trong một tình thế hỗn độn với những sự nhặp nhằng của chế độ thuộc địa cũ" như ông Bernard Krouchner sẽ nói về sau nầy. Nhưng ông Đông, một cựu đại úy quân y của quân đội Miền Nam Việt Nam, đã rất vui mừng khi nhận thấy rằng những sợi dây liên hệ cũ giữa 2 quốc gia đã được nối lại qua hành động nhân đạo nầy. Ông nói thẳng thừng không úp mở bằng tiếng Pháp rất trôi chảy. Ông là một gương mặt nổi bật trên đảo nầy với dáng đi mảnh khảnh nhưng tràn đầy nghị lực.
Ủy ban đã hiệu chính xong một tờ trình gồm 7 điểm liên quan đến liên lạc vô tuyến, các dấu hiệu khẩn cấp, các điều kiện cùng đi theo tàu, thay phiên nhau đều đặn như thế nào, thức ăn cho các bệnh nhân…. Các bác sĩ  cuối cùng rất sung sướng được thấy có đủ phương tiện hành nghề đã thiết lập cho mình, danh sách bệnh nhân đầu tiên cần nhập viện, cố ý giới hạn 10 người thôi cho ngày đầu để rà xem lại tổ chức mới của mình.
Sau đó ít lâu, người ta giải thích cho các bác sĩ Pháp về tổ chức y tế trên đảo. Mỗi khu vực trong bảy khu hành chánh trong trại tỵ nạn đều có một phòng khám bệnh do một bác sĩ trách nhiệm. Các trường hợp bệnh nặng được chuyển về bệnh viện trung ương. Chỉ là một căn chòi nhỏ rất bình thường với vài giường bệnh thôi nhưng ở đây có một toán bác sĩ chuyên khoa. Bệnh viện nghèo nàn tạm bợ nầy cũng giống như 7 trạm xá kia có rất ít phương tiện. Không có dụng cụ, ít thuốc men, ngay như thuốc chích ngừa để phòng ngừa dịch bệnh cũng không có. Một sự thiếu thốn kinh khủng làm tăng thêm tầm quan trọng nhiệm vụ của con tàu.  
Một cuộc họp để bàn thảo rất lâu ở một trong những bàn tròn đặt ở các trạm dành cho ủy ban. Không có quá nhiều từ ngữ vô bổ, chỉ có những quyết định nhanh chóng đạt ngay liền tại chỗ,trong lúc ở ngoài thì dân tỵ nạn dày đặc bám vào hàng rào gỗ dán hằng ngàn cặp mắt tò mò lẫn khao khát để quan sát. Thời tiết thật là nóng bức. Người Pháp nào mồ hôi cũng chảy xuống mặt. Từ giờ nầy họ phải làm quen với những bộ quần áo ngắn và luôn có khăn nhỏ quanh cổ.
Bài toán trật tự trên tàu được đặt ra. Tức khắc các  bác sĩ đều hiểu ngay là phải thật cứng rắn nếu họ không muốn con tàu cuối cùng trở thành một cái chợ trời của một khu phố nghèo hay lại giống như một trại tỵ nạn khác. Không thể có  vấn đề tìm kiếm một phương tiện cứu cấp hữu hiệu nào khác được. Cho nên có một quyết định là nếu bệnh nhân có thái độ không tốt thì sẽ bị cảnh cáo lần thứ nhất. Nếu bị cảnh cáo lần thứ hai thì người bệnh nhân đó sẽ bị đuổi ra khỏi tàu mà không cần biết tình trạng bệnh của đương sự như thế nào. Hạnh kiểm của đương sự còn phải bị ghi vào thẻ xanh của anh ta, vốn cần thiết cho việc định cư ở nước ngoài. Tất cả những biện pháp an ninh trật tự nầy sẽ giúp cho công việc trên tàu được hữu hiệu hơn. 
