30 tháng 4 năm 1975
Một ngày lịch sử đen tối của thế kỷ 20 , một ngày không bao giờ quên được đối với tất cả đồng bào Miền Nam Việt Nam.
Ngày đó "quân đội nhân dân" Miền Bắc của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (bộ đội Bắc Việt) tiến vào Sai Gon.
Ngày đó coi như cuộc chiến 30 năm chấm dứt, một cuộc chiến dai dẳng mà cộng sản Việt Nam theo đuổi bằng mọi giá, ..... dưới chiêu bài "đánh Pháp giành độc lập", và "chống Mỹ cứu nước" nhằm đuổi họ ra khỏi bán đảo Đông Dương .. bất chấp sự chết chóc, đau thương thống khổ của người dân Việt, để cuối cùng dâng trọn đất nước Việt Nam cho Liên Xô, một pháo đài trung ương của vùng Đông Nam Châu Á .....
Ba tháng cuối cùng của tấn bi kịch lịch sử hiện đại nầy được tác giả Olivier Todd tường thuật đầy đủ một cách sống động và độc giả sẽ nhận diện được từng nhân vật bị lôi cuốn hằng ngày theo biến cố nầy, và từng sự việc có liên quan đến tình hình chánh trị quốc gia và quốc tế.
Ông Olivier Todd, sanh năm 1929 tốt nghiệp đại học Sorbonne (Pháp) và Cambridge, Belligue (Anh) là cộng sự viên của đài BBC, của tuần báo Times, Newsweek (Mỹ), là một phóng viên của tờ Nouvel Observateur (Pháp), là tổng biên tập viên của tờ l'Express (Pháp) và là tác giả của nhiều tiểu thuyết có giá trị như : "L'année du crabe" (Năm con cua) hay "Les canards de Ca Mau" (Vịt Cà Mau) v.v.. Ông là một sử gia hiện đại, một trong rất ít nhà báo Tây Phương may mắn theo dõi sát được cuộc chiến từ Hà Nội, SaiGon đến vùng bưng biền của Việt Cộng. Rất quen thuộc Việt Nam và nhiều thủ đô của các quốc gia khác ông sẽ đưa độc giả đến các chiến trường sôi động như Phước Long, Kontum, Pleiku, Hué, Đà Nẵng, từ các vùng ngoại ô đến trung tâm Sai gon, Washington, Moscou và Paris. ..,; đến gặp tất cả những nhân vật sống, đang hoạt động lúc bấy giờ, từ Nguyễn văn Thiệu đến Gerald Ford, Kissinger, Võ nguyên Giáp, Phạm văn Đồng, Dương văn Minh v.v... , từ các chiến binh đến những nạn nhân đau khổ của chiến cuộc... Và cuối cùng đến thảm trạng ngày 30/4/75...
Do đó "Tháng Tư Nghiệt Ngã" sẽ được xem như một bản tường thuật đầy đủ và chính xác nhất về những ngày khủng khiếp dẫn tới ngày 30/4/75, ngày báo hiệu cho một màn đêm dài vô tận và còn khủng khiếp hơn nữa cho dân tộc Việt Nam.
paris (pháp)
-------------------------------------------------------
lời tựa
Quyển sách nầy mô tả những tấn thảm kịch của loài người , những toan tính ngoại giao, những chiến lược quân sự và những vận dụng chánh trị từ Hà Nội đến Hoa thạnh Đốn xuyên qua Mạc tư Khoa, Balê.. và nhiều thành phố khác, để cuối cùng dẫn đến sự thất thủ của SaiGon ngày 30/4/1975, hai mươi mốt năm sau trận chiến Điện biên Phủ.
Quyển sách nầy tường thuật lại diễn tiến trong 4 tháng đầu của năm 1975 nghiệt ngã.
Thông thường theo ký ức tình cảm của mỗi dân tộc, dưới con mắt lạnh nhạt của sử gia, thì đôi khi chuyện một thành phố bị mất đi hay được chiếm lại trong cuộc chiến .. chỉ là một bóng mờ của một thời gian nào đó thôi. Nhưng khi mà một thành phố được gọi là thủ đô, được xem là trung tâm đầu não cuả hệ thống hành chánh, tài chánh, văn hóa và quân sự mà bị địch chiếm, thì sự chiếm đó có nghĩa là địch đã chiếm được chánh quyền !
Năm 146 trước công nguyên thành phố Corinthe bị mất về tay người La Mã thì tức là nền độc lập của dân tộc Hy Lạp (Grec) không còn nữa...