Người ta cũng bàn đến bài toán phải mổ xẻ. Với khí hậu trên đảo và với những khó khăn trong vấn đề lưu giữ máu, nên không thể có một số lượng dự trữ máu được . Do đó cần phải tổ chức nhiều nhóm hiến máu, lúc nào cũng sẵn sàng cho máu bất cứ lúc nào cho những trường hợp khẩn cấp. Trong những phút đầu hai nhóm bác sĩ Việt Nam và Pháp đều vấp phải những tính phức tạp khó giải quyết nhanh được của một số không ít bài toán. Nhưng thật may mắn là nhân công không bao giờ thiếu.
Người ta cũng bàn đến vấn đề chủng ngừa.. Thật là một phép lạ vì không
có một dịch bệnh nào được khai báo dù tình trạng vệ sinh không mấy tốt. Bệnh thương hàn và thổ tả ngày nào cũng có thể xảy ra cho dân tỵ nạn. Ủy ban trên đảo từ lâu đã có xin thuốc chích ngừa với Hội Hồng Thập Tự Mã Lai rồi. Nhưng cho đến giờ nầy vẫn chưa thấy có. Do vậy thật cũng cần thiết  phải có một chương trình hành động để tránh nguy cơ đó. Công việc nầy cũng không phải nhỏ.
Chỉ vài giờ sau phiên họp nói trên, vào khoảng gần trưa thì có những bệnh nhân đầu tiên được đưa lên tàu. Cũng hơi nghiêm trọng. Nhưng trong cái bất hạnh đó họ cảm thấy được may mắn. Trước khi chiếc "Hòn Đảo Của Ánh Sáng" đến đây, các trường hợp thật nặng mới được đưa ra bệnh viện của Kuala Trenganu, phải mất trên 3 giờ trên biển mới đến bệnh viện đó được . Nhưng nếu thời tiết không cho phép, phải chờ đợi lâu mới ra khơi được thì có thể đã quá muộn. Từ tháng 11 năm 1978, hằng tháng đã có hơn 50 người được đưa xuống bờ biển như vậy. Không có hơn có lẻ vì có nhiều bệnh nhân không muốn đi. Vì có tin đồn trên đảo rằng có rất ít người đi được trở về. Vì sợ, không biết là mình sẽ đi đâu. Cũng có người nói rằng ở ngoài đó người ta rất thờ ơ và thiếu lương tâm nghề nghiệp. Người ta không chăm sóc bệnh nhân ngay  mà phải qua một thời gian dài chờ đợi. Và những ai không có mang tiền theo thì không có được cho ăn. Nhưng họ được chuyển ra đó chỉ vì bệnh tình quá trầm trọng.
Những người không thấy trở về là chắc chắn bị chết ở bệnh viện. Vấn đề di tản bệnh nhân khẩn cấp đòi hỏi phải có quá nhiều thời gian. Các thống kê về số người dân địa phương trên đảo nầy chết, dù sao cũng không quan trọng lắm nên không ai sợ, thậm chí còn coi là thống kê đặc biệt nữa vì tình hình y tế ở đây nó  đã là như vậy rồi. Người ta còn nói những thống kê đó là để dối gạt thiên hạ nũa. Trại tỵ nạn mới được thành lập từ tháng 7 năm 1978, và những bệnh như lao phổi thì phải đến một năm mới chết.. Chuyện thiếu ăn (rất phổ biến), ghẻ lở, ký sinh trùng thì không kể đến. Và không có dịch bệnh, coi như nguy hiểm lớn nhứt cho dân tỵ nạn trong trại thì lại chưa thấy có.
Nhưng bây giờ thì đã có mặt chiếc tàu bệnh viện đây rồi. Có thể những người bệnh nghĩ rằng con tàu nầy vì họ mà đến đây. Những người chưa bao giờ đến khám bệnh thì bây giờ lại đổ dồn đi khám ở phòng mạch của đảo. Chỉ vì có hy vọng sẽ trị được bệnh rồi.
Người ta đã bắt đầu làm việc trên con tàu bệnh viện rồi. Ông Guylane Martin thì lo tổ chức các phòng cho bệnh nhân nằm, và lăng xăng quanh các cháu bé mà tình trạng tồi tệ rất khó mà chịu nổi. Pierre Bonniaud thì khám bệnh, Vladan Radoman và Bernard Krouchner thì lo phục hồi sức lực lại cho các em thiếu dinh dưỡng. Trong cái nóng bức dưới hầm tàu mà các máy lạnh khó mà làm cho mát lại, đang có một sự hoạt động nhộn nhịp.
Có một ca đỡ đẻ. Một em bé gái vừa được chào đời, người ta đặt tên cho em là "Hòn Đảo Ánh Sáng". Nhưng vài ngày sau đó mẹ em hình như không thích cái tên có vẻ biểu tượng nầy, nên đã đặt lại tên Việt Nam khác. Ai ai cũng hy vọng rằng những em bé được sanh ra trên tàu nầy sẽ được mang quốc tịch Pháp, và hy vọng là chắc chắn sẽ được đi dịnh cư. Nhưng trên tàu người ta được biết từ lâu là không phải như vậy, vì con tàu không có ở ngoài biển mà đang có liên hệ chặc chẻ với đất liền, cũng như trong quá khứ, các em mới được sinh ra tiếp tục được ủy ban cho ghi tên vào sổ bộ của Bidong. Dĩ nhiên đối với chánh quyền Mã Lai sổ bộ nầy không có giá trị nào hết, nhưng đối với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thì bộ đời nầy có giá trị.
Kế đến là một ca ruột dư nặng. Đúng là người ta rà lại tổ chức y tế trên tàu ! Các dụng cụ chưa nằm đúng chổ của nó, người ta phải tìm kiếm, các  món thuốc thì mới bắt đầu được ghi vào danh mục. Hoàn cảnh và môi trường không thực tế, nên mỗi người phải tận lực làm việc, mồ hôi nhễ nhại.
Một ông lão 70 tuổi, chỉ có một chân, được đưa lên tàu, ông có một mục nhọt to trên lưng. Sau đó có hai người gầy đét và một người bị viêm màng não chết. Đối với những người nầy chiếc tàu bệnh viện không tới được đúng lúc. Đến chiều thì sự yên lặng đã trở lại. Guylaine Martin thì chăn mấy đứa trẻ, Eric Cheysson và Patrick Laburthe chỉ có mổ và nạo một ung nhọt cho một đứa trẻ. Chuyên viên kỹ thuật về tiếng nói và anh phụ tá quay phim của nhóm Antenne 2, đồng ý với đề nghị của ông Werner dùng xuồng máy đi thám sát một bãi biển của hải đảo. Vì họ nghe đồn rằng có nhóm buôn lậu đổ hàng lên bãi đó vào ban đêm.
Đối với mấy ông bác sĩ thì coi như một ngày đã qua. Đêm nhiệt đới đã tới, thì giờ quá nặng nề vì không khí ẩm ướt. Có một vài ánh sáng loe lét trên biển. Dó là ánh đèn của các chiếc tàu đang kéo thuyền chài ra khơi đánh cá , có lẽ họ sẽ ở đó suốt đêm. Trong hải đảo thì rất yên lặng không có một tiếng xì xào đồn đoán gì cả. Trên núi thì vẫn tối om như các trại dưới chân núi vậy. Người ta kết toán công việc trong ngày đầu tiên ngay tại bàn ăn tối. Mặc dầu có mệt mỏi, nhưng các gương mặt đều lộ vẻ vui sướng vì tất cả mọi việc đều tốt, chứng minh được sự ích lợi của con tàu. mọi người có vẻ thoải mái trong vui đùa…..  