Nã phá Luân rút quân khỏi Mạc tư Khoa năm 1812 cũng được coi như nước Pháp thất trận.
Nhiều thủ đô đã bị chiếm đóng, như Ba Lê năm 1914 và 1940 mà còn có được những cuộc chiến đấu anh dũng như trận La Marne mới được coi như thành phố đó chỉ bị mất về tay quân thù. Tại Âu Châu, khi người lính của Staline kéo lá cờ đỏ lên Trụ sở Quốc Hội Đức ở Bá Linh, là Tây Âu coi như phải thần phục Đông Âu, cũng như ở Á Châu khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore vậy.
Hơn 10 năm sau khi bị thất thủ, SaiGon được xem là tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử chủ yếu hàng đầu: được sự yểm trợ của Liên Xô, Trung Cộng và các nước cộng sản chư hầu khác, một nước chuyên chính nhỏ bé như Bắc Việt đã buộc một quốc gia dân chủ hùng mạnh như Hoa Kỳ phải tháo chạy, đánh dấu cuộc chiến thắng của một xã hội độc tài khép kín đối với một xã hội tự do cởi mở, một cuộc chiến thắng đối với hệ thống Tự Do Dân Chủ.... Chiến thắng vĩnh viễn ư ? Người ta còn nghi ngờ, nhưng một dẫn chứng lịch sử rất giản dị làm cho người ta phân vân : cho tới giờ nầy khi đã bám trụ được rồi thì người cộng sản chính thống hình như không bao giờ muốn nhả ra nữa.
Đã có nhiều sự lưỡng lự rụt rè và hành động rời rạc từ chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Không có một bình luận nào vô tư hết, mà cũng không thể hoàn toàn thu ngắn từng chữ trong diễn tiến của sự việc được,. Ngay như căn cứ trên tài liệu, nhân chứng, phúc trình, công điện, hay những bản tường trình của phóng viên, các bài phóng sự truyền thanh, phim ảnh, thư từ, báo chí..., một nhà báo đang góp nhặt sự việc trong ngày hay một sử gia đang gom góp từng sự kiện trong năm cũng không ai có thể bỏ qua tính cách chủ quan được khi phải chọn lọc và sấp xếp các sự kiện lại để viết sử cho Lịch Sử. Điều nầy hoàn toàn không có nghĩa là không "vô tư hay chủ quan".
Cuộc vận động trên báo chí và phương thức viết sử chính yếu không khác nhau mấy. Người viết sử có không gian và có thời gian rộng rãi , còn người làm báo thì có thể dựa trên những câu hỏi của người trong cuộc, cùng thời với mình. Cả hai người đều phải làm việc với sự nhạy bén của mình, một sự nhạy bén mà họ cần phải có, phải biết và phải kiểm soát được.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại muốn thấy và nhìn lại hằng loạt biến cố hỗn tạp của năm 75 nầy?
Tôi đã theo sát cuộc chiến nầy từ năm 1965 cho đến năm 1973. Như các bạn tôi, hơn mọi cuộc chiến khác, cuộc chiến nầy đánh mạnh vào tâm tư của tôi, với tất cả ý nghĩa của nó. Mặc dầu có đặc quyền ưu đãi của một nhà báo, tôi xin chiếu khán vào Hà Nội rất khó khăn, trái lại với SaiGon thì rất dễ dàng và nhất là tôi và ông bạn Ron Moreau phóng viên của tờ Newsweek tại SaiGon, năm 1973 chúng tôi đã vào được vùng đất của Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ở Cà Mau.
Chúng tôi không thông báo trước , không được hướng dẫn viên đưa đi. Ron Moreau nói thạo tiếng Việt đến độ biết chơi chữ để làm vui các chiến binh Việt Cộng, phần tôi thì biết nói tiếng Miền Bắc: chúng tôi làm việc chung với nhau.