Trong lúc đó Wermer và 2 ông bạn đã đến bãi cát. ông phó thuyền trưởng tắt máy cách bãi khoảng 100 thước vì ở đây không sâu lắm , muốn vào đến bờ thì xuồng máy phải có lường bằng phẳng mới vô đến bãi cát được. Thình lình cả 3 người đều chú ý đến sự ồn ào trên bãi cát.Có tiếng kêu la mà cả 3 người đều nghe, lại thấy có nhiều ánh đuốc cháy tắt lập lòe nữa, chừng đó họ mới để ý thấy có một chiếc tàu chở thuyền nhân đang tiến vô gần đến bãi, trong đêm tối. Hình như nó đang gặp nguy cơ, nghiêng qua nghiêng lại. Vài trăm thước phía sau nó còn có một xuồng máy của cảnh sát đang phóng đến con tàu tỵ nạn.
Ông Wermer dùng đèn rọi trên xuồng máy của mình rọi ngay con tàu và tiến lại gần hơn. Ông thấy các thuyền nhân có vẻ sợ hãi đang trong tình trạng đáng thương hại, nhảy xuống biển và cố sức lội để leo lên bãi. Những thuyền nhân khác trên bờ đã bảo họ phải nhảy xuống biển cố lên bãi để tránh cảnh sát đang tới. Họ cũng sợ cảnh sát sẽ lùa các thuyền nhân kia lên tàu và kéo tàu ra biển trở lại.
Cả 3 người của ông Wermer đều chứng kiến cảnh cố gắng vô vọng của những người đáng thương hại nầy, gần như họ đã kiệt lực quá rồi. Thình lình ông Werner nhờ đèn rọi thấy một em bé đang gặp khó khăn. Em bé nầy bì bõm trong nước biển đen ngòm. Hình như sóng ngầm đang kéo em xuống biển sâu. Không chần chờ gì nữa ông vừa bảo hai ông bạn "Cho máy chạy đi" vừa nhảy ngay xuống biển để cứu em bé. Với đôi tay mạnh khỏe, chỉ vài phút cố gắng là ông đã cứu được em bé ngay, không khó khăn lắm.
Còn các thuyền nhân khác, với sự giúp sức của những người trên bờ, cũng đã leo lên được hết trên đất liền. Họ đã được cứu thoát hết nhưng tất cả đều quá kiệt sức, nằm bất động trên bãi cát. Họ vừa trải qua 17 ngày lênh đênh trên biển. Mười bảy ngày kinh hoàng, 17 ngày trôi giạt, tàu chết máy, dưới nắng gắt như thiêu đốt mà không có một giọt nước nàođể uống. Lần đấu tiên họ được một chiếc tàu đánh cá Thái Lan kéo giùm, lần thứ hai họ nhờ một tàu kéo lưới rê Mãlai kéo giùm. Sau đó người ta bỏ họ mặc cho số phận. Có hai thuyền nhân chết phải bị vất xuống biển. Còn 17 người khác thấy có chút hy vọng khi thấy được Pulau Bidong.
Trước khi chiếc xuồng máy của cảnh sát tới, họ được cõng xuyên qua núi đến trại, vẫn trong tình trạng mê man không biết gì hết. Trước tình trạng như thế, các bác sĩ trên đảo quyết định đưa ngay họ đến con tàu bệnh viện. Phần lớn nếu không được chữa trị ngay có thể chết không chừng. Người ta đưa họ lên một chiếc tàu của Hội Hồng Thập Tự để chạy ngay đến "Hòn Đảo của Ánh Sáng".
Trên tàu bệnh viện sau một ngày làm việc hơi căng người ta đang tiếp tục vừa đùa giỡn vừa lên chương trình cho ngày hôm sau, có thể là bận rộn hơn từ đây về sau.
Thình lình có tiếng kêu trên bon tàu,và sau đó tiếng kêu lại tiếp tục, khi có người được khiêng lên tàu : thuyền nhân ! thuyền nhân !
Cả thuyền trưởng Herbelin, các bác sĩ và các nhà báo đều đổ xô chạy lên bon tàu. Nhưng chỉ là chiếc tàu của Hồng Thập Tự chở các thuyền nhân đau khổ đến thôi. Một bà còn trẻ trong tình trạng bất tỉnh được một anh trai cõng lên trước trong bóng tối. Mười sáu người tỵ nạn khác đi hàng một tiếp theo như một đoàn người đơn điệu của tử thần.
Các bác sĩ có vẻ quýnh lên. Nhịp độ các thuyền nhân đau khổ phải cứu cấp gần như bất tận. Người ta đưa họ vào các giường, cho nằm xuống và nhờ rọi đèn để tìm gân chích vô nước biển cho từng người. Phải qua 48 tiếng đồng hồ tất cả mới hồi tỉnh lại. Khi đâu đó đã xong xuôi, khi hầm tàu được yên lặng trở lại. chỉ còn những hơi thở đều đặn yên tĩnh của các bệnh nhân, các bác sĩ quá mệt mỏi mới trở về phòng ngủ của mình. Đây là phần thưởng của công việc hằng ngày cũng như của những ngày kế tiếp: con số người được cứu sống  từ tay tử thần và từ sự dửng dưng của thiên hạ.
*
*     *
Trong những ngày kế tiếp, người ta hoàn tất việc đặt các thiết bị y tế trên tàu. Ủy ban trên đảo gởi người tới giúp làm mọi việc cần thiết như : thông ngôn, thợ hàn, thợ mộc v.v.. Những người nầy đến với nụ cười tin tưởng và cởi mở trên môi và bắt tay ngay vào công việc. Cũng có các nữ trợ tá đến giúp bà Guylaine Martin, đang chỉ có một mình làm không hở tay mà không hết việc. Người ta sắp đặt người gác ban ngày và ban đêm, bà Hương thì kiểm điểm thực phẩm các thứ để làm thức ăn , xếp các bàn ăn cho thủy thủ, cho phép mỗi người được lên bờ một lần để liên lạc và cho biết về tình hình của trại tỵ nạn. Thời khắc biểu trong ngày cũng được ấn định nhưng không cứng nhắc lắm.
8 giờ 30 trước khi những người trên đảo đến giúp việc cho con tàu  là các bác sĩ ăn sáng. Người ta bàn thảo về tình trạng các bệnh nhân, công việc cần thi hành gấp, những bài toán cần giải quyết trong ngày và tổ chức khám bệnh.
10.30 khám các bệnh nhân đang được điều trị trên tàu. Các bác sỉ đi qua hết các giường bệnh, khám lại từng trường hợp, từng bệnh nhân đang nằm điều trị, bắt mạch, khám đi khám lại, luôn tươi cười và an ủi từng người, có cả Guylaine đi theo, người có cặp mắt chăm lo mọi thứ ở đây rất chặt chẽ nhưng cũng rất hào phóng. Chỉ trong vài ngày , các bệnh nhân đều tỏ ra hết lòng kính mến và tin cậy qua các câu chuyện trình bày với các bác sĩ về trường hợp của chính mình, về tình trạng khốn quẫn của mình….
Các bác sĩ cũng tiến hành các ca mổ xẻ và phân tích bệnh lý mỗi buổi sáng. Họ cũng gặp rất nhiều khó khăn , vì thiếu chuyên viên. Nhưng cuối cùng các bác sĩ thường vẫn qua được hết, dù có thất bại cũng không nản lòng. Về phần mình anh Jean Claude Sénécchal đang vật lộn với cái máy chiếu điện, một máy loại cũ kỹ, hay hư, không chịu nổi với sức nóng gặp phải ở đây.
Vào buổi trưa, bữa cơm quy tụ hết các  bác sĩ, sĩ quan và nhà báo, đoàn tụ quanh bàn ăn. Mọi người đều biết giữ kỷ luật, không bàn  công việc khi dùng cơm, nhưng thỉnh thoảng có lúc những bài toán về y học cũng được nói tới. Vài ngày sau thì không chịu nổi cái nóng bức nữa nên bàn ăn được dời qua mạn trái trên bon tàu vì ở đây khi có gió thì được mát hơn. Có nhiều người bắt đầu có thói quen sau khi ăn tráng miệng xong thì họ nhảy tùm thẳng xuống biển với nước xanh và ấm áp, từ 12 thước cao ngay từ bàn ăn. Eric Cheysson và nhất là Werner, người  duy nhất với lối nhảy đẹp như một lực sĩ bơi lội lành nghề, là những người nhanh chóng đã trở thành "sư" trong môn nhào lặn nầy. Một trò tiêu khiển rất thú vị làm cho mọi người quên hết những phút lo lắng ưu phiền trong ngày.