Quan điểm của tôi về cuộc chiến thay đổi tận gốc. Những sự bực bội của tôi từ những lần viếng thăm Miền Bắc năm trước đã bùng lên dữ dội như chất hóa học. Tôi rời khỏi Việt Nam, tin chắc là tôi đã bị gạt: với một vài dè dặt nào đó tôi đã bênh vực cho cái gọi là "phong trào giải phóng quốc gia" với mục tiêu giai đoạn gọi là chiến đấu chống đế quốc thực dân xâm lược. Sau đó tôi khám phá hơi trễ là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là cánh tay của chánh phủ cộng sản Miền Bắc được trang bị và nhồi nhét ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Có thể một phần nào đó tôi là một nạn nhân của cái mà Jean Francois Revel gọi là :sự cám dỗ của vấn đề" Để giải thích cho Edgae Morin, dù muốn dù không tôi đã tranh đấu để đến ở SaiGon, một thể chế mà chúng tôi đã từng có lần lên án tại Prague (Tiệp Khắc) và Budapest (Hung gia Lợi). Xuyên qua cảm tình của chúng tôi đối với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước kia và Hà Nội sau đó , chúng tôi đã gần như rơi vào cánh tả không cộng sản một cách dại dột và mù quáng. Sự nhận xét của chúng tôi về thể chế cộng sản mà trước tiên là Bắc Việt suýt chút nữa chúng tôi đã coi họ là thiên thần. Sự hoan ngênh của chúng tôi về các chế độ chống cộng, và trước hết là chế độ của chánh phủ Miền Nam Việt Nam xoay qua thành một điều quỉ quái. Chúng tôi không coi Hồ chí Minh là thiên thần mà cũng không coi Nguyễn văn Thiệu là Ác Quỉ. Chúng tôi chỉ mơ về một "chủ nghĩa xã hội có nhân tính" ở vùng Đông Nam Á.
Và còn không ít người đang mơ ước hão huyền như vậy .
Với hai chữ Việt Nam, có nhiều hình ảnh và nhiều khuôn mặt hiện trở lại trong trí tôi, hết sức lộn xộn.
- Đây là một sĩ quan Hoa Kỳ trên núi Bà Đen, chỉ huy một đơn vị lính đánh thuê người Cam Bốt; đây là anh Nguyễn Minh, thông dịch viên của tôi ở Hà Nội , lần đầu tiên tôi đến thủ đô khốn khổ của Miền Bắc, anh Minh giúp Gerard Chaliand và tôi qua khỏi khó khăn trên Quốc lộ 1, lúc các oanh tạc chiến đấu cơ Mỹ đang có mặt trên không phận; kia là ông Thiệu tươi cười sáng lạng đang dùng máy Polaroid chụp ảnh cho tôi tại Dinh Độc Lập... - - Rồi đây là những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến, những thương binh của Nam Việt Nam ở Đà Nẵng, của Bắc Việt Nam ở Phát Diệm... Giáo sĩ tiến bộ bên này, giáo sĩ tạp giáo bên kia... chỗ nào cũng toàn là trẻ mồ côi, thiếu tình thương, lắc lư liên tục từ trái qua phải mà triệu chứng thì các nhi khoa Bắc sỉ đều biết rõ cả rồi; nọ là binh sĩ hai Bên, bụng thì lo sợ mà mặt thì vẫn thản nhiên, nhìn chung là gan lì...; đây là những bữa cơm nóng hổi chia xẻ với binh sỉ Hoa Kỳ hoặc Nam Việt Nam , với cán binh Bắc Việt hay Việt Cộng .. người này mời thuốc đầu lọc Winston, người kia mời thuốc lá Điện biên Phủ, và đây là Phạm văn Đồng, lãnh chúa "vĩ đại" mở miệng ra là gọi anh là "bạn thân" theo giọng điệu của chánh phủ Pháp... còn kia là những người dân quê và dân thành thị, tất cả đều mong chờ "hòa bình" nhưng không phải một nền "hòa bình" như lãnh đạo của họ thường quan niệm.
Ôi êm đẹp làm sao những buổi chiều, hay buổi sáng sớm êm ả ở Miền Bắc hay Miền Nam trong thời gian ngưng tiếng súng... Đây là chánh khách Tôn thất Thiện với những bài bình luận trầm tĩnh và những con cá nhiệt đới của ông..., Kia là nhà lý luận Nguyễn khắc Viện đang nhồi sọ các khách du lịch ở Hà Nội ...,Cả hai ông, người nào cũng thông thạo tiếng Pháp.....
Độc giả sẽ gặp lại trong quyển sách nầy một số nhân vật mà tôi không quên được vì họ vốn là "con người" . Tôi không hạ thấp người Miền Bắc dù nhiệm vụ và tầm vóc của họ chỉ là thuộc những con rối không hồn và cũng không có nhân cách. Nhưng phải công nhận là họ có một ý chí cao độ, nhưng tự tôn tự đại, một loại anh hùng tính đến khó tả được và không cần biết gì đến thế giới bên ngoài, nhất là dư luận..
Một mặt, nguyên tắc "chỉ huy tập thể" của cộng sản Hà Nội trong mọi hoạt động, như một con quái vật lạnh lùng từ đầu đến chân, theo công thức của Clausewictz chế ngự ba mặt trận ngoại giao, chánh trị và quân sự.