Đến 14 giờ, bác sĩ phụ trách công tác khám bệnh của đảo rời khỏi tàu với các anh thợ phải trở về trại bằng ca nô của mình. Cuộc khám bệnh diễn ra trên phòng chửa bệnh nầy có mục đích cùng với các bác sĩ Việt Nam chọn lựa các bệnh nhân cần phải được nhập viện trên chiếc tàu bệnh viện nầy. Chỉ có những trường hợp khẩn cấp mới được đưa trực tiếp và bất cứ lúc nào thẳng lên chiếc "Hòn Đảo của Ánh Sáng"
4 giờ chiều là giờ tái khám cho những bệnh nhân mới, để biết chắc chắn là tất cả công tác ở mọi phòng đều hoàn tất tốt đẹp hết.
Lúc 6 giờ chiều chiếc ca nô con thoi đưa các nhân viên cuối cùng của đảo về Pulau Bidong, coi như đã chấm dứt môt ngày làm việc. Mọi người đều có thể yên lặng dùng cơm tối và giải trí, nghỉ ngơi. Nhưng ít khi buổi chiều hay buổi tối nào lại không bị một ca khẩn cấp hay một trường hợp trầm trọng quấy rầy. Các cô y tá đến đập cửa đánh thức mọi người và Patrick, Pierre hay Eric lại phải mắt nhắm mắt mở tìm đường đi xuống hầm tàu…..
Những ca khẩn cấp thường có hằng ngày, cũng như anh chàng trai trẻ kia với một nếp xương bị gãy bên chân mặt. Lúc đốn cây anh nầy không tính được là mình phải bị té. cũng như một anh khác bị rắn cắn suýt nữa là phải bỏ mạng nếu không được đem đi cấp cứu kịp thời. Công việc của các bác sĩ nói không hết được . Các bệnh đau màng óc, chán nản, lao cấp tính được thấy hằng ngày. Và dĩ nhiên trẻ con là thành phần đáng thương hại nhất  Những thân xác gầy đét hay kiệt lực vì thiếu dinh dưỡng của một số bé con từ 2 hay 3 tuổi thường được các bà mẹ chúng nó vừa khóc sướt mướt vừa bế chúng lên tàu. Đối với những đứa bé nầy đôi khi là quá trể mặc dù có rất nhiều cố gắng tận tình của các bác sĩ . Nhưng thường thì những cố gắng nầy cũng rất thành công. Thí dụ như đối với Vladan, thật vô cùng thỏa mãn khi làm sống lại một lượt cả 3 đứa trẻ mà ông nhớ mãi vì chùng có tên mang biểu tượng mà ông không bao giờ quên được : Biển, Thơ, và Hòa bình….    
Cũng như một ngày nọ, các bác sĩ nghe tin là có không ít thuyền nhân đang sống cô đơn, không còn gì trong tay và đang bị cái chết đe dọa trong một số đảo nhỏ lân cận của Bidong.