Mặt khác, ở SaiGon, người ta nhận thấy sự hỗn tạp của một chế độ mất quân bình, mồ côi.. ở đó những nhân vật chủ chốt đôi khi cảm động vì vô ý thức, nên thuờng bị rơi vào vô số cạm bẫy của những mưu mô chánh trị hay xảo thuật hành văn trong các văn bản hành chánh của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Người ta ngạc nhiên với những sự tiết lộ của một số phiên họp lúc nào cũng mật kín của hệ thống dân sự hay quân sự của Hà Nội. Những cuộc thảo luận, những quyết nghị, những bất đồng... đều do tác giả cộng sản tiết lộ, nhất là từ các tướng lãnh Bắc Việt như Văn tiến Dũng và Trần văn Trà. Khi họ gở được " cái lưỡi cây" ra khỏi miệng thì tha hồ mà họ ăn nói, đôi khi cũng rất thành thật và còn khôi hài nữa, ít nhất là trước quần chúng hay trong các tác phẩm được họ viết và xuất bản.
Những người cộng sản Việt Nam đang làm việc tại Hà Nội hoặc ở các tòa đại sứ, cũng giúp cho tôi tin tức. Tôi thường nói rõ các "nguồn tin" mà tôi có được. Một số "nguồn tin" muốn tôi dấu tên giùm họ, vì họ sợ gia đình của họ bị trả thù, trong số nầy có vài người Ba lan, người Mỹ và người Pháp và những người khác cũng vậy : thận trọng, khiêm nhường, thích dấu tên vì an toàn nghề nghiệp ....
Về tên tuổi, dù muốn tránh bị đụng chạm theo phong tục của người Á Đông, tôi cũng cố gắng để không quá cứng ngắt. Chúng tôi nói Thiệu, Minh Dương, Phạm văn Đồng, Hồ chí Minh. Theo người Việt Nam nếu viết trọn thì tên là chữ sau cùng: Thiệu, Minh, Đồng đều là tên. Khi người ta nói Thiệu thì cũng như người ta viết Charles để nói về tướng De Gaulle, hoặc Margaret là để chỉ cho bà Margaret Thatcher.
Một khó khăn nữa cho mắt và tai của người Á Đông: ở Việt Nam Họ và Tên không có nhiều. Ở chỗ nầy người ta gặp ông Nguyễn cao Kỳ, tư lệnh không quân Miền Nam Việt Nam, ở chỗ khác một anh Nguyễn Kỳ, tù nhân chánh trị ở Miền Bắc . Do đó tôi chỉ dùng tên cho độc giả dễ xem. Khi một nhân vật xuất hiện lần đầu tiên tôi dùng nguyên tên họ như : Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, sau đó tôi chỉ dùng tên :Viên. Độc giả Việt Nam cũng hiểu là tôi không biết dùng 5 dấu trong tiếng Việt, nếu dùng thì chỉ làm trò cười thôi.
Một mong ước: xin độc giả của quyển sách nầy, dù đứng ở phía hữu hay phía tả, hay ở bất cứ phía nào khác, nếu được hỏi về thái độ, về quan điểm của ngày hôm qua hay của ngày hôm nay đối với Việt Nam, xin đừng có thái độ gần như muốn quên lãng. Trừ trường hợp khi một chiếc thuyền chở đầy người vượt biển tìm gặp được một hải cảng hay một chiếc tàu nào đó, chịu nhận cưu mang những người khách đáng khâm phục nầy. Ai có thể đánh giá trước một lương tâm hoàn toàn tốt ? Khi đọc lại một vài bài trong các báo bảo thủ năm 1975 chính tác giả cũng phải sửng sờ. Người ta gặp những người chống Mỹ khắp nơi .
Đối với cuộc chiến ở Tây ban Nha, Malraux đã viết là cộng sản ủng hộ người cộng sản và phát xít ủng hộ tướng phát xít Franco, nhưng những thể chế dân chủ không giúp gì cho những người dân chủ hết. Những người dân chủ ở châu Âu quên những người dân chủ ở Việt Nam. Người ta không bao giờ thấy có phát xít ở Nam Việt Nam. Người phương Tây không có gì khác hơn trong đầu họ ngoài những hình ảnh của người Âu Châu . không có hình ảnh nào về chánh phủ dân chủ nửa vời của SaiGon.
Sự kiện SaiGon bị thất thủ không hẳn là một bài học mẫu nhưng vẫn là một tấm gương sáng cho mọi người !
Olivier Todd