Coi như một trường hợp rất thông thường ở đây. Khi mà  các thuyền nhân lên được một bãi hay một cái đảo nào đó dọc theo bờ biển nầy, vốn không nằm trong phạm vi quản lý chánh thức của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và cảnh sát không thể đưa họ trở ra biển được vì họ đã phá hủy tàu thuyền của họ rồi, thì cảnh sát thiết lập chung quanh họ một hàng rào kẽm gai và bắt đầu canh gác nơi đây cho đến khi nào dù sao người ta cũng phải chuyển họ đến trại. Trong số những người nầy, ai còn chút ít vàng thì có thể tìm cách mua được thức ăn nếu có làng mạc gần đó. Trái lại nếu không ai còn gì cả thì họ chỉ sống được với những gì mà Hội Hồng Thập Tự có thể cho họ, mà khổ nỗi Hội nầy không phải ở đâu cũng có. Nếu có ai là người lạ, nhất là nhà báo đến được gần các loại trại bất hợp pháp nầy, thì hãy cẩn thận với luật pháp Mã Lai, phải rời khỏi ngay đây lập tức. Do vậy, những người tỵ nạn nầy đang ở trong một tình thế hết sức nguy kịch, chắc chắn phải có những người  bệnh, những người bị thương đang tuyệt vọng vì ngoài cái đói, khát, họ không biết bao giờ mới được cứu chửa.
Không chần chờ, các bác sĩ với các túi cứu thương, lên ngay xuồng máy do ông Wermer lái, bất kể nguy hiểm luồn lách qua các mỏm đá ngầm còn nhô một ít lên khỏi mặt nước, tìm cách đi đến đó. Nhưng khi vừa đến được hòn đảo đầu tiên là một toán cảnh sát tuần tiễu đã ngăn chận họ ngay, không cho họ tiến tới nữa. Không suy xét gì hết  cảnh sát bắn đe dọa ngay trên đầu các bác sĩ làm cho họ phải quay xuồng máy ngay trở lại, chết lặng người .
Ít lâu sau khi chiếc tàu bệnh viện đến Pulau Bidong nầy, ông Jean Claude Sénéhal là nạn nhân của bệnh sạn thận làm ông ta phải nằm liệt giường giống như các bệnh nhân mà ông đả tận tình săn sóc trước kia vậy. Tuy nhiên biết mình không có bao nhiêu thì giờ ở trên tàu nữa, và cũng không muốn giao nhiệm vụ của mình đã nhận cho người  khác, nên ông vẫn tiếp tục công việc của mình, vẫn đi tới đi lui trên bon tàu, với dụng cụ quay phim truyền hình trên tay  .
Đối với ông Jean Claude Sénéhal cũng như ông Bernard Kouchner, thời gian công tác ở đây còn rất ngắn. Không bao lâu nữa hai ông phải mang về Pháp ngay tất cả hình ảnh nói lên công việc mà chiếc tàu bệnh viện đã thực hiện được tại đây. Tin tức sốt dẻo nầy rất cần thiết để gây cảm xúc về tâm lý cho dư luận quần chúng Pháp. Báo chí chưa thấy nói gì nhiều đến những gì đã xảy ra tại hòn đảo Pulau Bidong nầy cũng như tại các trại tỵ nạn khác. Hoặc là dân chúng Pháp chưa thấy được nhu cầu phải có thêm ngân khoản để tiếp tục công tác từ thiện nầy.
Ngày 27 tháng 4, hai ông về đến Ba lê để tiếp tục nhiệm vụ của họ. Sau đó mới đến lượt các nhà báo trên chiếc tàu bệnh viện nầy phải về, và chừng đó họ mới phổ biến các bài tường thuật, phim ảnh và thông cáo mà họ đã thu thập được và mang theo.
Trong lúc đó công việc trên con tàu bệnh viện vẫn được tiếp tục, cuối cùng rồi các bài toán cũng được giải quyết ổn thỏa. Phương tiện chuyên chở cần thiết hằng ngày giữa hòn đảo và chiếc tàu bệnh viện, chiếc xuồng máy nhỏ không thể thi hành nổi nhiệm vụ con thoi đi đi về về chuyên chở liên tục hằng ngày được nên các bác sĩ được cấp cho một chiếc tàu trong tình trạng thật tốt với một người lái tàu. Tuy nhiên cũng vẫn còn những bài toán khác nữa như các máy phát điện cứ tuần tự hư hỏng hoài. Lý do là không được gìn giữ hay bảo quản đúng mức. Lại không được che mưa thật kỹ cho đúng hướng, nên những cơn mưa đầu tiên làm hỏng các máy phát điện nầy. Tuy các thợ điện cố sức sửa chữa nhưng trong hai tuần lễ, người ta phải làm việc chỉ với một ít điện lực cần thiết mà thôi. Bếp núc, truyền tin và toán phẫu thuật chỉ thay phiên nhau mới có đủ điện xài. Các bộ phận thay thế xin qua Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thì lâu lắm mới nhận được và các máy điều hòa không khí cũng vậy… Công việc của mỗi người vì thế phải bị rối loạn nhưng nhờ khéo tổ chức nên rồi mọi việc đều được sắp xếp và được tiếp tục không mấy trở ngại.….
Vấn đề tiếp tế cho con tàu cũng không đơn giản lắm như người ta vẫn tưởng. Ông Wermer thường xuyên tới lui ra Kuala Trenganu . Nhưng ông không bao giờ có đủ mọi nhu cầu cần thiết. Tất cả những gì có được ở bờ biển không thể cung cấp đủ cho nhu cầu đòi hỏi của các anh nhà bếp nên họ bắt buộc phải chấp nhận những gì họ nhận được mà thôi.
Do vậy mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì lẽ sống của mọi người nên công việc vẫn được tiếp tục.
Nhưng mỗi người đều nhanh chóng nhận ra rằng con tàu chẳng phải chỉ có nhiệm vụ săn sóc cho bệnh nhân. Cụ thể là ngay từ ngày hôm sau, khi con tàu "Hòn Đảo của Ánh Sáng" mới vừa bỏ neo tại đây.  Ngày hôm đó , khi thấy được một chiếc thuyền máy của thuyền nhân đang gặp khó khăn, thì chiếc ca nô của con tàu chạy ngay đến đó, quăng dây thừng cho họ để kéo họ vào đến cầu bến ngay. Không thấy cảnh sát  can thiệp. có lẽ họ làm như không thấy để tránh gây ra xích mích ngoại giao có thể xảy ra sau nầy. Bằng cớ được thấy rõ là sự hiện diện của con tàu với tất cả mọi hành động liên hệ đã làm thay đổi hẳn thái độ của chánh quyền Mã lai trên đảo. Các người tỵ nạn đã được hưởng lợi nhiều hơn và có ít khả năng bị đuổi xô ra biển khi họ đến được bờ biển Mã Lai nầy.
Kể từ ngày hôm đó, từ thuyền trưởng đến thủy thủ đoàn đều quyết định là thường nên đi kèm theo các người tỵ nạn nếu có thể được , khi tàu  thuyền của họ vừa đến bãi, dể giúp họ không bị đối xử tàn tệ, vô nhân đạo như lục soát hay cướp bóc trong lúc kiểm tra….như lúc trước.
Coi như con tàu bệnh viện nầy bắt đầu có một nhiệm vụ khác vậy. Cũng không kém quan trọng, vì hằng ngày đều có những con tàu của thuyền nhân đến đảo. Nhiều chiếc đến cập ngay vào con tàu bệnh viện, vì thấy được lá cớ tam tài của Pháp phất phơ ở lái tàu, có mang ý nghĩa tiếp đón thuyền nhân. Trước khi được cảnh sát đưa vào trại, họ còn có thể nhận được thức ăn và lời an ủi tinh thần. Và khi thấy cảnh sát có vẻ bực bội thì luôn luôn có ông Herbelin mời họ lên bon tàu  uống một ly rượu thông cảm nhằm đánh lạc hướng làm dịu họ ngay.  
Cho nên đối với các thuyền nhân coi như đang bị thế giới bỏ rơi, thì con tàu trắng "Hòn Đảo của Ánh Sáng" nầy trở thành người bạn trung thành của thuyền nhân, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ họ tận tình…..

              Xin đón đọc tiếp " HÒN ĐẢO CỦA RẮN RẾT"

 



Trở về trang đầu          Đón coi trang sau
1